Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu

Rừng xà nu là truyện ngắn mang đậm cảm hứng sử thi của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Để hiểu hơn về hiện thực đau khổ, tinh thần, ý chí chiến đấu mạnh mẽ của người dân Việt Nam trước áp bức, đô hộ, các em hãy cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu dưới đây của chúng tôi.

Đề bài: Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich cam hung su thi trong rung xa nu

Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành


I. Dàn ý Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề, giới thiệu tác giả và tác phẩm Rừng xà nu
- Nêu vấn đề cần nghị luận: Cảm hứng sử thi

2. Thân bài

a) Khái quát chung về cảm hứng sử thi
- Nội dung:
+ Phản ánh những sự kiện mang tính chất trọng đại, có tính cộng đồng toàn dân tộc, có quy mô hoành tráng
+ Ca ngợi những người anh hùng có sức mạnh thần kì, mang những phẩm chất tốt đẹp cũng như khát vọng của toàn dân tộc
- Nghệ thuật: 
+ Hệ thống ngôn từ độc đáo, mang tính biểu tượng
+ Bút pháp sử thi đặc sắc

b) Cảm hứng sử thi trong tác phẩm Rừng xà nu
* Đề tài: Chiến tranh vệ quốc
* Hoàn cảnh sáng tác đặc biệt: 
- Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu năm 1965, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của quân dân ta...(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành đầy đủ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Trong giai đoạn lịch sử 1945 - 1975 hào hùng, nền văn học Việt Nam đã tiếp nhận biết bao tác phẩm văn học Cách mạng ra đời. Các tác phẩm này không chỉ ca ngợi lòng yêu nước mà còn kể về những sự mất mát, hy sinh cũng như tinh thần bất khuất của quân và dân Việt Nam ta trong hai cuộc kháng chiến gian khổ. Có thể kể tới các tác phẩm nổi tiếng giai đoạn này như Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng, Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi, Người mẹ cầm súng, Hòn đất - Anh Đức, ... Và không thể không kể đến tác phẩm Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm viết về mảnh đất và con người đất Tây Nguyên. Mảnh đất và con người nơi ấy là nguồn cảm hứng giúp Nguyễn Trung Thành hoàn thành một tác phẩm xuất sắc với cảm hứng sử thi dạt dào trong từng câu chữ. Nó đã tạo nên được một màu sắc rất riêng trong số các tác phẩm văn học cùng thời bấy giờ.

Nói tới sử thi, người ta thường nói tới những câu chuyện tự sự mang tính cộng đồng, có quy mô hoành tráng, miêu tả những sự kiện có tính toàn dân tộc, trọng đại, ảnh hưởng tới tính sống còn của một đất nước. Nó cũng ca ngợi những người anh hùng có sức mạnh thần kì, mang những phẩm chất tốt đẹp cũng như khát vọng của toàn dân tộc. Bằng ngôn từ độc đáo, mang đầy tính biểu tượng, sự hùng tráng, tráng lệ, mỗi cuốn sử thi được viết lên bằng niềm kiêu hãnh, niềm tự hào của mỗi dân tộc. Và truyện ngắn Rừng xà nu cũng vậy, nó cũng được viết bằng niềm tự hào tự tôn dân tộc trên nền sử thi hùng tráng của núi rừng Tây Nguyên. Vậy nên, âm hưởng sử thi ấy đã in thật đậm trong từng câu chữ của Rừng xà nu.

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành kể về cuộc đời của chàng trai Tnú - một người con của làng Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên. Chàng trai ấy cùng người dân làng mình đã đứng lên chống lại giặc Mỹ bằng những vũ khí thô sơ nhất, bằng tinh thần quả cảm, gan dạ và tình yêu nước nồng nàn nhất. Truyện được viết với không gian là núi rừng Tây Nguyên với nhân vật là những người dân tộc chất phác, hiền lành, chính vì vậy, bao trùm lấy nó là cảm hứng sử thi bất tận. Chúng ta đã từng biết đến một Đăm Săn trong Sử thi Đăm Săn, thì nay chúng ta lại có thể được thưởng thức trọn vẹn cái âm hưởng sử thi ấy trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành với nhân vật Tnú.

Với tác phẩm này, ngay từ những trang đầu giới thiệu, người đọc chúng ta cũng có thể thấy được ngay cái chất sử thi được thể hiện thật rõ qua hoàn cảnh sáng tác cũng như đề tài mà Nguyễn Trung Thành chọn để viết lên tác phẩm. Bởi Rừng xà nu được viết năm 1965 và được in trong tập truyện ngắn "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc". Truyện ngắn được viết lên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của quân và dân ta với giặc Mỹ. Đó là thời điểm khi đế quốc Mỹ đang tiến công mạnh mẽ đánh chiếm miền Nam Việt Nam đồng thời cho quân đánh phá miền Bắc còn cả đất nước ta đang sục sôi tinh thần đoàn kết đứng lên để chống lại chúng. Mượn hình ảnh làng Xô Man - một làng của người dân tộc thiểu số, Nguyễn Trung Thành muốn đề cập đến tình trạng của đất nước - những ngày tháng đen tối của dân tộc ta, và để thoát khỏi nỗi đau khổ đó, chỉ có một cách là vùng lên đánh đuổi kẻ thù. Có thể nói, đây là một sự kiện toàn dân, có ảnh hưởng đến toàn dân tộc, một bước ngoặt vô cùng trọng đại của nước ta, mang tính sống còn. Vậy nên, khi một tác phẩm văn học ra đời trong giai đoạn này, chính bản thân nó đã mang cái không khí sử thi hào hùng của dân tộc.

Bước vào những dòng đầu tiên của Rừng xà nu, mở ra trước mắt chúng ta là một không gian với bức tranh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và tráng lệ, nên thơ của núi rừng Tây Nguyên. Chính bức tranh ấy đã tạo nên một chất sử thi rất riêng của Rừng xà nu. Bức tranh ấy được vẽ lên bởi những cánh rừng xà nu rộng mênh mông bát ngát "hút tận chân trời". Hình ảnh của rừng xà nu trong truyện được tác giả lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Một cánh rừng xà nu "nằm ngay trong tầm ngắm đại bác của đồn giặc" thế nhưng lại vô cùng kiên cường, với sức sống mãnh liệt. Sự hung bạo, độc ác của giặc Mỹ đã khiến cánh rừng chịu đựng những tổn thất nặng nề "không cây nào là không bị thương". Những cây xà nu cứ thi nhau ngã xuống trước làn mưa bom đạn của kẻ thù, chúng bị "phạt ngang cây", "đổ rạp xuống", tuôn "nhựa ứa tràn trề". Bị thương đau đớn là vậy nhưng xà nu lại có một sức sống mãnh liệt đến kinh ngạc. Một cây ngã xuống thì "đã có bốn năm cây con mọc lên", chưa từng có loài cây nào trong rừng có sức sống mạnh mẽ như xà nu cả: "Trong rừng, ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên", "Quanh đó, vô số những cây con mọc lên", ... Thế nhưng dù bị thương, bị ngã, bị đau đớn thế nào, thì chúng vẫn luôn "ưỡn tấm ngực lớn để bảo vệ ngôi làng".

Tác giả đã mở đầu bức tranh thiên nhiên ấy là cánh rừng xà nu "đứng trên rừng xà nu ấy trông ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới tận chân trời" và kết thúc câu chuyện, cánh rừng xà nu vẫn hiện lên mênh mông trước mắt chúng ta "đến hút tận chân trời". Qua đó mới thấy được, xà nu của núi rừng Tây Nguyên có sức sống mạnh mẽ tới nhường nào. Hình ảnh của cây xà nu cũng chính là hình ảnh của những người con làng Xô man, của đất nước Việt Nam. Bởi họ chính là những con người phải hứng chịu những đau thương, những tổn thất của chiến tranh, thế nhưng, họ vẫn luôn mạnh mẽ, mãnh liệt mà sống dậy vùng lên. Không có một khẩu súng, đại bác hay lưỡi lê nào có thể khuất phục được họ cả.

Không chỉ là một loài cây có sức sống mạnh mẽ, xà nu còn là loài cây ham ánh sáng vô cùng. Ánh sáng ấy là thứ ánh sáng của mặt trời, của tự do, vậy nên, những cây xà nu "phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp". Nó tiếp nhận thứ ánh nắng vàng ươm của đất trời và luôn luôn cố gắng vươn mình lên thật nhanh để đón lấy thứ ánh nắng đó. Chúng vẫn luôn vững vàng như thế bao đời để bảo vệ con người, bảo vệ những thế hệ người dân làng Xô Man.

Hình ảnh rừng xà nu hiện lên thật tráng lệ với sức sống thật mãnh liệt. Không gian hùng vĩ và nên thơ ấy đã tạo nên cảm hứng sử thi ngay từ những trang truyện đầu tiên. Có thể nói, rừng xà nu kia chính là biểu tượng cho con người của Tây Nguyên, của Việt Nam, họ luôn bất khuất trước kẻ thù, luôn mạnh mẽ vùng lên dù có chịu bao nhiêu thương đau để giành lấy tự do, đón lấy ánh sáng của Cách mạng như Tố Hữu từng nói:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim".

Hình ảnh thứ hai trong truyện mang đậm chất sử thi đó là hình tượng người anh hùng Tnú - một người anh hùng trong con mắt của người dân làng Xô Man. Cuộc đời của Tnú được tác giả mượn lời của cụ Mết - già làng kể lại. Đó là một cuộc đời với những đau khổ bất hạnh triền miên. Từ nhỏ Tnú đã mồ côi, được dân làng Xô man nuôi dạy. Đến khi trưởng thành, lấy vợ, sinh con lại bị giặc giết chết vợ con. Có thể nói cuộc đời anh là một chuỗi những bi kịch đau khổ, là những bất công liên tiếp. Thế nhưng, anh đã vượt lên trên tất cả đau khổ ấy, đi theo ánh sáng lý tưởng Cách mạng và trở thành người con ưu tú của làng Xô Man.

Tnú - hình tượng người anh hùng sử thi, anh chính là người mang số phận của cả cộng đồng. Bởi vì chính anh là nạn nhân, là người trực tiếp chịu đựng những nỗi tổn thương do kẻ thù gây ra. Ngày nhỏ, Tnú là một đứa trẻ mồ côi, được dân làng nuôi dạy, lớn lên đến tuổi kết hôn, Tnú lấy Mai - người bạn thanh mai trúc mã và họ đã có được với nhau một đứa con. Những tưởng Tnú đã có được bình yên, hạnh phúc cho đến khi giặc Mỹ đến và xâm chiếm núi nước của người dân Xô Man. Chính sự tàn ác của giặc Mỹ, của kẻ thù đã cướp mất của anh những người thân quan trọng nhất của cuộc đời anh. Chúng đã giết chết vợ và con trai mới lọt lòng của anh chỉ vì muốn bắt sống "thằng mọi cộng sản" là anh. Không chỉ thế, bắt được anh rồi, chúng còn nhẫn tâm đốt cụt mười đầu ngón tay anh bằng nhựa xà nu "mười đầu ngón tay anh cháy rực". Tnú chính là nạn nhân trực tiếp của sự tàn ác kẻ thù, là hiện thân cho những nỗi mất mát đau đớn nhất của người dân Việt Nam trước chiến tranh và những hành động tàn nhẫn của giặc Mỹ. Và có lẽ đó cũng chính là lý do mà anh quyết tâm vùng lên chống lại những kẻ độc ác man rợ đó để đền nợ nước, trả thù nhà.

Không chỉ là người anh hùng mang số phận của quê hương, anh còn là hiện thân của một người con mang lý tưởng của đất nước. Bởi ngay từ nhỏ, anh đã băng rừng vượt suối, không quản ngại nguy hiểm mà nuôi giấu cán bộ trong rừng để rồi sau này tiếp nối trở thành một liên lạc viên, trở thành một người cộng sản. Cho đến khi anh bị giặc bắt và phải chịu hơn ba năm đày đọa ngục tù. Không chịu khuất phục, anh đã vượt ngục trở về, lãnh đạo người dân làng Xô Man làm Cách mạng. Và đến cuối cùng, dù vợ con bị giặc giết, bàn tay bị giặc đốt cụt "chỉ còn hai ngón", nhưng anh vẫn luôn hướng tới lý tưởng Cách mạng. Dù trong khi tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc", anh cũng chỉ nghĩ tới "mình sẽ chết nhưng ai sẽ thay mình lãnh đạo dân làng" mà không hề lo sợ tới tính mạng của bản thân. Có thể nói, anh chính là hiện thân của lý tưởng dân tộc, quê hương đất nước, quyết tâm đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

Hơn thế nữa, hình tượng Tnú được xây dựng trên nền cảm hứng sử thi, vậy nên, anh mang những phẩm chất vô cùng tiêu biểu của con người Tây Nguyên. Mà nổi bất nhất trong những phẩm chất ấy là sự gan dạ, dũng cảm, quyết đoán hơn người. Ngay từ nhỏ, Tnú đã băng rừng, mang gạo đi nuôi giấu cán bộ Cách mạng. Kể cả khi giặc khủng bố gắt gao, chúng ra lệnh chặt đầu anh Xút, bà Nhan để thị uy nhưng cũng không làm Tnú run sợ. Anh luôn cùng Mai băng rừng, cùng nuôi giấu cán bộ. Đến khi trở thành giao liên, những lần làm nhiệm vụ, Tnú luôn "xé rừng mà đi", hay "lựa chỗ nước sâu" mà tiến qua quân thù. Chẳng một lần nào anh run sợ trước chúng, kể cả khi "họng súng lạnh ngắt kề vào gáy" rồi bị bắt giam. Bị bắt vào ngục, anh vượt ngục trở về, lãnh đạo dân làng nổi dậy. Không một nỗi sợ hãi nào có thể khuất phục được ý chí, lòng dũng cảm của Tnú. Khi bị thằng Dục đốt mười đầu ngón tay, anh cũng không hề kêu van "người làm Cách mạng không thèm kêu van". Anh chính là người anh hùng dũng cảm nhất của làng Xô Man.

Anh cũng là một người vô cùng yêu quê hương. Chính lòng yêu quê hương, yêu đồng bào đã khiến anh trở thành một người cán bộ Cách mạng, người giao liên dũng cảm đứng lên bảo vệ dân làng. Còn đối với gia đình, anh là một người rất yêu thương vợ con của mình. Khi thấy Mai và con bị đánh, Tnú đã "nhảy xổ" vào thằng lính để bảo vệ, cứu lấy vợ con mình. Người anh hùng Tnú là một hình tượng được dựng lên trên chất liệu sử thi. Chất liệu ấy đã làm nên một người anh hùng Tnú rất riêng, rất đặc biệt. Ở anh, người ta thấy đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của cộng đồng, của dân tộc. Đó chính là nét đặc sắc riêng của người anh hùng núi rừng Tây Nguyên.

Ở Rừng xà nu, tác giả không chỉ khắc họa riêng nhân vật trung tâm Tnú mà ông còn để tâm khắc họa con người trong cộng đồng làng Xô Man. Đó chính là tinh thần tập thể, tinh thần cộng đồng - cái tạo nên một phần cảm hứng sử thi của tác phẩm. Nguyễn Trung Thành đã khắc họa cụ Mết, Dít, bé Heng - những thế hệ kế tiếp nhau trong cộng đồng của ngôi làng. Cụ Mết - một già làng, người đã truyền dạy cho con cháu tinh thần yêu nước, tinh thần Cách mạng, là người thuộc lớp người đi trước. Chính cụ đã tiếp lửa cho các thế hệ tiếp theo của làng Xô Man "Đảng còn thì núi nước này còn" và dẫn dắt người dân làng Xô Man đứng lên chống lại quân thù "chúng nó cầm súng thì mình cầm giáo". Nhân vật thứ hai trong cộng đồng được nhắc tới là Dít - cô bí thư chi bộ của làng. Cô là lớp thanh niên kế cận, tiếp nối con đường Cách mạng của cả ngôi làng Xô man, là nòng cốt trong cuộc kháng chiến. Cô vốn cũng là nạn nhân của chiến tranh, bị giặc Mỹ cướp mất mẹ, mất chị, mất cháu, lại còn bị chúng đe dọa, tra tấn. Thế nhưng, Dít đã biến nỗi đau thương thành hành động, đứng lên kháng chiến chống lại kẻ thù. Và chúng ta, hẳn ai cũng luôn ấn tượng về cô bí thư ấy với đôi mắt luôn "mở to bình thản". Lớp nhân vật cuối cùng đại diện cho cộng đồng làng Xô Man là bé Heng. Tuy mới chỉ là một cậu bé với "chiếc áo bà ba dài phết mông, vẫn đóng khố", thế nhưng Heng đã ý thức được tinh thần Cách mạng "đầu đội sụp cái mũ xin được của anh giải phóng quân nào đó, cây súng đeo chéo lưng", trở thành liên lạc, kế tiếp công việc của Tnú ngày nào. Cuối cùng, hình ảnh mang tính tập thể cao nhất, thể hiện tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng đó là khi cả làng tụ tập nhau ở nhà cụ Mết, nghe cụ kể về cuộc đời của Tnú: "Cơm nước xong, từ phía nhà ưng, có ai đấy đánh lên một hồi mõ dài ba tiếng. Dân làng lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết".

Tác giả Nguyễn Trung Thành đã khắc họa không chỉ một hình tượng anh hùng mà là cả một tập thể anh hùng. Nó mang tính cộng đồng sâu sắc, mang chất riêng đặc biệt chỉ có ở sử thi. Tập thể ấy hiện lên mỗi người đều toát lên những sức mạnh phi thường, những nỗi căm hận giặc Mỹ và sức sống mãnh liệt. Cái sức sống ấy cứ truyền từ đời này tới đời khác để họ đứng lên chống lại kẻ thù như những cây xà nu trong rừng, cứ vươn lên thật mạnh mẽ, dù có hy sinh, mất mát chứ vĩnh viễn không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Cuối cùng là cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu còn được Nguyễn Trung Thành đưa vào trong nghệ thuật của tác phẩm. Đó là một giọng điệu kể chuyện đầy hào hùng cùng các biện pháp nghệ thuật đặc tả của chất liệu sử thi. Về giọng điệu, ta thấy giọng kể trong Rừng xà nu mang tính trang trọng, hào hùng, tráng lệ. Mỗi lời đều là lời ngợi ca người anh hùng Tnú cũng như người dân làng Xô Man nhưng cũng không kém phần lãng mạn khi miêu tả về khung cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên. Cùng với đó là các biện pháp đặc tả như cường điệu, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, ... cũng làm nổi bật cảm hứng sử thi trong truyện. Đặc biệt nghệ thuật đầu cuối tương ứng khi Nguyễn Trung Thành dùng nó để nói về cánh rừng xà nu. Mở đầu là cánh rừng xà nu bất tận "nối nhau đến tận chân trời", kết lại cũng là rừng xà nu ấy. Nó như bản hùng ca, bản sử thi mang đậm chất Tây Nguyên.

Nguyễn Trung Thành đã dựng lên một tác phẩm mang đậm tính sử thi bởi nó được viết lên trong khung cảnh hào hùng khi đất nước đang cùng nhau đứng lên chống lại giặc Mỹ, bởi nó đã dựng lên một hình tượng người anh hùng cao lớn, mang tầm vóc của cả quê hương. Không chỉ thế, ông còn làm không khí cũng như khung cảnh trong truyện trở lên hào hùng, trang trọng biết bao

Rừng xà nu đã tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống lại quân thù. Tác giả Nguyễn Trung Thành đã rất thành công khi dựng lên những hình tượng người anh hùng, cũng như thiên nhiên thật lớn lao, hùng vĩ, mang đậm cảm hứng sử thi anh hùng của núi rừng Tây Nguyên . Có thể nói tác phẩm này là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của khuynh hướng sử thi trong giai đoạn 1945- 1975.

--------------------- HẾT---------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-cam-hung-su-thi-trong-rung-xa-nu-46582n.aspx
Có thể nói Rừng xà nu là bản hùng ca mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến đấu chống thực dân Mỹ của đồng bào Tây Nguyên. Cùng với việc phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu, để hiểu rõ hơn về nội dung tác phẩm, các em có thể tìm hiểu thêm các bài văn Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu, Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong tác phẩm Rừng xà nu, Phân tích hình tượng cây xà nu trong Rừng xà nu, Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Rừng xà nu.

Tác giả: Ngọc Trinh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu
Phân tích hình tượng cây xà nu trong Rừng xà nu
Dàn ý phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình
Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu
Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu
Từ khoá liên quan:

phan tich cam hung su thi trong rung xa nu

, Phan tich tinh su thi trong rung xa nu, dan y phan tich tinh su thi cua rung xa nu,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu

    Văn tham khảo lớp 12

    Có thể nhận thấy rõ nét cây xà nu trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là hình ảnh đầy ấn tượng xuyên suốt trong truyện ngắn, cùng tham khảo bài Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu chi tiết dướ ...

Tin Mới