Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương

“Nói với con” là khúc ca vừa nhẹ nhàng, ấm áp vừa tha thiết, chân thành về tình cảm cha con. Những bài phân tích bài thơ Nói với con dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được tình cảm gia đình sâu sắc qua lời người cha nói với con, cùng với đó là niềm tự hào của người cha về truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc mình.

Đề bài: Em hãy Phân tích bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3

phan tich bai tho noi voi con

Phân tích bài thơ Nói với con

I. Dàn ý Phân tích bài thơ Nói với con (Chuẩn)

1. Mở bài

- Sơ lược về tác giả và phong cách sáng tác.
- Giới thiệu tác phẩm.

2. Thân bài:

a. Lời gợi nhắc về tình cảm đùm bọc, che chở, yêu thương đầy ấm áp của gia đình, cộng đồng dân tộc và quê hương đối với mỗi con người.
* Trong gia đình “ Chân phải...tiếng cười”:
- Mở ra quá trình sinh trưởng của đứa con trong vòng tay yêu thương của gia đình, gợi liên tưởng đến một mái ấm vô cùng hạnh phúc, những niềm hạnh phúc dẫu giản đơn nhưng là quý giá vô cùng.
- Người cha còn muốn nhắn nhủ với đứa con bé bỏng của mình về công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, con cái chính là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho cha mẹ, là niềm tin, niềm hy vọng để cha mẹ phấn đấu trong suốt cuộc đời. 

* Trong không gian làng, bản quê hương: “Người đồng mình...cho những tấm lòng”:
- Gợi ra vẻ đẹp của “người đồng mình” trong công cuộc lao động là sự khéo léo, tài hoa; trong nền nếp văn hóa là sự yêu đời, yêu cuộc sống, chân phương giản dị, thấm đẫm trong không gian sinh hoạt làng bản...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài thơ Nói với con tại đây.
 

II. Bài văn mẫu  Phân tích bài thơ Nói với con


1. Phân tích bài thơ Nói với con, mẫu số 1 (Chuẩn):

Y Phương sinh ngày 24/12/1948, tên thật là Hứa Vĩnh Sước, là người dân tộc Tày, quê ở vùng rẻo cao Trùng Khánh, Cao Bằng, từng là lính đặc công trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông là một trong những nhà thơ dân tộc nổi tiếng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, được mệnh danh là “cánh chim đại bàng của khắp miền rẻo cao phía Bắc Tổ quốc”.  Y Phương nổi tiếng với giọng thơ hồn nhiên, mộc mạc, trong sáng và mạnh mẽ mang đậm chất thổ cẩm dân tộc vùng miền núi phía Bắc với cách tư duy giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa. Trong đó Y Phương nổi tiếng nhất là bài thơ Nói với con, một tác phẩm mang đầy đủ những đặc điểm thơ của nhà thơ mà nhà báo Vũ Bình Lục đã có những lời nhận xét rất tâm đắc rằng:“Nói với con, trò chuyện với con, dặn con…là đề tài thường thấy trong thơ ca nhân loại nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, có sự khác nhau là ở phương thức thể hiện, ở giọng điệu, ở tài năng…Y Phương, nhà thơ dân tộc ít người miền núi phía Bắc là một giọng điệu riêng, khá nhiều ấn tượng”. 

Bằng giọng điệu, tâm tình yêu thương nhà thơ đã mở đầu cuộc nói chuyện với đứa con của mình bằng những lời gợi nhắc về tình cảm đùm bọc, che chở, yêu thương đầy ấm áp của gia đình, cộng đồng dân tộc và quê hương đối với mỗi con người. 

“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

Trong bốn câu thơ trên, người cha đang mở ra quá trình sinh trưởng của đứa con trong vòng tay yêu thương của gia đình, gợi ra hình ảnh đứa bé nhỏ ngây thơ, hồn nhiên đang tập đi những bước đầu tiên chập chững vào đời, tập gọi những tiếng cha, tiếng mẹ đầu tiên trong sự vui mừng hạnh phúc, trong sự nâng niu, bảo bọc hết lòng của bậc làm cha, làm mẹ. Bấy nhiêu ý thơ, với “tiếng nói”, “tiếng cười” đã khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến một mái ấm vô cùng hạnh phúc, những niềm hạnh phúc dẫu giản đơn nhưng là quý giá vô cùng. Đồng thời thông qua những lời tâm tình dịu dàng ấy người cha còn muốn nhắn nhủ với đứa con bé bỏng của mình về công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, người luôn dõi theo những bước chân con từ khi con còn thơ dại cho đến khi con đã trưởng thành, không lớn, bước vào thế giới rộng lớn. Trên tất cả, con cái chính là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho cha mẹ, là niềm tin, niềm hy vọng để cha mẹ phấn đấu trong suốt cuộc đời. 

phan tich bai tho noi voi con

Những bài Phân tích bài thơ Nói với con hay nhất

Vượt ra một khuôn khổ gia đình, người cha bắt đầu gợi nhắc về không gian sống làng, bản nơi mà cả con và cha mẹ cùng lớn, cùng được tận hưởng tình yêu thương cộng đồng. Mở rộng từ tình cảm gia đình sang tình cảm xóm làng quê hương, gần gũi, thân thuộc, với những nét đẹp rất riêng của “người đồng mình”. Từ những hình ảnh thông thường của cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc miền núi phía Bắc, thế nhưng khi bước vào thơ của Y Phương người ta thấy những hình ấy có một vẻ đẹp khác hẳn, rất thơ và rất đậm vẻ tự hào, yêu thương, xúc động của một người con miền núi Cao Bằng. 

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”

Con người hiện lên trong công việc lao động “đan lờ” để bắt cá, nhưng bằng đôi mắt tinh tế nhạy bén của mình tác giả đã nhìn ra những nét đẹp, sự tài hoa khéo léo của bàn tay con người trong lao động ở hình ảnh “đan lờ cài nan hoa”. Dẫu là một công cụ thông thường nhưng người ta cũng gửi gắm vào nó nhiều tâm huyết, trang trí cho nó một vẻ đẹp hoa mỹ. Từ đó ta thấy trong tâm hồn của những người con miền núi ấy là vẻ đẹp của sự hăng say, chú tâm và yêu thích công việc lao động của mình. Trong công việc dựng nhà làm vách, người ta cũng không quên ken vào đó những nét đẹp trong nền nếp sinh hoạt văn hóa dân tộc. Dẫu công việc có mệt mỏi, khó nhọc nhưng họ chẳng khi nào quên cất lên những bài tình ca yêu đời, yêu cuộc sống, chân phương giản dị, thấm đẫm trong không gian sinh hoạt làng bản. Rừng là biểu tượng cho mẹ thiên nhiên bao dung và nhân hậu, “rừng cho hoa”, không chỉ làm tô điểm cho cuộc sống của con người, mà ẩn ý sau đó rừng còn là nơi cung cấp sự sống cho những người dân vùng cao, cho họ bó củi sưởi ấm, cho họ cây gỗ làm nhà, cho họ đủ thứ rau dại tươi ngon, cho họ cả những bài thuốc chữa bệnh, cùng hàng ngàn sản vật quý hiếm. Bên cạnh vẻ đẹp trù phú của quê hương, tác giả còn gợi ra cả vẻ đẹp tình nghĩa, thấm đẫm thân tình của quê hương thông qua hình ảnh “con đường cho những tấm lòng”, Lỗ Tấn đã từng nói “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Con đường của quê hương tác giả cũng vậy, con đường là đại diện cho cả một làng bản, bước vào làng bản phải đi qua những con đường. Sự khai sinh của con đường cũng chính là sự khai sinh ra một làng bản, một cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời, đó là công sức, là tấm lòng tâm huyết của biết bao thế hệ con người đã đi qua, để ngày nay cha và con có một con đường vào  bản. Con đường ấy đã ghi dấu hình ảnh, tình cảm mà cộng đồng gửi gắm, là tình cảm kết tinh, gắn bó đại diện cho sự đoàn kết dân tộc trong quá trình sinh sống. Cha muốn nhắc nhở con phải ghi nhớ những vẻ đẹp tuy giản dị, đơn sơ nhưng đậm sâu truyền thống của “người đồng mình”, khiến con khắc sâu vào trí nhớ những gì thân thuộc, đáng quý nhất của quê hương, của cái nôi đã cho con tiếng nói, tiếng cười, cho con cuộc sống gia đình ấm áp, cho con những tình cảm, những vẻ đẹp tâm hồn quý giá. Rồi người cha lại gợi nhắc “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”, lần nữa khẳng định với con vẻ đẹp của mái ấm gia đình, tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và đáng quý nhất trên đời, và ngày cưới chính là ngày quan trọng nhất của cuộc đời mỗi con người, từ mỗi gia đình sẽ hình thành nên một cộng đồng dân tộc với những nét đẹp văn hóa, truyền thống độc đáo và lâu đời, tạo cho con môi trường sống tốt đẹp.

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

Y Phương tiếp tục khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người đồng mình với đứa con bằng chất giọng tâm tình, thủ thỉ, thấm đẫm lòng tự hào, yêu thương trước một dân tộc với những con người mang vẻ đẹp chân chất, giản dị, mộc mạc đượm hơi thở núi rừng. Nhà thơ gợi ra hoàn cảnh sống khó khăn vất vả của “người đồng mình” thông qua các từ “cao”, “xa” tức là vùng miền núi địa hình hiểm trở, xa tận vùng phía Bắc địa đầu Tổ quốc, điều kiện sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Thế nhưng ở vùng cao dẫu có “buồn”, có vất vả thật đấy, nhưng chính cái “cao”, cái “xa” là là tiền đề “nuôi chí lớn”, dưỡng nên cái lòng kiên trì, sức mạnh, ý chí phấn đấu khắc phục mọi điều kiện khắc nghiệt, để tạo nên một cộng đồng dân tộc giàu bản sắc. Thông qua niềm tự hào sâu sắc về vẻ đẹp tâm hồn của “người đồng mình”, người cha đã dặn dò, dạy bảo con bằng tất cả tấm lòng, mong con sau này lớn lên kế thừa và phát huy được những vẻ đẹp ấy, “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói/Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh/Không lo cực nhọc”. 

“Người đồng mình thô sơ da thịt
chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Hơn thế nữa “người đồng mình” còn hiện lên với vẻ đẹp tự lực, tự cường, dẫu có nghèo khó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ đường, “thô sơ da thịt” nhưng người đồng mình chẳng có mấy ai chấp nhận, khuất phục mà họ đều tự trở nên mạnh mẽ, cường đại trong công cuộc kiến thiết và xây dựng quê hương. Họ vừa kiến thiết bản làng, vừa tạo ra và xây dựng rieng cho mình những phong tục tập quán tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền biết bao đời, xây dựng lên một cộng đồng dân tộc thống nhất.

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con!”

Cuối cùng một lần nữa trong vai trò người cha, Y Phương lại tiếp tục dùng những lời lẽ thâm tình, dặn dò con sống trong vòng tay của gia đình, của bản làng, của dân tộc thì khi “lên đường” hay đi bất cứ nơi đâu cũng phải tự ý thức được vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc mình, coi đó là niềm tự hào sâu sắc, biết kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là ý chí gây dựng quê hương, đất nước và óc sáng tạo, bằng trí lực của bản thân.

Nói với con thực chất là Y Phương mượn lời của người cha nói với con để tự nói với mình, tự nhắc nhở bản thân về niềm tự hào sâu sắc với truyền thống tốt đẹp, với những phẩm chất đáng quý của người dân tộc Tày nói riêng, và toàn bộ các dân tộc miền rẻo cao nói chung. Dẫu họ không được ưu ái một hoàn cảnh sống thuận lợi, thế nhưng bằng sức mạnh tinh thần, bằng ý chí phấn đấu không ngại  khó, ngại khổ họ đã tự xây dựng cho mình một cuộc sống tươi đẹp, với những vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa được kế thừa, gìn giữ và phát huy biết bao đời. Y Phương muốn nhắc nhở các thế hệ đi sau phải biết phấn đấu, cố gắng duy trì những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng niu, trân trọng và truyền thừa chúng đến muôn đời sau. Có thể nói rằng “Y Phương đã rất thành công trong việc diễn đạt ý tưởng sâu sắc ấy bằng những câu thơ nồng nàn và hồn nhiên như trời đất đại ngàn thân thương vậy!”


2. Phân tích bài thơ Nói với con, mẫu số 2 (Chuẩn):

Chắc hẳn trong trái tim mỗi người con yêu nước luôn có hình ảnh quê hương. Quê hương đã in đậm và trở thành một phần máu thịt trong mỗi chúng ta. Viết về đề tài này, nhà thơ Y Phương đã bày tỏ những tình cảm của mình đối với quê hương qua lời tâm tình với con trong bài thơ "Nói với con".

Y Phương là người con dân tộc Tày, sinh ra ở tỉnh Cao Bằng. Bài thơ "Nói với con" được ông sáng tác năm 1980 trong hoàn cảnh: "Những năm cuối bảy mươi đầu tám mươi của thế kỷ hai mươi, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng, vô cùng khó khăn thiếu thốn. Bởi vì đất nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mĩ lâu dài và cực kì gian khổ. Hiện thực xã hội ấy đã tác động sâu sắc đến đời sống con người. Đại bộ phận nhân dân ta vẫn kiên trì khắc phục và tìm mọi cách để vượt qua để duy trì đời sống. Họ vẫn tồn tại và không ngừng sinh trưởng là không phải nhờ vào phép màu của lực lượng siêu nhiên nào mà chỉ dựa vào sức mạnh tinh thần của truyền thống văn hóa từ ngàn đời mà ông cha để lại....Bên cạnh cái tốt của những người làm ăn lương thiện, không ít những con người bị tha hóa biến chất. Họ buôn gian bán lận, lợi dụng kẽ hở của nhà nước móc nối làm ăn phi pháp...Từ hiện thực khó khăn ngày ấy, tôi làm bài thơ này để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời là để nhắc nhở con cái sau này" (Y Phương).

Nhà thơ đã vẽ nên khung cảnh gia đình hạnh phúc, đầm ấm có cha mẹ và tiếng cười đùa của con trẻ:

"Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười"

phan tich noi voi con cua y phuong

Phân tích bài thơ Nói với con để thấy được tình yêu và niềm mong mỏi của người cha đối với con

Đó là một tổ ấm tràn ngập tình yêu thương.Bức tranh gia đình trở nên ấm áp, tươi vui hơn khi có sự xuất hiện của trẻ thơ.Đứa trẻ là sự kết tinh tình yêu của cha và mẹ. Sự khôn lớn của con cái luôn là niềm hạnh phúc của những bậc sinh thành. Đứa con là niềm tự hào của cha mẹ, là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của họ.

Bốn câu thơ đầu là hình ảnh đứa trẻ đang tập đi những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.Chắc hẳn khi chứng kiến cảnh tượng đó, cha mẹ là người vui lòng nhất nhưng cũng là người xúc động nhất. Bởi họ vui khi đứa con của mình có thể tự bước đi trên con đường đời phía trước nhưng cũng không khỏi lo lắng, xót xa khi đứa trẻ vấp ngã, trầy xước vì con đường đời không hề bằng phẳng. "Tiếng nói", "tiếng cười" chính là đích đến, là sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của cha mẹ dành cho con.

Đứa con không chỉ được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ mà còn được nuôi dưỡng bởi tình yêu của "người đồng mình":

"Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát"

"Người đồng mình" là cách nói giản dị, mộc mạc của người dân tộc. Cụm từ này dùng để chỉ những con người cùng chung vùng miền, mở rộng ra là những người cùng quê hương, tổ quốc. Đứa trẻ không những được lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự giáo dục của cha mẹ, gia đình mà nó còn được lớn lên trong sự thân thuộc, nghĩa tình của những người xung quanh, những người làng xóm tốt bụng. Họ chung sống như một gia đình lớn, "tối lửa tắt đèn" có nhau, luôn giúp đỡ nhau những khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Cuộc sống của họ gắn bó với núi rừng, thiên nhiên. Họ cần cù lao động với những công việc như đan nan tre vót tròn để làm dụng cụ bắt cá và dùng nhiều tấm ván, gỗ dựng chắc sát nhau thành vách nhà. Các động từ "đan", "cài", "ken" đã giúp bạn đọc thấy được đó là những công việc tỉ mỉ và cần rất nhiều sự khéo léo. "Người đồng mình" vất vả với công việc nhưng cuộc sống của họ không nhàm chán, ngược lại, họ rất yêu cuộc sống, yêu lao động bởi họ biết dùng câu hát để khơi dậy tinh thần lạc quan của mình. Tiếng hát giúp cuộc sống của họ có thêm nhiều màu sắc và giúp tâm hồn họ trở nên phong phú hơn.

Dù được sinh ra trên bất cứ mảnh đất nào thì mỗi chúng ta đều không được phép lãng quên quê hương của mình. Y Phương đã truyền đạt bài học đó đến đứa con thân yêu qua lời thơ giản dị:

"Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng"

Ngoài việc cung cấp gỗ và các loại thực phẩm phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của con người, núi rừng thơ mộng của quê hương còn "cho hoa". "Hoa" là sự kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên,tạo vật.Những bông hoa của núi đồi mang một sắc thái riêng biệt và khác lạ bởi chúng được kết tinh từ những vùng đất đầy sỏi đá. Con đường quê hương có thể gồ ghề, không được bằng phẳng nhưng chứa đựng biết bao ân tình, bao tấm lòng nhân hậu của những người đồng bào. Đó là con đường dẫn vào bản, con đường đến trường, con đường ra suối, lên nương,....Tất cả những con đường ấy đều có bước chân, tiếng nói và tình đoàn kết của "người đồng mình". Quê hương có cả vẻ đẹp của thiên nhiên và tấm lòng của con người. Chẳng vậy mà nhà thơ đã nói với con rằng: "Người đồng mình yêu lắm con ơi". Quê hương chính là cội nguồn, là nơi bao bọc, chở che đứa trẻ.Đó là điểm tựa tinh thần vững chắc để đứa trẻ ấy vững bước trên đường đời.

Sự ra đời của con là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ:

"Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời".

Ngày cưới là ngày trọng đại nhất đối với mỗi con người. Và nó sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi tình yêu đôi lứa được bắt nguồn từ tình yêu quê hương.Người con được sinh ra và lớn lên từ chính tình yêu của bố mẹ và sự nghĩa tình của mảnh đất quê hương.

Quê hương được tạo nên bởi những con người giàu ý chí, nghị lực:

"Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc"

"Người đồng mình" có những đức tính thật đáng quý.Dù cuộc sống của họ có nghèo đói, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng họ luôn giữ vững một lòng quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc.Họ vẫn sống bền bỉ, gắn bó tha thiết với quê hương dù quê hương còn đói nghèo.Nghệ thuật đối lập ở các từ "cao đo"-"xa nuôi", "nỗi buồn"-"chí lớn" đã giúp người đọc thấy được sức sống kiên cường của con người nơi đây. Tác giả lấy sự từng trải, nỗi buồn để mang đo với độ cao và lấy chí lớn để đo độ xa. Sống giữa nghèo đói, thác ghềnh nhưng họ không nhụt chí trước hoàn cảnh, ngược lại họ còn dốc hết sức mình, "không lo cực nhọc" để khắc phục những điều đó. Những đức tính đó cũng là đức tính mà người cha muốn con mình có được trong quá trình rèn luyện. "Đá gập ghềnh", "thung nghèo đói", "lên thác xuống ghềnh" là những hình ảnh ẩn dụ cho những vất vả, nhọc nhằn được kết hợp với điệp từ "không chê" đã thể hiện thái độ chấp nhận và sự kiên gan bền chí vượt qua mọi khó khăn của người dân nơi đây. Phép so sánh "sống như sông như suối" đã giúp người con và chúng ta thấy được sức sống mãnh liệt của họ.

Lời nhắn nhủ của người cha dành cho con ở bốn câu thơ tiếp theo dường như trầm lắng, sâu sắc hơn:

"Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục"

Tuy "thô sơ da thịt" nhưng "người đồng mình" lại không hề yếu ớt, nhỏ bé. Họ mang vẻ đẹp ngoại hình bình dị mà chân chất, mộc mạc.Tâm hồn họ luôn hướng đến quê hương, họ sẵn sàng "đục đá", làm những công việc nặng nhọc để dựng xây quê hương phát triển. Lòng tự hào dân tộc, sự khéo léo, đức tính cần cù của họ đã làm nên những phong tục tập quán tốt đẹp mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Nếu là những con người nhỏ bé, không có sức mạnh thì chắc hẳn họ đã không làm được những điều đó.

Khép lại bài thơ là dặn dò thấm thía của người cha dành cho đứa con thân yêu:

"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con".

Người cha muốn con mình sống gắn bó, thủy chung, nghĩa tình với quê hương, biết vượt qua những gian khó bằng ý chí, nghị lực và sức mạnh của bản thân. Con không được phép quên đi nguồn cội, quê hương của mình vì chính quê hương là cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành. Cha mẹ, những người dân quê hương và những truyền thống quý báu của dân tộc sẽ là những người đồng hành cùng con trong cuộc đời. Người cha mong con có thể giữ cho bản thân những đức tính quý giá của "người đồng mình", ngoại hình tuy có nhỏ bé nhưng tinh thần, tâm hồn nhất định không được nhỏ bé, lùi bước trước gian nan. Bởi cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, con đường đời có muôn ngàn những chông gai, thử thách.

Bằng những lời thơ giản dị như lời tâm sự của cha dành cho con và các hình ảnh thơ giàu sức gợi, "Nói với con" của Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống tốt đẹp và sức sống mạnh mẽ của quê hương. Ông cũng muốn nhắn gửi đến con về lòng tự tôn dân tộc. Đồng thời bài thơ cũng giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết về cuộc sống và vẻ đẹp của những người con dân tộc miền núi.

(Tác giả: Admin Taimienphi.vn - Vui lòng ghi nguồn bài viết khi sử dụng lại bài văn này)
 

3. Phân tích bài thơ Nói với con, mẫu số 3 (Chuẩn):

Y Phương (24/12/1948), tên thật là Hứa Vĩnh Sước, ông là một trong những nhà thơ dân tộc nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại, sinh ra và lớn lên trong cái nôi của người dân tộc Tày, thế nên chất thơ của Y Phương rất đỗi trong sáng, đôn hậu, thật thà, chất phác như tấm lòng của người dân miền núi. Cùng với đó là những hình ảnh thơ phong phú, độc đáo mang sức liên tưởng mạnh mẽ, gắn liền với đời sống của nhân dân, tựa như chất liệu thổ cẩm đan xen từng vần thơ, góp phần làm nên những tác phẩm giàu tính nhân văn. Nói với con là một trong những bài thơ hay nhất đã làm nên tên tuổi của Y Phương trên thi đàn Việt Nam, với giọng thơ là lời thủ thỉ tâm tình của người cha dành cho đứa con của mình, từng câu đều thấm đẫm tình cảm gia đình thiêng liêng, ấm áp, mở rộng ra chính là tình yêu tha thiết với mảnh đất, với con người quê hương mình của tác giả, vừa thấm thía, vừa chân thành.

Nói với con là bài thơ mang đầy đủ những đặc điểm của thơ Y Phương, mạch cảm xúc chủ yếu đó là tình yêu thương sâu sắc của người cha dành cho đứa con, thông qua những lời tâm sự, hồi tưởng từ quá khứ đến hiện tại. Cũng giống như Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm hay Con cò của Chế Lan Viên, Nói với con không chỉ đơn thuần là lời tâm sự mà đó là những lời dạy bảo chân thành của người cha dành cho con về quê hương xứ sở, về “người đồng mình” đầy thiết tha và trìu mến. Những đứa trẻ trong các bài thơ kể trên đều chưa lớn, có đứa còn trong nôi, còn trên lưng mẹ thế nhưng các em rất may mắn khi có những người cha người mẹ biết yêu thương, và biết cách giáo dục con cái thông qua những cách thức thông thường như lời ru, lời hát, lời kể, khiến các em dần hình thành tư tưởng yêu thương từ khi còn thơ bé. Trong Nói với con Y Phương mở đầu bài thơ bằng những lời kể thật ấm áp, hoài niệm:

“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

bai van phan tich bai tho noi voi con cua nha tho y phuong

Phân tích bài thơ Nói với con, văn mẫu tuyển chọn

Đó hoàn toàn là tiếng lòng hạnh phúc của một người cha khi nhắc về kỷ niệm những ngày con còn thơ ấu, những bước đi chập chững đầu đời đều để lại trong trái tim cha, mẹ những dấu chân đầy ắp kỷ niệm. Tiếng nói đầu tiên con gọi “cha”, lần đầu tiên con cười khiến cha mẹ mừng chảy nước mắt, con chính là món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban cho cha mẹ. Y Phương gợi nhắc quá khứ để gieo vào lòng con về những năm tháng thuở ấu thơ, con có quyền được biết và ghi nhớ chúng như những ký ức đáng giá nhất cuộc đời, đồng thời người cha cũng muốn gợi mở cho con những nền tảng đầu tiên về tình cảm gia đình ấm áp, về quá trình sinh ra và lớn lên của một con người. Không ai có thể tự lớn lên thành người, ai cũng có cha sinh mẹ đẻ, ai cũng cần người chăm sóc, dạy dỗ, Y Phương muốn nhắn nhủ với con về công lao và tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái từ thuở con sinh ra cho đến khi con lớn khôn thành người, chính bởi tình yêu ấy mà cha chưa lúc nào quên những bước chân, tiếng nói đầu đời của con. Từ khuôn khổ trong gia đình tác giả bắt đầu mở rộng ra cộng đồng, làng xóm với những vẻ đẹp giản dị đáng quý của người dân tộc miền núi.

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

Y Phương dùng một giọng thơ tha thiết, để gợi mở ra những vẻ đẹp của người dân tộc miền núi bằng câu thơ chứa chan tình cảm “Người đồng mình yêu lắm con ơi”, chỉ một chữ “yêu” mà chứa đựng biết bao tâm tình, đó là tấm lòng trân trọng, tự hào về những con người của quê hương xứ xở. Những con người lao động với đôi bàn tay thô sơ, nhưng khéo léo, thuần thục trong công việc lao động, để mỗi sản phẩm họ làm ra đều như một tác phẩm nghệ thuật ví như chiếc “lờ” đánh cá cũng phải được chau chuốt “nan hoa”, đó không đơn thuần là hành động tự phát mà đó là cả một quá trình sáng tạo, là nét  văn hóa đã in sâu vào tâm hồn người dân kể cả trong công việc lao động thường ngày. Và đặc biệt giữa cuộc sống nhiều khó khăn vất vả thế nhưng tâm hồn của “người đồng mình” vẫn rất đẹp, rất yêu đời, từng câu hát, câu ca trong lối sinh hoạt văn hóa của người Tày không chỉ nằm trong trí nhớ mà đã in sâu vào cả vách nhà, cả quê hương, để mảnh đất này tràn đầy tình yêu thương, với bản sắc dân tộc đong đầy khắp xứ xở. Rồi từ vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Y Phương lại khéo léo chuyển sang vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của quê hương với hình ảnh “rừng cho hoa” xanh tươi, rực rỡ tràn đầy sức sống, là hình ảnh đại diện cho phong cảnh miền núi phía Bắc, nơi mà ông và “người đồng mình” đã cùng nhau sinh sống suốt ngàn năm nay. Ngoài ra “rừng cho hoa” còn gợi ra sự trù phú, giàu có của thiên nhiên, đã ban tặng cho cuộc sống của con người niềm vui, cái đẹp, tô điểm thêm cho quê hương. “Con đường cho những tấm lòng” là một hình ảnh có nhiều sức gợi, Lỗ Tấn từng nói: “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, con đường trong thơ Y Phương cũng vậy nó là kết quả của biết bao dấu chân “người đồng mình” tạo thành, đó là tấm lòng gắn bó với mảnh đất quê hương, là tình cảm kết tinh đẹp đẽ với làng xóm, với đồng bào, với gia đình. Và con đường đã chứng kiến biết bao nhiêu đổi thay của năm tháng, lớp người này ra đi, lớp người kia lại lớn lên, tất cả đều đã đặt dấu chân mình trên con đường thân thuộc có dấu vết của tháng năm, có những giọt mồ hôi và cả nước mắt. Có lẽ nói không ngoa thì con đường chính là chứng nhân cho những năm tháng đã qua của cả một cộng đồng dân tộc. Người cha nói với con những điều này với tấm lòng trân trọng yêu thương, chỉ mong con có thể ghi nhớ và khắc sâu vào lòng những gì thân thuộc nhất của quê hương, để khiến con nhận thức được ngoài gia đình thì chính những nét đẹp văn hóa, chính cái nôi của cộng đồng đã nuôi dưỡng con thành người, cho con tiếng nói, cho con những vẻ đẹp tâm hồn quý giá. Và lần nữa người cha lại khắc sâu trong lòng con ấn tượng về tình cảm gia đình qua câu thơ “Cha vẫn nhớ mãi về ngày cưới/Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”, là lời khẳng định hạnh phúc gia đình, khẳng định thêm về tình cảm gia đình vững chắc là cơ sở để cho con được một cuộc sống êm ấm, và cũng là cơ sở để gây dựng nên một cộng đồng dân tộc với những nét đẹp trong văn hóa, phong tục truyền thống.

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Vẻ đẹp của “người đồng mình” không chỉ dừng lại ở sự khéo léo sáng tạo trong lao động hay lòng yêu cuộc sống, với những nét đẹp tập quán mà còn thể hiện ở ý chí và sức mạnh trong tâm hồn. Y Phương viết “Người đồng mình thương lắm con ơi” vừa thể hiện được tấm lòng yêu thương gắn bó tha thiết với dân tộc mình, vừa thể hiện nỗi niềm cảm thông, thấu hiểu trước những vất vả mà “người đồng mình” phải gánh chịu. “Cao” và “xa” là hai lượng từ bình thường nhưng trong thơ Y Phương lại mang nhiều sức gợi đặc biệt, nó khiến độc giả liên tưởng đến một vùng đất núi non trùng điệp, ở xa tít tận địa đầu phía Bắc, cả thời tiết và địa hình đều khắc nghiệt vô cùng. Thế nhưng những con người nơi đây chưa một lần lấy đó làm nản chí, mà ngược lại chính những khó khăn đó đã nuôi dưỡng trong tâm hồn họ sự kiên cường và mộng ước “chí lớn” vững mạnh. Chính vì bản thân dân tộc từ bao đời nay đã có những đức tính đẹp như vậy, nên cha cũng muốn con kế thừa và phát huy truyền thống vượt khó ấy “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Là “người đồng mình” con phải học được các thích nghi với cuộc sống, linh hoạt và mềm dẻo như dòng sông, con suối, dù là thác hay ghềnh đều không khiến con phải nản chí, chùn bước. Lời thơ của tác giả có chút ngậm ngùi xót thương cho những con người miền núi, thế nhưng phần hơn vẫn là niềm tự hào sâu sắc với bản lĩnh và ý chí kiên cường của dân tộc, họ đã sống và xây dựng quê hương ngày càng trở nên tươi đẹp như thế. Tuy rằng nghèo khó, chỉ với đôi bàn tay thô sơ cầm cái cuốc, con dao, khuôn mặt sạm đi vì gió núi, nhưng “người đồng mình” chẳng mấy ai nhỏ bé, bởi họ mang trong mình một tâm hồn lớn lao, lao đẹp, một ước mơ tuyệt vời, chỉ riêng điều ấy đã đẩy con người lên một tầm vóc mới. Họ dùng trí tuệ và sức mạnh của đôi bàn tay cần cù mà ra sức kiến thiết “tự đục đá kê cao quê hương”, xây dựng làng bản, tạo ra của cải vật chất, và các giá trị tinh thần, làm thay đổi bộ mặt của vùng núi phía Bắc, đóng góp một phần rất lớn vào việc xây dựng đất nước. Mà theo quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm, nhân dân làm ra Đất Nước, tạo nên quê hương, và nhiều lớp người như thế đã tạo nên một dòng chảy văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc kéo dài suốt mấy ngàn năm lịch sử, điều ấy hoàn toàn phù hợp với ý thơ “Còn quê hương thì làm phong tục” của Y Phương. Có thể nói rằng con người và quê hương là hai nhân tố không thể tách rời, có ý nghĩa tương hỗ, kết hợp thành một thực thể thống nhất với những giá trị to lớn vừa bao gồm cả vật chất và tinh thần để tạo nên một cộng đồng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Kết bài thơ là lời dặn dò thấm thía và đầy thương yêu của người cha dành cho đứa con của mình sau những lời tâm tình, giảng giải về vẻ đẹp của quê hương và “người đồng mình”.

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”

Cha mong rằng là thế hệ sinh sau đẻ muộn thì con hãy lấy người đi trước làm tấm gương sáng để noi theo, luôn mang trong mình tình cảm yêu thương gia đình, yêu thương con người và mảnh đất của quê hương để phấn đấu nỗ lực lấy cái tâm hồn mạnh mẽ, kiên cường, ý chí vượt khó lớn lao để góp phần xây dựng đất nước. 

Nói với con là bài thơ hay với những vần thơ tự do, phóng khoáng tựa tâm hồn của người miền núi, đã thể hiện sâu sắc tình cảm yêu thương của người cha đối với con thông qua cách giáo dục mềm mỏng, thủ thỉ, thấm đẫm ân tình. Đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào, niềm yêu thương của tác giả đối với mảnh đất quê hương và những con người chất phác, tuy nhỏ bé về sức vóc nhưng lại mang trong mình những vẻ đẹp tâm hồn lớn lao, đáng ngưỡng mộ.

--------------------HẾT-------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-noi-voi-con-41834n.aspx
Nói với con là bài thơ đặc sắc của nhà thơ Y Phương viết về tình cảm cha con, tìm hiểu về bài thơ, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Nói với con, các em có thể tham khảo: Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con, Bình giảng bài thơ Nói với con của Y Phương, Cảm nhận bài thơ Nói với con và suy nghĩ của em về trách nhiệm của người làm con?, Bình giảng đoạn hai bài Nói với con

Tác giả: Tin Nguyễn     (2.9★- 7 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Soạn bài Luyện tập phân tích và tổng hợp, Ngữ văn lớp 9
Soạn bài Luyện nói: Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ, Ngữ văn lớp 9
Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Từ khoá liên quan:

Phan tich bai tho Noi voi con

, Bai van mau phan tich bai tho noi voi con, Van mau phan tich bai Noi voi con,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bài văn mẫu lớp 9

    Tuyển tập văn mẫu lớp 9

    Bài văn mẫu lớp 9 dành cho những em học sinh đang chuẩn bị thi vào bậc Trung học Phổ thông. Năm cuối cấp nên chắc chắn khối lượng kiến thức của các em cũng sẽ nhiều hơn nữa việc ôn tập chắc chắn cũng sẽ vất vả hơn. Nếu n ...

Tin Mới