Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con

Người đồng mình là tên gọi thân thương của Y Phương về những người cùng chung sống trên mảnh đất quê hương, đây cũng là cách định nghĩa hoàn toàn mới lạ trong thơ văn. Để Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con, bên cạnh bài cảm nhận bài thơ Nói với con, các em không nên bỏ qua bài văn mẫu được giới thiệu dưới đây.

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

cam nhan ve ve dep cua nguoi dong minh trong bai tho noi voi con

Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con


I. Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con (Chuẩn)

1. Mở bài

- Nói với con của nhà thơ Y Phương là bài thơ mang giọng điệu thơ rất đặc biệt, giản dị, hồn nhiên, chân chất, giàu hình ảnh.
- Qua đó hình ảnh của người đồng mình với những vẻ đẹp đáng quý hiện lên thật gần gũi, đáng trân trọng.

2. Thân bài

* Đôi nét về tác giả, tác phẩm:
- Y Phương sinh năm 1948, tên thật là Hứa Vĩnh Sước, là người dân tộc Tày, ông là một nhà thơ dân tộc tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ.
- Thơ của ông mang vẻ đẹp chất phác, mộc mạc, mạnh mẽ trong sáng tác, ngôn ngữ, hình ảnh thơ in đậm lối tư duy hồn nhiên, lối nói giàu hình ảnh của người miền núi...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình trong bài thơ Nói với con (Chuẩn)

Nói với con của nhà thơ Y Phương là bài thơ mang giọng điệu thơ rất đặc biệt, giản dị, hồn nhiên, chân chất, giàu hình ảnh, với ngôn ngữ giản dị mà chân thành của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Bài thơ là tình phụ tử rất đỗi ấm áp, chân thành, mượn lời người cha thủ thỉ, tâm tình với đứa con nhỏ về tình yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc của quê hương với con để ngợi ca truyền thống nghĩa tình, sức sống mạnh mẽ của người dân tộc miền núi, nhằm hướng con biết yêu thương quê hương, đất nước, lớn lên phát huy được những vẻ đẹp phẩm chất của dân tộc mình, góp sức cho quê hương. Qua đó hình ảnh của người đồng mình với những vẻ đẹp đáng quý hiện lên thật gần gũi, đáng trân trọng.

Y Phương sinh năm 1948, tên thật là Hứa Vĩnh Sước, là người dân tộc Tày, ông là một trong những tiếng thơ người dân tộc thiểu số hiếm hoi được đem vào chương trình giáo dục văn học Việt Nam. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1968, từng đi qua chiến tranh, chứng kiến sự chuyển giao trạng thái từ chiến tranh sang hòa bình của đất nước, thế nên ông có cơ hội được nhìn nhận được những nét khác biệt trong giai đoạn chuyển mình của dân tộc. Thơ Y Phương hấp dẫn và cuốn hút người đọc nhờ vẻ đẹp chất phác, mộc mạc, mạnh mẽ trong sáng tác, ngôn ngữ, hình ảnh thơ in đậm lối tư duy hồn nhiên, lối nói giàu hình ảnh của người miền núi.

Nói với con sáng tác vào năm 1980, thời kỳ mà cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bài thơ được in trong tập thơ Thơ Việt Nam (1945-1975), đây là một trong những sáng tác tiêu biểu, một trong những đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Mỹ, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ Y Phương.

Vẻ đẹp của người đồng mình đã hiện lên qua những lời thủ thỉ tâm tình của người cha với đứa con nhỏ của mình, nét đẹp ấy hiện lên từ những gì giản dị nhất trong cuộc sống lao động hằng ngày. Đó là vẻ đẹp của sự khéo léo, ân tình trong cuộc sống gia đình, của những con người đang cùng sinh sống trên một mảnh đất quê hương.

"Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng"

Quê hương thân yêu hiện lên trong những hình ảnh được liệt kê liên tiếp, hình ảnh "người đồng mình", hình ảnh cuộc sống lao động chân tay đầy cực nhọc, trong cả nếp sinh hoạt còn nhiều vất vả, cả không gian sống là cánh rừng hoa, con đường về thôn, về bản thân thuộc. Tất cả những hình ảnh ấy đều thấm đẫm tình yêu thương, gắn bó sâu sắc với quê hương xứ sở của người cha, là những lời người cha muốn con kế thừa và khắc ghi trong lòng. Ngoài những hình ảnh mang tính liệt kê liên tiếp, thì Y Phương còn tinh tế sử dụng những hình ảnh rất giàu sức gợi. "Đan lờ cài nan hoa" là hình ảnh tả thực, người cha đang nói với con về cuộc sống lao động của người đồng mình, đó là công cụ lao động thô sơ được chau chuốt, trang trí cho đẹp đẽ hơn, ngoài ra còn mang đến chiều sâu trong hình ảnh là vẻ đẹp của người đồng mình, đó là sự tài hoa khéo léo, đôi bàn tay cần cù chịu thương chịu khó và óc sáng tạo trong lao động. Đến câu "Vách nhà ken câu hát" cũng lại là một hình ảnh tả thực lối sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Tày, tả cảnh hát cho nhau nghe tràn đêm, suốt sáng khiến vách nhà nhà như được ken dày những câu hát say sưa, tình tứ. Nó còn gợi nên những vẻ đẹp tâm hồn tinh tế, phong phú của người đồng mình, dẫu cuộc sống có khó khăn vất vả nhưng họ vẫn vui vẻ, lạc quan, yêu đời bảo tồn những truyền thống văn hóa của dân tộc. Thủ pháp nhân hóa trong hình ảnh "Rừng cho hoa" gợi lên vẻ đẹp của thiên nhiên, là niềm vui, niềm hạnh phúc mà quê hương ban tặng, ca ngợi sự giàu có, sự hào phóng của thiên nhiên quê hương. "Con đường cho những tấm lòng" là hình ảnh đẹp đẽ, kết tinh những tình cảm gắn bó keo thắm thiết của người đồng mình với căn nhà, với quê hương xứ xở, làng bản, gợi những bàn chân, những tấm lòng trở về với gia đình, với quê hương. Như vậy cùng với gia đình, chính truyền thống văn hóa và nghĩa tình quê hương đã nuôi dưỡng con khôn lớn trưởng thành, ngoài ra còn là những kỷ niệm êm đềm hạnh phúc nhất của mẹ, cha nâng bước con vào đời.

Sang đến đoạn thơ thứ hai, Y Phương lại càng tập trung thể hiện rõ những vẻ đẹp tâm hồn cũng như những phẩm chất cao quý của người đồng mình thông qua lời người cha nói với đứa con.

"Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn"

Tác giả tiếp tục sử dụng lối nói "người đồng mình" để thể hiện sự gần gũi, thân thương như trong một gia đình, dùng từ "thương lắm" để bày tỏ mối đồng cảm sâu xa với những cuộc sống vất vả khó khăn của người miền núi. Những từ "cao", "xa" là hệ thống từ ngữ giàu sức gợi, gợi hình ảnh miền núi cao, với điều kiện sống nhiều khó khăn vất vả, dấy lên trong lòng tác giả ý thức về thực tại cuộc sống với chút ngậm ngùi xót xa, là niềm thương cảm dành cho dân tộc mình. Nhưng chính những khó khăn ấy lại là nguồn động lực, là môi trường tôi luyện để "nuôi chí lớn", gợi lên những bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường của người đồng mình trong cuộc sống. Lời thơ của tác giả vừa có chút ngậm ngùi vừa có chút tự hào về những phẩm chất đẹp đẽ của người miền núi. Không dừng lại ở đó, những phẩm chất cao đẹp của người đồng mình còn thể hiện hiện qua những vẻ đẹp truyền thống của người miền cao.

"Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục"

Tác giả nói với con về hình ảnh người đồng mình, trước hết được tái hiện ở vóc dáng hình hài nhỏ bé "thô sơ da thịt", họ chỉ có đôi bàn tay lao động cần cù, không được trang bị nhiều những công cụ lao động hiện đại. Nhưng tương phản với sự thô sơ, mộc mạc ấy là một dân tộc không ai nhỏ bé yếu hèn, họ dám đối mặt, dám đương đầu với khó khăn, thiếu thốn vất vả. Chính điều ấy đã thể hiện được tầm vóc lớn lao cả về ý chí lẫn tâm hồn người dân tộc miền núi và với chính những vẻ đẹp ý chí tâm hồn và sức lao động mạnh mẽ người đồng mình đã có những đóng góp lớn cho đất nước. "Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương", câu thơ tả thực quá trình dựng làng, dựng bản, làm nên giá trị vật chất tinh thần cho chính quê hương xứ sở. Từ hình ảnh tả thực ấy đã gợi lên giá trị tinh thần cho quê hương, là tình yêu nhà cửa, yêu quê hương, yêu con người, yêu đồng ruộng. Nối tiếp với câu thơ trên ý thơ "Còn quê hương thì làm phong tục", quê hương ở đây chính là biết bao nhiêu thế hệ con người đã làm nên cả một dòng chảy bền bỉ của nền nếp, phong tục tập quán đẹp đẽ, làm nên bản sắc riêng của cộng đồng. Lời thơ chính là niềm tự hào về vẻ đẹp cao quý của người đồng mình, từ đó Y Phương muốn nhắn nhủ con phải biết kế thừa phát huy những vẻ đẹp của con người quê hương mà trong đó phải nối dài vào truyền thống dựng xây quê hương, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Nói với con là bài thơ thể hiện tình cảm sâu nặng của người cha dành cho con, thông qua đó bài thơ bộc lộ tình yêu quê hương, xứ sở và niềm tự hào về người đồng mình của tác giả với những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần, trong lao động. Đó là ý chí kiên cường, lòng yêu quê hương đất nước, tâm hồn lạc quan yêu lao động của người dân tộc miền núi phía Bắc. Góp phần làm nên thành công của bài thơ đó chính là nghệ thuật sử dụng từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi, in đậm lối tư duy trong sáng sinh động, hồn nhiên của người miền cao. Sức thuyết phục của bài thơ còn đến từ giọng điệu thơ khi ân cần tha thiết, khi mạnh mẽ nghiêm khắc, rất phù hợp với lời của người cha nói với đứa con nhỏ.

----------------HẾT----------------

Đưa vào trong thơ hình ảnh người đồng mình, nhà thơ Y Phương muốn nuôi dưỡng nơi con tình yêu con người, làng bản, xa hơn là tình yêu quê hương, đất nước. Tìm hiểu thêm những nội dung đặc sắc của bài thơ, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận bài thơ Nói với con của Y Phương, Cảm nhận về tình cha con trong bài thơ Nói với con, Cảm nhận bài thơ Nói với con và suy nghĩ của em về trách nhiệm của người làm con, Cảm nhận của em về khổ đầu trong bài thơ Nói Với con.

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-ve-dep-cua-nguoi-dong-minh-trong-bai-tho-noi-voi-con-47907n.aspx

Tác giả: Ngọc Link     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giá trị nội dung bài thơ Nói với con
Cảm nhận về vẻ đẹp của con người Hàn Mạc Tử qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Bình giảng đoạn hai bài Nói với con
Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương
Cảm nhận bài thơ Nói với con và suy nghĩ của em về trách nhiệm của người làm con?
Từ khoá liên quan:

cam nhan ve ve dep cua nguoi dong minh trong bai tho noi voi con

, cam nhan ve bai tho noi voi con, cam nghi ve ve dep cua nguoi dong minh trong bai noi voi con,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới