Phân tích bài thơ Chiều xuân

Tác giả Anh Thơ đã gửi gắm tình yêu thiên nhiên, tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu nặng của mình vào trong tác phẩm của mình, vậy chúng ta cùng phân tích bài thơ Chiều xuân của nữ thi sĩ để hiểu hơn về điều này.

Đề bài: Phân tích bài thơ Chiều xuân

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

phan tich bai tho chieu xuan

 

I. Dàn ý Phân tích bài thơ Chiều xuân
 

1. Mở bài

Bài thơ "Chiều xuân" trích trong tập thơ "Bức tranh quê" là một thi phẩm đầy yên bình và dịu ngọt vị xuân quê nhà.
 

2. Thân bài

- Làn mưa bụi bay bay "êm êm" trong cơn gió nhẹ.
- Con đò dường như cũng mệt mỏi, đành cho phép bản thân "biếng lười" đôi chút, thả mình dưới dòng nước mênh mang, mặc kệ sông kia có bồng bềnh sóng nhỏ.
- Quán tranh những ngày sớm mai vốn đông vui thì khi ngày gần tàn lại đầy im ắng, lặng lẽ, cô đơn.
- Cánh hoa xoan tím rụng "tơi bời" theo làn gió xuân nhẹ nhàng, sắc tím nhạt màu của cánh hoa càng làm tăng thêm vẻ hoang hoải nơi cảnh vật.
- Triền đê xanh biếc cỏ non cùng đàn sáo mổ vu vơ gợi khung cảnh đầy thanh bình, êm ái
- Những cánh cò trắng trốn mình nơi những vạt lúa xanh, "chốc chốc" bay ra tận hưởng khí trời xuân tuyệt diệu.
- Hình ảnh cô nàng yếm thắm cần mẫn với công việc đầy đẹp đẽ, nên thơ.

 

3. Kết bài

Chiều xuân" của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Chiều xuân

Anh Thơ là một nữ thi sĩ nổi tiếng của văn học Việt Nam, bà để lại cho đời nhiều tác phẩm hay và có giá trị, có thể kể tới Theo cánh chim câu, Đảo ngọc hay Hương Xuân,.... Thơ bà mang thương nhớ cho người thưởng thức bởi sự nhẹ nhàng, sâu lắng và đẫm dư vị của tình quê. Đến với thơ Anh Thơ, ta bất chợt lắng lòng mình lại để cảm nhận vẻ đẹp của vạn vật, của quê hương từ những điều dung dị, đời thường. Bài thơ "Chiều xuân" trích trong tập thơ "Bức tranh quê" là một thi phẩm đầy yên bình và dịu ngọt vị quê nhà như thế:

" Mưa bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi"

Một chiều mùa xuân có chút gì đó đượm buồn, vẫn bình lặng yên ả thế thôi nhưng bầu không khí có phần thiếu tươi vui như bao mùa xuân trong thơ Xuân Diệu hay Nguyễn Bính. Làn mưa bụi bay bay "êm êm" trong cơn gió nhẹ, mưa cũng thân thương mà đầy dịu dàng, không quá nặng hạt cũng chẳng phải mang giông tố, mưa mơ màng êm ả đi qua bến vắng của dòng sông. Và có lẽ mưa cũng đang dừng chân nơi bến đỗ để ngắm dòng sông thơ, nơi có con đò nằm "im lìm" lặng lẽ, sau một ngày dài làm việc, con đò dường như cũng mệt mỏi, đành cho phép bản thân "biếng lười" đôi chút, thả mình dưới dòng nước mênh mang, mặc kệ sông kia có bồng bềnh sóng nhỏ. Không gian có trời, có sông, cao rộng mà phảng phất buồn bởi chút trống trải, yên tĩnh lạ thường.

"Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"

Cảnh vật xa xa dần lại gần hơn, quán tranh những ngày sớm mai vốn đông vui thì khi ngày gần tàn lại đầy im ắng, tịch liêu, quán tranh đang "im lìm trong vắng lặng" gợi sự cô đơn, lặng lẽ, hiu hắt buồn. Đó phải chăng còn là hình ảnh người thi sĩ đang một mình thưởng thức cảnh quê hương giữa khung cảnh mênh mang. Cánh hoa xoan tím rụng "tơi bời" theo làn gió xuân nhẹ nhàng, sắc tím nhạt màu của cánh hoa càng làm tăng thêm vẻ hoang hoải nơi cảnh vật. Chiều cuối ngày, thiên nhiên phải chăng đã mệt mỏi, muốn ngơi nghỉ, mà không còn rộn ràng, háo hức, sức sống tươi vui như những buổi sớm bình minh hay khi ngày trưa sống động. Bức tranh xuân qua bốn câu thơ đầu có buồn nhưng không phải là cái buồn của bi lụy, hoang tàn mà là nét buồn lãng mạn, nên thơ, nét buồn thấm vào mưa, vào con đò, vào mái tranh hay cánh hoa đều mang cả sự mơ màng, thương mến.

"Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa"

Làng quê Việt Nam tự bao đời gắn với cánh đồng mênh mông rộng lớn, những triền đê xanh mát mỗi chiều về. Triền đê bước vào thơ Anh Thơ cũng đẹp đẽ đến nao lòng, những áng cỏ non " biếc" như đang thi nhau vươn mình đón nắng, mọc tràn cả bờ đê xanh mát, tươi non mơn mởn. Đàn sáo đen cũng bị hấp dẫn bởi vẻ tươi non mà hạ cánh mình xuống mổ vu vơ. Sáo đen đang đi tìm mồi, đang kiếm ăn, đang lao động đấy thôi mà sao nghe nhẹ nhàng đến thế, chúng tựa như những đứa bé đang nghịch ngợm những ngọn cỏ non xanh dưới chân mình, vui vẻ kiếm tìm những con mồi nhỏ bé. Cảnh tượng thật bình yên và khoáng đạt biết bao!

Những chú bướm dang đôi cánh của mình bay "rập rờn" giữa khoảng trời yên bình, trong từng cơn gió thổi. Những đôi cánh mỏng manh ấy lượn lờ chào nghiêng thật mềm mại và duyên dáng. Nơi triền đê là những chú trâu, chú bò "thong thả cúi ăn mưa", cuối chiều, khi những hạt mưa êm êm buông mình xuống mặt cỏ, trên những cây cỏ còn đọng lại những giọt mưa, trâu bò ăn cỏ mà tựa như đang thưởng thức những hạt mưa tinh túy của đất trời. Sự lắng đọng của cảnh trước được thay thế dần bằng những hoạt động của vật, bởi thế mà cảnh cũng tình hơn.

"Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa."

Đồng lúa quê hương xanh rờn được đắm mình trong những cơn mưa xuân, lúa lặng lẽ tận hưởng vị mát dịu của những hạt mưa trong lành mà ông trời ban tặng, ướt đẫm trên lá. Những cánh cò trắng trốn mình nơi những vạt lúa xanh, "chốc chốc" bay ra tận hưởng khí trời xuân tuyệt diệu. Đẹp nhất là hình ảnh những người lao động thôn quê, cần mẫn cúi cuốc cào, chắc có lẽ "cô nàng yếm thắm" ấy đang tập trung với công việc của mình mà chợt cò bay ngang qua khiến nàng không khỏi giật mình. Thửa "ruộng sắp ra hoa" phải chăng chính là những thành quả lao động mà còn người sẽ nhận được sau những ngày vất vả cuốc cày chăm bón.

Còn điều gì đẹp hơn khi một bức tranh có cảnh, có người. Một bức tranh nghệ thuật chiều xuân đầy hài hoà và xinh đẹp của quê hương đất Việt, biểu tượng của hồn quê hương, hồn dân tộc. "Chiều xuân" của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-chieu-xuan-48224n.aspx
Chiều xuân là bài thơ trữ tình đặc sắc của Anh Thơ, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Chiều xuân, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 11 khác như: Soạn bài Chiều xuân (Anh Thơ), soạn văn lớp 11, Bình giảng bài thơ Tương tư, Phân tích khổ thơ đầu bài Tương tư,Phân tích bài thơ Tôi yêu em 

Tác giả: Ngọc Thảo     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích bài thơ Xuân hiểu của Trần Nhân Tông
Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Chiều Tối
Dàn ý phân tích bài thơ Xuân hiểu
Lập dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối, mẫu số 1
Phân tích cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về trong Cảnh ngày xuân
Từ khoá liên quan:

Phan tich bai tho Chieu xuan

, Phân tích bài thơ Chiều xuân,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích Thơ duyên

    Bài văn mẫu Phân tích Thơ duyên của Xuân Diệu hay mới nhất

    Nhắc đến Xuân Diệu, ta sẽ nghĩ ngay tới một hồn thơ đầy tự do, lãng mạn cùng bao thông điệp hướng về tình yêu với con người, cuộc sống. Để tìm hiểu thêm về tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa này, Taimienphi.vn gửi đến các em bài văn Phân tích Thơ duyên. Bài viết sẽ giúp em nhận ra thông điệp, ý nghĩa tác phẩm cũng như cảm nhận được sâu sắc hơn tâm tình, suy nghĩ của nhà thơ nhé. Mời em đón xem ngay sau đây.

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • 1 triệu có mấy số 0? 1 triệu viết bằng số như thế nào?

    Có bao giờ bạn tự hỏi 1 triệu có mấy số 0? Nếu đang tìm lời giải đáp, hãy cùng khám phá bài viết này của Taimienphi nhé.