Nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn

Trước những ồn ào và những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống vật chất, một khoảng lặng dù nhỏ nhoi, ngắn ngủi thôi cũng giúp chúng ta hiểu được những mong muốn thành thực của bản thân và cảm nhận được những ý nghĩa, hương vị đích thực của cuộc sống. Bài văn mẫu nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn sẽ cùng các bạn tìm hiểu về ý nghĩa của những khoảng lặng trong cuộc sống. Hãy cùng tham khảo nhé!

Bài viết liên quan

Đề bài: Nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

nghi luan xa hoi ve cau noi cang tinh lang ban cang lang nghe duoc nhieu hon

Nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn
 

I. Dàn ý nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn (Chuẩn)

1. Mở bài

- Trong cuộc sống, đôi lúc bạn cũng phải học cách để tâm hồn mình tĩnh tại và lắng nghe nhiều hơn từ thế giới xung quanh, để có những khoảnh khắc tâm hồn được thanh thản, được thấy bình yên giữa cuộc sống vốn rất ồn ào, nhộn nhịp.
- Trong sự lắng nghe ấy có một quan điểm khá hay rằng: "Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn".

2. Thân bài

* Giải thích câu nói:
- Sử dụng cách nói tăng tiến khá phổ biến là "càng...càng" nhằm nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa sự tĩnh lặng và việc lắng nghe của mỗi cá thể...(Còn tiếp)

 
>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn tại đây
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn (Chuẩn)

Trong xã hội hiện đại, nhịp sống xô bồ, hỗn tạp, con người ta thường chăm chú vào việc thể hiện bản thân, thể hiện cái "tôi" cá nhân, thích được người khác lắng nghe mình chia sẻ những phiền não, mệt mỏi xung quanh cuộc đời, thích sống trong ồn ào, náo nhiệt. Thế nhưng, ít ai có ý thức về việc đôi lúc bạn cũng phải học cách để tâm hồn mình tĩnh tại và lắng nghe nhiều hơn từ thế giới xung quanh, để có những khoảnh khắc tâm hồn được thanh thản, được thấy bình yên giữa cuộc sống vốn rất ồn ào, nhộn nhịp. Trong sự lắng nghe ấy có một quan điểm khá hay, sâu sắc rằng: "Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn".

Câu nói trên sử dụng cách nói tăng tiến "càng...càng" nhằm nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa sự tĩnh lặng và việc lắng nghe của mỗi một cá thể. Lắng nghe nghe có vẻ dễ, nhưng đó lại là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng nắm rõ được, bởi con người thường thích nói hơn thích nghe, trong khi bản thân lại có hai tai và một miệng. Có chăng là thượng đế đã sắp đặt để khiến con người ta nghe nhiều hơn, thay vì nói qua chi tiết ấy? Khi ta nói ta chẳng tiếp thu được điều gì nhiều từ bên ngoài, vì đơn giản ta chỉ tập trung vào bản thân mình, thế nhưng khi lắng nghe, đôi tai sẽ linh động, chắt lọc những thông tin mà ta cần, đồng thời bộ óc sẽ tiến hành phân tích, thu lại cho chúng ta những thức hữu ích nhất từ bên ngoài. Quả thật, tĩnh lặng để lắng nghe là một kỹ năng sống mà bất cứ người nào cũng cần trang bị cho mình, nếu muốn cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc sống vẫn luôn tấp nập, bộn bề như thế, buổi sáng đã nghe tiếng cha mẹ gọi con cái dậy đi học, ngoài đường tiếng xe cộ chen chúc, bấm còi liên hồi, rồi thì trong các quán xá tiếng nhạc không du dương, trầm bổng thì cũng xập xình, sôi động, trong lớp học tiếng giáo viên giảng bài, tiếng học sinh xì xầm nói chuyện, ngoài chợ thì tiếng kì kèo mặc cả, ngã giá,... Dường như tất cả những âm thanh của cuộc sống đã át hết đi cái âm thanh đến từ tự nhiên, đã bao lâu rồi người ta không còn để ý đến tiếng chim hót, tiếng ong vo ve, tiếng gió thổi vi vu, tiếng hàng cây xào xạc cành lá? Ai cũng bận rộn, chìm đắm vào cuộc sống của riêng mình, chẳng lúc nào ngơi nghỉ hay rảnh rang mà nghe ngóng những âm thanh từ thiên nhiên, từ cuộc sống. Ai cũng bận rộn trong những cuộc hội họp, những cuộc vui đùa, trong những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, người ta cốt chỉ nghĩ sao cho mình được phát biểu nhiều hơn, chứ chẳng bao giờ nghĩ cách làm sao cho mình được lắng nghe nhiều hơn cả. Đó là hậu quả của lối sống vội, sống nhanh, chạy đua với thời gian, với cuộc sống mà quên mất rằng tâm hồn của chúng ta đôi lúc cũng cần lắng lại, cần dừng lại một chút, một chút thôi, để được nghe và lắng nghe, để được sống chậm lại và nghĩ khác đi.

Người ta vẫn nói rằng lời nói thốt ra là bạc, nhưng quên mất vế sau rằng im lặng mới thực sự là vàng. Cuộc sống có những lúc con người ta cần dừng lại, để không hùa vào những cuộc tranh đấu, ồn ào, náo nhiệt nữa, mà phải đặt mình ra ngoài cái vòng ấy để cảm nhận, để lắng nghe. Chúng ta lắng nghe những gì? Thứ nhất là lắng nghe cuộc sống, lắng nghe những điều mà mọi người đang thảo luận, rồi suy ngẫm, rồi chiêm nghiệm, để hiểu sâu sắc hơn về thái độ của những con người xung quanh chúng ta, để nhận ra rằng ai mới là người bạn tốt, ai là kẻ lòng dạ dối gian. Đôi lúc sự im lặng lắng nghe của chúng ta chính là một liều thuốc tốt, một niềm an ủi vô hạn đối với người đang chia sẻ nỗi đớn đau trong lòng với chúng ta, mà không một từ ngữ, hay cách thức nào khác có thể thay thế và làm tốt hơn cả. Lắng nghe cũng là một cách mà chúng ta tôn trọng người đối diện, chúng ta chân thành lắng nghe một cách tích cực sẽ giúp người nói có được sự tự tin hơn để tiếp tục chia sẻ và chính bản thân chúng ta cũng nhờ việc lắng nghe mà có thể thu thập được nhiều thông tin bổ ích hơn cả.

Rồi thì ngoài việc lắng nghe những điều mà mọi người chia sẻ, ta cũng cần lắng nghe cả thiên nhiên nữa, tự hỏi rằng đã bao lần, bạn bỏ xuống công việc đang bộn bề, gia đình đang náo nhiệt, những buổi tụ họp sôi động để tìm một góc quán vắng, lắng nghe những chuyển động của không gian, của thời gian. Hay đã có lúc nào bạn bật dậy giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ để lắng nghe màn đêm, hay đã có lúc nào bạn thức dậy thật sớm chỉ để lắng nghe tiếng chim hót, lắng nghe những âm thanh đầu tiên của cuộc sống. Dù có hay không nhưng chắc chắn rằng, việc lắng nghe trong tĩnh lặng như vậy cũng phần nào khiến tâm hồn của bạn được nuôi dưỡng bởi sự an yên, tĩnh lặng, tạm xa khỏi những bộn bề, mệt mỏi ngoài kia. Bạn có cơ hội để sắp xếp lại tất thảy những suy nghĩ đang chạy loanh quanh trong đầu, đủ thời gian, đủ tỉnh táo để nghĩ thông suốt một vài chuyện đang bế tắc. Đôi lúc sự tĩnh lặng còn là cơ hội ươm mầm cho sự sáng tạo, tìm ra những cái mà ở xã hội ồn ào kia ta không thể nào với đến.

Và cuối cùng, ta còn phải lắng nghe chính bản thân mình nữa, hãy để tâm hồn mình lắng lại và lắng nghe xem con tim chúng ta thật sự muốn gì, cần gì. Sự tĩnh lặng chính là một điều kỳ diệu, là món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho mỗi con người, ở giữa khoảng trống ấy, ta tìm được cái tâm hồn nguyên thủy nhất, tìm được những bản năng sâu thẳm chưa từng được bộc lộ bao giờ. Đó chính là lúc trực giác và trái tim của chúng ta nhạy bén nhất, cũng hiểu rõ nhất được những khao khát đang ẩn sâu trong tâm hồn, cũng nhìn nhận được những gì mà thông thường ta không nhìn thấu.

Chúng ta có thể lắng nghe trong ồn ào không? Điều đó có thể, nhưng những gì chúng ta nghe được thật hỗn tạp và rối rắm, chỉ khi chúng ta khiến lòng mình yên lặng, thì việc lắng nghe mới trở nên hiệu quả và có ý nghĩa hơn hẳn. Việc lắng nghe như thế đem lại cho mỗi con người những lợi ích tích cực, những giá trị mới mẻ, rèn cho con người đức tính nhẫn nại, sự quan tâm chia sẻ với mọi người xung quanh và cả óc quan sát cuộc sống, bởi nghe còn đi kèm với nhìn nữa.

--------------------HẾT----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-cau-noi-cang-tinh-lang-ban-cang-lang-nghe-duoc-nhieu-hon-46272n.aspx
Giữa những bộn bề của cuộc sống, một chút tĩnh lặng sẽ giúp chúng ta bình tâm để lắng nghe và hiểu mình hơn. Bên cạnh Nghị luận xã hội về câu nói: Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn, còn rất nhiều những chủ đề nghị luận hay mà các em có thể luyện tập như: Nghị luận xã hội 200 chữ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, Nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường, Nghị luận xã hội bàn về khát vọng và tham vọng của con người, Nghị luận xã hội: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.

Tác giả: Nguyễn Long Thịnh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

nghi luan xa hoi ve cau noi cang tinh lang ban cang lang nghe duoc nhieu hon

, nghi luan ve cau cang tinh lang ban cang lang nghe duoc nhieu hon, suy nghi cua em ve cau noi song cang sau cang tinh lang lua cang chin cang cui dau,

Tin Mới