Quê hương, đất nước từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca. Các em cùng học cách hãy giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá của em về một bài thơ thuộc đề tài quê hương, đất nước, Ngữ văn 10, Cánh Diều, học kì II dưới đây.
Đề bài: Hãy giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá của em về một bài thơ thuộc đề tài quê hương, đất nước
Bài Hãy giới thiệu và nêu ý kiến của em về một bài thơ thuộc đề tài quê hương, đất nước hay nhất
A. Dàn ý khái quát giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ:
1. Mở đầu:
- Giới thiệu bài thơ và vấn đề trình bày.
2. Nội dung chính:
- Giới thiệu nội dung chính của bài thơ.
- Nêu một số yếu tố nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề, ý nghĩa.
- Phát biểu chủ đề, ý nghĩa của bài thơ.
- Nêu một số ấn tượng và những nhận xét, đánh giá của em về nội dung, nghệ thuật.
3. Kết thúc:
- Khẳng định ý nghĩa và bày tỏ mong muốn nhận được sự trao đổi của người nghe.
B. Dàn ý và bài văn mẫu giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá của em về một bài thơ thuộc đề tài quê hương, đất nước:
Đề số 1: Giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi).
I. Dàn ý giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi):
1. Mở đầu:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần trình bày.
2. Nội dung chính:
2.1. Chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm:
- Chủ đề: tình cảm sâu nặng dành cho quê hương, đất nước.
- Cảm hứng chủ đạo: niềm tự hào xen lẫn niềm xúc động trước quá khứ chiến đấu hào hùng của dân tộc trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
2.2. Giới thiệu về nội dung:
a. Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội qua hoài niệm của nhân vật trữ tình:
- Tín hiệu gợi nhớ về những ngày thu đã xa được thể hiện thông qua hình ảnh "gió thổi mùa thu", "hương cốm mới".
=> Nét riêng biệt, đặc trưng gắn liền với mùa thu Hà Nội. Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội được gợi lên một cách gián tiếp.
- Mùa thu Hà Nội:
+ Thời gian: buổi sáng sớm.
+ Bầu không khí: se lạnh.
+ Hình ảnh những con phố dài kết hợp với từ "xao xác" diễn tả sự tiêu điều, vắng vẻ.
- Nhân vật trữ tình hiện lên với hình ảnh "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" => dứt khoát nhưng cũng lưu luyến.
b. Vẻ đẹp thơ mộng, trù phú của bức tranh đất nước "trong mùa thu nay":
- "Mùa thu nay khác rồi": lời khẳng định của nhân vật trữ tình về sự thay đổi của thời gian.
- Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp: "núi đồi", "rừng tre", "trời thu" "trong biếc", "trời xanh", "cánh đồng thơm ngát", "ngả đường bát ngát", "dòng sông đỏ nặng phù sa" kết hợp với từ ngữ giàu sức gợi hình: "phấp phới", "thiết tha", "thơm ngát", "bát ngát" đã diễn tả bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống.
=> Đất nước hiện lên với vẻ thanh bình, tươi đẹp.
- Cảm xúc của nhân vật trữ tình: niềm xúc động, ngưỡng vọng về một thời đã xa "Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về".
c. Vẻ đẹp của hình tượng đất nước trong chiến tranh:
* Đất nước đau thương, căm hờn:
- Sự tàn ác, khốc liệt của chiến tranh được thể hiện thông qua những hình ảnh "đồng quê chảy máu", "dây thép gai", "bát cơm chan đầy nước mắt", "đứa đè cổ đứa lột da".
=> Tố cáo tội ác của quân giặc và thể hiện nỗi đồng cảm, thương xót trước sự mất mát, hi sinh của nhân dân.
* Đất nước quật cường, anh dũng:
- Nét bi tráng, hào hùng của những người lính: "Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu".
- Sự phản kháng, chiến đấu của người dân việt Nam:
+ Hình ảnh "nét mặt quê hương", "trời đầy chim và đất đầy hoa", "súng nổ rung trời giận dữ", "người lên như nước vỡ bờ".
+ Các động từ mạnh " bật lên những tiếng căm hờn", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên", "rực nghĩ", "rũ bùn đứng dậy".
=> Từ những con người hiền hậu, quanh năm chỉ sống một đời yên bình sau lũy tre làng thì nay, người dân đã kiên cường, anh dũng, chiến đấu lại với kẻ thù. Những xiềng xích, nô dịch của kẻ địch không thể kìm hãm được tinh thần quật khởi, yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.
=> Đất nước hiện lên vừa bi vừa hùng. Tác giả thể hiện niềm tự hào, xúc động sâu sắc trước trang sử vẻ vang của cha ông.
2.3. Đánh giá về nghệ thuật:
- Ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế, giàu sức gợi hình, gợi cảm.
- Biện pháp tu từ độc đáo: nhân hóa, so sánh, điệp ngữ.
- Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị, gần gũi, thân quen.
3. Kết luận:
- Khẳng định giá trị của tác phẩm.
II. Bài nói mẫu giới thiệu, nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi):
Thưa cô và các bạn, em tên là Minh Đức. Trong tiết thực hành nói và nghe ngày hôm nay, em xin giới thiệu đến cô và các bạn tác phẩm "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Kính mong cô và các bạn lắng nghe!
Sự nghiệp văn chương của tác giả vô cùng đồ sộ. Ông để lại dấu ấn trong lòng người đọc bởi giọng điệu tha thiết, tâm tình. Điều này được thể hiện rõ nhất qua văn bản "Đất nước". Xuyên suốt bài thơ, nhà thơ bày tỏ niềm tự hào xen lẫn niềm xúc động trước quá khứ chiến đấu hào hùng của dân tộc trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Trước hết, vẻ đẹp mùa thu Hà Nội qua hoài niệm của nhân vật trữ tình được thể hiện rõ nhất qua hai khổ thơ đầu. Những hình ảnh "gió thổi mùa thu", hương cốm mới" trở thành tín hiệu gợi nhớ về những ngày thu đã xa. Gió mùa thu và hương cốm mới đều là nét riêng biệt, đặc trưng gắn liền với thu Hà Nội. Bởi vậy, vẻ đẹp mùa thu được gợi lên một cách gián tiếp. Trong đôi mắt và cảm nhận của nhân vật trữ tình, Hà Nội mang chút gì đó thoáng buồn. Điều này được thể hiện rõ nhất qua hai câu thơ "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may". Vào buổi sáng sớm, thời tiết Hà Nội se lạnh lại thêm hình ảnh những con phố dài kết hợp với từ "xao xác" càng khiến cho khung cảnh trở nên tiêu điều, ảm đạm. Câu thơ bảy chữ nhưng có đến năm chữ thanh bằng đã cho thấy dòng tâm trạng miên man của nhân vật trữ tình. "Người ra đi" trong tâm thế "đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" vừa dứt khoát nhưng cũng quyến luyến không thôi.
Đến khổ ba, bức tranh đất nước trong "mùa thu nay" hiện lên thật thơ mộng, trữ tình. Hàng loạt các hình ảnh thiên nhiên: "núi đồi", "rừng tre", "trời thu" "trong biếc", "trời xanh", "cánh đồng thơm ngát", "ngả đường bát ngát", "dòng sông đỏ nặng phù sa" được tác giả sử dụng kết hợp với từ ngữ giàu sức gợi hình: "phấp phới", "thiết tha", "thơm ngát", "bát ngát" đã diễn tả bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống. Đất nước hiện lên với vẻ thanh bình, tươi đẹp. Chứng kiến vẻ đẹp ấy, nhân vật trữ tình bồi hồi nhớ về quá khứ, trào dâng nỗi xúc động và ngưỡng vọng về một thời đã xa "Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về".
Ở những khổ sau là vẻ đẹp của hình tượng đất nước trong chiến tranh. Sự tàn ác, khốc liệt của chiến tranh được thể hiện thông qua những hình ảnh "đồng quê chảy máu", "dây thép gai", "bát cơm chan đầy nước mắt", "đứa đè cổ đứa lột da". Tác giả đã tố cáo tội ác của quân giặc và thể hiện nỗi đồng cảm, thương xót trước sự mất mát, hi sinh của nhân dân. Không chỉ vậy, ta còn thấy sự anh dũng, quật cường ở đất nước. Đó là hình ảnh những người lính hành quân trong đêm. Hay còn là sự phản kháng, chiến đấu của người dân Việt Nam. Hình ảnh "nét mặt quê hương", "trời đầy chim và đất đầy hoa", "súng nổ rung trời giận dữ", "người lên như nước vỡ bờ" cùng các động từ mạnh " bật lên những tiếng căm hờn", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên", "rực nghĩ", "rũ bùn đứng dậy" đã cho thấy sự căm phẫn của người dân trước tội ác kẻ thù. Từ những con người hiền hậu, quanh năm chỉ sống một đời yên bình sau lũy tre làng thì nay, người dân kiên cường, anh dũng, chiến đấu lại với kẻ thù. Những xiềng xích, nô dịch của kẻ địch không thể kìm hãm được tinh thần quật khởi, yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.
Như vậy, đất nước hiện lên vừa bi vừa hùng. Bằngngôn ngữ trau chuốt, tinh tế, giàu sức gợi hình, gợi cảm cùng biện pháp tu từ độc đáo: nhân hóa, so sánh, điệp ngữ; hình ảnh thơ trong sáng, bình dị, gần gũi, thân quen, tác giả đã thể hiện niềm tự hào, xúc động sâu sắc trước trang sử vẻ vang của cha ông. Từ đây, ta càng thêm cảm phục, biết ơn công lao to lớn của thế hệ đi trước.
Bài giới thiệu, đánh giá của em về bài thơ "Đất nước" đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!
Hãy giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá của em về một bài thơ thuộc đề tài quê hương đất nước hay nhất của học sinh giỏi
Đề số 2: Giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo.
I. Dàn ý giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo:
1. Mở đầu:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần trình bày.
2. Nội dung chính:
2.1. Chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm:
- Chủ đề: tình yêu quê hương, đất nước.
- Cảm hứng chủ đạo: Sự vui tươi, lạc quan của những người lính đảo.
2.2. Giới thiệu, đánh giá về nội dung của tác phẩm:
* Sân khấu và chân dung của người lính đảo:
- Sân khấu của người lính đảo hết sức đặc biệt, không hề giống với những sân khấu thông thường:
+ Không gian sân khấu thiếu thốn, tạm bợ: "Đá san hô kê lên thành sân khấu/ Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà".
- Thời tiết trên đảo vô cùng khắc nghiệt: Gió to, sóng dữ, sỏi cát bay mù mịt: "Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa/ Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng/ Sỏi cát bay như lũ chim hoang".
- Tinh thần lạc quan, vô tư của những người lính: "cứ mặc nó", "ta bắt đầu thôi".
- Chân dung của những người lính được thể hiện thông qua những hình ảnh:
+ Đầu không mọc tóc: cả khán giả lẫn người biểu diễn đều là những người lính trọc đầu.
+ Lời đùa vui, tếu táo: "Có lúc cui cứ gọi đùa sư cụ/ Là bà con xa với bụt ốc đây mà".
=> Mặc dù hoàn cảnh sống vô cùng thiếu thốn, tạm bợ nhưng những người lính đảo "trọc đầu" vẫn hết sức vô tư, lạc quan.
* Bài hát tình ca của người lính đảo:
- Những hình dung của người lính đảo về người thương:
+ Hình ảnh của "người thương" hiện lên trong trí tưởng tượng với "gương mặt dịu dàng" cùng khoảnh khắc dắt em đi dạo dưới đêm trăng.
+ Câu hỏi tự vấn "Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?" => sự hóm hỉnh, vui tươi của những người lính.
+ Hiện thực trái ngang của người lính sau những mộng mơ, bay bổng: ở trên đảo chỉ có "lưng trời sóng vỗ", "bốn phía chỉ âm u mây nước" nên những người lính vẫn độc thân "và tay mình lại nắm lấy tay mình".
- Bài hát là lời khẳng định về tinh thần bất khuất, kiên trung và tình yêu sâu sắc dành cho quê hương đất nước:
+ "Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây": tình yêu mãnh liệt dành cho Tổ Quốc.
+ "Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này...": Hình tượng người lính giữ vững tay súng, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
2.3. Đánh giá về nghệ thuật:
- Giọng điệu vui tươi, hóm hỉnh.
- Biện pháp tu từ độc đáo: so sánh, điệp ngữ.
3. Kết luận:
- Khẳng định giá trị của tác phẩm.
II. Bài nói mẫu giới thiệu, nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo:
Xin chào cô và các bạn, em tự giới thiệu, tên em là Hoàng Hà Nhi. Sau đây, em xin được giới thiệu, đánh giá bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Kính mong cô và các bạn cùng lắng nghe!
Cùng viết về người lính, nhưng bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" của Trần Đăng Khoa thật khác biệt. Khác biệt ở chỗ, đối tượng mà ông miêu tả là những người lính trên đảo Trường Sa. Người lính ấy hiện lên với nét vui tươi, nhí nhảnh.
Trong bốn khổ đầu, tác giả tập trung miêu tả sân khấu và bức chân dung người lính. Sân khấu của người lính đảo hết sức đặc biệt, không hề giống với những sân khấu thông thường: "Đá san hô kê lên thành sân khấu/ Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà". Không có đèn sáng lóa, không có dàn âm thanh sôi động, sân khấu ấy vô cùng thiếu thốn, tạm bợ với vài tấm tôn và đá san hô. Ngoài ra, thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt. Gió to, sóng dữ, sỏi cát bay mù mịt: "Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa/ Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng/ Sỏi cát bay như lũ chim hoang". Đối mặt với điều đó, người lính vẫn hết sức vô tư, lạc quan: "cứ mặc nó", "ta bắt đầu thôi".
Ở những dòng thơ tiếp, chân dung của những người lính được khắc họa thông qua những hình ảnh đầu không mọc tóc. Cả khán giả lẫn người biểu diễn đều là các chàng trai trọc đầu. Lời đùa vui, tếu táo: "Có lúc cui cứ gọi đùa sư cụ/ Là bà con xa với bụt ốc đây mà" càng cho thấy sự cởi mở, phấn khởi của người lính.
Sáu khổ cuối cùng chính là bản tình ca da diết, tươi vui của người lính đảo. Những hình dung của người lính về người thương thể hiện rõ nhất từ "Những giai điệu ngang tàng như gió biển" đến "Dù thư tình chưa biết gửi cho ai". Hình ảnh "người thương" hiện lên trong trí tưởng tượng người lính với "gương mặt dịu dàng" cùng khoảnh khắc dắt em đi dạo dưới đêm trăng. Câu hỏi tự vấn "Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?" cho thấy sự hóm hỉnh, vui tươi. Thế nhưng, sau những mộng mơ, bay bổng ấy, người lính lại trở về hiện thực khi ở trên đảo chỉ có "lưng trời sóng vỗ", "bốn phía chỉ âm u mây nước". Bởi thế mà, người lính vẫn độc thân "và tay mình lại nắm lấy tay mình", "thư tình chưa biết gửi cho ai". Không chỉ thể hiện niềm mong ước được yêu thương, nhung nhớ mà họ còn khẳng định tình yêu sâu sắc dành cho quê hương đất nước trong lời hát của mình. Đó là tình yêu mãnh liệt mà các anh dành cho Tổ quốc. Giữa muôn trùng sóng gió, người lính vẫn giữ vững tay súng, bảo vệ đất nước, quê hương thân yêu.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!
Đề số 3: Giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Mùa hoa mận.
I. Dàn ý giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Mùa hoa mận:
1. Mở đầu:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần trình bày.
2. Nội dung chính:
2.1. Chủ đề, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm:
- Chủ đề: Tình cảm dành cho quê hương, đất nước, con người.
- Cảm hứng chủ đạo: nỗi nhớ thương da diết về bức tranh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của con người vùng Tây Bắc.
2.2. Giới thiệu, đánh giá về nội dung:
* Hình ảnh trẻ con trong mùa hoa mận nở:
- Khung cảnh đùa vui, náo nức:
+ Con trai háo hức chơi cù.
+ Con gái rộn ràng khăn áo.
- Ước mơ của lũ trẻ vùng cao được gửi gắm, thể hiện thông qua hình ảnh bóng bay.
* Hình ảnh người lớn trong mùa hoa mận nở:
- Khoảng thời gian hoa mận nở cũng lúc Tết đến, xuân về. Chính vì thế, người lớn tấp nập chuẩn bị, chăm sóc tổ ấm của mình. Đó là hình ảnh mẹ "xôn xang lá, gạo", cha căng nỏ, còn người già bản làm đu.
* Hình ảnh ngôi nhà và cảm xúc của nhân vật trữ tình:
- Nét văn hóa, kiến trúc của người Tây Bắc được thể hiện thông qua hình ảnh ngôi nhà trình tường và hương nếp.
=> Mang đậm nét đơn sơ, mộc mạc, gắn liền với sản vật, văn hóa Tây Bắc.
- Nhân vật trữ tình luôn nhớ về quê hương.
2.3. Đánh giá nghệ thuật:
- Biện pháp điệp cấu trúc "Cành mận bung trắng muốt".
- Hình ảnh thơ gần gũi, mang đậm màu sắc Tây Bắc.
3. Kết luận:
- Khẳng định giá trị của tác phẩm.
II. Bài nói mẫu giới thiệu, nêu ý kiến đánh giá về bài thơ Mùa hoa mận:
Chào cô và các bạn, trong tiết thực hành nói và nghe ngày hôm nay, em rất vinh dự khi được đứng đây để gửi đến cô và các bạn phần chuẩn bị của mình. Sau đây, em xin bắt đầu phần trình bày, giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá về bài thơ "Mùa hoa mận". Kính mong cô và các bạn cùng chú ý lắng nghe!
Các bạn thân mến, "Mùa hoa mận" là sáng tác nổi bật của tác giả Chu Thùy Liên. Bà đã đem những quan sát, cảm nhận của mình về bức tranh thiên nhiên và con người vùng Tây Bắc vào tác phẩm một cách hết sức tinh tế, chân thực.
Trong khổ thơ đầu tiên, người đọc có thể hình dung ra khung cảnh tươi vui, nhộn nhịp của những đứa trẻ vùng cao. Đó là hình ảnh "lũ con trai háo hức chơi cù", "lũ con gái rộn ràng khăn áo". Cả hai từ láy "háo hức", "rộn ràng" đều thể hiện tâm trạng vui tươi, phấn khởi.
Đến với khổ thơ thứ hai, tác giả đã chuyển đối tượng miêu tả sang những người lớn. Khoảng thời gian hoa mận nở cũng lúc Tết đến, xuân về. Chính vì thế, người dân tấp nập chuẩn bị, vun vén cho tổ ấm của mình. Đó là hình ảnh mẹ "xôn xang lá, gạo", cha căng nỏ, còn người già bản làm đu. Dưới cành hoa mận, mọi người rộn ràng, hăng say lao động. Có thể thấy, hoa mận trở thành một biểu tượng không thể thiếu ở vùng cao mỗi khi đông qua, xuân tới. Nó chất chứa bao hi vọng, mong ước của người dân.
Cuối cùng, hình ảnh ngôi nhà truyền thống hiện lên thật rõ nét, ấm cúng trong khổ thơ cuối. Nét văn hóa, kiến trúc của người Tây Bắc được thể hiện thông qua hình ảnh ngôi nhà trình tường và hương nếp. Ngọn lửa hồng trong căn bếp đã sưởi ấm không gian căn nhà, khiến ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc trở nên ấm cúng. Từ đấy, mang đến bầu không khí hạnh phúc của gia đình mà bất kì ai đi xa đều nhớ về "Cho người đi xa nhớ lối trở về...".
Bên cạnh nội dung, điều khiến em đặc biệt yêu thích và ấn tượng ở bài thơ chính là nét độc đáo về mặt nghệ thuật. Nhờ biện pháp điệp cấu trúc "Cành mận bung trắng muốt", hình ảnh thơ gần gũi, mang đậm màu sắc Tây Bắc, tác giả đã khắc họa bức tranh thiên nhiên và con người vùng núi hết sức chân thực. Qua đây, em càng cảm nhận được tình cảm trân trọng, yêu thương của nhà thơ.
Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/hay-gioi-thieu-va-neu-y-kien-danh-gia-cua-em-ve-mot-bai-tho-thuoc-de-tai-que-huong-dat-nuoc-74355n.aspx
Từ dàn ý và phần viết của bài thực hành viết văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, em có thể chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung của bài nói. Khi giới thiệu về tác phẩm, em cần phân tích được các yếu tố hình thức nghệ thuật, nội dung của đoạn hoặc bài thơ. Mời các em tham khảo thêm nội dung: Đoạn văn thể hiện cảm nhận về nhân vật "em" trong bài thơ Khoảng trời, hố bom và nhiều bài văn mẫu lớp 10 hay khác.