Tục ngữ thường là những câu nói giản dị, ngắn gọn đúc kết những kinh nghiệm hoặc là lời khuyên răn của thế hệ đi trước dành cho thế hệ cháu con, cùng giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn để hiểu hơn về một trong số những lời nhắc nhở, những đạo lí tốt đẹp người xưa đã khuyên dạy chúng ta.
Đề bài: Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
I. Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
1. Mở bài
Giới thiệu câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn": Dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay luôn tự hào với nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, quý báu, một trong số những truyền thống tốt đẹp đó đã được gửi gắm qua câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn"
2. Thân bài
· Giải thích câu nói:
· Uống nước: mang ý nghĩa hưởng thành quả từ thế hệ đi trước đã lao động và đấu tranh để có được
· Nhớ nguồn:nhớ đến công lao, sự hy sinh của thế hệ đi trước
· Ý nghĩa của câu nói: nhắc nhở và răn dạy con người sống trên đời phải có lòng biết ơn, phải ghi nhớ công ơn và phải đền ơn đáp nghĩa sao cho trọn vẹn
· Ý nghĩa của việc uống nước nhớ nguồn:
· Là một triết lý đúng đắn
· Là đạo lý làm người tất yếu
· Là nền tảng vững chắc xây dựng xã hội
· Biểu hiện của uống nước nhớ nguồn:
· Tự hào với lịch sử và truyền thống của dân tộc
· Bảo vệ và giữ gìn thành quả lao động, bản sắc dân tộc
3. Kết bài
Rút ra bài học từ câu tục ngữ: Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" thực sự đã thức tỉnh con người chúng ta trong xã hội hiện nay
II. Bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
Dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay luôn tự hào với nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, quý báu, một trong số những truyền thống tốt đẹp đó đã được gửi gắm qua câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn". Câu tục ngữ hay truyền thống đó đã thể hiện một triết lý sống nhân văn, đạo lý làm người sâu sắc của con người Việt Nam ta, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục, răn dạy và nhắc nhở cho thế hệ mai sau hãy giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc.
Tất cả mọi con sông, dù ngắn dù dài, dù trong dù đục đều có nguồn của nó, việc sử dụng nước trên sông đó cần phải nhớ đến nguồn của con sông. Gắn vào đời sống con người, việc "uống nước" ở đây mang ý nghĩa hưởng thành quả từ thế hệ đi trước đã lao động và đấu tranh để có được, còn "nhớ nguồn" chính là nhớ đến công lao, sự hy sinh của thế hệ đi trước. Câu tục ngữ mang ý nghĩa nhắc nhở và răn dạy con người sống trên đời phải có lòng biết ơn, phải ghi nhớ công ơn và phải đền ơn đáp nghĩa sao cho trọn vẹn.
"Uống nước nhớ nguồn" thực sự là một triết lý cao đẹp, mỗi con người chúng ta không ai là tự nhiên sinh ra, có ông bà, cha mẹ mới có chúng ta, cha mẹ sinh ra ta rồi lại nuôi nấng giáo dưỡng một đời chịu bao nhiêu vất vả, chúng ta phải ghi nhớ công ơn trời biển của cha mẹ, phải là người con ngoan làm tròn bổn phận và chữ hiếu. Xung quanh cuộc sống của chúng ta chẳng có thành quả nào lại không có nguyên nhân. Nếu không có sự hy sinh xương máu của những người lính thời chiến tranh làm sao chúng ta được sống trong nền hoà bình độc lập và tự do này. Có được cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc đủ đầy như ngày hôm nay chính nhờ thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống, chúng ta phải khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ.
Một xã hội mà ở đó con người sống có ý thức biết ơn, đề cao tinh thần uống nước nhớ nguồn mới thực sự là một xã hội đoàn kết và phát triển vững mạnh. Ngược lại, nếu xã hội chỉ toàn con người vô ơn, bội bạc nghĩa tình tự nhiên sẽ gây ra sự chia rẽ xã hội, mất đi tình người và niềm tin vào cuộc sống. Xã hội đó sớm sẽ suy tàn, nếu không vì thế lực thù địch bên ngoài cũng vì bạo loạn bên trong. Đất nước ta gìn giữ được nền hoà bình dân tộc chính nhờ đạo lý này. Thế hệ sau luôn tự hào về thế hệ cha anh, ra sức bảo vệ những thành quả mà thế hệ trước đã dày công gắng sức gây nên; không ngừng học tập rèn luyện, gìn giữ những giá trị bản sắc văn hoá, truyền thống quý báu của dân tộc. Cần thiết phải xây dựng nếp sống "Sống trong thế giới biết ơn", biết ơn cha mẹ, thầy cô, biết ơn người giúp ta được thành tựu, biết ơn với tất cả những "nguồn nước" đã cho ta "uống".
Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" thực sự đã thức tỉnh con người chúng ta trong xã hội hiện nay. Ngày nay, con người ta thường có thói quen sống vội, sống gấp mà quên đi những đạo lý ơn nghĩa, chỉ biết uống nước mà không nhớ về nguồn cội, đó là lối sống rất đáng lên án và phê phán, ảnh hưởng xấu tới bộ mặt xã hội và suy thoái đạo đức con người.
---------------------------HẾT----------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/giai-thich-cau-tuc-ngu-uong-nuoc-nho-nguon-45994n.aspx
Cùng với Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây cũng là một trong những đạo lí tốt đẹp của người Việt Nam ta, để hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ, qua đó thấy được trách nhiệm của bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài: Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây tại Thuthuat.Taimienphi.vn