Giải thích câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng

Bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng sẽ cùng các em tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng, qua đó thấy được nét đẹp và cả những hạn chế của những phong tục tập quán của nhân dân ta trong xã hội xưa.

Đề bài: Giải thích câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

giai thich cau tuc ngu phep vua thua le lang

Giải thích câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng


I. Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về ca dao, tục ngữ Việt Nam
- Dẫn dắt, trích dẫn câu tục ngữ

2. Thân bài

a. Lý giải ý nghĩa câu tục ngữ "Phép vua thua lệ làng".
- Câu tục ngữ khẳng định sự bền vững của những giá trị văn hóa của dân gian hay cũng chính là những phong tục truyền thống.
- "Phép vua" là những quy định mang tính hành chính tối cao.
- "Lệ làng" là những phong tục văn hóa làng xã có từ lâu đời.

b. Giải thích vấn đề: Nêu lí do vì sao "phép vua thua lệ làng" và đưa ra dẫn chứng, chứng minh.
- Những phong tục làng quê có tính truyền thống lâu đời
- Những phong tục dân gian có tính độc đáo mang đến lòng tự hào
- Sự gắn bó chặt chẽ với làng quê của nhân dân
- Do tính bảo thủ cố hữu của con người

c. Hiện trạng ngày nay
- Ngày nay, chính sách văn hóa của Đảng và nhà nước đã giúp bảo tồn những "lệ làng" tích cực, định hướng loại bỏ những "lệ làng" lạc hậu không còn phù hợp với xã hội hiện đại.

3. Kết bài
- Khái quát lại nội dung câu tục ngữ.


II. Bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng (Chuẩn)

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Lắng đọng trong dòng chảy bốn thiên niên kỷ ấy là biết bao lớp trầm tích văn hóa, phong tục của cha ông. Từ sắc "điệp" lóng lánh tranh Đông Hồ trong thơ Hoàng Cầm "màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" đến ngày giỗ Tổ "tháng ba mùng mười" đều là những giá trị văn hóa, phong tục vật chất, tinh thần vô cùng quý giá. Trong "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi đã khẳng định sự quý giá của văn hóa, phong tục dân gian với việc dùng nó để tuyên ngôn độc lập "Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục bắc nam cũng khác". Và trước Nguyễn Trãi, nhân dân ta cũng thể hiện sự trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa, phong tục qua câu tục ngữ "phép vua thua lệ làng".

Kho tàng văn học dân gian của người Việt chứa đựng không ít những câu tục ngữ có sự mâu thuẫn với nhau như "không thầy đố mày làm nên" và "học thầy không tày học bạn" tuy nhiên cũng có khi mâu thuẫn nằm ngay trong một câu tục ngữ như "phép vua thua lệ làng". Trước hết, cần hiểu "phép vua" là gì? "Phép vua" là những quy định mang tính hành chính được ban hành bởi bộ máy cai trị phong kiến. "Phép vua" không có tính định mà mỗi thời mỗi khác khi mỗi vị vua đều tìm cách sửa đổi luật pháp để cai trị tốt hơn. Tiêu biểu cho điều này là "luật Hồng Đức". Luật vốn được khởi thảo từ thời Lê Thái Tổ sau đó được tiếp tục bổ sung dưới thời Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông cho đến Lê Thánh Tông thì hoàn chỉnh. "Phép vua" hay cũng chính là luật pháp dù mỗi thời mỗi khác nhưng đều có giá trị bao quát đời sống của nhân dân trong cả nước. Nếu "phép vua" là quy định của nhà nước thì "lệ làng" là gì? "Lệ làng" là những phong tục văn hóa cổ truyền của làng xã. Vì thế, "lệ làng" chỉ được giới hạn trong phạm vi hẹp của mái đình, lũy tre làng. Câu tục ngữ "phép vua thua lệ làng" nói lên mâu thuẫn giữa "phép vua" và "lệ làng" bởi một quy định mang tính phổ quát chung lại "thua" những phong tục trong một cộng đồng nhỏ bé. Qua mâu thuẫn này, tác giả dân gian muốn khẳng định sự quý giá của những phong tục văn hóa truyền thống.

Từ xa xưa trước khi hình thành nhà nước thì những làng xã đã ra đời, cùng với đó là những phong tục văn hóa. Sự lâu đời của phong tục văn hóa chính là điều khiến "phép vua thua lệ làng". Những đứa trẻ từ khi ra đời đến khi trưởng thành luôn được cha ông truyền dạy những phong tục truyền thống để rồi chính chúng lại tiếp nối truyền lại cho các thế hệ sau. Phong tục truyền thống theo đó ăn sâu vào tâm thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Vậy nên phong tục của cộng đồng làng xã nếu có mâu thuẫn với quy định, luật pháp thì cũng khó có thể từ bỏ. Những lễ hội truyền thống dân gian như "lễ hội cầu mùa", "lễ hội xuống đồng"... của nhân dân đã có từ lâu đời lại gắn với nghề nông - nghề nghiệp mưu sinh của người nông dân - nên giả sử nếu có quy định buộc từ bỏ những lễ hội này thì có lẽ lễ hội vẫn diễn ra theo một cách khác.

Mỗi ngôi làng của người Việt thường mang những phong tục truyền thống riêng tạo nên niềm tự hào sâu sắc. Chính bởi niềm tự hào về quê hương bản quán của mình nên người ta không dễ từ bỏ phong tục truyền thống dẫu có phải đối diện với "phép vua" nghiêm khắc. Niềm tự hào về những phong tục truyền thống của làng quê đã khiến cha ông ta sáng tác nên không ít những lời ca dao. Nếu như người dân Thanh Hóa tự hào về hội Gai, hôi Mía "Tháng sáu hội Gai/ Tháng hai hội Mía" thì người Bắc Ninh lại tự hào về hội Dâu hội Bưởi "Hội Dâu đã tàn, hội Gióng đã tan/ Ai còn nồng nàn thì về hội Bưởi" và người Hưng Yên tự hào về hội Đa Hòa "Hỡi ai đi ngược về xuôi/ Nhớ hội Đa Hòa mùng mười tháng hai".

"Phép vua thua lệ làng" không chỉ bởi "lệ làng" là những phong tục lâu đời, là niềm tự hào của mỗi người dân mà còn bởi người dân gắn bó với làng quê sâu sắc. Cuộc sống gắn với nghề nông khiến từ xưa, ông cha ta ít ra khỏi lũy tre làng. Vậy nên những người hàng xóm, láng giềng đôi khi còn gần gũi hơn cả anh em ruột thịt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người xưa truyền dạy con cháu "bán anh em xa mua láng giềng gần" hay "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau". Sự gắn bó với cuộc sống làng quê khiến mỗi người dân luôn tôn trọng những phong tục tập quán của quê hương hơn quy tắc đôi khi là nhất thời và ở rất xa xôi thuộc về triều đình.

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì "phép vua thua lệ làng" còn bởi tính bảo thủ cố hữu của con người mà mở rộng ra là sự bảo thủ cố hữu của cả cộng đồng. Trước những làn gió văn minh, mới mẻ, tính bảo thủ cố hữu khiến người ta duy trì những truyền thống cũ, dù đã lạc hậu, mà không chịu đón nhận những điều hiện đại. Trước Cách mạng tháng Tám, ở vùng cao nước ta, không ít dân tộc còn duy trì tục lệ "bắt vợ" vốn đã gây nên nhiều số phận nghiệt ngã. Phần nào những số phận khổ đau ấy đã được nhà văn Tô Hoài tái hiện thông qua câu chuyện "Vợ chồng A Phủ". Trong câu chuyện ấy, người con gái xinh xắn, giỏi giang mang tên Mị vì món nợ truyền kiếp mà bị A Sử - con trai tên thống lí trong vùng - bắt về làm vợ để rồi từ đó trải qua những ngày tháng tối tăm, tủi nhục nhất trong cuộc đời.

Ngày nay với chính sách phát triển văn hóa đúng đắn của Đảng và nhà nước - phép vua của thời kỳ hiện đại - đã giúp bảo tồn và phát huy những "lệ làng" tốt đẹp đồng thời hạn chế những "lệ làng" lạc hậu, cổ hủ. Rất nhiều những lễ hội tưởng chừng đã bị quên lãng nay được nghiên cứu phục dựng và trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa như "hội trò trám", "hội lồng tồng"...

Cát bụi thời gian mang sức mạnh xóa nhòa khủng khiếp. Thời gian phủ bụi lên những mái đình cổ kính rêu phong, làm mòn đi những thành quách vĩ đại một thời nhưng cũng chính thời gian khiến những giá trị văn hóa được mài giũa, trường tồn. Câu tục ngữ "phép vua thua lệ làng" khẳng định sự bền vững của những giá trị văn hóa, phong tục truyền thống trước những sóng gió của thời đại. Có lẽ chính nhờ ý thức giữ gìn truyền thống truyền lại từ xa xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn lưu giữ được biết bao "thuần phong mỹ tục" sau cả nghìn năm bắc thuộc và sau mấy mươi năm chịu ách thống trị dưới gót giày thực dân, đế quốc.

---------------HẾT----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/giai-thich-cau-tuc-ngu-phep-vua-thua-le-lang-66216n.aspx
Trên đây là bài Giải thích câu tục ngữ "phép vua thua lệ làng", để viết tốt kiểu bài giải thích tục ngữ dân gian Việt Nam, các em nên tham khảo thêm các bài viết khác như: Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn; Giải thích câu ca dao Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng, Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách, Giải thích câu tục ngữ Mãnh hổ nan địch quần hồ.

Tác giả: Hoài Linh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Bình luận câu tục ngữ Anh em khinh trước, làng nước khinh sau
Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công
Dàn ý giải thích câu tục ngữ Mãnh hổ nan địch quần hồ
Dàn ý giải thích câu tục ngữ Có học mới nên khôn
Từ khoá liên quan:

giai thich cau tuc ngu phep vua thua le lang

, em hay giai thich cau tuc ngu phep vua thua le lang, dan y giai thich cau phep vua thua le lang,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới