Bài văn mẫu: Chứng minh Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng sẽ giúp em rèn luyện kĩ năng chứng minh phản đề, bởi xưa kia ông cha ta từng răn dạy "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng: "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng", các em nghĩ sao về ý kiến này?.
Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và viết bài hoàn chỉnh cho đề văn: Nhân dân ta có câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Em hãy viết bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em
I. Dàn ý Chứng minh "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng".
1. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề, giới thiệu câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".
- Giới thiệu ý kiến: "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng".
2. Thân bài
a) Giải thích câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng."
- Nghĩa đen
+ Mực: Thường có màu đen, người xưa sử dụng mực Tàu, có thể viết hay sử dụng để vẽ tranh.
+ Đèn: Đồ vật để soi sáng, thắp sáng trong bóng tối.
+ Sử dụng mực không cẩn thận sẽ có thể bị lấm lem vào tay và trang phục.
+ Ở gần đèn, con người vẫn có thể học tập, làm việc, hoạt động bình thường như dưới ánh sáng mặt trời.
- Nghĩa bóng
+ Gần mực thì đen: Ở trong môi trường sống xấu và tiếp xúc với những con người xấu sẽ dễ lây nhiễm các điều xấu.
+ Gần đèn thì rạng: Khi ở với người tốt và trong môi trường tốt sẽ rèn con người tốt đẹp hơn.
=> Ý nghĩa câu tục ngữ:
- Khuyên con người cần sống trong môi trường tốt và chơi với những người tốt.
- Tránh xa những nơi thiếu lành mạnh và những người bạn không tốt.
b) Giải thích ý kiến: "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng."
- Trong tự nhiên:
+ Cây xanh mọc lên từ đất nâu.
+ Sen đẹp mọc lên từ bùn đen.
- Trong cuộc sống thường ngày:
+ Những người đã có sự nghiệp lớn, lừng danh hiện nay đã từng sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Dẫn chứng: Oprah Winfrey; J.K.Rowling; hai anh em cầu thủ Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng,...
=> Ý nghĩa của ý kiến trên
- Con người sống cần vượt qua chính mình và hoàn cảnh để vươn lên.
- Khi bị đẩy vào những tình huống khó khăn nhất, chúng ta cần vượt qua hoàn cảnh đó bằng nghị lực và bản lĩnh của bản thân.
3. Kết bài
- Khẳng định lại ý kiến cá nhân và nêu cảm xúc.
- Bài học cho bản thân.
II. Bài văn mẫu Chứng minh "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng".
Kinh nghiệm là khối tri thức được con người rút ra và tổng hợp lại từ những điều đúng đắn đã xảy ra. Các kinh nghiệm trong cuộc sống hữu ích và đáng quý đó của cha ông ta được lưu truyền thông qua văn học một cách tinh tế và rất đặc sắc, điển hình là những câu tục ngữ có vần điệu dễ nghe dễ hiểu. Ví như khi răn dạy thế hệ sau về việc môi trường sống có ảnh hưởng đến bản thân mỗi người như thế nào, người xưa đã có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng." Tuy nhiên, một số người lại có ý kiến cho rằng: "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng" . Phải chăng ý kiến trên đang đi ngược với lời răn của ông cha ta?
Đối với người Việt Nam ta, những câu tục ngữ thường đúc kết nhiều kinh nghiệm của cuộc sống và mang ý nghĩa giáo dục, sử dụng rộng rãi và trở thành những quy tắc trong ứng xử. Tục ngữ gần gũi và giản dị bởi những hình ảnh được dân gian sử dụng trong các câu, chẳng hạn hình ảnh quen thuộc với chúng ta như "quả" và "cây" trong câu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và được lưu lại ngàn đời bởi tính đúng đắn. Trong câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", có những hình ảnh nổi bật đối lập nhau là: "mực, đèn" và các tính từ tương phản "đen, rạng" làm cho câu trở nên đối xứng cả về hình ảnh và ngữ nghĩa. Khi xưa, người Việt chúng ta ưa chuộng màu mực đen để viết bút lông, bút dạ cho đẹp và bóng. Nên nói đến mực là người ta liên tưởng ngay đến màu đen tuyền. Khi sử dụng mực, người dùng cần bơm mực hay chấm mực mỗi khi mực khô hay hết mực; vậy nên khó tránh khỏi hiện tượng mực bám vào tay hay bám vào trang phục. Nên câu nói " Gần mực thì đen" ý rằng sử dụng mực khi viết ắt sẽ có lúc tay bị lấm lem. Đèn là đồ vật để soi sáng trong bóng tối, dù là thời xưa người ta sử dụng công cụ có tác dụng thắp sáng là chiếc đèn dầu hay thời hiện đại sử dụng chiếc đèn điện thì khi nhắc đến đèn, người ta sẽ nghĩ ngay đến ánh sáng. Khi ở gần đèn, người ta được soi rọi và bởi vậy sẽ học tập hoặc làm việc dễ dàng, thuận tiện như đứng dưới ánh sáng tự nhiên của mặt trời. Từ sự đối lập giữa hình ảnh mực và đèn, người xưa muốn khuyên chúng ta trong cuộc sống cần biết chọn chốn để chơi, chọn nơi, chọn người để mình học tập. Cốt là để bản thân học được những cái hay, cái tốt từ những người khác và từ môi trường sống. Nếu ở những nơi tốt đẹp, lành mạnh sẽ giúp con người có những thói quen lành mạnh, sống có trách nhiệm và hướng thiện hơn. Một người bạn được coi là bạn tốt khi biết giúp đỡ bạn mình phấn đấu và tiến bộ trong học tập, công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, câu tục ngữ còn răn dạy nên tránh môi trường xấu và những người xấu để không bị lây nhiễm các điều xấu cho bản thân. Từ đó, câu tục ngữ vẫn luôn mang ý nghĩ giáo dục cao đối với bao lứa tuổi và thời đại.
Vậy ý kiến: "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng" phải chăng là sai lầm? Khi xét trong thực tế, ý trên cũng có phần đúng đắn. Trong tự nhiên, cây dù xanh tốt, hoa dù rực rỡ đến mức nào chăng nữa cũng mọc lên từ đất nâu, ngay cả loài hoa cao quý như hoa sen cũng mọc lên từ bùn đất. Nhờ có bùn, hoa mới nở, lá mới xanh và có những hạt sen thơm kết tinh những tinh hoa của đất trời. Nhờ có đất nâu, cây mới sống tốt và phát triển cho hoa thơm, trái ngọt và cả bóng mát cho con người. Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người tài giỏi gặt hái được nhiều điều thành công dù họ đã từng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn túng thiếu. Người được coi là "nữ hoàng truyền thông" đồng thời là tỉ phú người Mỹ gốc Phi - Oprah Winfrey đã từng sống trong cảnh tù đày của tâm hồn khi bà bị lạm dụng khi mới lên 9, mang thai ở tuổi 14 và chứng kiến cái chết của con mình ngay sau khi con bà ra đời. Tuy nhiên, cũng từ những bất hạnh đó và cũng một phần ảnh hưởng bởi sự giáo dục khắt khe từ người cha đã tạo nên một Oprah Winfrey mạnh mẽ, kiên cường và đạt được liên tiếp các thành công, trở thành người đứng đầu giới truyền thông như hiện nay. Đó chẳng phải "gần đèn chưa chắc đã đen" như cha ông ta đã nói hay sao? Hay như tác giả J.K.Rowling - người đã tạo nên cậu bé phù thủy Harry Potter chinh phục biết bao độc giả trên khắp thế giới - là người mẹ đơn thân, trước khi nổi tiếng bà cũng đã phải chịu nhiều đau khổ trước cái chết của mẹ và sự đổ vỡ trong hôn nhân, bên cạnh đó Rowling cũng luôn phải chiến đấu với cuộc chiến nghèo túng giữa ngôi nhà thuê chật chội. Cảnh nghèo khổ cuốn lấy người phụ nữ đó trong thời gian trước ngưỡng cửa đưa bà trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới bằng nghề viết văn. Hai anh em cầu thủ Bùi Tiến Dũng - Bùi Tiến Dụng trong những năm tháng nghèo khó đã phải thu lượm và bán từng chiếc vỏ chai nhựa để mua bóng và thỏa mãn niềm đam mê, cho đến nay cả hai anh đã trở thành gương mặt nổi tiếng trong làng bóng đá của Việt Nam. Bên cạnh những tấm gương biết vượt lên hoàn cảnh lại có những "mầm cây" vì sợ hãi những điều sẽ xảy tới đã chấp nhận nằm trong đất mãi mãi. Có những con người sống bê tha đổ lỗi cho hoàn cảnh mà sống qua ngày chẳng khác nào mầm cây ngọn cỏ hay sống trong điều kiện sống tốt nhưng ăn chơi, đua đòi nghiện ngập rồi trở nên tha hóa, biến chất, thật đáng chê trách phê phán. Martin Luther King - nhà hoạt động dân quyền đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964 đã từng nói: "Bạn không thể điều khiển hướng gió, chỉ có thể điều khiển cánh buồm." Trong cuộc sống, ta không thể biết trước những điều sẽ xảy đến với mình, càng không thể ngăn nó không xảy đến, điều quan trọng hơn cả là cách ứng xử của bạn với điều đó. Nếu bạn sống trong một môi trường không tốt, bạn có thể hòa nhập nhưng không được đánh mất đi bản thân mình. Nếu bạn có một người bạn không tốt, cách tốt hơn cách rời xa họ là để họ thấy những điều tốt đẹp luôn tồn tại, để từ đó đem đến cho họ niềm tin vào bản thân; để lòng tốt của bạn lan tỏa và bạn sẽ thành ánh đèn thắp sáng mỗi trái tim của người khác.
Cuộc sống đa dạng sắc màu và dáng vẻ luôn đem đến cho con người bài học và kinh nghiệm sâu sắc. Chỉ cần ta tin bản thân và luôn sống hướng thiện, yêu thương muôn vật muôn loài và người khác thì khi ấy hoàn cảnh sống hay môi trường sẽ trở thành đòn bẩy giúp ta được tỏa sáng. Vậy nên câu nói: "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng" là ý kiến đúng đắn, nhắc nhở con người thức tỉnh bản thân, từ đó, giúp con người sống trách nhiệm hơn và có ích hơn.
https://thuthuat.taimienphi.vn/chung-minh-gan-muc-chua-chac-da-den-gan-den-chua-chac-da-rang-38950n.aspx
Để có thể hoàn thành được bài viết Chứng minh "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng" một cách dễ dàng, các em học sinh cũng cần hiểu rõ hơn về câu tục ngữ gốc "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" qua các bài viết chi tiết: Giải thích câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" , Nghị luận xã hội "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" hoặc Dàn ý Nghị luận xã hội "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" để biết cách xây dựng dàn ý bài văn nghị luận xã hội.