Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Chí Phèo là nhân vật văn học để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong nền văn học hiện thực Việt Nam trước Cách mạng Việt Nam, cùng viết bài văn nêu cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao để trình bày những suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá của bản thân mình về nhân vật này.

Đề bài: Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu
  1. Bài mẫu số 1
  2. Bài mẫu số 2
  3. Bài mẫu số 3

cam nhan ve hinh tuong nhan vat chi pheo trong truyen ngan cung ten cua nam cao

Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

 

I. Dàn ý Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao


1. Mở bài 

- Đôi lời về tác giả Nam Cao
- Dẫn vào nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên.


2. Thân bài

a. Hoàn cảnh xuất thân:
- Là đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên trong sự yêu thương của làng Vũ Đại.
- Khi lớn lên cũng là người lương thiện, chất phác, có lòng tự trọng, có ước mơ cao đẹp.

b. Bi kịch bị lưu manh hóa:
- Tự trọng trước người đàn bà lăng loàn, rồi bị Bá Kiến kẻ đại diện cho tầng lớp thống trị cường quyền đẩy vào nhà tù thực dân - phong kiến 7, 8 năm trời => Trở thành thằng lưu manh.
- Ngoại hình kỳ dị: Nêu dẫn chứng.
- Nhân cách dị dạng, trở nên cực đoan, liều lĩnh: Thích uống rượu, ăn thịt chó, ăn vạ, chửi bới,...
=> Bị lưu manh hóa hoàn toàn, trở thành con người hung hăng, liều lĩnh, cái bản chất lương thiện dường như đã bị bóp chết trong 7, 8 tù đày.

c. Bi kịch tha hóa thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại:
- Ngoại hình của "con vật lạ".
- Nhân cách:
+ Sự khờ khạo u mê của Chí đã khiến Chí bán rẻ nhân cách của mình, đi đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến để lấy vài hào bạc sống qua ngày mà không hề ý thức được.
+ Khao khát được giao tiếp với cộng đồng bằng tiếng chửi bới, nhưng không ai đáp lại => Thất bại trong giao tiếp, bị đẩy ra khỏi cộng đồng.

d. Sự hồi sinh và bi kịch bị từ chối quyền làm người.
- Cuộc gặp gỡ và tình yêu với Thị Nở khiến lần đầu Chí Phèo tỉnh rượu trong hơn 15 năm say khướt, u mê.
- Chí Phèo nhớ về ước mơ thời trai trẻ, muốn quay lại sống làm người lương thiện bằng cách kết hôn với Thị Nở.
- Lời từ chối của Thị Nở và lời của bà cô đã thức tỉnh Chí Phèo về cái bi kịch của hắn, bi kịch bị từ chối quyền làm người, hắn đã không thể quay lại nữa.
- Chí lựa chọn cái chết để giải thoát => Biểu hiện của bản chất lương thiện tồn tại bất diệt trong tâm hồn Chí, giờ đây chỉ có kết liễu mạng sống thì mới có thể hoàn toàn từ bỏ cuộc đời của một con quỷ dữ, một thằng lưu manh, bị cả xã hội xa lánh.


3. Kết bài

- Nêu nhận định về nhân vật.

 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao


1. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo, mẫu số 1 (Chuẩn):

Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị. "Chí Phèo" là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nam Cao viết về những người nông dân trước Cách mạng. Tác phẩm vừa là tiếng nói của những người nông dân vừa là bản tố cáo xã hội lúc bấy giờ đã chà đạp lên quyền sống của con người.

Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã để cho nhân vật của mình xuất hiện vô cùng ấn tượng: "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi". Tiếng chửi của Chí dường như đã trở thành một thói quen. Tiếng chửi khiến nhân vật của Nam Cao bỗng nhiên trở thành sự tò mò lớn với người đọc. Cuộc đời Chí rốt cuộc đã trải qua bao nhiêu phần cay đắng để phải trút ra những tiếng chửi không của riêng ai như vậy? 

Chí Phèo vốn là một đứa trẻ không cha, không mẹ. Hắn bị chính người sinh ra hắn bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng. Hắn không được cha mẹ mình thừa nhận, chào đón rồi bị vứt bỏ tại cái lò gạch cũ. Hắn được hết người này đến người khác nhặt nuôi. Ban đầu được một người đi thả ống lươn nhặt về nuôi, sau đó là một goá phụ rồi lại đến tay bác phó cối. Rồi cuối cùng Chí lại trở thành đứa trẻ không nơi nương tựa khi bác phó cối qua đời. Cuộc đời của Chí phần nào đó thể hiện cuộc sống khó khăn của những kiếp người phải đi ở đợ, lam lũ, vất vả trước cách mạng tháng Tám. Mãi cho đến khi mười tám tuổi, Chí vào làm ở nhà Bá Kiến với mong muốn kiếm được bữa cơm sống qua ngày. Chí vốn là con người chân chất, mộc mạc nhưng cái bản chất tốt đẹp đó lại bị chính cái xã hội mà Chí đang sống hủy hoại. Chí đã bị Bá Kiến đẩy vào tù vì cái tính hay ghen của lão khi thấy vợ mình hằng ngày sai Chí bóp chân cho bà. Giống như chị Dậu cầm đống giấy bạc ném vào mặt tên quan bỉ ổi, xấu xa, như Lão Hạc đã tìm đến cái chết vì lòng tự trọng của mình, Chí không hề bị khuất phục trước những lời ngon ngọt của bà ba. Nhưng xã hội đó đâu có chỗ cho những người lương thiện. Nhà tù thực dân vô tình đã tiếp tay cho Bá Kiến cướp đi sự lương thiện của Chí.

cam nhan ve nhan vat chi pheo

Những bài văn Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo hay nhất

Bảy, tám năm sau, ra tù, Chí quay trở về làng Vũ Đại. Lúc này Chí không còn là anh nông dân thật thà, chân chất ngày xưa nữa mà đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại với cái "đầu thì trọc lốc", "răng cạo trắng hớn", "trông gớm chết", khắp người thì xăm những hình thù quái dị. Nam Cao đã phải sử dụng đến từ "ghê chết" để miêu tả dáng vẻ Chí lúc này. Thậm chí tính khí lưu manh còn được thể hiện rất rõ qua từng hành động của Chí. Từ hành động rạch mặt ăn vạ, đến đốt quán khi không mua được rượu và đỉnh điểm là khi Chí trở thành tay sai, thành công cụ của Bá Kiến. Chỉ với vài đồng bạc mà Bá Kiến đưa cho Chí càng ngày càng lún sâu vào tội lỗi. Cái mới của "Chí Phèo" chính là ở điểm này. Thay vì phân tích, tái hiện cuộc sống khốn khổ của những người nông dân, Nam Cao đã khám phá, phát hiện và đi sâu vào con đường lưu manh hoá của những người nông dân vốn bình dị, thật thà nhưng xã hội đã biến họ thành những kẻ tàn ác. Bằng lối viết sắc sảo, chỉ thông qua quá trình tha hoá của Chí, quá trình từ một người lương thiện biến thành một kẻ lưu manh, Nam Cao đã gián tiếp vạch trần được cái bộ mặt tàn ác, xấu xa của xã hội bấy giờ.  

Rồi Chí gặp Nở. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo với Thị Nở đã thay đổi cuộc đời Chí. Người ta ví Thị Nở giống như một ánh trăng dịu êm của cuộc đời Chí. Sự quan tâm của Thị, tình thương của Thị đã đánh thức trong Chí ham muốn được làm người lương thiện. Buổi sáng hôm ấy cũng như bao buổi sáng bình thường khác mà thôi nhưng đó là lần đầu tiên Chí nghe được những âm thanh trong trẻo của cuộc sống hằng ngày, từ tiếng chim hót cho đến tiếng hỏi nhau của các bà, các cô đi chợ về. Chí nhớ về niềm mong ước có một gia đình nhỏ, nuôi thêm con gà, trồng thêm cái cây... sống hạnh phúc qua ngày. Thì ra Chí cũng có những phút giây "người" đến thế! Đỉnh điểm nhất là bát cháo hành của Thị đã khiến Chí "mắt ươn ướt" rồi "cười thật hiền".  Thị khiến Chí - một kẻ chỉ biết sống qua ngày chợt nghĩ về tương lai, hy vọng về một gia đình hạnh phúc. Rồi Chí khóc. Giọt nước mắt của một con quỷ dữ khiến Thị bất ngờ, thầm nghĩ: "có lúc hắn hiền như đất". Rồi Chí ngỏ ý muốn Thị về ở với Chí. Nhờ có Thị, Chí khao khát muốn được trở về cuộc sống lương thiện trước đây, cùng Thị vun vén hạnh phúc. 

Đây được coi như những trang viết làm bừng sáng cuộc đời Chí. Từng suy nghĩ, từng hành động, lời nói của Chí đều khiến người đọc vô cùng cảm động. Mong ước giản dị của Chí lại đến từ chính người đàn bà bị cả xã hội xa lánh, nó khiến độc giả phải giật mình suy nghĩ, trân trọng hơn hạnh phúc mà mình đang có. 

Chúng ta cũng tưởng rằng đến đây cuộc đời Chí có thể bước sang một ngã rẽ khác nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Chí bị Thị từ chối bởi bà cô của Thị không cho phép ả lấy một ông chồng chỉ biết "rạch mặt ăn vạ", lấy một kẻ "đòi nợ thuê". Cái nhìn của bà cô dành cho Chí cũng là cái nhìn mà xã hội phong kiến bấy giờ nhìn Chí. Không ai nhìn ra sự thay đổi của Chí, không ai chấp nhận Chí. Lần thứ hai Chí khóc, khóc vì tiếp tục quay lại những tháng ngày bi kịch. Chí quay trở lại với những chén rượu, những câu chửi rủa. Cuộc đời Chí lại là những tháng ngày không lối thoát. Rồi Chí đến tìm Bá Kiến. Chí đến nhà bá Kiến trong trạng thái nửa tỉnh, nửa say. Miệng lúc nào cũng chửi rủa đòi giết "con khọm già" nhà Thị nhưng lại ý thức được rằng đến nhà Bá Kiến để đòi "làm người lương thiện". Sau tất cả, Chí đã cảm nhận được những bế tắc, tuyệt vọng của cuộc đời mình. "Ai cho tôi làm người lương thiện?", câu hỏi mà hắn không thể tìm được lời giải đáp nhưng xót xa hơn cũng không ai có thể trả lời được câu hỏi đó. Rồi hắn giết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình. 

Câu hỏi của Chí, cái chết của hắn cùng đứa con sắp chào đời trong bụng Nở đã khép lại câu chuyện trong sự day dứt của tất cả mọi người. Cái chết của Chí chính là bản tố cáo rõ nhất cho xã hội thối nát lúc bấy giờ. Chí chọn cái chết như một sự giải thoát cho chính mình bởi đấy là cách giải thoát duy nhất cho Chí trong cái xã hội bấy giờ. Cái chết của Chí cũng là niềm tin mà Nam Cao dành cho nhân vật của mình, dành cho những con người khó khăn lúc bấy giờ. Như vậy, qua từng chi tiết truyện, Nam Cao đã chỉ ra được các nguyên nhân đẩy Chí vào con đường tha hoá. Chí rơi vào con đường lưu manh không lối thoát một phần là do xã hội bấy giờ đã cướp đi quyền làm người của Chí, một phần là do chính những người nông dân cùng cảnh ngộ đã chối bỏ Chí, không cho Chí con đường quay trở lại.

"Chí Phèo" khép lại nhưng hình tượng nhân vật Chí Phèo thì vẫn luôn sống mãi trong tâm trí độc giả. Nó đã làm nên một màu sắc rất riêng trong kho tàng truyện viết về người nông dân.

 

2. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, mẫu số 2:

Nhắc đến văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, không thể không nhắc đến "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao. Dưới ngòi bút chân thực, sắc sảo của Nam Cao, "Chí Phèo" đã trở thành tác phẩm có thể "làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời". Trong tác phẩm kinh điển ấy, Nam Cao đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo - một nhân vật điển hình. Qua đó, gửi gắm giá trị nhân đạo và hiện thực vô cùng sâu sắc.

Hình tượng Chí Phèo được xây dựng với số phận chồng chất bi kịch. Nhưng dù bị tha hóa biến chất vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn, vẫn khát khao được sống làm người lương thiện. Cuộc đời Chí Phèo là những chuỗi dài bi kịch, khổ đau. Đó là cuộc đời của một người nông dân khốn khổ cùng cực bị, bị xô đẩy vào con đường lưu manh tội lỗi. Bi kịch đến mức sinh ra là con người, nhưng lại bị cự tuyệt quyền làm người.

Bi kịch ấy bắt nguồn ngay từ khi Chí Phèo xuất hiện. Không cha không mẹ, Chí Phèo sinh ra "trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cạnh lò gạch bỏ không". Anh thả ống lươn nhìn thấy, "rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù". Sau đó lưu lạc bị đem bán cho bác phó cối. Từ lúc bắt đầu sự sống, Chí đã bơ vơ, không gia đình, không người thân, không nơi nương tựa, vật lộn với cuộc sống mà trưởng thành. Gần hai mươi năm, Chí Phèo lưu lạc, "hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ". Đến năm 20 tuổi thì làm canh điền cho Lí Kiến.

Là người nông dân không một tấc đất cắm dùi, sống kiếp làm thuê ở đợ. Bi kịch vẫn không buông tha cho kẻ đã đầy bất hạnh. Chỉ vì một hồi ghen tuông vô lí, Chí Phèo bị Lí Kiến đẩy vào tù. Một lần này mất trọn 8 năm. Để rồi 8 năm sau, nhà tù thực dân nhận vào một anh canh điền hiền lành, chất phác. Trả lại một tên lưu manh, một con quỷ dữ cho làng Vũ Đại.

Nhà tù tối tăm u ám ấy đã hủy hoại cả nhân hình của một con người. Chí Phèo đi "biệt tăm", bỗng "lù lù lần về" với "cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết". Trên người chỉ độc quần nái đen, cái áo tây vàng, ngực và tay chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy... Chí Phèo từ nhà tù trở ra đã mang trên mình ngoại hình đầy dữ tợn. Không dừng lại ở đó, hành động và tính cách của Chí cũng thay đổi. Chí nồi uống rượu với thịt chó ở chợ từ trưa tới xế chiều, cho đến lúc say khướt, Chí xông thẳng đến nhà Bá Kiến chửi "mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất", đập cái vỏ chai vào cái cổng, rạch mặt, kêu trời ăn vạ. Đây có lẽ là thay đổi cả làng Vũ Đại không ai ngờ đến được, dữ dội và tha hóa.

phan tich hinh tuong nhan vat chi pheo trong truyen ngan chi pheo

Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo để thấy được bi kịch tha hóa của người nông dân nghèo

Những ngày sau đó, Chí Phèo vẫn vô cùng ngang ngược và dữ dội. Chí nhận ra Bá Kiến chính là kẻ đã đẩy mình đến bước đường này. Nhưng, không được bao lâu, thủ đoạn của kẻ được xưng "Bá Kiến" đã làm Chí Phèo thay đổi. Một bữa rượu, một vài câu mơn trớn, một đồng bạc đãi thêm của cụ Bá khiến "Chí Phèo vô cùng hả hê". Bằng rượu, thịt và tiền, Bá Kiến cứ thế ru ngủ hận thù của Chí. Từ đó, Chí Phèo rơi vào tình trạng lạc hướng, tiếp tục rơi vào bẫy rập mà Bá Kiến đã giăng sẵn, Chí trở thành tay sai cho chính kẻ thù của mình, Bá Kiến, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. 

Bá Kiến biến Chí Phèo thành công cụ đòi nợ đáng sợ của mình. Chí Phèo lần nữa để mình trượt dài vào bi kịch, bán mình cho quỷ dữ. "Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách đâm chém, người ta giao cho hắn làm". Không còn làm ruộng chất phác, hắn đâm thuê chém mướn, đắm chìm trong những cơn say. Nhân tính trong Chí biến mất dần, hắn trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại : "Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao người lương thiện".

Cuộc đời Chí dường như cứ thế bỏ đi, nhân hình bị hủy hoại, nhân tính bị biến chất. Xã hội ruồng bỏ hắn, tất cả dân làng đều sợ hắn. Họ "tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua". Khi Chí Phèo chửi, ai cũng nghĩ "mặc thây cha nó", chẳng thèm nghe. Chí chửi đời, chửi người nhưng chẳng khác nào "những người say rượu hát", không ai đáp lại, không ai lắng nghe. Năm thì mười họa mới "ba con chó dữ với một thằng say rượu". Một người như thế bỗng chốc trở nên vô hình giữa làng Vũ Đại. Cả xã hội ấy dứt khoát cư tuyệt nhìn nhận Chí như một con người. Sau này, đến khi trang truyện đã khép lại, hình ảnh Chí Phèo "vừa đi vừa chửi" vẫn là nỗi ám ảnh trong lòng người đọc về bi kịch của con người bị gặm nhấm trong cô đơn tuyệt vọng. 

Tưởng chừng cuộc đời Chí Phèo sẽ trôi đi trong đơn độc như thế. Nhưng không, một gã rẽ đã bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống u ám đầy men say của Chí. Đó là cuộc tương ngộ giữa "con quỷ dữ" và người đàn bà "xấu ma chê quỷ hơn" làng Vũ Đại. Chí gặp Thị Nở. Sau một đêm ăn nằm với nhau, Chí Phèo ốm. Chính khi đó, người đàn bà xấu xí ngẩn ngơ kia đã mang đến cho Chí sự ấm áp giản dị, chân thành. Thị Nở chăm sóc Chí, nấu cho hắn một bát cháo hành. Chỉ một bát cháo hành bình đạm đã khiến Chí Phèo thay đổi.

Cả cuộc đời đầy rẫy tủi hờn và bi kịch, lần đầu tiên, hắn được một người đàn bà chăm sóc. Lần đầu tiên hắn được "một người đàn bà cho", không phải cướp, không phải dọa. Cũng không phải rạch mặt ăn vạ. Cũng chính người đàn bà xấu xí ấy đã nhận ra bản tính lương thiện bị chôn vùi. Trong cái nhìn của Thị, Chí Phèo ăn cháo lại hiền lành như vậy. "Ôi sao mà hắn hiền…"."hắn cười nghe thật hiền...". Có lẽ Thị Nở là người duy nhất cảm nhận được sự hiền lành của Chí Phèo dưới nhân dạng đã bị hủy hoại của hắn.

Cũng chính sau cuộc tương ngộ với Thị Nở, tâm lý của Chí Phèo đã có bước chuyển biến bất ngờ. Linh hồn của một kẻ của một kẻ đã bán mình cho quỷ dữ thức tỉnh. Sáng hôm ấy, Chí Phèo tỉnh dậy và nghe thấy những âm thanh thuộc về cuộc sống. Tiếng chim hót vui vẻ, tiếng người đi chợ cười nói, tiếng anh thuyền chèo gõ mái chèo đuổi cá... Lòng hắn lao xao buồn "chao ôi là buồn!". 

Lương tâm của một kẻ đã từng khiến bao người tan cửa nát nhà bị lay động. Kí ức những ngày xưa trở về trong tâm trí. Hắn nhớ lại ước mơ bình dị xa xưa về "một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải", nuôi lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng. Càng nhớ càng lo âu, càng buồn. Ngần ấy năm, có lẽ cũng là lần đầu tiên hắn sợ, sợ "đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau". Con người đã từng bất chấp làm tổn thương cả mình, vậy mà biết sợ hãi, biết lo âu. Vừa húp cháo hành vừa nhìn Thị Nở, hắn vẩn vơ nghĩ gần nghĩ xa. 

Đến đây, người đọc phát hiện ra, trong sâu thẳm con người Chí Phèo, bản tính lương thiện đã bị vùi lấp. Nhờ có tình yêu thương, sự thừa nhận và săn sóc của Thị Nở, bản tính ấy mới thức dậy. Đây là cái nhìn sâu sắc đầy nhân đạo của Nam Cao đối với những người nông dân nghèo khổ, lương thiện nhưng bị xã hội xô đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa. 

Để rồi khi linh hồn đã thực sự thức tỉnh, Chí Phèo bỗng thấy "thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao!". Hắn khát khao được hòa nhập lại với cuộc sống, được "mọi người nhận lại vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện". Câu nói với Thị Nở: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui" không chỉ gửi gắm khát khao có một gia đình mà còn có cả khát khao được làm người, được sống là một con người bình thường. Câu trả lời của Thị Nở chính là quyết định có đồng ý cho hắn làm người hay không.

Song, bi kịch một lần nữa kéo Chí trượt dài trong đau đớn. Bởi những lời đay nghiến cay nghiệt của bà cô, Thị Nở gạt tay Chí. Hắn rơi xuống vực sâu, quằn quại trong bi kịch tinh thần vô cùng đau đớn. Hắn "ngẩn người" nhìn và nghe Thị nói. "Sửng sốt" đứng lên gọi Thị, đuổi theo "nắm lấy tay" Thị nhưng bị gạt ra và dúi thêm cho một cái ngã "lăn khoèo xuống sân". Hắn dùng mọi cách để níu kéo Thị Nở, như níu kéo sợi dây duy nhất kết nối với cuộc sống con người. Nhưng không được. 

Chí Phèo vật vã trong sự tuyệt vọng. Hắn lại lấy gạch đập đầu ăn vạ, lại uống, "càng uống càng tỉnh ra", càng thấm thía nỗi đau giày xéo tâm hồn mình. Hắn đã dứt khoát bị cự tuyệt. Rồi "hắn ôm mặt rưng rức". Không còn giọt nước mắt hạnh phúc ươn ướt khi được Thị Nở chăm sóc, đây là giọt nước mắt của nỗi đớn đau cùng cực. Chí Phèo đưa ra một quyết định.

Chí mang một con dao ở thắt lưng, lần thứ ba đến nhà Bá Kiến. Không rạch mặt ăn vạ, không đòi tiền, hắn đòi lương thiện, đòi quyền "làm người lương thiện!". Ở chính nơi khởi nguồn của những vết rạch sâu trên mặt mình, hắn nói: "... Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được hết những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!...". Lời nói ấy ẩn sâu những nỗi đau uất nghẹn, cũng là lời lẽ đanh thép vạch trần tội ác của tên cường hào xảo quyệt Bá Kiến. Nó chất chứa nỗi bi thương tuyệt vọng của một kiếp người đau khổ! Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát. Chí tự tay kết liễu kẻ đã làm đã hủy hoại cuộc đời mình. Đồng thời cũng tự kết liễu chính mình. Hắn không muốn làm quỷ dữ, không muốn tiếp tục cuộc sống đầy bi kịch, tội lỗi nữa. Chí Phèo đã chết trong quằn quại. Chết trong tiếng kêu uất hận, đầy xót và ám ảnh, chết trên ngưỡng cửa để trở về cuộc đời. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh từng nói “Khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao, người ta mới thấy đây là hiện thân đầy đủ nhất cho những gì gọi là cùng khổ của người dân cày trong một xã hội thuộc địa: bị dày đạp, cào xé, hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình.” Chí Phèo chính là nhân vật điển hình mà Nam Cao xây dựng. Hắn là hình tượng đại diện cho những người nông dân trong xã hội đương thời, bị xã hội chèn ép đến cùng cực, trở thành kẻ lưu manh, tha hóa. Bi kịch cuộc đời Chí Phèo chính là bản án đanh thép, kết tội xã hội tàn bạo đã nhẫn tâm đẩy người dân cày nghèo vào kiếp sống tối tăm u ám. Nhẫn tâm cướp đoạt của họ cả diện mạo lẫn linh hồn. 

Hình tượng Chí Phèo và truyện ngắn cùng tên đã đưa tên tuổi của Trần Hữu Tri chính thức trở thành Nam Cao. Với tấm lòng nhân đạo sâu sắc và phong cách văn chương độc đáo, Nam Cao đã ghi dấu trong lòng người đọc những ấn tượng vô cùng khác biệt. Để đến khi trang văn khép lại, người ta vẫn nhớ mãi hình ảnh Chí Phèo vừa đi vừa chửi, xót xa đầy ám ảnh.
 

3. Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo, mẫu số 3:

Trong Giăng sáng Nam Cao đã đã viết lên một quan niệm văn chương thật sâu sắc và thấm thía "Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời". Với quan niệm nghệ thuật đáng quý ấy Nam Cao đã mạnh mẽ bước vào đứng giữa những tầng lớp nhân dân cùng khổ, những người nông dân nghèo, trí thức nghèo đang bị cái xã hội thối nát làm cho điêu đứng để viết ra những tác phẩm văn chương chân chính, vừa tố cáo hiện thực xã hội tàn ác vừa đồng cảm và xót thương cho những mảnh đời bất hạnh những năm tháng trước Cách mạng. Bên cạnh Đời thừa, Vợ nhặt, Sống mòn thì Chí Phèo là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Ở đó người ta thấy hiện lên một xã hội thực dân - nửa phong kiến tàn ác, từng bước dồn người nông dân, những con người vốn lương thiện như Chí Phèo vào bước đường bi kịch bị từ chối quyền làm người một cách đau đớn và xót xa vô cùng.

Có lẽ ai cũng có ấn tượng sâu đậm về một Chí Phèo nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ và hay chửi thế nhưng có phải ngay từ ban đầu Chí đã đổ đốn và trở nên đáng sợ như vậy không? Câu trả lời là hoàn toàn không phải, Nam Cao đã tường tận nói về cả cái gốc gác con người và cả cái tâm hồn cao quý ban đầu của nhân vật, điều đó đã làm cho ấn tượng về cái bi kịch của nhân vật chính trong truyện càng thêm sâu sắc và có căn nguyên rõ ràng. Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được trao cho hết người này đến người khác, rồi cuối cùng lớn lên trong vòng tay yêu thương của làng Vũ Đại. Có thể nói rằng ngay từ khi lọt lòng Chí Phèo đã gặp phải bi kịch lớn của cuộc đời - bi kịch bị bỏ rơi. Thế nhưng thật may mắn rằng, Chí tuy lớn lên thiếu thốn tình cảm gia đình, cuộc sống vất vả không ruộng đất, nhưng anh lại là người hiền lành, lương thiện. Sự lương thiện của Chí Phèo thể hiện ở chỗ, anh quyết tâm làm ăn chân chính, đi làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bỏ mồ hôi công sức để kiếm sống. Hơn thế nữa ấn tượng về tâm hồn lương thiện của nhân vật này còn thể hiện ở lòng tự trọng sâu sắc trước sự ve vãn của bà ba vợ Bá Kiến, Chí thấy xấu hổ "chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì" hay "Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. người ta không thích cái gì người ta khinh" cái nội tâm Chí khi nghĩ về bản thân cũng khiến người ta phải yêu thương, trân trọng về một tấm lòng trong sáng, hiểu biết và đạo đức vô cùng. Rồi năm 20 tuổi ấy, Chí Phèo cũng có một giấc mơ dung dị, bình thường nhưng rất đỗi tươi đẹp, đó là giấc mơ có một mái ấm gia đình, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, nuôi lợn, dành dụm mua đất,...cứ thế mà bình bình đạm đạm qua ngày. Có thể nói rằng giấc mơ của Chí Phèo là một giấc mơ thực tế, giấc mơ có thể thực hiện được của những con người lương thiện, cần cù chứ không phải viển vông xa vời như "một túp lều tranh hai trái tim vàng". Và nếu không có gì bất ngờ thì có lẽ Chí Phèo đã thực hiện được ước mơ nhỏ bé đó của mình rồi, chỉ tiếc rằng cuộc đời vẫn lắm trái ngang, đặc biệt là trái ngang với kẻ lương thiện, hiền lành.

cam nghi cua em ve nhan vat chi pheo

Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao

Thật lạ lùng, bởi một con người hiền lành lương thiện, có ý chí phấn đấu như Chí thế nhưng cuối cùng lại rơi vào bước đường bi kịch bị tha hóa nhân cách, bị tước quyền làm người. Chí Phèo có lòng tự trọng, anh giữ mình trong sạch trước sự lẳng lơ lăng loàn của người đàn bà kia, thế nhưng Bá Kiến, một kẻ hay ghen và ác độc đại diện cho chế độ phong kiến quyền lực lại không thấy vậy. Hoặc cũng có thể là hắn biết nhưng cái lòng ghen của hắn đã không thể tha thứ cho Chí Phèo và rắp tâm đẩy anh vào tù sống khổ sở tới tận 7, 8 năm trời vì một cái tội và Chí vốn không làm. Nhà tù của chế độ cũ chắc là một cái gì đó kinh khủng lắm, cái nhà tù thực dân - phong kiến đã nhào nặn Chí từ một người nông dân đứng đắn, có lòng tự trọng thành một thằng lưu manh chính hiệu, tha hóa nhân cách, không biết đến tự trọng là gì. Bởi khi thấy Chí trở về anh đã thay đổi cả hình dạng lẫn tính cách, còn đâu một anh Chí hiền lành, chất phác ngày xưa, mà chỉ thấy một người với bộ dạng "Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!", khiến người ta e ngại và sợ hãi. Nhưng những thay đổi về nhân hình vẫn chưa đủ để chứng minh Chí Phèo là một kẻ lưu manh, chỉ khi phát hiện những thay đổi về nhân tính người ta mới nắm chắc rằng, Chí đã không còn là anh canh điền khi xưa nữa mà là Chí Phèo, một kẻ nhân cách dị dạng. Ngay hôm đầu tiên ra tù hắn đã ra giữa chợ ngồi uống rượu ăn thịt chó từ trưa tới chiều, rồi uống cho say khướt, rồi xách cái vỏ chai đến nhà Bá Kiến, gọi thẳng tên tục ra mà chửi. Rồi từ chửi bới, hắn lại đâm ra đánh nhau với lý Cường, rồi sau đó đổ đốn ra ăn vạ, ăn vạ một cách vô cùng cực đoan, Chí Phèo đập vỡ vỏ chai rồi lấy mảnh vỏ cào vào mặt, máu chảy bê bết, khiến người ta từ hứng chí xem trò vui đâm ra sợ hãi và ghê tởm trước cảnh tượng Chí Phèo nằm lăn ra ăn vạ. Xong màn ăn vạ Chí Phèo lại đâm ra thách thức với cả Bá Kiến, với khẩu khí rất ngang ngược, bất cần "Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đây thôi". Có thể nói rằng Chí Phèo sau khi đi tù trở về đã bị lưu manh hóa hoàn toàn, trở thành con người hung hăng, liều lĩnh, cái bản chất lương thiện dường như đã bị bóp chết trong 7, 8 tù đày ấy.

Thế nhưng sự tha hóa của Chí Phèo không chỉ dừng lại ở đó, Chí Phèo tiếp tục trượt dài trên sự lưu manh, mất nhân tính trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, sự tha hóa này có một nửa nguyên nhân là sự gian xảo của Bá Kiến nửa còn lại cũng là bắt nguồn từ cuộc đời bị bỏ rơi, không gia đình, không học hành của Chí, thế nên hắn mới có thể dễ dàng bị Bá Kiến lợi dụng và tha hóa nhân cách đến độ không thể cứu vãn được. Sự khờ khạo u mê của Chí, đã khiến Chí bán lẻ nhân cách của mình, đi đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến để lấy vài hào bạc sống qua ngày mà không hề ý thức được. Nam Cao đã rất dụng tâm để khắc họa lại chân dung của nhân vật này, đó không phải là chân dung của một con người có nhân tính như trước kia mà đó là chân dung của một con vật lạ, đó là một gương mặt "vàng vàng mà lại muốn xạm màu gio; nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo". Nhiêu đấy câu chữ thôi nhưng cũng đủ làm người ta phải thấy đau đớn, xót xa cho một số kiếp làm người, nhưng lại không phải là con người nữa mà là một "con vật lạ" không biết là con gì. Không chỉ nhân hình hóa thú mà cả nhân tính của Chí Phèo cũng hoàn toàn biến đổi, vặn vẹo từ một kẻ thích uống rượu trở thành một kẻ triền miên trong những cơn say, "cơn say của hắn tràn cơn này qua cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận", cơn say ấy đã kéo dài suốt 15 năm. Và cơn say ấy đã biến cuộc đời Chí Phèo thành bi kịch, bởi khi say hắn có thể làm bất kỳ điều gì mà Bá Kiến yêu cầu, "bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm!", xót xa hơn cả là "Những việc ấy chính là cuộc đời của hắn", Chí Phèo bán linh hồn, bán cả cuộc đời cho rượu chè và việc đâm thuê chém mướn. Rồi cuộc đời hắn nát bấy, hắn trở thành kẻ chuyên chửi, hắn chửi đời, chửi tất cả, "chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo?" để cho hắn đớn đau, khổ sở lay lắt trên cõi này đã hơn 40 năm. Nhưng từ cái chửi của Chí Phèo người ta cũng nhìn ra được cái khát khao giao tiếp, đối thoại với cộng đồng của một con người khốn khổ, Chí Phèo mong rằng có ai đó chửi nhau với hắn, hoặc nói chuyện với hắn, thế nhưng hắn càng chửi người ta càng sợ, càng xa lánh hắn, thậm chí nghe hắn chửi miết cũng thành quen, mà không ai đoái hoài tới hắn cả. Như vậy bản thân Chí Phèo đã thất bại trong giao tiếp, hắn bị đẩy ra khỏi cộng đồng, bị cô lập, bị từ chối quyền làm người, hắn thực sự trở thành một con quỷ dữ, sánh ngang với cả loài chó "chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu!". Như vậy đằng sau cái bi kịch đau thương của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã gửi gắm một thông điệp để phơi bày, tố cáo và lên án cái xã hội cũ đầy bất công ngang trái, với giai cấp thống trị nắm trong tay quyền lực tối thượng đã gây ra biết bao đớn đau và bi kịch cho tầng lớp nông dân cùng khổ, tiêu biểu là Chí Phèo với bi kịch tha hóa.

Nhưng nếu chỉ tha hóa không thôi thì câu chuyện chỉ dừng lại ở mức độ tố cáo xã hội cũ, việc Nam Cao để cho Chí Phèo gặp Thị Nở rồi hồi sinh cái tấm lòng thiện lương tưởng đã chết của hắn mới thực sự đem lại cho câu chuyện những ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn cả. Khởi đầu của việc hồi sinh phải kể đến việc Chí Phèo tỉnh rượu sau đêm gặp gỡ thị Nở, hắn bắt đầu có những nhận thức về thế giới xung quanh, hắn nhận ra ánh sáng của nắng ngoài trời đã lên cao, nghe được tiếng chim ríu rít ngoài vườn nhà, tiếng người ta trò chuyện với nhau, và hắn cũng nhận ra cái thân thể yếu ớt, đã qua dốc bên kia đời người của mình. Hắn nhận ra mình cô độc, hắn thấy buồn, rồi bắt đầu hắn nhớ về những ước mơ khi còn trai trẻ, chỉ tiếc là đã dang dở tới hơn hai mươi năm nay, rồi hắn nhìn về hiện tại, cũng đoán trước được cái tuổi già ốm đau, đói rét, và đáng sợ nhất là sự cô độc, không thân thích. Nguyên nhân thứ hai khiến Chí Phèo hồi sinh và có ý nghĩa quyết định ấy là Thị Nở một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, thế nhưng thị lại là người đầu tiên quan tâm tới hắn khi hắn ốm đau, thị nói chuyện với hắn, tình tứ với hắn, thị không xa lánh hắn, và bát cháo hành của thị khiến hắn cảm động vô cùng. Tất cả những điều ấy đã khiến Chí Phèo thức tỉnh tính người, Chí Phèo đã khóc trước sự quan tâm ân cần của Thị Nở, hắn thấy mắt mình ươn ướt, những giọt nước mắt ấy đã ngăn cản không cho Chí Phèo tiếp tục trượt dài trên con đường tha hóa. Không chỉ thức tỉnh tính người mà ở Chí còn là sự thức tỉnh của tình người, Chí Phèo đã biết đến tình yêu, biểu hiện cao nhất của tình người, hắn yêu thị Nở, hắn thấy thị Nở có duyên, hắn khao khát được xây dựng mái ấm hạnh phúc với thị Nở. Không chỉ thức tỉnh tính người, tình người mà ở Chí Phèo còn thức tỉnh cả khát vọng làm người, khát vọng quay lại cuộc đời lương thiện "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!(...). Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện...". Và thị Nở sẽ thành cầu nối của hắn, đưa hắn về với cuộc sống hạnh phúc, chan hòa với mọi người cuộc sống mà bao năm nay hắn vẫn hằng khao khát nhưng nằm ngoài tầm tay với.

Thế nhưng bi kịch của Chí Phèo vẫn không hề dừng lại bởi sự thức tỉnh của hắn mà còn nên đau đớn và xót xa đến tận cùng, hắn bị cự tuyệt quyền làm người. Hắn muốn cưới Thị Nở thế nhưng chính bà cô của thị đã khiến hắn nhận ra rằng hắn không thể quay lại quay lại làm người được nữa, cả cái xã hội này đã từ bỏ hắn lâu rồi. Từ nhận thức đớn đau và tuyệt vọng như vậy, Chí Phèo đã nhận ra rằng chỉ có cái chết mới là sự kết thúc bi kịch, mới là sự giải thoát, quyết định tự tử của Chí Phèo chính là biểu hiện của bản chất lương thiện tồn tại bất diệt trong tâm hồn Chí, giờ đây chỉ có kết liễu mạng sống thì mới có thể hoàn toàn từ bỏ cuộc đời của một con quỷ dữ, một thằng lưu manh, bị cả xã hội xa lánh.

Cuộc đời của Chí Phèo từ lúc bắt đầu cho đến tận lúc kết thúc, hơn 40 năm trời đều chỉ là bi kịch, hắn chỉ được nếm chút hạnh phúc nhỏ nhoi rồi lại lập tức bị vùi ngay xuống những bi kịch không thể chịu đựng, bi kịch bị từ chối quyền làm người, rồi cuối cùng là cái chết để giải thoát. Bằng cách xây dựng nhân vật kỹ lưỡng, tài tình, ngôn ngữ biến ảo, chân thực, Nam Cao đã tạo nên một nhân vật điển hình, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc, phản ánh, tố cáo sự bất công, độc ác của chế độ cũ, đồng thời thể hiện tấm lòng xót thương cho những số phận người nông dân bất hạnh ở chế độ cũ. Không chỉ vậy đọc Chí Phèo người ta còn phát hiện ra những vẻ đẹp bất diệt trong tâm hồn của nhân vật đó là tấm lòng lương thiện, khao khát được sống, được giao tiếp với xã hội dù rằng trong những khốn cảnh nhất định nó đã vô tình bị che lấp đi.

---------------------HẾT----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-hinh-tuong-nhan-vat-chi-pheo-trong-truyen-ngan-cung-ten-cua-nam-cao-53591n.aspx
Chí Phèo là tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 11, để củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng viết bài, bên cạnh bài Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, các em có thể tham khảo thêm: Người xưa có câu: "Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều".Anh(chị) hãy làm rõ ý kiến của mình về quan niệm trên, Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo, Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo.

Tác giả: Trần Hoạt     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo
Trình bày cảm nhận về âm thanh sự sống trong truyện ngắn Chí Phèo
Phân tích nhân vật Thị Nở
Vì sao truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao lại được coi là kiệt tác?
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
Từ khoá liên quan:

Cam nhan ve hinh tuong nhan vat Chi Pheo trong truyen ngan cung ten cua Nam Cao

, cam nhan ve nhan vat chi pheo, cam nhan ve hinh tuong nhan vat chi pheo trong truyen ngan cung ten cua nam cao,

SOFT LIÊN QUAN
  • Tóm tắt tác phẩm Chí Phèo

    Tóm tắt truyện ngăn Chí Phèo lớp 11

    Tóm tắt tác phẩm Chí Phèo là tài liệu học tốt môn Ngữ văn lớp 11 dành cho tất cả các em học sinh, giúp các em dễ dàng khái quát được nội dung chính của tác phẩm. Qua đó các em học sinh sẽ làm tốt các bài tập liên quan đế ...

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Code Gặp Lại Tây Du mới nhất, cách đổi giftcode

    Gặp Lại Tây Du Mạo Hiểm Mộng Ảo là tựa game nhập vai thẻ tướng mới của ChangYou, lấy bối cảnh 100 năm sau Tây Du Ký. Người chơi sẽ hóa thân thành nhân vật trong cuộc phiêu lưu đầy thử thách, khám phá cốt truyện và gặp gỡ các nhân vật quen thuộc với tạo hình mới. Code Gặp Lại Tây Du sẽ mang đến cho người chơi một trải nghiệm hoàn toàn mới.