Cảm nhận về Bình Ngô đại cáo đoạn 1

Các em hãy cùng viết bài Cảm nhận về Bình Ngô đại cáo đoạn 1 để thấy được tư tưởng nhân nghĩa, trách nhiệm yên dân mà tác giả Nguyễn Trãi đã đặt ra ngay trong phần mở đầu của tác phẩm.

Đề bài: Cảm nhận về Bình Ngô đại cáo đoạn 1

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

cam nhan ve binh ngo dai cao doan 1

Cảm nhận về Bình Ngô đại cáo đoạn 1
 

I. Dàn ý Cảm nhận về Bình Ngô đại cáo đoạn 1


1. Mở bài

- Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Nguyễn Trãi (đặc điểm về cuộc đời, con người, quan niệm sáng tác, các sáng tác tiêu biểu,...)
- Giới thiệu những nét khái quát về tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" (thể loại, cảm hứng chủ đạo, hoàn cảnh ra đời, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật,...)
- Giới thiệu khái quát về đoạn 1 của tác phẩm "Bình Ngô đại cáo"


2. Thân bài

- Nêu lên tư tưởng nhân nghĩa sâu sắc, độc đáo
+ "Nhân nghĩa" là một quan niệm tư tưởng cốt lõi trong quan niệm của Nho giáo, nhằm thể hiện rõ mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó giữa con người với con người trên cơ sở của tình thương và đạo lí.
+ Với Nguyễn Trãi, nền tảng cốt yếu của "nhân nghĩa" chính là yên dân, là đem đến cho nhân dân cuộc sống bình yên, ấm êm và hạnh phúc.
+ Để dân được yên thì việc quan trọng cần phải làm đó chính là "trừ bạo", là đánh đuổi những kẻ tàn bạo đang xâm lược nước ta và cả những kẻ tham tàn trong nước đã đẩy nhân dân vào cuộc sống cơ cực, khốn khó, lầm than

- Nêu lên chân lí độc lập khách quan của dân tộc Đại Việt ta từ ngàn đời nay:
+ Có nền văn hiến từ lâu đời, có lãnh thổ riêng đã được phân định rõ ràng và mỗi vùng miền đều có những nét phong tục, tập quán riêng, mang bản sắc riêng của dân tộc Đại Việt.
+ Đặt các triều đại của nước Đại Việt sánh ngang với các triều đại phong kiến phương Bắc, điều đó không chỉ khẳng định nền độc lập của dân tộc mà qua đó còn thể hiện niềm tự hào về những truyền thống, về lịch sử ngàn năm của dân tộc.
+ Điểm lại những chiến thắng lịch sử huy hoàng, vang dội của quân và dân ta trong lịch sử.


3. Kết bài

Khái quát những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật trong đoạn 1 của tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" và nêu cảm nhận của bản thân.
 

Mẹo Cách cảm nhận một tác phẩm thơ, văn

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về Bình Ngô đại cáo đoạn 1

Sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống yêu nước và văn học, Nguyễn Trãi đã sớm được tiếp xúc và thấu hiểu những tư tưởng nền tảng của Nho giáo. Nguyễn Trãi không chỉ là nhà Nho, bậc kì tài về chính trị và quân sự mà ông còn là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thời đại. Những sáng tác của Nguyễn Trãi luôn lấp lánh chủ nghĩa yêu nước sâu sắc và tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" là một trong số những tác phẩm như thế. Đặc biệt, đoạn mở đầu tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" đã nêu lên một cách rõ nét luận đề chính nghĩa làm tiền đề tư tưởng cho toàn bộ bài cáo.

Trước hết, đoạn mở đầu tác phẩm đã nêu lên tư tưởng nhân nghĩa sâu sắc, độc đáo.

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Như chúng ta đã biết, từ ngàn đời nay, trong hệ thống quan niệm tư tưởng của Nho giáo, "nhân nghĩa" là một quan niệm tư tưởng cốt lõi, nó thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó giữa con người với con người trên cơ sở của tình thương và đạo lí. Xuất thân là một nhà nho, vì thế, có lẽ hơn ai hết, Nguyễn Trãi thấu hiểu sâu sắc quan điểm này của Nho giáo và lựa chọn nó làm nền tảng tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt toàn bộ bài cáo. Nhưng hết thế, với Nguyễn Trãi, nền tảng cốt yếu của "nhân nghĩa" chính là yên dân, là đem đến cho nhân dân cuộc sống bình yên, ấm êm và hạnh phúc. Đồng thời, ông cũng chỉ ra rằng, để dân được yên thì việc quan trọng cần phải làm đó chính là "trừ bạo", là đánh đuổi những kẻ tàn bạo đang xâm lược nước ta và cả những kẻ tham tàn trong nước đã đẩy nhân dân vào cuộc sống cơ cực, khốn khó, lầm than. Như vậy, có thể thấy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi luôn gắn liền với nhân dân, lấy dân làm gốc, làm nền tảng và vì nhân dân mà đánh tan quân tàn ác.

Không chỉ nêu lên tư tưởng nhân nghĩa làm nền tảng chân lí vững chắc, trong phần mở đầu của bài cáo, tác giả Nguyễn Trãi còn nêu lên chân lí độc lập của dân tộc ta từ ngàn đời nay.

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.

Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn nhưng có lẽ cũng đủ để Nguyễn Trãi điểm lại một cách đầy đủ và rõ nét những truyền thống từ lâu đời của dân tộc, đó cũng chính là chân lí độc lập khách quan mà ông muốn đề cập tới. Nước Đại Việt cũng như bao dân tộc khác có nền văn hiến từ lâu đời, có lãnh thổ riêng đã được phân định rõ ràng và cùng với đó mỗi vùng miền đều có những nét phong tục, tập quán riêng, mang bản sắc riêng của dân tộc Đại Việt. Thêm vào đó, với thủ pháp đối lập, tác giả Nguyễn Trãi còn đặt các triều đại của nước Đại Việt sánh ngang với các triều đại phong kiến phương Bắc, điều đó không chỉ khẳng định nền độc lập của dân tộc mà qua đó còn thể hiện niềm tự hào về những truyền thống, về lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Thêm vào đó, trong những câu thơ kết thúc đoạn mở đầu của tác phẩm, tác giả Nguyễn Trãi đã khéo léo điểm lại những chiến thắng lịch sử huy hoàng, vang dội của quân và dân ta trong lịch sử.

Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cứ còn ghi.

Tác giả đã đưa ra những chứng cứ, những sự việc đã xảy ra trong lịch sử với sự thất bại thảm hại của quân giặc - Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã như một lời khẳng định về sức mạnh, về sự chiến thắng tất yếu dành cho những con người, những dân tộc luôn đứng trên nền tảng của chính nghĩa để đấu tranh.

Tóm lại, có thể thấy, đoạn mở đầu của tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" với giọng văn hào hùng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, tác giả Nguyễn Trãi đã làm bật nổi tư tưởng chính nghĩa và chân lí độc lập khách quan của dân tộc. Chính điều đó là nền tảng tư tưởng vững chắc xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.

---------------------HẾT-----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-binh-ngo-dai-cao-doan-1-56893n.aspx
Trong khổ 1 tác phẩm Bình Ngô đại cáo, nhà thơ Nguyễn Trãi đã tập trung thể hiện tư tưởng nhân nghĩa, lấy yên dân làm gốc của quân điếu phạt. Để thấy được tình yêu nước, tinh thần dân tộc và hiểu được vì sao Bình Ngô đại cáo được mệnh danh là bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, Phân tích tinh thần yêu nước trong Bình Ngô đại cáo, Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo.

Tác giả: Trần Thuỳ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Đoạn văn phân tích tinh thần độc lập, ý thức về chủ quyền dân tộc trong Bình Ngô đại cáo
Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo
Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo
Đoạn văn nêu ý kiến về giọng văn hào hùng của Đại cáo bình Ngô
Soạn bài Bình Ngô đại cáo phần 1: Tác giả, Ngữ văn lớp 10
Từ khoá liên quan:

Cam nhan ve Binh Ngo dai cao doan 1

, cam nhan kho 1 bai binh ngo dai cao, cam nhan doan mot bai binh ngo dai cao cua nguyen trai,

SOFT LIÊN QUAN
  • Giáo án Đại cáo bình Ngô

    Giáo án điện tử bài Bình ngô đại cáo

    Bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc mẫu giáo án Đại cáo bình Ngô phần tác giả, trong bài viết hôm nay chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn mẫu Giáo án Đại cáo bình Ngô phần tác phẩm để bạn có thêm tài liệu tham khảo bổ sung cho phần soạn giảng bài học này hoàn chỉnh hơn.

Tin Mới