Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo

Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi được xem là một áng văn chính luận mẫu mực của thời đại. Các em cùng tìm hiểu bài văn mẫu Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo để khám phá những giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn kết thúc tác phẩm dưới đây nhé!

Đề bài: Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich doan 4 binh ngo dai cao

Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo


I. Dàn ý Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Dẫn dắt vấn đề: lời tuyên bố độc lập dân tộc thể hiện trong đoạn 4.

2. Thân bài:

- Điệp ngữ "từ đây" kết hợp cùng tính từ "vững bền", "đổi mới" và các từ cùng trường nghĩa "xã tắc", "giang sơn": khẳng định niềm tin bất diệt của tác giả vào một viễn cảnh tươi sáng, huy hoàng của đất nước.
- Lời tuyên bố trịnh trọng: "Xã tắc" được vững bền, giang sơn được thay da đổi thịt. Mọi miền quê được hưởng an lạc, thái bình.
- Bài học từ lịch sử: "kiền khôn"- "bĩ rồi lại thái", cũng như "nhật nguyệt"- "hối rồi lại minh", tất cả sự thay đổi đều là cơ sở, tiền đề cho sự phục hưng lâu dài, vững bền, thịnh trị của dân tộc.
- Trạng ngữ chỉ thời gian "muôn thuở", "ngàn thu": nhấn mạnh niềm tin, hi vọng của tác giả vào nền thái bình, thịnh trị của đất nước trong một tương lai lâu dài, mãi mãi.
- Lời cảm tạ trời đất và những người đi trước chân thành: " u cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy."
- Lời kết thúc vừa trang trọng, vừa chân thành đã sẻ chia niềm vui mừng, tự hào của tác giả, của vua tôi với nhân dân cả nước.
=> Khơi dậy lòng quyết tâm và khích lệ nhân dân cùng chung sức dựng xây nước nhà vững bền, phát triển ngàn năm.

3. Kết bài:

Khẳng định lại giá trị của đoạn trích, tác phẩm.


II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo (Chuẩn)

Nguyễn Trãi là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá thế giới. Ông là một tác gia văn học lớn của dân tộc với số lượng tác phẩm đồ sộ trên nhiều thể loại, cả về văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Văn chương Nguyễn Trãi chứa đựng tư tưởng nhân dân sâu sắc, mang nặng tính chiến đấu vì độc lập dân tộc. Một trong những tác phẩm thành công của ông phải kể đến "Bình Ngô đại cáo" - áng văn chính luận bất hủ của văn học Việt Nam, được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.

"Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi viết vào khoảng đầu năm 1428, sau thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược. Tác phẩm được viết theo thể cáo với những câu văn biền ngẫu đặc sắc và bố cục chặt chẽ, mạch lạc. Bài cáo gồm bốn đoạn, mỗi đoạn tương ứng với những nội dung lớn. Trong đó, đoạn 4 bài cáo là đoạn kết thúc, là lời tuyên bố trịnh trọng với nhân dân về việc chấm dứt chiến tranh, khẳng định độc lập, thái bình vững bền của đất nước.

Trong niềm vui lớn của những ngày đại thắng, Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi tuyên bố một cách trịnh trọng nền độc lập lâu dài, giọng văn vừa phấn chấn, vừa tự hào vang lên:

Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới.
Kiền khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt hối rồi lại minh.

Điệp ngữ "từ đây" kết hợp cùng tính từ "vững bền", "đổi mới" và các từ cùng trường nghĩa "xã tắc", "giang sơn" một lần nữa khẳng định niềm tin bất diệt của tác giả vào một viễn cảnh tươi sáng, huy hoàng của đất nước. "Xã tắc" được vững bền, giang sơn được thay da đổi thịt từ đây. Mọi miền quê được hưởng an lạc, thái bình. Còn gì vui sướng hơn sau bao khổ đau, hi sinh, mất mát, sau bao quyết tâm, bền bỉ trong cuộc chiến chống quân thù, đất nước được yên bình trở lại. Đáng tự hào và trân quý biết bao khi thành quả nhận được sau những tháng ngày đau thương là thắng lợi, là hi vọng. Những gì hôm nay Đại Việt đang có được dệt nên từ quá khứ hào hùng, anh dũng của ông cha, của quần thần Lam Sơn.

Bài học từ lịch sử ông cha và trong hiện tại được tác giả nhấn mạnh cũng là một quy luật tất yếu trong xã hội:

Kiền khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt hối rồi lại minh.

Xã hội trong thời đại nào cũng đều đối diện với sự đổi thay. Đó là quy luật vận động của thế giới, của tự nhiên và xã hội. Đổi thay là điều tất yếu cũng như "kiền khôn"- "bĩ rồi lại thái", cũng như "nhật nguyệt"- "hối rồi lại minh", tất cả sự thay đổi đều là cơ sở, tiền đề cho sự phục hưng lâu dài, vững bền, thịnh trị của dân tộc. Qua đó, ta thấy được sự quyết tâm của nhân dân Đại Việt xây dựng một đất nước thái bình, phát triển, sáng tươi, giàu đẹp.

Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.

Thấu hết những gian lao trong quá khứ càng trân trọng biết bao "nền thái bình vững chắc". Những trạng ngữ chỉ thời gian như "muôn thuở", "ngàn thu" được đặt đầu câu càng nhấn mạnh hơn niềm tin, hi vọng của tác giả vào nền thái bình, thịnh trị của đất nước trong một tương lai lâu dài, mãi mãi. Trong nỗi vui sướng, tự hào, lời cảm tạ trời đất và những người đi trước cất lên đầy chân thành: Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy.

Đạo lí "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã trở thành một truyền thống tốt đẹp từ đời sống bước vào văn học. Có được hoà bình hôm nay, một tương lai tươi sáng ngày mai là nhờ "thiên thời", "địa lợi", "nhân hoà", nhờ ơn đất trời, cha ông linh thiêng âm thầm giúp đỡ. Sức mạnh truyền thống và sức mạnh của thời đại đã tạo nên một chiến thắng rực rỡ "oanh liệt ngàn năm" mà con cháu đời sau tự hào, ngưỡng mộ, góp phần giữ vững nền thái bình của Đại Việt.

Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm;
Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần bá cáo
Ai nấy đều hay.

Lời kết thúc vừa trang trọng, vừa chân thành đã sẻ chia niềm vui mừng, tự hào của tác giả, của vua tôi với nhân dân cả nước. Qua đó, khích lệ mọi người cùng chung sức dựng xây nước nhà vững bền, phát triển, xứng đáng với những hi sinh của cha anh trong quá khứ.

Có thể nói, đoạn kết thúc bài cáo một lần nữa đã khẳng định niềm tin và gửi gắm những hi vọng của một người suốt đời trăn trở vì hạnh phúc nhân dân vào một tương lai tươi sáng, huy hoàng của Đại Việt. Giọng điệu khi tự hào, khi trầm lắng, chân thành kết hợp cùng những câu văn biền ngẫu sóng đôi và tư tưởng độc lập dân tộc xuyên suốt, đoạn cáo đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Tin rằng giá trị của những áng văn bất hủ như "Bình Ngô đại cáo" sẽ còn mãi theo thời gian.

-----------------HẾT-----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-doan-4-binh-ngo-dai-cao-69160n.aspx
Bình Ngô đại cáo được coi là áng văn chính luận "vô tiền khoáng hậu" của nền văn học trung đại Việt Nam. Khám phá thêm những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, bên cạnh bài Phân tích đoạn 4 Bình Ngô đại cáo, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo, Cảm nhận về Bình Ngô đại cáo đoạn 1, Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo, Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô.

Tác giả: Trấn thành     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích khổ 3 bài Bình Ngô đại cáo
Phân tích đoạn 1 Bình Ngô Đại Cáo
Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo
Phân tích đoạn 1, 2 Bình Ngô Đại Cáo
Phân tích mối quan hệ giữa tư tưởng nhân nghĩa và luận đề chính nghĩa đoạn 1 Bình Ngô đại cáo
Từ khoá liên quan:

dan y phan tich doan 4 binh ngo dai cao

, phan tich binh ngo dai cao doan 4, phan tich binh ngo dai cao cua nguyen trai,

SOFT LIÊN QUAN
  • Giáo án Đại cáo bình Ngô

    Giáo án điện tử bài Bình ngô đại cáo

    Bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc mẫu giáo án Đại cáo bình Ngô phần tác giả, trong bài viết hôm nay chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn mẫu Giáo án Đại cáo bình Ngô phần tác phẩm để bạn có thêm tài liệu tham khảo bổ sung cho phần soạn giảng bài học này hoàn chỉnh hơn.

Tin Mới