Hai đoạn đầu bài thơ Bình Ngô đại cáo, nhà thơ Nguyễn Trãi tập trung làm nổi bật tư tưởng nhân nghĩa, yên dân của quân điếu phạt. Bài Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo sẽ cùng các em tìm hiểu cụ thể về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của hai khổ thơ này.
Đề bài: Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo
Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo
I. Dàn ý Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt: Khái quát chung về tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo và hai đoạn mở đầu.
2. Thân bài
a. Bố cục
- Hai đoạn đầu thuộc phần mở đầu của bài cáo.
- Đoạn đầu nêu lên tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc (Từ "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân"..."Chứng cớ còn ghi").
- Đoạn 2 vạch trần và lên án tội ác của giặc Minh xâm lược ("Nhân họ Hồ chính sự phiền hà"..."Ai bảo thần nhân chịu được")
b. Thuyết minh nội dung
* Đoạn đầu (Từ "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" đến "Chứng cớ còn ghi")
- Tư tưởng nhân nghĩa, luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến: Yên dân trừ bạo, trong hoàn cảnh đất nước bấy giờ là diệt trừ giặc Minh.
- Chủ quyền dân tộc:
+ Chủ quyền dân tộc được khẳng định trên nhiều phương diện khác nhau, bao gồm văn hiến, địa phận, phong tục, nhà nước, nhân tài, trải dài theo lịch sử hình thành và phát triển của nước ta.
+ Tác giả liệt kê lần lượt các triều đại của nước Đại Việt, đặt song song với các triều đại Trung Hoa, khẳng định vị thế ngang hàng của hai dân tộc.
+ Xưng đế, thể hiện lòng tự tôn dân tộc vô cùng mãnh liệt
+ Hai dân tộc, mạnh yếu từng thời kỳ khác nhau. Nhưng hào kiệt thì thời nào cũng có.
- Những thất bại thảm hại trong lịch sử ngoại xâm của kẻ thù:
+ Vì "tham công", chúng tiến hành những cuộc chiến phi nghĩa và phải nhận lấy thất bại ê chề.
+ Những địa danh lịch sử đi liền với những chiến công vĩ đại của dân tộc vẫn còn lưu danh muôn đời trong sử sách.
=> Tất cả đều không thể chối cãi.
* Đoạn 2 ( Từ "Nhân họ Hồ chính sự phiền hà" đến "Ai bảo thần nhân chịu được")
- Vạch trần âm mưu xâm lược của kẻ thù: Nhân cơ hội đất nước rối ren, lấy cớ "phù Trần diệt Hồ" tràn vào nước ta.
- Chúng gây ra bao tội ác tày trời:
+ Chúng hung ác, tàn bạo, nhân dân ta rơi vào cảnh lầm than muôn vàn đau khổ.
+ Chúng tàn sát người dân vô tội, tra tấn, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.
+ Chúng đặt ra đủ loại thuế vô lý, áp bức, bóc lột nhân dân ta tàn bạo.
+ Khai thác cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại nặng nề môi trường sống của dân tộc ta.
+ Vì vàng bạc châu báu, chúng ép dân đen "xuống biển dòng lưng mò ngọc", "vào núi đãi cát tìm vàng"
+ Tội ác của giặc không sao kể hết, trời đất không dung tha, lòng người căm phẫn
c. Đánh giá nghệ thuật
- Những lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ.
- Thủ pháp phóng đại, những dẫn chứng xác thực và câu hỏi tu từ cuối đoạn khéo léo.
- Giọng điệu linh hoạt, khi đanh thép hùng hồn, khi đồng cảm xót thương.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị bài cáo và liên hệ
II. Bài văn mẫu Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo
Văn học trung đại là một trong những thời kỳ văn học lớn nhất nước ta. Nhắc đến văn học thời kỳ ấy, không thể không nhắc tới "Bình Ngô Đại Cáo" của nhà văn chính luận kiệt xuất Nguyễn Trãi. Bài cáo đã ghi dấu trong lòng dân tộc rất nhiều giá trị sâu sắc về tình yêu nước và chủ quyền dân tộc. Đặc biệt là hai đoạn mở đầu bài cáo.
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
...
Ai bảo thần nhân chịu được?"
"Bình Ngô Đại Cáo" là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi, được viết vào năm 1428. Mục đích để bố cáo với thiên hạ về nền độc lập tự cường và chủ quyền dân tộc. Hai đoạn đầu thuộc phần mở đầu của bài cáo. Đoạn đầu nêu lên tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc (Từ "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân"..."Chứng cớ còn ghi"). Đoạn 2 vạch trần và lên án tội ác của giặc Minh xâm lược ("Nhân họ Hồ chính sự phiền hà"..."Ai bảo thần nhân chịu được")
Về nội dung, trước tiên tác giả khẳng định tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời đồng thời cũng là mục đích của cuộc khởi nghĩa:
"Từng nghe
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"
"Nhân nghĩa" là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở tình yêu thương và đạo đức giữa người với người. Nhân nghĩa là những hành động đúng với luân thường đạo lý, tôn trọng lẽ phải, vì lợi ích cộng đồng. Trưởng thành trong thời đại chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên Nguyễn Trãi cho rằng "nhân nghĩa" là "yên dân" - làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và "trừ bạo". Đặt trong hoàn cảnh của đất nước bấy giờ "nhân nghĩa" chính là diệt trừ giặc Minh xâm lược. Nhân nghĩa ở đây đã được nâng lên thành mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc. Từ đó, Nguyễn Trãi xác lập luận đề chính nghĩa cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta.
Ông đanh thép khẳng định chủ quyền dân tộc bằng những dẫn chứng vô cùng xác thực:
"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có"
Chủ quyền dân tộc được khẳng định trên nhiều phương diện khác nhau, bao gồm văn hiến, địa phận, phong tục, nhà nước, nhân tài. Tất cả đều đã trải dài theo lịch sử hình thành và phát triển của nước ta, mang dấu ấn riêng thuộc về dân tộc ta. Tác giả liệt kê lần lượt các triều đại của nước Đại Việt, đặt song song với các triều đại Trung Hoa, khẳng định vị thế ngang hàng của hai dân tộc. Trung Hoa có "Hán, Đường, Tống, Nguyên", Đại Việt cũng có "Triệu, Đinh, Lý, Trần". Các triều đại phương Bắc hưng thịnh, các triều đại nước ta cũng vô cùng hùng mạnh.
Không những thế, Nguyễn Trãi còn xưng đế, thể hiện lòng tự tôn dân tộc vô cùng mãnh liệt, khẳng định sự bình đẳng của Đại Việt và Trung Hoa. Hai dân tộc, mạnh yếu từng thời kỳ khác nhau. Nhưng hào kiệt thì thời nào cũng có. Họ là nhân tài, là những người anh hùng đã đi vào lịch sử, sống và cống hiến hết mình để bảo vệ, xây dựng non sông.
Dân tộc ta không thua kém bất cứ ai, lịch sử vẫn còn lưu những thất bại nhục nhã thảm hại của kẻ thù khi xâm lược nước ta:
"Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi"
Tác giả liệt kê một loạt những tên tướng giặc bại trận trong lịch sử: Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã. Bởi "tham công" tiến hành những cuộc chiến phi nghĩa, chúng đã phải nhận lấy thất bại ê chề.
Những địa danh lịch sử đi liền với những chiến công vĩ đại của dân tộc vẫn còn lưu danh muôn đời trong sử sách. Đó là sông bạch Đằng với chiến thắng 3 vạn quân Nam Hán, chấm dứt xóa 1 ngàn năm đô hộ nước ta của ngoại xâm phương Bắc. Là cửa Hàm Tử ghi dấu chiến công oanh liệt của quân dân nhà Trần. Tất cả không thể chối cãi.
Thế nhưng, vì tham vọng bành trướng lãnh thổ, giặc Minh vẫn bất chấp đem quân xâm lược nước ta, hung tàn, ác độc:
"Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà bán nước cầu vinh"
Đất nước rối ren, giặc Minh lợi dụng, "thừa cơ" "phù Trần diệt Hồ", tràn vào bờ cõi nước ta. m mưu, thủ đoạn của chúng khiến nhân dân vô cùng oán hận. Nguyễn Trãi không chỉ vạch trần bộ mặt xâm lược của kẻ thù mà còn lên án những kẻ gian thần bán nước cầu vinh. Vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho kẻ thù.
Trên lãnh thổ dân tộc, Giặc Minh đã gây ra những tội ác trời đất khó dung:
"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khi nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt
Nặng nề những nỗi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi"
Chúng hung ác, tàn bạo, nhân dân ta rơi vào cảnh lầm than muôn vàn đau khổ. Chúng tàn sát người dân vô tội, tra tấn, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Chúng không chỉ ngang nhiên cướp đi sinh mệnh mà còn ác độc phá hủy biết bao cơ nghiệp, phá tan cuộc sống của biết bao người. Chúng đặt ra đủ loại thuế vô lý, áp bức, bóc lột nhân dân ta tàn bạo.
Không dừng lại ở đó, giặc Minh còn đem lòng tham không đáy khai thác cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại nặng nề môi trường sống của dân tộc ta. Chúng vô nhân tính, xem nhẹ mạng sống con người. Vì vàng bạc châu báu, chúng ép dân đen "xuống biển dòng lưng mò ngọc", "vào núi đãi cát tìm vàng". Những người dân lương thiện bị chúng biến thành nô lệ, bọc lốt tận cùng sức lao động và sinh mạng. Trước tội ác dã man của quân giặc, Nguyễn Trãi phẫn nộ và xót thương nhân dân vô tội. Trời đất cũng không thể dung tha.
Thế nhưng, làm sao kể hết những tội ác chúng đã gây ra trong suốt thời gian giày xéo đất nước ta:
"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được"
Trúc Nam Sơn nhiều bao nhiêu cũng không ghi hết tội ác của chúng. Nước Đông Hải mênh mông bao nhiêu cũng không gột rửa hết máu tanh mà chúng gây ra. Tội ác của giặc Minh khiến trời đất ngùn ngụt phẫn nộ. Những tổn thương chúng gây ra, nhân dân ta, dân tộc ta sẽ không bao giờ tha thứ.
Bên cạnh việc xây dựng nội dung sâu sắc, hai đoạn đầu bài cáo cũng rất thành công về nghệ thuật. Tác giả đã sử dụng những lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ. Kết hợp cùng thủ pháp phóng đại, những dẫn chứng xác thực và câu hỏi tu từ cuối đoạn khéo léo. Giọng điệu linh hoạt, khi đanh thép hùng hồn, khi đồng cảm xót thương. Qua đó, Nguyễn Trãi đã nêu ra tiền đề nhân nghĩa của cuộc kháng chiến, khẳng định chủ quyền dân tộc. Đồng thời vạch trần âm mưu, lên án tội ác của giặc Minh, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc.
Hai đoạn mở đầu đã góp phần không nhỏ làm lên áng thiên cổ hùng văn "Bình Ngô Đại Cáo", khẳng định tài năng và tấm lòng của Nguyễn Trãi. Mỗi tác phẩm văn học đều soi bóng thời đại mà nó ra đời. "Bình Ngô Đại Cáo" từ đó đã tái hiện cho rất nhiều thế hệ mai sau lịch sử hào hùng bi tráng của dân tộc.
-----------------------------HẾT-------------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-hai-doan-dau-bai-binh-ngo-dai-cao-56900n.aspx
Qua bài Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo đã giúp các em hiểu được tư tưởng nhân nghĩa, tinh thần yêu nước, tự hào trước sức mạnh, truyền thống đấu tranh của dân tộc mà tác giả Nguyễn Trãi thể hiện trong 2 khổ thơ đầu. Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm cùng những nội dung lớn khác, bên cạnh Thuyết minh hai đoạn đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, các em có thể tìm đọc: Phân tích tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Phân tích đoạn 1 Bình Ngô Đại Cáo, Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Cảm nhận bài Bình Ngô đại cáo.