Phần Soạn văn lớp 10 Đại cáo bình Ngô (phần một) chúng tôi sẽ hướng dẫn các em soạn bài về tác giả Nguyễn Trãi, một trong số các nhà thơ lớn của nền văn học trung đại thế kỉ XV đồng thời là tác giả của áng văn cổ Bình Ngô đại cáo được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam.
Nguyễn Trãi được biết đến là một nhà chính trị kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn của dân tộc và cũng là một nhà thơ, nhà văn chính luận tài ba đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm giá trị cao. Việc tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả Nguyễn Trãi giúp các em học sinh lớp 10 có điều kiện hiểu hơn về con người tác giả và những tư tưởng nhân văn cao đẹp mà ông gửi gắm qua đó. Bài soạn văn lớp 10 về Đại cáo bình Ngô, phần tác giả Nguyễn Trãi sẽ gợi ý cho các em trả lời những câu hỏi trong sách giáo khoa để các em có sự tổng hợp kiến thức phục vụ cho việc học trên lớp.
1. Soạn bài Bình Ngô đại cáo: Phần 1: Tác giả
Câu 1: (Trang 162, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Trả lời:
Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại vì những nguyên nhân sau đây:
- Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một trong những vị công thần số một phò trợ Lê Lợi phá tan quân Minh, thành lập ra nhà Lê, mở ra kỷ nguyên mới độc lập cho dân tộc. Ông vừa là một quân sư đưa ra nhiều kế sách cùng chiến lược đánh đuổi quân thù, vừa là nhà chính trị, ngoại giao tài ba, với những tác phẩm là thư từ gửi tướng giặc và giấy tờ giao thiệp với nhà Minh “có sức mạnh mười vạn quân”.
- Sau khi đất nước độc lập, ông là một trong những người đi đầu có đóng góp to lớn trong những năm đầu kiến thiết và xây dựng triều đại nhà Lê vững bền, cho đến khi phải chịu án oan Lệ Chi Viên (1442). Ông có tư tưởng chính trị nhân nghĩa, suốt đời phấn đấu và phụng sự cho đất nước và dân tộc, mà nền tảng là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc.
Câu 2: (Trang 162, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Trả lời:
- Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi mà em đã đọc: Bình Ngô đại cáo, Côn Sơn ca, Cảnh ngày hè, Bạch Đằng hải khẩu, Cây chuối, Tùng và Dư địa chí tác phẩm viết về địa lý cổ nhất nước ta.
- Giới thiệu sơ lược một số tác phẩm:
+ Bình Ngô đại cáo là áng “thiên hùng cổ văn” được viết năm 1428, sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, ca ngợi chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn đồng thời tố cáo tội ác của kẻ thù, được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.
+ Côn Sơn ca được trích trong Ức trai thi tập viết trong lúc Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn ở ẩn, là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sâu xa là tiếng thở dài của tác giả về số kiếp của con người được thể hiện bằng giọng thơ thanh nhàn, khỏe khoắn.
+ Cảnh ngày hè trích trong Quốc âm thi tập, viết trong lúc Nguyễn Trãi bị nghi oan và không còn được tin dùng như trước. Bài thơ là tấm lòng yêu thiên nhiên sâu sắc, tinh tế, tâm hồn yêu cuộc sống yêu đời của tác giả. Sau cùng là tấm lòng lo nghĩ cho nhân dân, mong ước một cuộc sống thái bình hạnh phúc cho dân tộc.
Câu 3: (Trang 162, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Trả lời:
Vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi được thể hiện đầy đủ nhất trong bài thơ Cảnh ngày hè. Với hai vẻ đẹp chính là lòng yêu thiên nhiên và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc.
- Trong sáu câu thơ đầu:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng Ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"
Nguyễn Trãi “hóng mát thuở ngày trường” với một tâm thế rất ung dung, tự tại, bức tranh thiên nhiên ngày hè đầy màu sắc dần hiện ra với màu xanh của hòe, màu đỏ của lựu, màu hồn của hoa sen. Không những thế tác giả còn cảm nhận cảnh sắc qua khứu giác khi thấy hương sen, bằng thính giác khi nghe thấy tiếng “lao xao chợ cá làng Ngư phủ” ngoài chợ cá cùng với tiếng ve “dắng dỏi lầu tịch dương”. Tất cả nói lên Nguyễn Trãi là một con người yêu thiên nhiên sâu sắc, tâm hồn thoải mái, thanh tịnh cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên hết sức tinh tế và tỉ mỉ.
Hai câu thơ cuối là tâm tư của tác giả:
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương"
Dù bản thân bị hàm oan, không còn được trọng dụng nhưng lúc nào Nguyễn Trãi cũng canh cánh một nỗi lo, mong sao cho nhân dân có cuộc sống thanh bình, ấm no hạnh phúc. Xuất phát từ tư tưởng chính trị lấy nhân nghĩa làm đầu dựa trên nền tảng lòng yêu nước thương dân sâu sắc của Nguyễn Trãi, một đời chỉ vì nước vì dân mà cống hiến.
Câu 4: (Trang 162, SGK Ngữ văn 10, tập 2)
Trả lời:
Thơ văn của Nguyễn Trãi gồm những đặc điểm lớn sau đây:
- Về nội dung, thơ văn của ông mang đậm tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với tư tưởng yêu nước, thương dân, tư tưởng hòa bình sâu sắc.
- Về nghệ thuật, Nguyễn Trãi là một nhà văn chính luận lỗi lạc, kiệt xuất và là nhà thơ trữ tình sâu sắc của dân tộc. Những sáng tác của ông bao gồm cả bằng chữ Hán và Nôm đã mang đến những tác phẩm quý giá có giá trị lịch sử, địa lý và nhân văn sâu sắc, làm phong phú thêm nền văn học của dân tộc.
-----------------HẾT-------------------
Trong chương trình học Ngữ Văn lớp 10 phần Hãy tưởng tượng mình là Đăm Săn để kể lại trận đánh Mtao Mxây là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.
Tìm hiểu chi tiết nội dung phần Soạn bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam để học tốt môn Ngữ Văn lớp 10 hơn.
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-van-lop-10-dai-cao-binh-ngo-phan-tac-gia-30019n.aspx