Cảm nghĩ về bài thơ Hầu trời của Tản Đà

Khi viết bài văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hầu Trời, các em học sinh không chỉ phải hiểu rõ về nội dung và bút pháp nghệ thuật độc đáo của tác phẩm mà còn phải vận dụng những từ ngữ bộc lộ cảm xúc, cách diễn đạt uyển chuyển, hợp lí để thể hiện thái độ, tình cảm của bản thân đối với cái hay, cái độc đáo của bài thơ.

Đề bài: Anh/chị có cảm nghĩ về bài thơ Hầu trời của Tản Đà

cam nghi ve bai tho hau troi cua tan da

Văn mẫu viết cảm nghĩ về bài thơ Hầu trời của Tản Đà hay, đặc sắc
 

Mẹo Cách cảm nhận một tác phẩm thơ, văn hay, ấn tượng

Được coi là một dấu gạch nối giữa hai nền văn học truyền thống và văn học hiện đại, Tản Đà có lẽ là nhà thơ đặc biệt nhất trong nền thi ca của Việt Nam. Ông là nhà thơ, "là hiện tượng phức tạp vào bậc nhất nhất trong lịch sử văn học Việt Nam". Ở thơ của ông, chủ đạo không chỉ là sự lãng mạn, bay bổng mà còn là một cái "tôi" ngông ngạo, bất chấp. Đọc bất cứ bài thơ nào của Tản Đà,ta cũng có thể cảm nhận được ở trong đó cái chất thơ ngông cuồng của ông. Và "Hầu trời" là một trong những tác phẩm khiến cho ta cảm nhận được rõ cái chất thơ đặc sắc ấy!

Bài thơ "Hầu trời" được sáng tác năm 1921, đã thể hiện cái tôi, cái bản sắc nhất của Tản Đà. Cả bài thơ là lối thơ với phong cách ngông ngạo vốn có cùng với chất thơ lãng mạn và lối tư duy sáng tạo mới mẻ mà ít nhà thơ nào thể hiện được. Đọc "Hầu trời", người đọc được thấy được một cái tôi đầy sảng khoái, tự đắc của tác giả. Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện ý thức về trách nhiệm của người thi nhân đối với nền văn học nước nhà và khát vọng được cống hiến của ông cho thơ văn. Cả bài thơ là một câu chuyện kể được sáng tạo bằng trí tưởng tượng và được dẫn dắt bởi lối thơ hóm hỉnh, kể về một cuộc dạo chơi lên trời của Tản Đà, ông được đọc thơ văn cho trời nghe. Ở đó, nhà thơ được nhà trời đón tiếp vô cùng long trọng, được nhà trời khen ngợi và say mê, yêu thích văn chương của mình. Cuối cùng là trách nhiệm mà nhà trời trao cho nhà thơ "làm việc thiên lương của nhân loại".

Bước vào bài thơ, nhà thơ đã giới thiệu ngay câu chuyện của mình:

" Đêm qua chẳng biết có hay không
....
Thiên môn đế khuyết như là đây!"
Mở đầu bài thơ bằng một câu nghi vấn, đầy sự thắc mắc:

"Đêm qua chẳng biết có hay không
....
Thật được lên tiên sướng lạ lùng"

Tác giả đã khéo léo kéo người đọc vào một câu chuyện kể tự bịa của mình nhưng lạihào hứng y như một câu chuyện thật sự.Câu chuyện của Tản Đà kể ra nhưng chính Tản Đà cũng nghi ngờ "chẳng biết có hay không". Thế nhưng ngay sau câu hỏi vào đầu câu chuyện, nhà thơ đã khẳng định ngay tính chân thật của câu chuyện mình đang định kể rằng:

" Chẳng phải hoảng hốt, chẳng mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên, sướng lạ lùng"

Thật là một lời mở màn khiến người đọc phải bối rối.Mở đầu bằng một câu hỏi, nhưng ba câu thơ tiếp, nhà thơ lại khẳng định một cách chắc chắn rằng chuyện của mình chuyện thật, chính mình đã trải qua, không phải là "mơ mòng".Điệp từ "thật" ba lần được lặp lại chính là để khẳng định cho người đọc cũng chính là khẳng định cho tác giả rằng ông được "lên tiên, sướng lạ lùng".

Câu chuyện lại được Tản Đà tiếp diễn bằng những câu thơ mang đầy văn phong kể chuyện của dân gian ta. Lối thơ hóm hỉnh, nhẹ nhàng, dân dã dẫn người đọc chúng ta đi qua câu chuyện kể của ông một cách thật hài hòa.Ông kể rằng trong một đêm nằm thao thức một mình "dưới bóng ngọn đèn xanh", rồi "nằm chán, ngồi dậy đun ấm nước" và ngâm văn chơi cùng trăng. Trong bầu không khí đang cô quạnh, buồn chán, chợt thấy hai cô tiên từ trên trời bay xuống, tủm tỉm cười nói với ông rằng:

"Trời nghe hạ giới ai ngâm nga
....
Có hay lên đọc, trời nghe qua".

Chỉ vì nằm ngâm thơ một mình vậy thôi mà nhà thơ được mời lên trời để đọc văn cho nhà trời thưởng thức. Một câu chuyện lên tiên đầy bất ngờ, đầy yếu tố hư hư thực thực.Bằng những câu thơ vừa mang tính chất tự sự lại vừa mang yếu tố lãng mạn, nhà thơ đã mở đầu câu chuyện của mình chỉ bằng hai mươi tư câu thơ ngắn ngủi.Những câu thơ ấy đã kết hợp nhuần nhuyễn cả cái trữ tĩnh lẫn cái tự sự cũng với lối kể chuyện hóm hỉnh đầy dân dã của mình, Tản Đà đã khiến người đọc như được chìm trong một câu chuyện cổ tích thực sự.Qua những câu thơ này, chúng ta cũng cảm nhận được một cái tôi đầy lãng mạn, bay bổng của Tản Đà.Và không thể thiếu trong đó là cái tôi vô cùng đắc ý của mình, tự hào nhận thức được chính mình.

Tiếp theo trong câu chuyện kể về việc lên trời, lên tiên, nhà thơ đã dẫn người đọc chứng kiến cuộc hội ngộ với Trời và chư tiên của mình:

"Chư tiên ngồi quanh đã tĩnh túc
....
Anh gánh lên đây bán cho Trời"

Đây là phần thơ mà nhà thơ dùng để miêu tả cảnh mà mình đọc thơ cho Trời cùng chư tiên ngồi nghe. Cuộc đọc văn, chơi văn ở chốn thiên đình được Tản Đà kể lại một cách vô cùng sinh động. Khi nhà thơ lên tới trời, chư tiên đã có mặt cùng nhà Trời đông đủ để chuẩn bị nghe ông đọc thơ, bình thơ. Không chỉ vậy, nhà thơ còn được nhà Trời "pha nước để nhấp giọng" cùng với chư tiên "tĩnh túc", im lặng, chăm chú ngồi quanh để chuẩn bị được nghe đọc thơ. Khi cuộc đọc văn bắt đầu, nhà thơ đã dùng hết tài năng của mình để:

"Đọc hết văn vần lại văn xuôi
Hết lý thuyết lại văn chơi"

Tất cả những gì nhà thơ sáng tác đều mang ra đọc cho Trời nghe, càng đọc lại càng "đắc ý", càng "văn dài hơi tốt ra cùng mây". Nhà Trời và chư tiên quanh đó cũng vô cùng chăm chú lắng nghe, cũng phải "lấy làm hay" với văn chương của tác giả. Ở đây, ta như thấy được một cái tôi đang trong cơn đắc ý của Tản Đà khi ông miêu tả:

"Tân như nở dạ, Cơ lè lưỡi
...
Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay"

Nếu như ở dưới hạ giới, nhà thơ còn "lo văn ế" thì ở đây, văn chương của ông lại được hoan nghênh, đón đợi, chào mời. Đó chẳng phải là một cái tôi ngông ngạo, kiêu hãnh, tự hào với chính văn thơ và tài năng của mình hay sao? Văn thơ của ông tuy không được đón chào nơi hạ giới nhưng lại được chư tiên trên trời "chăm chú lắng nghe", thưởng thức và khen hay. Mỗi chư tiên đều có cách biểu cảm của riêng mình, có người "nở dạ", người "le lưỡi, người lại "chau đôi mày", ... nhưng đều tán thưởng mỗi bài thơ mà Tản Đà đọc. Một loạt biểu cảm của các tiên trên trời được Tản Đà liệt kể ra như để chứng minh sức hấp dẫn của thơ văn của mình đối với nhà trời vậy.

Không chỉ vậy, sau khi đọc xong các bài "văn vần lại văn xuôi", nhà thơ lại kể tên một loạt những tác phẩm nổi tiếng của mình như để chứng minh tài năng:

"Những áng văn con in cả rồi
...
Chửa biết con in ra mấy mươi?"

Kể ra đây, nhà văn như đang khẳng định sự nghiệp văn chương giàu có của mình khiến cho nhà trời cũng phải tấm tắc khen rằng:

"Văn đã giàu thay lại lắm lối
...
Anh gánh lên đây bán cho trời"

Đọc đến đây, người đọc lại một lần nữa được cảm nhận cái tôi đặc sắc trong thơ của Tản Đà.Đó là một cái tôi đầy cao hứng và tự đắc, một cái tôi tràn đầy niềm kiêu hãnh, tự hào về tài năng của bản thân. Với những tác phẩm của mình, nhà thơ tự hào khi được nhà trời khen ngợi, được các chư tiên "ao ước tranh nhau dặn". Đối với một nhà thơ, được người đọc khen ngợi và hưởng ứng tác phẩm của mình đó chẳng phải là một điều đáng tự hào hay sao?

Và với cách kể chuyện duyên dáng, hóm hỉnh, nhà thơ lại tiếp tục câu chuyện kể của mình:

" Trời lại phê cho "Văn thật tuyệt!""
...
Sao được mỗi đêm lên hầu trời."

Sau khi đọc văn cho trời nghe và được Trời khen về tài làm văn của mình, nếu với tài năng ấy, ắt hẳn sẽ không bao giờ "lo văn ế", ấy vậy mà không, nhà thơ đã phản ánh ngay cái thực trạng đáng buồn của lớp văn sĩ thời bấy giờ khi văn chương không được chú ý, được đánh giá đúng tầm giá trị của nó:

"Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu
Quanh năm luống những lo văn ế
Thân thế xem thua chú hát chèo"

Thế nên khi được Trời khen bằng những lời khen ngợi vô giá, tác giả đã vô cùng sung sướng. Trời khen rằng văn thơ :"thật tuyệt", "văn trần được thế chắc có ít", rồi:

"Nhời văn chuốt đẹp như sao băng
...
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!"

Đây là những lời khen ngợi vô giá dành cho Tản Đà khi văn thơ của ông được đem ra so sánh với những gì đẹp nhất trên trời như sao băng, mây chuyển, gió thoảng, tinh như sương,...Ở đoạn thơ này, tác giả đã thật tài tình khi không chỉ bộc lộ được cái tài hoa trong lối viết thơ của mình mà còn lồng trong đó, ý thức về cái tôi vô cùng mạnh mẽ. Nếu như chúng ta thường đánh giá cái tôi của Nguyễn Tuân là độc đáo, là đặc sắc, ta cũng không thể quên cái tôi ngông của Tản Đà khi ông tự nhận rằng:"Đày xuống hạ giới vì tội ngông". Cái ngông của ông ở đây chỉ là ý thức về giá trị của bản thân mình, ý thức được những thành tựu to lớn và giá trị của các tác phẩm trong sự nghiệp thơ văn của mình. Đó là những điều mà ở xã hội thời bấy giờ chưa được đánh giá đúng tầm với Tản Đà.

Mặc dù kể một câu chuyện hư ảo, nhưng nhà thơ vẫn phỏng trong đó cái hiện thực thời của chính mình.

" Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
...
Biết làm có được mà dám theo?"

Đọc đoạn thơ này, người đọc được thấy đoạn đối thoại của Trời đối với Tản Đà, đó là sự giao phó trách nhiệm đối với nhà thơ:

"Trời định sai con làm việc này
Là việc thiên lương của nhân loại"

Đây là sự ý thức về trách nhiệm đồng thời là lời tự an ủi mình của nhà thơ về ý nghĩa cao quý của thi nhân đối với con người và cuộc sống. Thế nhưng có một sự thật rằng cái nghèo khó luôn là bạn song hành của những thi nhân chân chính thời bấy giờ đã được Tản Đà phơi bày ra cho nhà Trời. Nỗi khổ có tài nhưng không được trân trọng "văn chương rẻ như bèo" rồi cái đói khi "lo ăn lo mặc hết ngày tháng". Những hiện thực về thân phận của mình được Tản Đà kể lại một cách đầy sinh động và rõ ràng. Những mối lo lắng, bận tâm cơm áo gạo tiền của người thi nhân sẽ khiến cho họ khó có thể thực hiện được cái "thiên lương" mà Trời đã ban cho.

Đoạn thơ kết kể lại phần cuối khi nhà thơ được nhà trời sai đưa về.Cuộc tiễn đưa thi nhân đầy trang trọng và lưu luyến. Và khi "trăng đã tà", "tiếng gà xao xác", ... tới tận khi đứng giữa sân nhà mình, nhà thơ không khỏi ngậm ngùi, luyến tiếc cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Trời và than rằng:

"Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đêm lên hầu trời."

Bài thơ khép lại nhưng lại để lại trong lòng người đọc những dư âm khó quên. Một câu chuyện biết rằng chỉ là tưởng tượng nhưng lại khiến cho người đọc cảm nhận được sự gần gũi, sống động tới lạ kì. Có được điều đó phải kể tới giọng thơ vô cùng hóm hỉnh, dân dã, mà giản dị của Tản Đà cùng với lối thơ tự sự, lãng mạn đầy linh hoạt.Thể thơ được nhà thơ sử dụng là thể thất ngôn trường thiên nhưng được biến đổi với cách gieo vần linh hoạt.Ở bài thơ này, chúng ta có thể thấy rõ phong cách thơ vô cùng đặc sắc và ấn tượng của Tản Đà với ý thức về một cái tôi ngông cuồng mạnh mẽ. Một cái ngông thể hiện ở một con người có bản lĩnh, tài năng với ý thức trách nhiệm của người thi nhân.

Bài thơ "Hầu trời" đã mang đến cho văn học Việt Nam một tác phẩm với một câu chuyện không chỉ hóm hỉnh vui tươi mà còn mang đầy tính triết lý về cái tôi của người nghệ sĩ. Có thể nói, với tác phẩm này, Tản Đà đã thổi một làn gió mới vào văn học Việt lúc bây giờ nên có thể hiểu tại sao ông được coi là "dấu gạch nối giữa hai nền văn học". Và cũng ở tác phẩm này, với lối thơ của mình, ông đã thể hiện cái tôi vô cùng sâu sắc với cái ngông hiếm thấy trong nền thi ca Việt.Có thể nói, với văn học Việt, Tản Đà quả là một cái tên sáng, một thi nhân chân chính và tài năng nhất

------------------- HẾT-----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nghi-ve-bai-tho-hau-troi-42194n.aspx
Bài thơ Hầu trời của Tản Đà mang hơi hướng màu sắc cổ điển về hình thức nhưng lại cực mới mẻ về nội dung. Sau khi tham khảo bài văn mẫu hướng dẫn viết cảm nghĩ về bài Hầu trời, tiếp theo, các em có thể tham khảo bài Cái tôi độc đáo của Tản Đà trong bài Hầu TrờiGiáo án bài Hầu trời, Soạn bài Hầu trờiQua bài Hầu trời, chứng minh thơ Tản Đà "có thể xem như cái gạch nối giữa hai thời đại của văn học",...

Tác giả: Trần Quốc Anh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nghĩ của mình về tâm sự và cái ngông của Tản Đà qua bài Muốn làm thằng Cuội
Phân tích bài thơ Hầu trời
Qua bài Hầu trời, chứng minh thơ Tản Đà "có thể xem như cái gạch nối giữa hai thời đại của văn học"
Soạn bài Hầu trời, Ngữ văn lớp 11
Phân tích bài thơ Thề non nước của Tản Đà
Từ khoá liên quan:

cam nghi ve bai tho hau troi

, cam nhan cua em ve bai tho hau troi, cam nghi ve bai hau troi,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Bộ sưu tập hình ảnh người mẫu vector đẹp nhất

    Nếu bạn yêu thích thời trang và nghệ thuật, không thể bỏ qua những hình ảnh người mẫu đầy cảm hứng. Chúng thể hiện sự sáng tạo, phong cách và cá tính độc đáo của mỗi cá nhân trong ngành công nghiệp thời trang.