Chi tiết văn học không chỉ là những mảnh ghép góp phần hoàn thiện lên bức tranh nội dung tư tưởng của một tác phẩm mà còn có thể chứa đựng những ý nghĩa, quan niệm sâu xa. Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" nhà văn Thạch Lam đã đưa vào rất nhiều chi tiết đắt giá, một trong số đó là chi tiết ngọn đèn của chị Tí. Bài văn mẫu giải thích ý nghĩa chi tiết ngọn đèn chị Tý dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về ý nghĩa chi tiết cũng như vai trò của chi tiết ấy đối với sự phát triển của mạch truyện.
Đề bài: Ý nghĩa chi tiết ngọn đèn chị Tý
Bài làm:
Nhắc đến Thạch Lam là nhắc đến lối văn chương của sự tinh tế, nhẹ nhàng, kết hợp rất hài hoà giữa lãng mạn và hiện thực. Văn ông thường là những câu chuyện không có cốt truyện song lại rất hấp dẫn và lôi cuốn bởi những tầng sâu tư tưởng trong tác phẩm. Đó chính là tấm lòng nhân ái, cao thượng của một trái tim thiết tha với những con người nghèo khổ giữa đời sống. Hai đứa trẻ là tác phẩm thể hiện rõ nhất văn phong của Thạch Lam, cho thấy tài năng bậc thầy của ông trong việc khơi gợi cảm xúc người đọc. Trong truyện ngắn, mỗi hình ảnh hiện lên đều khiến người đọc phải suy ngẫm, thổn thức. Hình ảnh ngọn đèn Hoa Kì leo lắt nơi gian hàng của chị Tí mang đến là hình ảnh ẩn chứa những tầng ý nghĩa sâu xa.
Ngọn đèn ấy xuất hiện rất nhiều lần qua cái nhìn trực tiếp và trong cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật Liên. Giữa bóng tối của một phố huyện nghèo xơ xác, ánh sáng của ngọn đèn ấy là một hình ảnh tả thực, minh chứng cho cuộc sống thực tại đầy khó khăn, nghèo nàn. Cuộc sống trở đi trở lại, ngày này qua ngày khác vẫn mòn mỏi, chật hẹp, đầy bế tắc, buồn chán của con người nơi đây. Giữa bóng tối dày đặc, không gian trầm tĩnh và yên ắng, thứ ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn lại càng tô đậm thêm hình ảnh những kiếp người nhỏ bé với những công việc nhàm chán, một cuộc sống nghèo khổ đến tội nghiệp. Đó là mẹ con chị Tí ngày ngày mò cua bắt ốc, tối đến lại dọn hàng nước nhỏ bán cho khách đi đường từ tối đến khuya dù lời lãi chẳng bao nhiêu. Đó là bà cụ Thi điên, một người lạ lùng dường như đang chịu đựng sự bí bách to lớn trong tâm hồn. Đó còn là gia đình bác Xẩm, bác phở Siêu, là chị em Liên với quầy hàng tạp hoá nhỏ,... Cuộc sống của con người nơi đây chẳng có chút nào khởi sắc, vẫn nhạt nhoà, vật vờ, leo lắt như ánh sáng của ngòn đèn vậy. Những kiếp người vô danh đang phải sống trong những tháng ngày không tương lai, trong đêm tối dằng dặc, trong những đói khổ, bần cùng của xã hội trước năm 1945.
Ánh sáng của ngọn đèn gắn liền với cuộc sống mưu sinh vất vả, gắn liền với bóng đêm, với con đời sống con người, nó là thứ ánh ánh sáng để duy trì sự sống. Ngọn đèn ấy dường như còn nhen nhóm cả một ước vọng gì đó, một niềm tin tưởng ở tương lai về sự đổi mới tươi sáng, về cuộc đời không lụi tàn mà bao kiếp người nơi đây vẫn hằng mong ước. Dù đó là chút hy vọng nhỏ bé, lên lỏi trong tâm hồn mỗi người. Đó là thứ ánh sáng nhạt mờ để người ta quên đi đêm tối của tuyệt vọng, của bần cùng, mơ ước đến cuộc sống tốt đẹp hơn. "Đêm tối đối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa. Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa. Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, và cái bếp lửa của bác Siêu chiếu sáng một vùng đất cát; trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa. Tất cả phố xá trong huyện bây giờ thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí." Ngọn đèn vẫn bền bỉ cháy từ lúc chiều tà đến đêm khuya còn biểu tượng cho sự chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, kiên trì trong công việc của những người lao động nghèo khổ. Đó còn là biểu hiện tốt đẹp của tình người ấm áp, họ cùng nhau làm việc, cùng nhau nhen nhóm sự sống trước hoàn cảnh bế tắc của cuộc đời.
https://thuthuat.taimienphi.vn/y-nghia-chi-tiet-ngon-den-chi-ty-42130n.aspx
Nhà văn đã thành công trong việc tạo ra hình ảnh giàu tính biểu tượng, gắn với những cảm xúc của đời sống con người nơi phố huyện tối tăm. Có thể nói hình ảnh ngọn đèn là hình ảnh quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt là trong khoảng thời gian đói khổ trước cách mạng tháng Tám, ngọn đèn đi vào văn học như một biểu tượng nghệ thuật mang nhiều tầng nghĩa. Bằng việc xây dựng nên hình ảnh ngọn đèn, Thạch Lam đã gửi gắm, lay đọng tâm hồn người đọc về sự thương cảm trước cuộc sống đầy nghèo khổ của con người, đồng thời trân trọng, nâng niu những chân giá trị trong vẻ đẹp của người lao động, đó là những khát vọng bé nhỏ của họ cho tương lai của mình. Bằng ngòi bút đầy tài hoa của mình, Thạch Lam đã khiến người độc phải nghẹn ngào thổn thức trong những trang văn thấm đẫm tình người.