Đề bài: Viết một đoạn văn Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau.
I. Gợi ý trả lời:
- Bộ phận đó là gì?
- Bộ phận đó của cây có những sự thay đổi như thế nào ở từng thời điểm:
+ Khi cây còn non - khi cây trưởng thành.
+ Qua các mùa xuân - hạ - thu - đông.
+ Khi bị bỏ bê - khi được chăm sóc kĩ càng.
- Vì sao sự thay đổi ấy lại khiến em ấn tượng?
II. Đoạn văn mẫu Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau:
1. Viết một đoạn văn Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau - mẫu số 1:
Trong sân trường em có một cây phượng. Không biết nó đã ở đây từ bao giờ, chỉ thấy bác bảo vệ kể rằng nó đã chứng kiến rất nhiều lứa học sinh vào trường rồi tốt nghiệp. Đối với em, em ấn tượng nhất với những bông hoa phượng. Quanh năm, cây phượng cứ xanh rì, tỏa bóng mát cho bao thế hệ người học. Thế nhưng đến khi hè về, tiếng ve kêu râm ran, em lại thấy màu đỏ rực lấp ló sau những tán cây. Hoa phượng xuất hiện như những đốm lửa nhỏ, làm sáng rực cả một khoảng sân. Đó chính là báo hiệu cho một năm học chuẩn bị kết thúc, cũng như thời gian em được học ở trường lại ngắn đi. Điều này khiến em lại càng thêm trân trọng những phút giây ở bên thầy cô và bạn bè hơn.
2. Viết một đoạn văn Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau - mẫu số 2:
Cây lúa là một loại cây lương thực vô cùng quen thuộc đối với con người Việt Nam. Vốn thuộc dòng thân cỏ, thân lúa luôn mang dáng vẻ mảnh mai. Khi cây còn non, thân lúa có màu xanh tươi tắn, tràn đầy sức sống. Theo thời gian, nó ngày một lớn lên, màu xanh cũng trở nên sẫm hơn. Bởi sức nặng của hạt, thân lúa dần cong xuống, đung đưa theo từng làn gió. Đây cũng chính là báo hiệu cho một vụ mùa bội thu. Được quan sát sự phát triển của thân lúa, em càng cảm thấy yêu và trân trọng loài cây này hơn. Đồng thời, cũng thêm biết ơn công lao, sự vất vả và tần tảo của những người nông dân.
3. Viết một đoạn văn Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau - mẫu số 3:
Đối với bao thế hệ học sinh, cây bàng là một "người bạn đồng hành" vô cùng quen thuộc. Trải qua nhiều năm, em đã được chứng kiến sự thay đổi hết sức thú vị của lá bàng qua từng thời điểm. Mùa xuân, cây ra những chồi non bé nhỏ, xanh biếc. Nhưng chẳng mấy chốc, chúng đã dần trở nên xanh đậm, phát triển thành nhiều tán lá um tùm. Đến mùa hè, những chiếc lá to bản mọc chi chít trên cây, tỏa bóng mát ở cả một khoảng sân. Khi thu sang, lá bàng dần chuyển màu vàng sẫm, có cái lại mang ánh đỏ. Chúng cũng dần khô lại, chỉ cần một làn gió thoảng qua là rơi rụng xuống đất. Cứ như vậy đến lúc đông đến, lá đã rụng hết, chỉ còn lại cành cây trơ trọi. Và rồi, từ những cành khẳng khiu ấy, mầm sống dần được ấp ủ, chờ đợi mùa xuân đến để "hồi sinh". Được quan sát sự thay đổi của lá bàng quả thật là một điều vô cùng thú vị.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-mot-doan-van-ta-mot-bo-phan-cua-cay-thay-doi-o-nhung-thoi-diem-khac-nhau-tieng-viet-4-canh-dieu-76967n.aspx
Việc chú ý tới sự thay đổi của thiên nhiên sẽ giúp em rèn luyện khả năng quan sát. Đồng thời có thêm nhiều nguồn tư liệu thực tế để làm bài hơn. Mời em tham khảo các bài mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Viết bài văn tả một cây hoa (hoặc cây ăn quả, cây bóng mát, cây lương thực, cây cảnh) mà em yêu thích; Giới thiệu một câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đã đọc ở nhà về ước mơ.