Quê hương luôn là đề tài phong phú gợi nhiều cảm hứng trong văn học. Taimienphi.vn xin giới thiệu bài Viết đoạn văn về quê hương có sử dụng thành phần biệt lập để giúp em biết cách đưa kiến thức tiếng Việt vào đoạn văn.
Đề bài: Viết đoạn văn về quê hương có sử dụng thành phần biệt lập.
Viết đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập và khởi ngữ
1. Viết đoạn văn về quê hương có sử dụng thành phần biệt lập - mẫu số 1:
Quê hương - nơi chôn rau cắt rốn. Đó là nơi con người ta sinh ra và trưởng thành. Ôi, những ngày tháng hồn nhiên cùng lũ bạn cắp sách đến trường. Từng con đường, nhành cây ngọn cỏ sao mà quen thuộc đến thế. Nhưng khi đó, ta không biết đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời, chỉ mải mê mơ về những vùng đất khác. Đến khi đi xa rồi, ta mới nhận ra rằng không có nơi nào đẹp như quê hương mình.
- Thành phần phụ chú: "nơi chôn rau cắt rốn".
- Thành phần cảm thán: "Ôi".
-------------------------
Em có thể xem thêm các bài về thành phần biệt lập: Thành phần biệt lập là gì? Các thành phần biệt lập và bài Viết đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập để có thể hiểu hơn, làm bài văn đúng theo yêu cầu.
2. Viết đoạn văn về quê hương có sử dụng thành phần biệt lập - mẫu số 2:
Quảng Ninh là vùng đất tươi đẹp giàu truyền thống văn hóa và cũng là quê hương em. Dòng sông Bạch Đằng đến nay vẫn còn lưu lại dấu tích của những trận đại chiến năm xưa. Vịnh Hạ Long nổi tiếng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - nơi đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo Việt Nam. Đó đều là những di tích thuộc tỉnh Quảng Ninh. Mỗi lần về quê, được bố mẹ đưa đi thăm quan những địa điểm nổi tiếng. Khi ấy, em vô cùng tự hào vì quê hương không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mà còn lưu dấu lịch sử hào hùng của dân tộc. Chắc chắn em sẽ học tập thật tốt, có thật nhiều kiến thức để sau này xây dựng và phát triển quê hương em giàu mạnh hơn nữa.
- Thành phần phụ chú: "nơi đánh dấu bước phát triển mới của Phật giáo Việt Nam".
- Thành phần tình thái: "Chắc chắn"
Viết đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập hay nhất, ngắn gọn
3. Viết đoạn văn về quê hương có sử dụng thành phần biệt lập - mẫu số 3:
Em đã sống với ông bà từ nhỏ, trong một làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Em từng hỏi bà: "Bà ơi, sao ông bà không ra thành phố ở với bố mẹ cháu ạ?". Bà chỉ nhẹ nhàng đáp rằng bà đã quen với sự thanh bình ở quê. Đúng vậy, đây là nơi rất bình yên, giống như những bức tranh hay bài thơ ca ngợi quê hương mà chúng ta vẫn thường thấy. Mùa gặt, cả con đường, cánh đồng và bầu trời đều được nhuộm vàng. Các sắc vàng tuy khác nhau nhưng đều ánh lên sức sống rực rỡ, ấm áp. Đằng sau mỗi nhà đều có cái ao nho nhỏ để nuôi cá, giặt giũ. Mùa hè đến, lũ trẻ lại rủ nhau tắm ao, tiếng nô đùa vang khắp cả một xóm. Xuân đến, khắp đường làng ngõ xóm tràn ngập hoa, có thể là những bông hoa dại mọc ven đường và cũng có cả những bông hoa được chính bàn tay người nông dân chăm sóc đang tỏa hương thơm ngát. Dường như mùa đông ở đây cũng không quá lạnh lẽo vì đã có bếp lửa than hồng, có tình làng nghĩa xóm đầy thân thiết. Giờ em đã quay trở lại thành phố học nhưng mỗi dịp được nghỉ, em đều muốn về quê với ông bà để tận hưởng không khí yên bình của quê hương.
- Thành phần gọi đáp: "Bà ơi"
- Thành phần tình thái: "Dường như"
4. Viết đoạn văn về quê hương có sử dụng thành phần biệt lập - mẫu số 4:
Mỗi chúng ta đều có những kí ức tuổi thơ ngọt ngào với quê hương của mình, vậy nên mới có câu thơ "Quê hương là chùm khế ngọt". Thật vậy, kí ức của tôi gắn liền với vùng đất này từ khi nó còn là một thị trấn nhỏ. Nơi tôi sinh ra và lớn lên có con sông nhỏ chạy quanh. Đây là nơi mọi người thường tụ tập hóng gió mát, tập thể dục và nhất là những đứa trẻ như chúng tôi hay được tập đạp xe trên con đường dọc bờ sông. Những chiều mát mẻ, chúng tôi rủ nhau trèo lên những cây trứng cá gần đó hái quả mang về ăn. Gió sông thổi lên nhè nhẹ cùng với vị quả trứng cá thơm ngọt làm chúng tôi phải cảm thán lên rằng "Tuyệt vời, ước gì được sống thế này mãi.". Bây giờ dòng sông vẫn ở đó nhưng hai bên bờ đã được xây thêm bờ kè vững chắc hơn. Nó đã trở thành con đường mà tôi đi học hàng ngày. Những kỉ niệm về con sông quê hương sẽ là thứ tôi mang theo khi đi đến những chân trời mới.
- Thành phần tình thái: "Thật vậy"
- Thành phần cảm thán: "Tuyệt vời"
5. Viết đoạn văn về quê hương có sử dụng thành phần biệt lập - mẫu số 5:
Quê hương của em chính là Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, cũng là nơi tràn đầy kỉ niệm thuở bé thơ. Mỗi cuối tuần, nếu em được điểm cao, bố sẽ đưa em đi dạo bờ hồ Gươm ăn kem Tràng Tiền như một phần thưởng. Em rất thích cảm giác được nắm tay bố đi dạo, giống như đứa trẻ hạnh phúc nhất thế gian. Có lẽ, ngày mà Hà Nội đông vui nhất không phải Tết mà là dịp lễ Quốc khánh 2/9. Người dân trên mọi miền Tổ quốc đổ về thăm lăng Bác, em cũng đã được bố mẹ cho đi xem lễ thượng cờ. Khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời, em cảm thấy rất tự hào về đất nước mình. Nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều người anh hùng của đất nước, cũng có rất nhiều chiến công được lập nên. Em thầm cảm ơn những người lính đã không tiếc hi sinh thân mình để bảo vệ nền độc lập của quê hương đất nước, bảo vệ Hà Nội của em.
- Thành phần tình thái: "có lẽ".
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-ve-que-huong-co-su-dung-thanh-phan-biet-lap-75621n.aspx
Qua một vài bài mẫu trên, Taimienphi.vn đã hướng dẫn em cách đưa thành phần biệt lập vào đoạn văn. Khi viết xong đoạn văn, em hãy nhớ rằng phải chú thích rõ ràng về các thành phần biệt lập nhé.