Các đặc sản địa phương luôn có sức hấp dẫn, thu hút chúng ta. Sau mỗi chuyến du lịch, tham quan, chúng ta thường lựa chọn đặc sản để làm quà tặng gửi tới người thân, bạn bè. Hãy cùng Taimienphi.vn tìm hiểu về vấn đề này thông qua nội dung Trình bình ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương, Ngữ văn 7, Kết nối tri thức, học kì I dưới đây.
Đề bài: Nói và nghe: Trình bày ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương.
Trình bày ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương
Trình bày ý kiếnvề sức cuốn hút của đặc sản địa phương nằm trong đề tài Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại Ngữ văn 7, các em chú ý để có thể làm được bài khi gặp đề bài trình bày vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại này.
I. Dàn ý trình bày ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương:
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần trình bày: sức cuốn hút của đặc sản địa phương.
- Nêu lí do trình bày vấn đề.
2. Nội dung chính:
- Những thông tin đáng quan tâm:
+ Đặc sản địa phương: chỉ những sản vật, sản phẩm hoặc hàng hóa đặc trưng của từng vùng, miền. Các đặc sản này thường mang đặc điểm riêng biệt, đặc thù.
+ Mỗi địa phương trên đất nước ta đều có một hay một số đặc sản nào đó.
- Ý kiến của em về vấn đề được bàn:
+ Các đặc sản đã và đang thu hút, hấp dẫn khách du lịch tới thăm và khám phá địa phương.
+ Một số đặc sản còn được xuất khẩu ra nước ngoài, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa giúp ích cho việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước.
- Mong muốn của em và những giải pháp đề xuất:
+ Các địa phương sẽ có những chính sách phù hợp để lưu giữ, phát triển đặc sản quê hương mình.
+ Mỗi người cần ý thức hơn nữa trong việc bảo tồn, lưu giữ những đặc sản quê hương.
3. Kết thúc: Khái quát nội dung đã trình bày.
II. Bài nói mẫu trình bày ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương
1. Trình bày ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương - mẫu số 1
Xin chào cô và các bạn lớp 7C. Tên em là Thảo Trang. Hôm nay, em xin trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề "sức cuốn hút của đặc sản địa phương". Kính mong cô và các bạn theo dõi, lắng nghe.
Trước hết, mọi người hiểu thế nào là đặc sản địa phương? Theo mình, đặc sản địa phương chính là sản vật, sản phẩm hay hàng hóa tiêu biểu, mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền. Khi nhắc tới đặc sản, chúng ta thường nghĩ tới món ăn nổi bật của địa phương ấy. Ví dụ như: bánh đa cua (Hải Phòng), thịt dê (Ninh Bình), cá kho (Hà Nam), cá bống kho dừa nước (Bến Tre),... Các món ăn đó thường chứa đựng hương vị riêng biệt. Vì thế, khách du lịch một khi đã thưởng thức thì đều lưu luyến, không thể nào quên.
Mỗi một đặc sản thường tượng trưng cho vẻ đẹp văn hóa truyền thống của vùng miền. Vì thế, bảo tồn, gìn giữ đặc sản còn là cách để chúng ta lưu lại những tinh hoa dân tộc. Mong rằng, các địa phương, ban ngành quản lí sẽ có chính sách phù hợp để lưu giữ và phát triển đặc sản quê hương mình. Ngoài ra, có thể kết hợp giữa giới thiệu, quảng bá đặc sản với phát triển hoạt động kinh tế - du lịch, từ đó, tạo thêm thu nhập, nguồn lợi kinh tế cho người dân.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi, lắng nghe. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ mọi người để bài trình bày thêm hoàn thiện hơn nữa.
Trình bày suy nghĩ của em về sức cuốn hút của đặc sản địa phương
2. Trình bày ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương - mẫu số 2
Xin chào cô và các bạn, Tên em là Quốc Thái. Hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề "sức cuốn hút của đặc sản địa phương".
Các bạn thân mến, mỗi vùng miền trên đất nước ta không chỉ thu hút khách du lịch bởi phong cảnh non nước hữu tình mà còn bởi những đặc sản đậm chất địa phương. Chắc hẳn, khi ghé thăm Ninh Bình, bạn sẽ không thể bỏ lỡ món thịt dê nổi tiếng. Hay đến thủ đô Hà Nội, mọi người thường nghĩ tới món bún chả nướng, phở. Như vậy, những món ăn hoặc sản vật địa phương luôn có sức hút mạnh mẽ với con người chúng ta.
Ngày nay, một số đặc sản được xuất khẩu ra nước ngoài, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa giúp ích cho việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước. Đặc biệt, hàng hóa nông sản nhiệt đới như: vải, nhãn, thanh long, chôm chôm,... đã trở thành các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, là nguồn thu ngoại tệ lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Có thể thấy, các đặc sản địa phương đã và đang thu hút, hấp dẫn nhiều bạn bè quốc tế.
Từ đây, chúng ta cần ý thức hơn nữa trong việc bảo tồn, lưu giữ những đặc sản quê hương. Hãy cùng nhau chung tay gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu bạn bè gần xa những giá trị tốt đẹp của đặc sản địa phương mình.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe, theo dõi.
3. Trình bày ý kiến về sức cuốn hút của đặc sản địa phương - mẫu số 3
Xin chào cô và các bạn. Tên em là Chấn An. Trong tiết thực hành nói và nghe hôm nay, em xin đưa ra những quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề "sức cuốn hút của đặc sản địa phương".
Chắc hẳn, sau khi ghé thăm một vùng đất, miền quê nào đó, mọi người thường có xu hướng mua đặc sản nơi đó về làm quà đúng không nào? Có thể thấy, các đặc sản địa phương luôn khiến chúng ta cảm thấy thích thú.
Vậy, các bạn định nghĩa như thế nào là đặc sản địa phương? Còn mình, mình hiểu một cách đơn giản, ngắn gọn như sau: đặc sản địa phương là những sản phẩm, sản vật hoặc hàng hóa có đặc điểm riêng biệt, đặc thù và từ đó, tạo nên đặc trưng cho từng vùng, miền. Theo như định nghĩa trên, đặc sản có thể là món ăn đã được chế biến hoặc là nông sản (hoa quả),... Những đặc sản nổi tiếng mà chắc hẳn mọi người cũng từng ít nhất một lần nghe đến như: vải thiều (Bắc Giang), nhãn lồng (Hưng Yên), bánh đậu xanh (Hải Dương), bánh cu đơ (Hà Tĩnh),...
Các bạn thân mến, mỗi địa phương trên đất nước ta đều có một hay một số đặc sản nào đó. Đến với mỗi vùng đất mới, ta lại được khám phá, tìm hiểu về các món ăn khác nhau. Chính điều ấy đã góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú cho bản đồ ẩm thực Việt Nam.
Hi vọng rằng, các địa phương sẽ có những kế hoạch, định hướng rõ ràng để lưu giữ, bảo tồn đặc sản quê hương. Đồng thời, xây dựng chương trình nhằm tuyên truyền, giới thiệu các đặc sản đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Từ đó, đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa; truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã quan tâm, lắng nghe.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/trinh-bay-y-kien-ve-suc-cuon-hut-cua-dac-san-dia-phuong-73618n.aspx
Khi trình bày ý kiến về một vấn đề, em cần nêu ra các thông tin chung liên quan đến vấn đề ấy. Từ đó, bày tỏ quan điểm, suy ngẫm của bản thân. Mời em tham khảo thêm một số bài văn mẫu lớp 7 khác trong chương trình như:
- Trình bày ý kiến về giá trị của các làng nghề truyền thống đối với sự phát triển văn hóa
- Trình bày ý kiến về sức hấp dẫn của các di tích lịch sử - văn hóa truyền thống đối với du khách
- Trình bày ý kiến về vai trò kết nối tình thân của những món ăn truyền thống địa phương