Để cảm nhận được Tinh thần yêu nước trong Phò giá về kinh cũng như hào khí chiến thắng đầy vẻ vang của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, các em hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và phân tích bài thơ Phò giá về kinh dưới đây nhé.
Đề bài: Tinh thần yêu nước trong Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư)
Bài văn Phân tích Tinh thần yêu nước trong Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư)
I. Dàn ý Tinh thần yêu nước trong Phò giá về kinh (Chuẩn)
1. Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả Trần Quang Khải: Là người "văn võ song toàn", không chỉ có công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mông - Nguyên mà còn là nhà thơ với những bài thơ đặc sắc
- Giới thiệu vài nét về Phò giá về kinh (Tụng giá hòa kinh sư) và nêu vấn đề cần nghị luận: Tinh thần yêu nước
2. Thân bài
* Tinh thần yêu nước thể hiện trong niềm vui, niềm tự hào ngây ngất khi tác giả cất lên bài ca chiến thắng: "Đoạt sáo... Hàm Tử quan" (Chương Dương... quân thù)
- "đoạt sáo", "cầm Hồ": Hai cụm động từ mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện hào khí nhà Trần và chiến thắng như chẻ tre của quân ta...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Tinh thần yêu nước trong Phò giá về kinh tại đây.
II. Bài văn mẫu Tinh thần yêu nước trong Phò giá về kinh (Chuẩn)
Trần Quang Khải là một vị tướng tài hoa, được người đời sau ngợi ca là "văn võ song toàn". Ông không chỉ có công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mông Nguyên khi chúng xâm lược Đại Việt, mà còn là một nhà thơ với những bài thơ đặc sắc. Nhà nghiên cứu Phan Huy Chú nhận xét rằng thơ của Trần Quang Khải rất "thanh thoát, nhàn nhã, sâu xa, lý thú". Bài thơ Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) được ông viết vào khoảng năm 1285, sau khi kinh độ được giải phóng. Nội dung bài thơ đã bộc lộ một tinh thần yêu nước vô cùng cháy bỏng và chí khí lớn lao của một vị tướng tài:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu
Tinh thần yêu nước vốn là một tình cảm đã trở thành truyền thống của con người Việt Nam, trải qua các thời đại, tinh thần yêu nước ấy ngày được bồi đắp và rèn giũa thêm thắm thiết. Thơ ca trung đại cũng ngợi ca truyền thống yêu nước với nhiều biểu hiện. Còn đối với tác giả Trần Quang Khải thì lòng yêu nước của ông thể hiện theo một cách rất riêng, và rất nồng cháy. Đó là niềm vui, niềm tự hào ngây ngất khi ông cất lên bài ca chiến thắng ở hai câu thơ đầu (theo nguyên tác):
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, Thượng tướng Trần Quang Khải đã nằm gai, nếm mật cùng tướng sĩ, đem xương máu mà giành lại độc lập cho non sông, bảo vệ giang sơn khỏi nanh vuốt của quân thù hùng mạnh. Tinh thần yêu nước trên chiến trường là tình cảm chân thành và mãnh liệt nhất. Để rồi, sức mạnh của lòng yêu nước và trí tuệ kiệt xuất đã được kết tụ thành chiến thắng "đoạt sáo" và "cầm Hồ". Hai cụm động từ mạnh mẽ, dứt khoát đã thể hiện rất rõ hào khí thời đại nhà Trần và thế chiến thắng như chẻ tre của quân ta. Nhạc điệu của thơ nhanh, dồn dập như mệnh lệnh trong quân đội, khiến ta thấy rõ được đặc trưng trong sáng tác và trong chiến đấu của tướng quân Trần Quang Khải, đánh giặc nhanh, chiến thắng nhanh, và lời thông báo chiến thắng cũng thật cô đọng và hàm súc. Tác giả còn liệt kê tên hai trận thắng, hai địa danh vinh quang đã in dấu ấn không phai trong lịch sử dân tộc. Lời thơ của Trần Quang Khải chính là lời tổng kết ngắn gọn về giai đoạn chiến thắng huy hoàng của quân dân ta. Đó cũng là bài ca của lòng yêu đất nước được thử thách trong khói lửa chiến tranh, nay rộn ràng cất lên để ngợi ca chiến thắng, báo công với toàn dân tộc.
Một nét đẹp khác của tinh thần yêu nước trong bài thơ Phò giá về kinh của Trần Quang Khải, ấy là khát vọng và cái nhìn hướng tới tương lại:
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu
Nếu như "đoạt" và "cầm" trong hai câu thơ đầu mang đậm hơi hướng của chiến tranh khốc liệt, một mất một còn với kẻ thù xâm lăng, thì hai câu thơ sau lại trở nên điềm đạm, với nhịp điệu khoan thai, như một lời nhắn nhủ với bản thân và với mọi người rằng: Sau khi chiến thắng giặc thù, chúng ta lại bắt tay ngay vào dựng xây cơ đồ, bồi đắp non sông để làm sao giang sơn gấp vóc vững bền mãi đến nghìn thu. Nhà thơ dùng từ "thái bình" thật đẹp, đó là mơ ước của bao người, khi kẻ thù xâm lược chiếm đoạt đất đai quê nhà. Nay mơ ước thái bình đã thành hiện thực, thì phải "tu trí lực" để làm cho "Vạn cổ thử giang san". Ý thơ hào hùng, không chỉ là biểu hiện của lòng yêu quê hương đất nước, mà còn hàm chứa trong đó khát vọng cao cả và trí thông minh, sự sáng suốt của một vị tướng được coi như tể tướng triều nhà Trần. Hai câu thơ sau cũng bộc lộ một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng. Nó chuyển tải nhiệt huyết trong trái tim của Trần Quang Khải đến với những người đọc và cảm nhận ý thơ.
Bài thơ Phò giá về kinh chia làm hai phần khá rõ, vừa khác biệt, lại vừa thống nhất với nhau trong một mạch thơ hay: Hai dòng đầu là niềm vui chiến thắng, hai dòng sau là khát vọng dựng xây. Tất cả đều bắt nguồn từ tinh thần yêu nước vĩ đại của Trần Quang Khải và của tất cả tướng sĩ, nhân dân của thời đại nhà Trần.
Tóm lại, Phò giá về kinh là bài thơ vô cùng xuất sắc trong thơ cổ Việt Nam, qua đó, tác giả Trần Quang Khải đã gửi gắm lòng mình đến ngàn sau. Xây dựng để non sông bền vững ngàn năm là trách nhiệm và ước mơ của từng thế hệ. Thế hệ trẻ hôm nay càng thấm thía về ước mơ, khát vọng đó, để tiếp nối hào khí Đông A trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
------------------HẾT-------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/tinh-than-yeu-nuoc-trong-pho-gia-ve-kinh-tung-gia-hoan-kinh-su-41525n.aspx
Sau khi tìm hiểu về bài Tinh thần yêu nước trong Phò giá về kinh, các em có thể tham khảo thêm:Cảm nhận khi đọc bài thơ Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư), Phân tích bài thơ Phò giá về kinh của Trần Quang Khải, Qua hai bài thơ Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh, chứng minh nhận định..., Phân tích hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình trong bài Phò giá về kinh để tự củng cố kiến thức cho mình.