Trên đất nước Việt Nam ta có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh với phong cảnh vô cùng đẹp. Tham khảo những bài Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh dưới đây, các em sẽ biết thêm được nhiều di tích, danh lam đẹp của nước ta. Các em hãy cùng tham khảo để có thêm nhiều gợi ý hay cho bài viết của mình nhé.
Đề bài: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh
Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh
I. Dàn ý Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về di tích hoặc danh lam thắng cảnh mà em định tả.
2. Thân bài:
a. Tả khái quát vị trí của di tích, danh lam thắng cảnh.
- Di tích hay danh lam thắng cảnh đó nằm ở đâu, thuộc địa phận xã, huyện, tỉnh nào?
- Khái quát về lịch sử, nguồn gốc của di tích, danh lam thắng cảnh.
b. Tả chi tiết cảnh quan, phong cảnh của di tích hoặc danh lam thắng cảnh.
- Tả không gian của di tích, danh lam thắng cảnh từ bên ngoài vào bên trong.
- Tả các chi tiết nổi bật của di tích, danh lam thắng cảnh như các hạng mục chính, đường đi lối lại, các địa điểm thu hút khách tham quan.
- Tả cảnh quan trong khuôn viên di tích, danh lam thắng cảnh như pho tượng, tấm bia, hang động, con sông, núi,...
c. Tả các hoạt động tham quan, du lịch, vãn cảnh diễn ra tại di tích hoặc danh lam thắng cảnh.
- Di tích hay danh lam thắng cảnh có đông du khách tham quan, ghé thăm hay không?
- Tại đây có những hoạt động trải nghiệm hay dịch vụ tham quan du lịch như thế nào?
- Cảm nhận của khách tham quan về di tích hay danh lam thắng cảnh ra sao?
3. Kết bài:
Nêu cảm nghĩ của em về di tích hoặc danh lam thắng cảnh
II. Bài văn mẫu Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh
1. Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh: Di tích ATK(Chuẩn)
Mới đây em đã có dịp được tham gia hoạt động "Trải nghiệm về nguồn - ATK thủ đô gió ngàn" tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK. Em được tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây ghi dấu cuộc đời và hoạt động cách mạng của Bác trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Di tích lịch sử ATK hay còn được gọi là An toàn khu Định Hóa, An toàn khu Trung ương, thuộc địa phận nhiều xã của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với diện tích rộng được quy hoạch bảo tồn trên 5200 km2. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tiên trong chuỗi các địa điểm trong khu di tích ATK. Nhà tưởng niệm được đặt trên đỉnh Đèo De, khi đi từ dưới dốc lên đèo sẽ thấy ngay vẻ đẹp đồ sộ của công trình trang nghiêm với lối kiến trúc cổ truyền thống. Tại chân đèo là nhà bảo tàng các hiện vật Bác đã dùng trong khoảng thời gian công tác tại đây. Ngay bên phải của nhà bảo tàng chính là một lối đi với hàng trăm bậc thang cao dựng đứng chia thành nhiều đoạn khác nhau dẫn lên nhà tưởng niệm. Nổi bật giữa đồi xanh là những mái ngói đỏ, hệ thống khuôn viên cây xanh, đường bao quanh tựa như một đóa hoa sen đang nở. Đặc biệt là có 79 cây vạn tuế tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Phía bên phải của nhà tưởng niệm là lầu chuông, bên trái là lầu khánh, mỗi khi có đoàn khách đến thăm viếng, chuông và khánh sẽ được gióng lên từng hồi. Bên trong nhà tưởng niệm là bức tượng Bác Hồ bằng đồng cao 99 mét, cùng với các câu đối, hoành phi làm bằng gỗ, được sơn son thếp vàng. Tất cả tạo nên một không gian kính cẩn, tôn nghiêm. Vẻ đẹp nơi đây được tạo nên chính bởi không gian xanh mát, nhiều cây xanh. Mỗi cây được trồng trong khuôn viên đều được gắn biển tên và người trồng. Sự thanh cảnh, yên tĩnh và trang nghiêm nơi đây đã thu hút khách từ mọi miền đất nước trở về để tìm hiểu lịch sử và kính viếng Bác.
Điều em ấn tượng ở Nhà tưởng niệm chính là xanh - sạch - đẹp. Có thể nói, đây là một nơi lắng hồn thiêng của sông núi, mọi người hành hương về đây chính là về với cội nguồn dân tộc.
2. Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh: Chùa Thầy (Chuẩn)
Nằm ngay cạnh đường Đại lộ Thăng Long, thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội có một ngôi chùa cổ, đó chính là chùa Thầy.
Chùa Thầy nằm trên núi Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngôi chùa có phong cảnh non nước hữu tình, vẻ đẹp cổ kính khiến cho mọi người bước vào đây như quay lại thời xưa cũ. Toàn cảnh ngôi chùa giống như một con rồng đang nằm tựa lưng vào núi, đầu hướng ra hồ. Trước sân chùa chính là hồ Long Trì, hồ rộng, nước trong xanh in bóng núi. Trong hồ có nhà Thủy Đình, như một viên ngọc mà con rồng đang ngậm trong miệng. Hai bên hồ có hai chiếc cầu nhỏ với kiến trúc cột gỗ mái ngói đỏ, giống như hai chiếc râu rồng. Kiến trúc chính của chùa chia làm ba: Chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Trong mỗi chùa đều có các ban bệ đầy đủ với những pho tượng cổ trang nghiêm, sơn son thếp vàng, hoa thơm ngào ngạt. Đến tham quan chùa Thầy mọi người sẽ được trải nghiệm leo núi. Ban đầu là những bậc thang rộng và thoải, dần dần những bậc thang càng ngắn và dốc hơn. Bên trên đỉnh của chùa Thầy còn nhiều địa điểm hấp dẫn như hang Cắc Cớ, chùa Một Mái,... và đặc biệt là đỉnh núi Thầy. Từ trên đỉnh núi có thể nhìn ra toàn cảnh phía chân núi. Một bên là cánh đồng rộng bằng phẳng, một bên là mái nhà lợp tôn xanh đỏ chi chít chen chúc nhau. Điều khiến em ấn tượng nhất khi về chùa Thầy đó chính là không gian xanh mát, trong lành, yên tĩnh.
Các bạn ở trong thủ đô cảm thấy ngột ngạt có thể đi xe buýt về với chùa Thầy để thư giãn, nghỉ ngơi. Đây sẽ là nơi lí tưởng để mọi người quên hết ưu phiền, bộn bề của cuộc sống.
3. Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh: Thành nhà Hồ (Chuẩn)
Nhắc đến những di tích lịch sử lâu đời, rêu phong nhất trong lịch sử Việt Nam, không thể không nói đến di tích thành nhà Hồ. Thành nhà Hồ là một quần thể di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.
Di tích thành nhà Hồ nằm tại huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, đặt chân tới đây ai cũng phải ngỡ ngàng trước sự nguyên vẹn của một di tích lịch sử đã trải qua nhiều thế kỉ. Vẻ đẹp của di tích nằm ở chính những lớp rêu phong, sự bền bỉ và kiên cường trước khắc nghiệt của chiến tranh, thời gian và mưa nắng. Cổng thành được thiết kế cong vòm, thành được làm bằng đá tảng to. Các phiến đá nặng như vậy lại có thể ráp vào với nhau chắc chắn mà không cần chất kết dính nào. Phần hào thành ngày nay không còn nhìn rõ nhưng có thể thấy qua những dãy đá hộc chạy dài nối liền các cổng thành. La Thành ngày nay chính là một dải đất cao như con đê, bên ngoài dốc đứng, bên trong thoải hơn. Đây chính là bức tường tự nhiên bảo vệ thành khỏi lũ lụt, tấn công từ bên ngoài. Xung quanh thành là những địa thế hiểm trở như sông nước, núi non, có thể nói vị trí xây thành mang ý nghĩa chiến lược rất lớn. Hiện nay trong khuôn viên thành có trồng thêm nhiều thảm cỏ, cây xanh và cây cảnh khiến cho không gian trở nên xanh mát hơn. Bên trong thành còn có đàn tế Nam Giao, được xây dựng bằng các phiến đá xếp vòng tròn chia thành ba tầng từ thấp lên cao các vòng tròn nhỏ dần.
Về tham quan thành nhà Hồ chúng ta như đang được tìm hiểu về lớp trầm tích văn hóa trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vẻ đẹp của thành sẽ còn mãi với thời gian.
-----------------HẾT---------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/ta-ve-dep-cua-mot-di-tich-hoac-danh-lam-thang-canh-68828n.aspx
Để rèn luyện kĩ năng viết văn tả cảnh, bên cạnh bài Tả vẻ đpẹ của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh trên đây, các em không nên bỏ qua những bài văn đặc sắc khác như: Tả cảnh đường phố vào giờ tan tầm, Tả một ngày mùa đông mưa phùn, giá rét, Tả cảnh biển vào những ngày hè rực rỡ, Tả cảnh nhộn nhịp của một công trường xây dựng.