Suy nghĩ về bài thơ Bảo kính cảnh giới 43 của Nguyễn Trãi

Bảo kính cảnh giới số 43 là một trong những bài thơ thể hiện rất rõ nét tâm hồn và tình yêu thiên nhiên của nhà thơ Nguyễn Trãi khi về Côn Sơn - Hải Dương quy ẩn. Các em có thể xem bài suy nghĩ về bài thơ Bảo kính cảnh giới 43 của Nguyễn Trãi để thấy rõ nét điều đó cũng như làm bài văn hay.

Đề bài: Suy nghĩ về bài thơ Bảo kính cảnh giới 43 của Nguyễn Trãi

suy nghi ve bai tho bao kinh canh gioi 43 cua nguyen trai

Bài làm:

Nguyễn Trãi là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa của Đại Việt, đồng thời ông còn là tác giả áng thiên cổ hùng văn "Bình ngô đại cáo". Ngoài ngòi bút sắc bén, lập luận đanh thép với dẫn chứng thuyết phục trong những áng văn chính luận, ta còn bắt gặp một Nguyễn Trãi với phong thái nhàn tản, giao cảm hòa hợp cùng thiên nhiên trong "Bảo kính cảnh giới 43". Không chỉ mang chất trữ tình sâu sắc, bài thơ chứa đựng cả nội dung mang tính giáo huấn người đời, ngời sáng tâm hồn lí tưởng của bậc thi sĩ lớn Ức Trai.

Trước hết, bài thơ thể hiện tình yêu cũng như tâm hồn tinh tế và sự giao cảm mạnh mẽ đối với thiên nhiên của tác giả Nguyễn Trãi. Nhân vật trữ tình xuất hiện trong phong thái ung dung tự tại: "Rồi hóng mát thuở ngày trường". Như chúng ta đã biết, Nguyễn Trãi là nhà thơ nặng lòng với thiên nhiên và luôn mở lòng với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh, nhưng khoảnh khắc rảnh rỗi vào một ngày khí trời mát mẻ, trong lành thì quả là hiếm hoi. Nếu người xưa thường thiên về vịnh cảnh thì Nguyễn Trãi lại vận dụng bút pháp tả. Và rồi bằng sự quan sát tinh tế của nhân vật trữ tình, bức tranh thiên nhiên đầy sức sống đã hiện lên:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"

Những sắc màu của cảnh vật hiện lên trong sự giao hòa: Màu lục của lá hòe cùng màu đỏ của hoa thạch lựu đan cài vào nhau trong ánh mặt trời buổi chiều. Đặc biệt hơn, cảnh vật được miêu tả trong sự chuyển động tạo nên một bức tranh căng tràn sức sống. Tác giả đã sử dụng những động từ mạnh: "đùn đùn", "trương", "phun" gợi nên sự tràn đầy và sức sống từ nội tại đang ứa căng và không kìm lại được và phải bộc phát ra bên ngoài. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng miêu tả cảnh sắc mùa hè bằng sắc hoa lựu: "Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông" (trích "Truyện Kiều"). Với từ "lập lòe", tác giả Nguyễn Du đã tạo nên sự độc đáo trong việc tạo hình sắc, còn Nguyễn Trãi lại nhấn mạnh sức sống của cảnh vật, thể hiện rõ cái nhìn tinh tế đối với cảnh vật của hai thi sĩ tài ba. Thi nhân đã vận dụng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và khứu giác kết hợp cùng trí tưởng tượng phong phú để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, cho thấy sự giao cảm mạnh mẽ nhưng vô cùng tinh tế của Ức Trai đối với cảnh vật.

Không chỉ dừng lại ở đó, bên cạnh màu sắc tác giả còn tô điểm cho bức tranh thiên nhiên âm thanh, đường nét hệt như một người họa sĩ tài ba tạo nên một kiệt tác có hồn của tạo vật. "Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ" với sự kết hợp của động từ "phun" và "thức"- màu vẻ, dáng vẻ, câu thơ đã diễn tả thành công cái hồn và thần thái của cảnh vật. Cảnh vật mùa hè còn được miêu tả qua hình ảnh rất đặc trưng: Đóa sen trong ao đã tỏa hương thơm ngát, tạo nên một bức tranh hài hòa về màu sắc và hương vị.

Bài thơ còn khắc họa bức chân dung của một con người luôn hết lòng vì dân, vì nước. Mặc dù đang hòa mình đắm say trong vẻ đẹp sinh động, đáng yêu và tràn trề sức sống của thiên nhiên nhưng tác giả vẫn hướng đôi mắt quan sát của mình đến cuộc sống của con người:

"Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"

Bức tranh mùa hè được bổ sung thêm những nét vẽ về cuộc sống của con người với thanh âm của "lao xao" của chợ cá tại một làng chài ven sông cùng tiếng dắng dỏi của cầm ve. Cuộc sống yên vui, no đủ của người dân đã gợi lên trong lòng tác giả một mong ước hết sức cao đẹp:

"Dẽ có Ngu Cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương"

Tác giả mong ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gảy nên khúc Nam Phong ca ngợi đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân. Câu thơ kết thúc bài được kiến tạo theo cách ngắt nhịp 3/3, thể hiện rõ sự rồn nén cảm xúc của bài thơ. Mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên giàu hình ảnh, màu sắc, hình khối, đường nét nhưng kết thúc bằng câu thơ nói về con người cho thấy điểm kết mà tác giả muốn hướng đến không phải ở thiên nhiên tạo vật mà chính ở con người. Điều này đã thể hiện rõ tâm hồn hết sức cao cả và vĩ đại của Nguyễn Trãi- vị anh hùng dân tộc luôn mong muốn cho dân được ấm no, hạnh phúc.

Như vậy, thông qua bài thơ, chúng ta có thể thấy được tình yêu cùng sự giao hòa đối với thiên nhiên của tác giả, giống như ông đã từng bộc bạch: "Non nước cùng ta đã có duyên" ("Tự thán"- bài 4). Là một thi sĩ, ông đến với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh nhưng cuối cùng, tâm hồn của ông vẫn hướng đến nhân dân, đến đất nước. Qua lời tâm sự và mong ước về cuộc sống của nhân dân, độc giả có thể thấy được tâm hồn và lí tưởng cao đẹp của tác giả Nguyễn Trãi. Tình yêu thiên nhiên, tạo vật đã quyện hòa và làm ngời sáng hơn nữa tình yêu đối với đất nước, nhân dân.

https://thuthuat.taimienphi.vn/suy-nghi-ve-bai-tho-bao-kinh-canh-gioi-43-cua-nguyen-trai-41959n.aspx
Để học tốt môn Ngữ văn lớp 10, làm bài văn tốt nhất, các em có thể xem thêm nhiều bài văn mẫu - Phân tích bức tranh thiên nhiên trong Bảo kính cảnh giới, Phân tích Bảo kính cảnh giới, bài 43

Tác giả: Nguyễn Thuý Thanh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong Bảo kính cảnh giới, bài 43
Ý nghĩa nhan đề bảo kính cảnh giới ngắn gọn, hay nhất
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi
Nỗi lòng Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè
Phân tích 12 câu đầu bài Côn Sơn Ca
Từ khoá liên quan:

suy nghi ve bai tho bao kinh canh gioi 43 cua nguyen trai

, Suy nghĩ về bài thơ Bảo kính cảnh giới 43 của Nguyễn Trãi,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới