Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43

Nguyễn Trãi là một con người có tâm hồn hết sức nhạy cảm, tinh tế. Ông yêu thiên nhiên, cuộc sống và cả con người tha thiết. Các em có thể đọc bài Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43 bên cạnh bài văn phân tích Bảo kính cảnh giới để thấy điều đó rõ hơn cũng như khi gặp bài văn này đều có thể làm bài hoàn chỉnh, đúng ý.

Đề bài: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43

ve dep tam hon nguyen trai qua bao kinh canh gioi bai 43

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi quat tác phẩm Bảo kính cảnh giới, bài 43 hay nhất
 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.
3. Bài mẫu số 3.


I. Dàn ý Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua "Bảo kính cảnh giới", bài 43.
2. Thân bài: Vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện qua:
2.1. Tình yêu thiên nhiên:
* Bức tranh thiên nhiên hiện lên với vẻ rực rỡ, tươi đẹp:
- Động từ "đùn đùn" gợi tả từng lớp lá không ngừng vươn xa, "tán rợp trương": hình ảnh tán cây tỏa rộng, che rợp mặt đất.
-> Cây hòe đang vươn mình, tỏa ra những tán lá xanh, bao phủ một khoảng trống lớn.
- "Thạch lựu hiên": cây thạch lựu ở trước hiên nhà, "phun thức đỏ": hoa lựu thi nhau bung nở, màu của hoa đỏ rực.
- "Hồng liên trì": sen hồng trong ao vườn, "tịn mùi hương": đã tỏa ngát hương thơm.
* Bức tranh thiên nhiên rộn ràng:
- Từ láy "lao xao" gợi ra âm thanh xôn xao cùng bầu không khí tấp nập, nhộn nhịp của chợ cá ở làng ngư phủ.
- Từ láy "dắng dỏi" có nghĩa là tiếng kêu vang dội liên tục, không ngớt -> "cầm ve": tiếng ve kêu trong, cao, rộn rã như tiếng đàn.
-> Nhà thơ cảm nhận thiên nhiên thông qua nhiều giác quan: thính giác, thị giác -> bức tranh thiên nhiên hòa hợp màu sắc, âm thanh và hình ảnh.
2.2. Tấm lòng yêu nước, thương dân:
- Mượn điển tích, điển cố "Ngu cầm", thi sĩ bày tỏ mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân.
-> Dù đã rời xa chốn quan trường nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn đau đáu nỗi lo về dân, về nước -> tấm lòng cao cả của bậc trung quân.
3. Kết bài:
- Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.

 

Viet doan van khoang 150 chu phan tich mot net dep cua tam hon Nguyen Trai the hien trong bai tho Duc Thuy son

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một nét đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ Dục Thúy sơn
 

II. Bài văn mẫu Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43


1. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43 hay nhất - Mẫu 1

Không chỉ là người anh hùng dân tộc, Nguyễn Trãi còn là một nhà văn hóa, nhà thơ đại tài. Ngòi bút của ông thường hướng tới những chủ đề quen thuộc, gần gũi như: tình cảm con người, tình yêu thiên nhiên, đất nước,... Hầu hết trong các sáng tác, thi sĩ đều gửi gắm tâm tư, nỗi niềm sâu kín của mình. Điều này được thể hiện đầy chân thực qua tác phẩm "Bảo kính cảnh giới" (bài 43). Có thể nói, bài thơ đã giúp ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn của một con người thi vị, nhạy cảm như Nguyễn Trãi.

Trước hết, câu thơ mở đầu là lời lí giải về hoàn cảnh tìm tới thiên nhiên tươi đẹp:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường."

Đặt từ "rồi" ở đầu câu, nhà thơ muốn nói tới cuộc sống nhàn nhã, ung dung đang nhịp nhàng trôi qua. Trong một ngày dài, con người thoải mái ngồi "hóng mát", thả mình vào thiên nhiên, đất trời. Có lẽ, đây là những khoảnh khắc bình yên hiếm hoi của Nguyễn Trãi. Một đời bận rộn với việc dân, việc nước, cuối cùng, ông cũng có phút giây thảnh thơi, chậm rãi tận hưởng vẻ đẹp quanh mình:

"Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Hồng liên trì đã tịn mùi hương."

Bức tranh thiên nhiên hiện ra thật rực rỡ, đẹp đẽ. Trong không gian rộng lớn, cây hòe đang vươn mình tỏa ra những tán xanh, che kín mặt đất. Động từ "đùn đùn" đã gợi tả rõ nét từng lớp lá không ngừng vươn xa, bao phủ một khoảng trống lớn. Cảnh sắc càng thêm tươi tắn, nổi bật nhờ màu hoa lựu. Trên các tán cây, những bông hoa lựu thi nhau "phun thức đỏ". Màu đỏ của hoa xen kẽ với sắc xanh của lá, giúp cảnh sắc thiên nhiên càng thêm tươi tắn. Trong khi đó, ngoài ao vườn, sen hồng đang nhẹ nhàng tỏa ra mùi hương thanh khiết. Có thể nói, bằng nét bút tài hoa, tâm hồn tinh tế, Nguyễn Trãi đã vẽ nên một khung cảnh thật tươi đẹp, bình yên.

Bức tranh thiên nhiên còn được gợi tả thông qua những thanh âm dung dị của đời sống thường ngày:

"Lao xao chợ cá làng ngư phủ;
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."

Giữa lúc thảnh thơi ngồi ngắm cảnh, thi nhân nghe thấy âm thanh từ xa vọng lại. Đó là tiếng "lao xao" của chợ cá ở làng chuyên nghề chài lưới. m thanh ấy đã cho thấy sự nhộn nhịp, tấp nập trong hoạt động giao thương của người dân. Dưới bóng chiều tà, đàn ve cũng hát lên khúc ca râm ran, trong trẻo như tiếng đàn. Tất cả thanh âm hòa quyện vào nhau, tạo nên bản nhạc hết sức vui tươi, rộn rã.

Sáu câu thơ đầu đã mang đến một bức tranh ngày hè tràn đầy sức sống, hài hòa sắc màu, thanh âm và hình ảnh. Đứng trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó, Nguyễn Trãi vẫn không quên suy nghĩ, trăn trở về việc dân, việc nước:

"Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương."

Từ "lẽ có" đã cho thấy cái khao khát, mong ước cháy bỏng của thi nhân. Ông mong muốn có được "Ngu cầm" - cây đàn của vua Thuấn, để gảy lên một tiếng đàn một khúc hát. Qua đó, bày tỏ ước vọng thiết tha về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Ông hi vọng nhân dân ở khắp mọi miền đều no đủ. Như vậy, tư tưởng nhân nghĩa "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" luôn tỏa sáng trong các sáng tác của nhà thơ. Tư tưởng ấy càng trở nên lấp lánh bởi nó được nâng niu từ một tâm hồn nhạy cảm, một tâm hồn yêu nước thương dân.

Bằng ngôn ngữ mộc mạc, hệ thống từ láy "lao xao", "dắng dỏi", biện pháp đảo ngữ "Lao xao chợ cá làng ngư phủ;/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.", Nguyễn Trãi đã miêu tả thành công bức tranh thiên nhiên ngày hè. Đồng thời, khéo léo bộc lộ những nỗi niềm, suy tư. Qua bài thơ, ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn cao cả của Ức Trai. Đó là tình yêu thiên nhiên tha thiết, trân trọng cái đẹp dung dị đời thường. Hay còn là ước mơ về đời sống giàu có, đủ đầy của muôn dân. Có thể thấy, dù sống trong những phút giây thảnh thơi, nhàn nhã nhưng ông vẫn luôn hướng lòng mình về nhân dân, đất nước. Đây chính là tấm lòng cao đẹp của bậc trung quân.

Vua Lê Thánh Tông đã từng khẳng định "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" ("Lòng Ức Trai sáng tựa sao khuê". Quả đúng như vậy, thi phẩm "Bảo kính cảnh giới" (bài 43) đã giúp người đọc thấy được tâm hồn sáng ngời như sao khuê ấy. Từ đây, ta càng thêm ngưỡng mộ, kính trọng Nguyễn Trãi - người anh hùng, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ có nhiều đóng góp cho văn hóa, văn học của dân tộc.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - 

Bài văn Phân tích bức tranh thiên nhiên trong Bảo kính cảnh giới, bài 43, Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Bảo kính cảnh giới, bài 43, Đoạn văn phân tích một yếu tố "phá cách" trong Bảo kính cảnh giới cũng được Taimienphi.vn biên soạn. Các em cùng tham khảo để hoàn thành bài dễ dàng.


2. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43  đạt điểm cao - mẫu số 2:

Nguyễn Trãi không chỉ là một anh hùng dân tộc mà còn là một nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một di sản thơ ca có giá trị, trong đó nổi bật là những sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm. Tiêu biểu cho sáng tác của thi nhân phải kể đến "Bảo kính cảnh giới", bài 43. Bài thơ đã làm nổi bật bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè và vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.

Trước hết, đọc bài thơ ta cảm nhận được Nguyễn Trãi là người yêu thiên nhiên tha thiết qua việc miêu tả bức tranh cảnh ngày hè. "Rồi" gợi lên khoảng thời gian rảnh rỗi, tâm hồn con người như được thanh thản. "Hóng mát" đó là một ngày với khí trời thoáng mát, trong lành. Có thể thấy, đây là một khoảng thời gian hiếm hoi trong cuộc đời của một người suốt đời lo cho vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Hoàn cảnh tác giả sáng tác bài thơ, đó là khoảng thời gian ông đang ở ẩn Côn Sơn. Vậy nên, đây thật là một hoàn cảnh lí tưởng về cả mặt khách quan và chủ quan để Ức Trai có thể thả hồn mình say sưa đắm chìm với vẻ đẹp tự nhiên: 

                           "Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.

                             Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.

                             Hồng liên trì đã tịn mùi hương."

Bức tranh thiên nhiên ngày hè với đủ những sắc màu rực rỡ. Đầu tiên, đó là "hòe lục" đây là loại cây thân gỗ hoa màu vàng nở vào mùa hè. Đây là màu sắc rất đặc trưng cho mùa hè ở làng quê. Động từ "đùn đùn" thể hiện một nguồn sống mãnh liệt của những cây hòe rợp tán lá xanh, những tán này chồng lên tán kia che kín mặt đất. Qua đó, thể hiện sức sống mãnh liệt của tự nhiên. Cảnh sắc thiên nhiên còn được tô điểm với hoa lựu quen thuộc với màu đỏ rực. "Thạch lựu" trước hiên nhà thi nhau "phun thức đỏ". Dường như những bông hoa đang bung nở tựa như một cơn mưa hoa rơi xuống đầy sân nhà. Bức tranh cảnh ngày hè không chỉ có "hòe", "thạch lựu" mà còn nổi bật với hình ảnh "hồng liên trì". Phía vườn ao, những bông hoa sen đã bung nở, đang khoe sắc hương vào cuối hè. Có lẽ, phải là người có tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết như Nguyễn Trãi thì mới có thể vẽ nên một khung cảnh ngày hè thật tươi đẹp như vậy.

Bức tranh ngày hè còn được thi nhân khéo léo gợi lên qua những âm thanh quen thuộc của cuộc sống con người "Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương". Âm thanh từ xa vọng lại đó là tiếng "lao xao" của những người làm nghề chài lưới. Việc lắng tai nghe âm thanh của con người cho thấy Nguyễn Trãi có tấm lòng luôn hướng đến người dân. Dù đã lui về ở ẩn, nhưng lòng người thi sĩ ấy vẫn quan tâm đến cuộc sống bình yên của nhân dân lao động. Hòa trong sự rộn rã của con người đó là âm thanh của tiếng ve ngân vang khắp không gian. Tất cả những âm thanh đó gợi tả một mùa hè thật rộn ràng, vui tươi. Bằng việc sử dụng những động từ mạnh kết hợp với tính từ giàu sắc thái, tác giả đã gợi lên bức tranh vạn vật thiên nhiên mùa hè tràn trề sức sống.

Không chỉ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, Ức Trai còn là người có tấm lòng yêu nước, thương dân. Hai câu thơ cuối là những tâm sự của tác giả về cuộc đời "Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương". Câu thơ sáu tiếng, ngắt nhịp 3/3 thể hiện những dồn nén cảm xúc của nhà thơ. Ông mong muốn có được cây đàn của vua Thuấn, để gảy vang lên khúc Nam Phong. Qua đây, thể hiện ước mong của tác giả về một đất nước yên bình. Ở nơi đó, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc trọn vẹn nhất.

Bằng việc sử dụng hàng loạt các từ láy: "đùn đùn", "lao xao", "dắng dỏi" kết hợp với ngôn ngữ thơ giản dị, Nguyễn Trãi đã miêu tả bức tranh ngày hè với những hình ảnh và âm thanh đặc trưng. Qua bài thơ, ta không chỉ cảm nhận được tình yêu thiên nhiên của mà còn cả tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân của Nguyễn Trãi.

Bài thơ "Bảo kính cảnh giới", bài 43 đúng là một bài thơ đặc sắc gợi được cả cảnh và tình của thi nhân. Đọc bài thơ, ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đắm say của Nguyễn Trãi. Và bài thơ sẽ còn sống mãi trong lòng độc giả.


3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới, bài 43 siêu hay - mẫu số 3:

Nguyễn Trãi là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ văn của ông kết tinh nhiều thành tựu nghệ thuật đặc sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển của một số thể loại văn học trung đại Việt Nam lúc bấy giờ. Thi nhân có những sáng tác tiêu biểu cả về chữ Hán và chữ Nôm. Tiêu biểu phải kể đến bài thơ "Bảo kính cảnh giới", bài 43. Qua bài thơ, ta không chỉ cảm nhận được bức tranh ngày hè sinh động mà còn cảm nhận được tâm hồn yêu nước, thương dân của nhân vật trữ tình.

Mở đầu bài thơ, đó là tư thế của nhân vật trữ tình:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường."

Từ "rồi" được đặt ở đầu câu để nhấn mạnh khoảng thời gian rỗi rãi, thư nhàn. Thi nhân ngồi hóng mát trước hiên nhà. Sở dĩ, Nguyễn Trãi có được khoảng thời gian nhàn rỗi như vậy bởi lúc này ông đã xa lánh chốn quan trường, hòa mình với thiên nhiên và nhịp sống bình dị nơi thôn dã.

Với một tâm hồn yêu thiên nhiên, nhà thơ đã mang đến cho ta một bức tranh thiên nhiên mùa hè với thật nhiều hình ảnh và màu sắc:

"Hòe lục đùn đùn tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.

Hồng liên trì đã tịn mùi hương."

Bức tranh ngày hè hiện lên với màu "lục" của cây hòe thể hiện sự xanh tươi. Hơn nữa, động từ "đùn đùn", "giương" gợi sự phát triển mạnh của những cành lá sum suê, sức sống như đang cựa quậy trong mỗi nhánh cây. Còn trước hiên nhà đó là những cây lựu với sắc đỏ như đang "phun thức đỏ". Qua cảm nhận độc đáo của nhân vật trữ tình, cây lựu như đang phun trào sức sống mạnh mẽ cả hình dạng lẫn màu sắc để tô điểm cho bức tranh ngày hè. Không chỉ vậy, ngoài ao vườn, những bông hoa sen đang tỏa ngát hương thơm. Dường như tác giả đã huy động mọi giác quan: thị giác, khứu giác, thính giác và những liên tưởng, tưởng tượng để cảm nhận và miêu tả bức tranh thiên nhiên, đời sống ngày hè quyến rũ. Bằng những cảm nhận tinh tế, Nguyễn Trãi đã mang đến cho người đọc bức tranh thiên nhiên ngày hè với cả màu sắc, hương thơm. Cảnh thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống qua ngòi bút của thi nhân cho thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết của nhân vật trữ tình.

Bức tranh thiên nhiên còn nổi bật với âm thanh của cuộc sống con người:

  "Lao xao chợ cá làng ngư phủ;

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."

"Lao xao" đó là từ láy tượng thanh gợi ra âm thanh của những người dân làng chài. Tác giả như vẽ ra cảnh phiên chợ đông người mua kẻ bán, náo nhiệt, ồn ào, tấp nập của cuộc sống đời thường. Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ "Qua Đèo Ngang" cũng gợi lên bức tranh cuộc sống con người "Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà". Nhưng dường như con người hiện lên có vẻ thưa thớt mang chút gì đó buồn bã. Còn trong câu thơ trên của Nguyễn Trãi, đó lại là cuộc sống yên vui, no đủ. Không chỉ vậy, thi nhân còn cảm nhận cả âm thanh của "tiếng ve" kêu rộn rã. Đây là thanh âm đặc sắc không thể thiếu của cảnh ngày hè. Vậy hai câu thơ vừa khắc họa chân thực, sống động khung cảnh sinh hoạt cuối ngày của con người vừa gợi sự trân trọng của nhà thơ với cuộc sống của người nông dân.

Hơn nữa, Nguyễn Trãi còn là người nặng lòng với đất nước và nhân dân. Điều đó được thể hiện rất rõ qua hai câu thơ cuối:\

 "Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương".

Thi nhân mong được có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam Phong. Tác giả ước mong sẽ có cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho muôn dân. Vậy qua đây, ta cảm nhận được một tâm hồn Nguyễn Trãi luôn lo cho dân, cho nước, thân nhàn nhưng tâm chẳng nhàn.

Bằng việc sử dụng hàng loạt các động từ, từ láy kết hợp với từ ngữ có sức gợi hình, gợi cảm, Nguyễn Trãi đã thành công mang đến cho người đọc một bài thơ hay và giàu ý nghĩa. Ông đã miêu tả thành công bức tranh ngày hè với những sắc màu và âm thanh quyến rũ. Không chỉ vậy, từ đó tác giả khéo léo bộc lộ những suy tư, mong ước của mình. Qua bài thơ, ta cảm nhận được một tâm hồn thơ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, chan hòa với thiên nhiên và nỗi niềm ưu ái với dân, với nước. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/ve-dep-tam-hon-nguyen-trai-qua-bao-kinh-canh-gioi-bai-3-73980n.aspx
Đối với dạng bài này, em cần tập trung phân tích vẻ đẹp tâm hồn ở hai khía cạnh: tình yêu thiên nhiên và tâm trạng suy tư, trăn trở về dân về nước. Taimienphi.vn còn rất nhiều bài văn mẫu lớp 10 hay như: Phân tích mối quan hệ giữa tư tưởng nhân nghĩa và luận đề chính nghĩa đoạn 1 Bình Ngô đại cáo ngắn gọn, chất lượng hay bài Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Dục Thúy sơn.... Mời em theo dõi và đón đọc.

Tác giả: Quỳnh Búp Bê     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Kết nối tri thức
Từ khoá liên quan:

Ve dep tam hon Nguyen Trai qua Bao kinh canh gioi bai 43

, dan y ve dep tam hon Nguyen Trai qua Bao kinh canh gioi, bai van mau phan tich ve dep tam hon Nguyen Trai qua Bao kinh canh gioi,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới