Văn hóa đặc trưng của các vùng miền trên đất nước ta đều được khắc họa tinh tế qua một vài sáng tác văn học. Tham khảo Soạn bài Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống để thấy được những phong tục, tập quán của con người xứ Huế.
Soạn bài Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Ngữ văn lớp 7 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài Chuyện cơm hến ngắn gọn SGK Ngữ Văn 7 tập 1 Kết nối tri thức
I. Trước khi đọc
1. Mỗi vùng miền trên thế giới đều có những nét riêng trong phong cách ẩm thực. Hãy chia sẻ hiểu biết của em về vấn đề này.
HS chia sẻ ý kiến của bản thân.
Gợi ý:
- Ở vùng núi phía Bắc các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu,... do khí hậu lạnh và khô, người dân nơi đây thường ăn những món có vị cay nồng dùng để giữ nhiệt.
- Ở miền Nam, với khí hậu nóng người dân lại ưa chuộng các món ăn có vị ngọt.
2. Nếu được yêu cầu giới thiệu về một món ăn đặc sản ở quê em, em sẽ chọn món nào?
HS chia sẻ ý kiến của bản thân.
Gợi ý:
Hà Nam quê hương em nổi tiếng với món cá kho làng Vũ Đại. Món cá kho được làm vô cùng công phu từ công đoạn chọn cá, chế biến cá cho đến lúc nêm gia vị. Cá được lựa chọn là cá trắm đen nhiều thịt, ít xương, khi kho chỉ chọn phần thân và đuôi. Gia vị ướp cũng phải đầy đủ: hành khô, riềng, gừng, nước tương, muối, ớt. Nồi kho cá phải là nồi niêu đất, phải kho bằng củi gỗ nhãn mới tạo được độ thơm.
Soạn bài Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường) ngắn nhất, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
II. Đọc văn bản
1. Theo dõi: Chú ý nét riêng trong khẩu vị của người Huế.
Nét riêng trong khẩu vị người Huế là "phải nếm đủ vị mặn, lạt, chua, cay, ngọt, bùi, không chê vị nào; lại còn tỏ ra thích thú với hai vị mà thiên hạ đều sợ là cay và đắng".
2. Suy luận: Tác giả là người vùng nào? Chi tiết nào cho thấy điều đó.
Tác giả là người con đất Huế. Chi tiết cho thấy điều đó "Tôi xin giới thiệu một ngày "Hạnh phúc trời hành" của dân Huế tui, bắt đầu bằng món cơm hến".
3. Theo dõi: Chú ý câu văn nêu ý kiến riêng của tác giả về món ăn đặc sản.
Câu văn nêu ý kiến riêng của tác giả về món ăn đặc sản: "Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa, cứ phải giống y như ngày xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những "đồ giả"!"
4. Theo dõi: Chú ý các nguyên liệu làm cơm hến.
Nguyên liệu làm cơm hến: mặt hến, miến, măng khô, thịt heo thái chỉ, rau sống (làm từ thân chuối hoặc bắp chuối xắt mỏng trộn với bạc hà, rau thơm thái nhỏ, giá trần), cánh bông vạn thọ vàng, cơm nguội, gia vị.
5. Theo dõi: Chú ý vị thứ mười lăm của cơm hến.
Vị thứ mười lăm của cơm Hến là vị lửa "một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người".
III. Sau khi đọc
1. Những chi tiết nào cho thấy cơm hến là món ăn bình dân?
- Nguyên liệu làm cơm hến đều là những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm: hến, miến, măng khô, thịt heo, rau sống.
- Gia vị làm cơm hến cũng đơn giản: ớt tương, ớt màu, ớt dầm nước mắm, ruốc sống, bánh tráng nướng bóp vụn, muối rang, hạt đậu phụng rang mỡ, mè rang, da heo rang giòn, mỡ và tóp mỡ, vị tinh.
- Nơi buôn bán: Cơm hến bán rong trên đường phố, giá thành vừa phải, bất kì ai cũng có thể ăn.
=> Đây là món ăn bình dân từ nguyên liệu, gia vị, nơi buôn bán đến cách ăn.
2. Món cơm hến cho thấy đặc điểm gì trong phong cách ăn uống của người Huế.
- Món ăn là kết quả của nghệ thuật chế biến cầu kì, tỉ mỉ, rất đặc trưng của người Huế.
- Món cơm hến tiêu biểu cho phong cách ăn cay của người Huế, cay đến "nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt".
3. "Chuyện cơm hến" có phải chỉ đơn giản là văn bản giới thiệu một món ăn không?
"Chuyện cơm hến" không chỉ đơn giản là văn bản giới thiệu một món ăn vì: Tác phẩm viết về một phong tục, tập quán của đất Huế, cụ thể là viết về món cơm hến giản dị, gần gũi, món ăn đặc trưng của người Huế. Qua đó, nhà văn bộc lộ tình yêu thương tha thiết với mảnh đất quê hương.
4. Theo em, tại sao tác giả lại cho rằng "một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa"?
Tác giả cho rằng "một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa" vì: Di tích văn hóa cần được bảo tồn, lưu giữ nguyên vẹn, tránh pha tạp làm mất đi hồn cốt. Cũng như di tích văn hóa, món ăn đặc sản cũng cần được lưu giữ những nét truyền thống trong cách chế biến, không thể cải tiến tạp nham "dùng bún thay cho cơm nguội".
5. Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa gợi lên cho em những suy nghĩ gì về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa gợi lên cho em rất xúc động về việc gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân địa phương:
- Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến:
+ Lời nói: "Nói như cậu thì... còn chi là Huế".
+ Hành động: Nhìn với đôi mắt giận dỗi.
=> Cách ứng xử của chị bán hàng thể hiện thái độ ứng xử văn hóa của người dân xứ Huế: luôn ý thức gìn giữ đặc trưng văn hóa.
- Hình ảnh bếp lửa:
+ Ngọn lửa là vị thứ mười lăm của món cơm hến góp phần tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng của món ăn.
+ "Vị" thứ mười lăm ấy còn chính là ngọn lửa tình cảm, tâm huyết của người bán cơm hến với món ăn truyền thống quê hương.
6. Tìm những từ ngữ cho thấy lời văn của bài tản văn "Chuyện cơm hến" giống như lời tác giả đang trò chuyện với bạn đọc.
Những từ ngữ cho thấy lời văn của bài tản văn giống như lời tác giả đang trò chuyện với bạn đọc là: "đảm bảo là", "lại còn", "đắng một cách tuyệt vời!", "sướng miệng", "cay phỏng miệng", "cay xé lưỡi", "cay điếc mũi", "cay chảy nước mắt",... "Hạnh phúc trời hành của dân Huế tui", "người "máu" cơm hến", "kêu cái rộp", "xúc động tận chân răng".
=> Từ ngữ được sử dụng gần gũi, nhằm thu hẹp khoảng cách của người viết và người đọc.
7. Em cảm nhận như thế nào về cái tôi của tác giả thể hiện trong "Chuyện cơm hến"?
Cái tôi của tác giả thể hiện trong "Chuyện cơm hến": Cái tôi có ý thức trách nhiệm gìn giữ những giá trị truyền thống của cộng đồng, yêu quê hương, đất nước sâu sắc.
IV. Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người truyền thống văn hóa nơi em đang sống.
Cốm non là món ăn không thể thiếu của người dân Hà Nội mỗi khi mùa thu tới. Trên đường phố tấp nập, đâu đó vẫn có những gánh hàng bán cốm non. Hương cốm thơm dịu ngọt phả vào lòng người. Từng gói cốm được người bán nhanh nhẹn gói trong lá sen trao đến tay người mua. Ăn cốm không thể vội vàng, nếu không thì sẽ không cảm nhận được vị dẻo thơm của hạt gạo - một hương vị rất riêng. Nhắc đến mùa thu Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến cốm. Cốm đã trở thành món ăn đặc trưng cho ẩm thực Hà Nội.
Chuyện cơm hến đã giới thiệu tới bạn đọc món cơm hến dân dã, giản dị, món ăn đặc trưng của người Huế. Bên cạnh đó, ta còn cảm nhận được tình yêu thương tha thiết của tác giả với mảnh đất quê hương. Từ đây, mỗi người cần biết trân trọng, nâng niu và giữ gìn những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-chuyen-com-hen-hoang-phu-ngoc-tuong-ngu-van-lop-7-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-71012n.aspx
Các bài soạn văn mẫu lớp 7 khác:
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 116, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
- Soạn bài Hội lồng tồng (Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống