"Một thứ quà của lúa non: cốm" là một tác phẩm trong tùy bút "Hà Nội ba sáu phố phường" của nhà văn Thạch Lam. Các em hãy cùng tham khảo dàn ý + bài văn mẫu viết phát biểu cảm nghĩ về bài một thứ quà của lúa non dưới đây để hiểu rõ hơn về những cảm nhận tinh tế, sự trân trọng của tác giả đối với sản vật Cốm và tìm được nhiều gợi ý thú vị để bổ sung vào bài làm của mình.
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài Một thứ quà của lúa non của Thạch Lam
Phát biểu cảm nghĩ về bài Một thứ quà của lúa non hay, đặc sắc
I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài Một thứ quà của lúa non (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về nhà văn Thạch Lam và tác phẩm "Một thứ quà của lúa non: Cốm"
2. Thân bài
a. Nguồn gốc của Cốm:
- Làm từ hạt thóc nếp còn xanh đang ra sữa
- Nơi làm cốm dẻo và thơm ngon nhất là làng Vòng, Hà Nội
b. Hương vị và cách làm ra Cốm
- Mang trong mình tất cả hương vị đồng quê: mộc mạc, giản dị và thanh khiết
- Màu xanh như ngọc thạch, vị thanh đạm
- Cách làm ra cốm được xem như nghệ thuật làm cốm: yêu cầu sự tinh tế, khéo léo, luôn được trân trọng và giữ gìn
c. Giá trị của Cốm
- Thức quà thanh nhã riêng biệt của đất nước không lẫn với bất cứ nơi nào
- Cốm gắn liền với tục lệ sêu tết mang giá trị văn hóa, tinh thần lớn lao, cốm được coi là một lễ vật, sản vật truyền thống.
d. Nêu cảm nghĩ về sự thưởng thức cốm
- Ăn cốm phải ăn từng chút một, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ mới cảm nhận được hết cái ngon của cốm
- Phải trân trọng, nhẹ nhàng với thứ sản vật quý này
e. Đặc sắc nghệ thuật
- Giọng văn nhịp nhàng, trầm bổng du dương
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh gợi tả, khơi dậy nhiều cảm xúc
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của cốm và nêu cảm nghĩ của em về cốm
II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về bài Một thứ quà của lúa non (Chuẩn)
Góp phần làm nên hồn cốt của mảnh đất Hà Thành ngàn năm văn hiến bên cạnh văn hóa, lịch sử lâu đời không thể không kể đến nền ẩm thực phong phú với những món ăn nổi tiếng như: phở, chả cá Lã Vọng và đặc biệt là Cốm- món ăn dân dã làm từ lúa non. Hương vị tinh túy của Cốm cũng như vẻ đẹp của con người Hà Thành được tác giả Thạch Lam phản ánh chân thực qua tùy bút "Một thứ quà của lúa non: Cốm".
"Một thứ quà của lúa non- Cốm" được trích trong tập tùy bút nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam "Hà Nội băm sáu phố phường" là một bức tranh toàn cảnh có cả hương sắc, phong vị của mảnh đất kinh kỳ.
Cốm được làm từ những hạt gạo nếp mới trổ đòng, đương thời kỳ con gái "trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Hạt gạo làm nên cốm đã được thấm đẫm tinh túy đất trời, hương thơm của đồng lúa cỏ cây, hoa bướm, chứa đựng "chất quý trong sạch của Trời". Cốm không dễ làm, cũng không phải ai cũng làm được cốm, bởi cách thức làm cốm rất công phu, cầu kỳ, nó là một bí mật về công thức làm cốm gia truyền. Tức là chỉ được truyền trong nội bộ, từ đời này sang đời khác, rất may mắn là cho đến ngày nay vẫn có thế hệ gìn giữ và phát triển nghề làm cốm. Làm cốm ngon, dẻo, và thơm nhất Hà Nội cũng như cả Việt Nam chỉ có cốm Làng Vòng. Người ta chẳng thể nào tả nổi chính xác cái hương vị của cốm, bởi cốm mang hương vị thuần khiết nhưng trong nó lại chứa đựng tất cả hương vị đồng quê: mộc mạc, giản dị và thanh khiết. Màu xanh từng hạt cốm trong trẻo như ngọc thạch, vị thanh đạm không quá ngọt không quá nhạt, càng ăn lại càng thấy thơm và ngọt hậu. Cách làm ra cốm được xem như nghệ thuật làm cốm: yêu cầu sự tinh tế, khéo léo, luôn được trân trọng và giữ gìn. Cốm từ xưa đã là thức quà ăn vặt của mọi người, hơn thế cốm là thức quà mà chỉ riêng đất nước ta mới có, chẳng thể tìm đâu ra nơi làm cốm thứ 2 trên thế giới này. Thức quà quý với nhân phẩm trong sạch, thuần khiết rất phù hợp trở thành quà sêu Tết dùng trong những nghi lễ mang giá trị văn hóa, tinh thần lớn lao, cốm được coi là một lễ vật, sản vật truyền thống của dân tộc. Không phải người ta quy định về cách ăn cốm mà cách ăn cốm được rút ra từ chính những người đã từng thưởng thức cốm. Ăn cốm không thể ăn nhanh, ăn vội cũng không phải ăn lấy no, nếu ăn như thế thì cốm cũng như bao thức ăn khác. Ăn cốm phải ăn từng chút ít một, ăn trong trạng thái thư thả, nhâm nhi vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, có như vậy mới mong cảm nhận được vị ngon, mùi hương và những giá trị bên trong từng hạt cốm. Người ăn phải trân trọng, nâng niu thức quà ấy "chờ có thọc tay hay mân mê thức quà thần tiên ấy", đó cũng là hành động kính trọng hạt ngọc trời và công lao người nông dân làm cốm. Với giọng văn nhịp nhàng, trầm bổng du dương như đưa ta đến với thế giới của cốm cùng với việc sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh gợi tả, tác giả đã khơi dậy nhiều cảm xúc khó quên cho người đọc.
Đọc bài văn "Một thứ quà của lúa non" chúng ta dường như được thả mình vào giữa những cánh đồng lúa xanh mát, hít hà hương lúa non và tận hưởng cái bùi bùi, thanh đạm, thơm ngon của cốm. Nếu có dịp đến Hà Nội chắc chắn em sẽ tìm đến cốm Làng Vòng và thưởng thức ngay tại đó, rồi sẽ mua những gói cốm về làm quà cho ông bà bố mẹ, chắc hẳn mọi người sẽ ưa thích và trân trọng món quà này.
-----------------HẾT-------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phat-bieu-cam-nghi-ve-bai-mot-thu-qua-cua-lua-non-62845n.aspx
Trên đây chỉ là một bài văn mẫu giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng để viết các dạng đề cảm nghĩ về tác phẩm văn học. Các em có thể tham khảo một số số bài văn dưới đây để trau dồi thêm kỹ năng viết các dạng bài như: Soạn bài Một thứ quà của lúa non Cốm, Phân tích cái hay trong văn bản Một thứ quà của lúa non - Cốm, Cảm nhận khi đọc bài Một thứ quà của lúa non Cốm của Thạch Lam.