Hồn Trương Ba, ha hàng thịt là vở kịch giàu giá trị nhân văn của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt sẽ giúp các em hiểu được xung đột giữa Hồn Trương Ba và da người hàng thịt, qua đó thấy được quan hệ giữa thể xác và tinh thần, giữa con người bên trong và bên ngoài.
Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Lưu Quang Vũ được đánh giá là một tài năng về nhiều mặt và nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thơ và kịch, giống như nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng nhận xét: “Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch lớn nhất thế kỉ này của Việt Nam, là một nhà văn hóa”. Hồn Trương ba da hàng thịt là tác phẩm tiêu biểu cho tài năng và phong cách của Lưu Quang Vũ.
3 Bài văn mẫu Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt
I. Dàn ý Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
a. Nội dung vở kịch
- Trương Ba là một người đàn ông yêu thương gia đình, chơi cờ giỏi, biết chăm vườn cây.
- Do sự tắc trách của quan thiên đình nên ông bị chết oan.
- Đế Thích là bạn chơi cờ của ông đã giúp ông sống lại nhưng nhập vào cơ thể của một anh hàng thịt.
- Sau khi nhập vào xác anh hàng thịt, Trương Ba bị tha hóa bởi sự thô kệch của cái xác.
- Cuối cùng, Trương ba quyết định trả xác cho anh hàng thịt, cứu cu Tị và ra đi trong sự thanh thản.
b. Phân tích đoạn trích
* Bi kịch tha hóa:
- Trương Ba tự nhận thấy bản chất của mình đang dần bị cái xác lấn át.
- Trương Ba đau khổ, dằn vặt khi phải luôn đấu tranh chống lại những ý muốn tầm thường của xác thịt để giữ lại cho mình sự thanh khiết.
- Cuộc đối thoại giữa cái xác và hồn Trương Ba:
+ Trương Ba bày tỏ sự giận dữ khi phải sống nương nhờ trong xác người hàng thịt.
+ Khẳng định cái xác chỉ là “kẻ âm u đui mù, không cảm xúc, không tư tưởng, không tiếng nói”.
+ Phủ nhận sự lệ thuộc của bản thân vào xác người hàng thịt, khẳng định linh hồn có đời sống riêng “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”.
+ Xác người hàng thịt phủ định lời nói của Trương Ba, cái xác tuy âm u, đui mù nhưng có thể chi phối, lấn át làm thay đổi linh hồn cao khiết của Trương Ba.
+ Cái xác cho rằng khi nhập hồn vào xác thì phần hồn Trương Ba không còn nguyên vẹn, trong sạch nữa.
+ Cái xác thẳng thừng phê phán ông là người ưa sĩ diện, luôn lấy cái xác ra để che đậy cho hành vi chiều chuộng, thỏa mãn những thú vui tầm thường.
* Bi kịch bị người thân chối bỏ:
- Trương Ba thay đổi, tha hóa đến mức người thân không nhận ra.
+ Người vợ đòi bỏ đi biệt xứ.
+ Cháu gái không nhận ông.
+ Người con dâu thông cảm nhưng lại chỉ ra sự đổi khác trong con người ông.
- Những điều này khiến Trương Ba nhận ra hoàn toàn sự tha hóa của bản thân mình.
* Giải quyết bi kịch:
- Trương Ba tìm gặp Đế Thích nói ra những trăn trở trong lòng, bày tỏ mong muốn được rời khỏi xác hàng thịt “tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
- Từ chối đề nghị nhập vào xác cu Tị, xin cho cu Tị được sống lại còn mình thì chết hẳn.
- Xung đột giữa thể xác và tâm hồn được giải quyết triệt để.
* Ý nghĩa đoạn kết:
- Trương Ba được là chính mình, được sống mãi trong lòng những người thân yêu.
- Tâm hồn ông trở lại thanh thản.
c. Đánh giá
Qua câu chuyện bi kịch của hồn Trương Ba, tác giả đã thể hiện bi kịch của con người khi “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, bộc lộ những triết lí sâu sắc về con người và cuộc đời.
- Về nghệ thuật: Đoạn trích là sự kết hợp giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống, chất phê phán và chất trữ tình đằm thắm.
3. Kết bài:
Khẳng định giá trị đoạn trích, tài năng nghệ thuật của tác giả.
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt
1. Phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mẫu số 1 (Chuẩn):
Được sống là chính mình là một mong ước, khao khát của không ít người. Hiểu được điều đó, Lưu Quang Vũ – nhà biên kịch tài năng đã dựa trên một tác phẩm dân gian để tạo nên một tác phẩm để đời, gây một tiếng vang lớn trong thời gian đó, đó là vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Tác phẩm đã mang tới những thành công lớn cho Lưu Quang Vũ cũng như nền sân khấu kịch Việt Nam.
Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ chắp bút từ một câu chuyện dân gian. Câu chuyện kể về Trương Ba – một người làm vườn chất phác, cần cù, yêu thương con cháu nhưng lại bị “chết nhầm” do sự tắc trách của quan trên thiên đình. Nhờ sự giúp đỡ của tiên cờ Đế Thích, Trương Ba sống lại nhờ việc nhập hồn vào xác anh hàng thịt. Những tưởng điều đó phải là sự may mắn, niềm vui bất ngờ, thế nhưng, Trương Ba trong xác anh hàng thịt lại không thể vui vẻ sống. Sự thô kệch về ngoại hình, tính cách thô thiển của người hàng thịt khiến Trương Ba dần trở nên thay đổi trong mắt những người thân. Sự thay đổi trong tính cách và con người đã khiến Trương Ba vô cùng đau khổ, day dứt. Cuối cùng để giải quyết mọi mâu thuẫn, Trương Ba đã quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt, xin Đế Thích ban sự sống cho cu Tị (bạn của cháu gái ông) còn mình thì rời khỏi trần thế.
Đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt trong là chương thứ VII và đoạn kết của tác phẩm. Nội dung chính là sự đau khổ, dằn vặt của Trương Ba, ông muốn thoát khỏi tình cảnh nương nhờ ở thực tại, muốn được sống là chính mình. Qua vở kịch, Lưu Quang Vũ đã mang đến cho độc giả thông điệp vô cùng sâu sắc: được sống là điều quý giá, nhưng được sống đúng là chính mình thì điều đó còn quý giá hơn, sống là sự hoà hợp giữa thể xác và tâm hồn, là theo đuổi những giá trị mà mình hằng mơ ước.
Phần đầu của trích kịch là cuộc tranh cãi nảy lửa của phần hồn và phần xác khi mà hồn Trương Ba không thể chịu nổi sự lấn át của thể xác, khi mà cái xác đang dần tha hoá ông bằng những nhu cầu tầm thường, dung tục. Trong khi Trương Ba đề cao sự “cao khiết”, “nguyên vẹn, thẳng thắn” thì cái xác lại cho rằng nó “là cái bình chứa linh hồn”, “phải tồn tại nhờ” nó cũng như “chiều theo những đòi hỏi của” nó. Đó là bi kịch của cuộc đời Trương Ba, bi kịch phải sống nhờ và bị tha hoá, cũng như bị người thân chối bỏ.
Những bài văn Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt hay nhất
Bi kịch đầu tiên của ông là bi kịch của sự tha hoá, bi kịch phải sống như một cành tầm gửi. Đoạn trích của vở kịch mở đầu bằng lời than vãn đau khổ của Trương Ba: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi”. Đó là lời độc thoại của ông, lời nói thốt lên trong sự bế tắc đầy đau khổ, sự u uất không lối thoát. Một linh hồn cao khiết nhường ấy, giờ đây lại phải chịu một thân xác kềnh càng, thô lỗ, mà cái xác ấy đang dần lấn át đi cái thanh cao, đôn hậu vốn có của ông. Từ bao giờ, ông đã thích uống rượu, thích bán thịt và chẳng còn hứng thú mặn mà với cái thú chơi tao nhã là đánh cờ, chăm vườn cây kia nữa. Hồn của Trương Ba bối rối, hoang mang, đau khổ, trong giọng điệu có sự gấp gáp, sự ghê tởm tràn đầy “Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái xác kềnh càng thô lỗ, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi ngay tức khắc! nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”. Những câu nói mang đầy sự ghê sợ, nỗi oán hận khi không được là chính mình. Quả là một sự kết hợp khập khiễng, sự kết hợp ấy khiến cho Trương Ba trở thành một cành “tầm gửi” sống kí thác vào một cái xác “âm u, đui mù”, khác biệt với con người ông. Và giờ đây, ông chỉ muốn bứt ra “tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”. Còn gì đau khổ hơn khi tự nhận sự tha hoá trong bản thân mình mà không có cách nào dừng lại được! Đó là bi kịch, là nỗi đau khôn cùng của một tâm hồn thanh cao, “nguyên vẹn” như Trương Ba.
Và thật sự, hồn Trương Ba đã tách khỏi cơ thể của hàng thịt thô kệch, thế nhưng bi kịch tha hoá của ông lại càng được bộc lộ rõ hơn qua cuộc đối thoại với cái xác. Trong khi Trương Ba cho rằng chính cái xác của anh hàng thịt đã khiến mình đổ đốn, khiến ông tha hoá, thay đổi thì cái xác hàng thịt lại trả lời rằng: “Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi mà còn nhận nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Nếu như hồn Trương Ba cho rằng cái xác chỉ thì “xác thịt âm u đui mù” thì cái xác đã đưa ra những lí lẽ đanh thép, trần trụi đến đáng sợ. Nó nhắc tới những khát vọng xác thịt, “những thứ thấp kém” như “ăn ngon, thèm rượu thịt”, và rồi, nó nhắc tới sức mạnh “tát thằng con ông toé máu mồm máu mũi”. Đó là những thứ cái xác đã và đang biến đổi ông, thế nhưng, nó cũng là thứ giúp ông làm được những điều yêu thích như làm vườn, chơi cờ. Trong cuộc đối thoại ấy, những lý lẽ của cái xác quả là ti tiện thật, thế nhưng nó lại đúng, và Trương Ba với tâm hồn cao khiết kia chẳng thể phản bác được đôi lần.
Ngược lại, về phía phần hồn, ông không thể giữ được bình tĩnh, bởi mỗi lời của cái xác nói ra đều là sự thật, đều khiến ông phải “bối rồi” mà quát lên “đã bảo mày im đi”. Những lời nói của nó đã khiến cho ông cảm thấy xấu hổ, cảm thấy không còn tin tưởng được vào bản thân mình “một linh hồn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”, nó đã khiến ông tuyệt vọng. Trong khi Trương Ba luôn nghĩ mình trong sạch, thế nhưng, ông lại thường chiều theo những khát vọng của cái xác rồi đổ lỗi là do cái xác chi phối. Hồn trong sạch còn cái xác thì ti tiện được chăng, hay phải chăng, hai thứ đó đã pha trộn và Trương Ba đã không còn là Trương Ba của ngày nào nữa?
Bi kịch giữa của hồn Trương Ba là ẩn dụ cho bi kịch về lối sống con người. Một bên là sự thanh cao, là khát vọng sống cao thượng còn một bên là một cuộc sống vật chất tầm thường. Hai lối sống đó xung đột gay gắt trong đời sống hằng ngày cũng như phần hồn Trương Ba và cái xác hàng thịt vậy. Con người phải biết chăm chút cả tâm hồn và thể xác chứ không thể chỉ chăm chút một bên, bởi nếu không, hẳn có một ngày chúng ta cũng sẽ sống trong sự lệch lạc, trong sự mâu thuẫn giữa thể xác và tâm hồn.
Bi kịch cứ nối tiếp bi kịch khi những người thân trong gia đình mà ông vốn yêu thương đang dần xa lánh ông vì không thể chấp nhận một Trương Ba như thế. Từ người vợ yêu thương, không thể chịu nổi một Trương Ba thô kệch, đã muốn bỏ đi biệt xứ, bói sự thay đổi của ông, bởi xóm làng đàm tiếu và bởi sự tha hoá trong con người ông. Cái Gái – đứa cháu ông yêu thương, giờ đây nhìn ông bằng sự “lặng lẽ, soi mói” và đến cuối cùng, sau bao ngày chịu đựng, nó quyết không nhân ông. Nó thấy ông “làm gãy mầm cây canh, đạp nát mầm cây sâm quý”, “làm hỏng diều của cu Tị”, những điều mà Trương Ba chưa bao giờ làm lúc còn sống. Sự thay đổi của người ông đã khiến nó không thể chịu đựng nối. Có lẽ vì thế mà ông nhận ra rằng mình đã tha hoá, đã thay đổi tới mức không còn nhận ra. Và câu chuyện của người con dâu dường như đã thức tỉnh, khơi mào cho mọi hoang mang, hoài nghi trong hồn Trương Ba, rằng: “cái bên ngoài là không đáng kể… mỗi ngày thấy một khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhoài mờ dần đi…”
Những câu nói, thái độ của người thân đã khiến cho hồn Trương Ba buộc phải ra một quyết định gì đó, quyết định tháo gỡ hết thảy những vấn đề của mình, của mọi người. Không chấp nhận để cái xác lấn át phần hồn trong sạch còn lại của mình nên ông đã gọi Đế Thích xuống và khẳng định “không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là chính mình”. Đây là lời khẳng định mà đáng ra Trương Ba phải nói ngay từ ban đầu, ngay từ khi nhận ra cái xác đã biến đổi bản thân mình. Và quyết định cuối cùng của Trương Ba đó là “hãy để tôi chết hẳn”, xác anh hàng thịt thì trả lại cho anh và ông đã xin cho cu Tị - bạn cái Gái được sống lại. Chỉ với một quyết định như thế, ông đã cảm nhận được “tâm hồn tôi lại được thanh thản và trong sáng như xưa”. Hẳn quyết định cao thượng đó của Trương Ba không hề dễ dàng, bởi là con người, khát khao lớn nhất là được sống, được ở bên những người thân yêu. Thế nhưng, với một con người như Trương Ba, sống mà không được làm chính mình thì không phải là sự sống thật sự.
Cái kết của câu chuyện tưởng chừng như là bi kịch ấy lại là một cái kết đầy nhân hậu. Hình ảnh cu Tị chạy lại bên mẹ nó đã khiến người xem thấy cảm động hơn bao giờ hết bởi đó là sự đánh đổi với cái chết của Trương Ba. Vườn cây của Trương Ba lại rung rinh những màu xanh mát, vườn cây ấy là nơi lưu giữ hình ảnh của một Trương Ba hiền hậu, một Trương Ba là chính mình với tâm hồn cao khiết. Trương Ba đã ra đi trong thanh thản, trong sự yêu thương trọn vẹn của người thân.
Vở kịch khép lại đã để lại cho chúng ta nhiều dư âm sâu sắc, những thông điệp quý giá. Đó là hãy luôn cố gắng là chính mình, cố gắng giữ gìn tâm hồn trong sạch, nguyên vẹn là mình. Cuộc đời nhiều cám dỗ, thế nhưng, hãy giữ vững tư tưởng, để mãi về sau, khi trở về với cát bụi, ta vẫn là ta, thanh thản và trọn vẹn là mình. Lưu Quang Vũ với vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt xứng đáng là một trong những tác phẩm kịch xuất sắc nhất trong sân khấu kịch Việt Nam.
-----------------------HẾT BÀI 1 ----------------------
Hồn Trương Ba da hàng thịt là một vở kịch hấp dẫn và sâu sắc, thông qua việc khai thác bi kịch của các nhân vật trong câu chuyện tác giả đã đem đến cho người đọc người xem những bài học, những triết lý thực ý nghĩa, mang tính giáo dục cao. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tham khảo thêm các bài viết Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt, Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, Thông điệp Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích Hồn Trương Ba- Da hàng thịt, Phân tích đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
2. Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mẫu số 2 (Chuẩn)
Lưu Quang Vũ là một nhà soạn kịch, nhà thơ tài năng bậc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong giai đoạn sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công. Lưu Quang Vũ từng tham gia chiến đấu đồng thời cũng lại sống trong giai đoạn đất nước chuyển mình, còn nhiều khó khăn, thế nên ông là người nhìn rõ nhất bộ mặt của xã hội lúc bấy giờ, tất cả đều được ông đưa vào các sáng tác của mình. Trong đó ở mảng kịch, Lưu Quang Vũ đạt nhiều thành tựu nhất với gia tài hơn 50 vở kịch chỉ trong khoảng thời gian gần 10 năm sáng tác và hầu hết các tác phẩm đều đã được dựng và công diễn trên các sân khấu lớn nhỏ, nhận được sự ủng hộ và yêu quý của người dân Việt Nam thời bấy giờ. Trong số đó Hồn Trương Ba da hàng thịt là vở kịch dựng lại nhiều nhất và cũng nổi tiếng nhất, điều đó không chỉ đến từ cốt truyện hấp dẫn, kỳ ảo, mà còn nằm ở các giá trị nhân văn, các bài học triết lý mà Lưu Quang Vũ muốn truyền tải đến người đọc, người xem.
Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt được dựng lại dựa vào một cốt truyện dân gian. Truyện kể về việc sống lại thần kỳ của Trương Ba trong xác hàng thịt sau khi bị Nam Tào gạch nhầm tên trong sổ tử. Câu chuyện kết thúc có hậu khi Trương Ba sống lại, trở về bên người thân trong thân xác của anh hàng thịt. Trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, ông không chỉ đơn thuần nói về cái câu chuyện sống lại hoang đường của hồn Trương Ba trong xác hàng thịt mà đi sâu vào nội tâm của các nhân vật, tinh tế và sáng tạo, mở ra một góc nhìn mới. Vở kịch tập trung khai thác bi kịch của Trương Ba phải sống kiểu chắp vá hồn một đằng xác một nẻo, luôn phải đấu tranh để giữ lại cái sự thanh cao, thánh thiện của tâm hồn, luôn phải chống lại những cái dung tục tầm thường, chống lại sự sai khiến của xác thịt đui mù.
Trương Ba vốn là một người đàn ông hiền lành, chăm chỉ, có một gia đình hạnh phúc, êm ấm, tính tình thanh cao, thích chăm sóc vườn tược, lại có tài chơi cờ, khiến Đế Thích cũng yêu quý mà tìm tới làm bạn. Bi kịch bắt nguồn từ sự tắc trách của Nam Tào khi lỡ tay gạch nhầm tên Trương Ba trong sổ sinh tử khiến ông bị chết oan. Mãi đến một tháng sau Đế Thích mới biết tin thì đã muộn, nhưng vì quá nuối tiếc người bạn cờ, thế nên ông đã tìm cách thương lượng với Nam Tào cho Trương Ba được sống lại trong xác anh hàng thịt vừa mới chết. Những tưởng Trương Ba sẽ được sống lại một cuộc đời mới, tiếp tục hạnh phúc bên gia đình, vui vầy với vườn tược nhưng không, sự sống lại một cách kỳ lạ, đã đem đến cho Trương Ba và những người thân của ông những bi kịch khốn khổ, xuất phát từ sự thay đổi tính nết, từ những mâu thuẫn giữa hồn và xác.
Trong đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt, lúc này Trương Ba đã bắt đầu nhận ra sự thay đổi của bản thân, ông dần sa ngã, chiều chuộng theo những sở thích của cái xác, mà quên đi những thói quen, những thú vui xưa kia của mình. Sự thực ấy khiến Trương Ba vô cùng đau khổ và dằn vặt khi phải luôn đấu tranh chống lại những ý muốn tầm thường của xác thịt để giữ lại cho mình sự trong sạch, thanh cao một đời gìn giữ. Trương Ba muốn rời khỏi xác thịt, muốn thoát khỏi bi kịch tha hóa của bản thân. Trương Ba đã có cuộc tranh luận gay gắt xác người hàng thịt, tuy nhiên trong trận tranh cãi ấy, Trương Ba lại trở thành kẻ đuối lý, liên tục bị cái xác vạch trần, mỉa mai, thậm chí là chế giễu, điều đó khiến ông vừa đau khổ vừa căm tức.
Phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ
Ngay lúc vừa đối diện ba mặt một lời với cái xác, Trương Ba đã vội vàng phê phán, chỉ trích cái xác chỉ là thứ “xác thịt đui mù”, “vô tri, không có tiếng nói, “không có tư tưởng cảm xúc”,… nhằm giải phóng nỗi căm giận trong lòng, cũng như để áp chế sự ngông cuồng, ngạo mạn của nó. Thế nhưng đáp lại lời chỉ trích của Trương Ba cái xác lại tỏ ra rất bình tĩnh, ung dung, nó chỉ ra những sự thay đổi ghê gớm của ông bao gồm việc thích ăn thịt, uống rượu, thèm tiết canh, rồi thì có lòng ham muốn nhục dục khi đứng trước người vợ trẻ trung của hàng thịt. Từ khi sống trong thân xác mới, Trương Ba không còn thiết tha với cái thú cờ vây tao nhã, không còn khéo léo khi chăm sóc vườn tược, trở nên nóng tính, cục cằn, điều đó bộc lộ rõ khi ông đã dùng sức mạnh của người hàng thịt để tát anh con trai đến hộc cả máu mồm chỉ vì anh này muốn bán cái vườn để mở sạp thịt lợn.
Trước những lời vạch trần của cái xác, Trường Ba vẫn cố cự lại bằng những lời lẽ yếu ớt, ông đổ tại rằng do xác thịt đã sai khiến, do cái xác đã làm ông trở nên thay đổi, tha hóa. Ông khẳng định mình và cái xác đui mù ấy rõ ràng là hai cá thể tách biệt chẳng hề có sự liên quan gì tới nhau, tất cả những thay đổi đều là của xác thịt còn bản thân ông vẫn giữ nguyên một tâm hồn “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Tuy nhiên trước cái lý lẽ yếu ớt ấy của Trương Ba, cái xác đã lập tức phản bác, thẳng thừng phê phán ông là người ưa sĩ diện, luôn lấy cái xác ra để che đậy cho hành vi thỏa mãn ham muốn thú vui tầm thường, còn bản thân thì vẫn tự nhận mình là thanh cao, thánh khiết, để lòng được thanh thản, không cảm thấy dằn vặt. Sự vạch trần ấy đã làm Trương Ba trở nên đuối lý, bởi lẽ cái xác đã nói đúng, bản thân ông không thể chiến thắng những suy nghĩ tầm thường, thuận theo sở thích của cái xác, không thể bảo vệ bản ngã, giữ gìn được những nét đẹp tâm hồn mà bản thân đã xây dựng bấy lâu nay. Điều đó đối với Trương Ba là một sự đau khổ tột cùng, một cú sốc lớn, cũng chính là sự xấu hổ, nhục nhã khi bản thân trở nên sa ngã, trở thành một người không phải mình, sau khi đã sống được hơn hai phần ba cuộc đời.
Cuộc đối thoại kết thúc trong sự bế tắc và đau khổ của Trương Ba, chuyển cảnh sang cuộc đối thoại giữa ông và những người thân trong gia đình, lúc này đây người ta lại thấy được một bi kịch khác của nhân vật này, bi kịch bị chính những người thân yêu nhất chối bỏ. Thoạt đầu chính là người vợ kết tóc của Trương Ba, sau một thời gian chứng kiến quá nhiều sự thay đổi chóng mặt của chồng, bà trở nên chán nản và đau khổ, chính lẽ đó bà muốn bỏ nhà đi thật xa để không còn phải thấy cảnh chồng mình ngày càng trở nên khác lạ, tha hóa theo những thói xấu, tầm thường dung tục như biến thành một người khác, cũng để cho Trương Ba được sống cuộc đời mà ông muốn (mà ý thực sự là cuộc đời với người vợ của hàng thịt, ấy là cái lòng ghen, lòng chua xót của một người vợ khi thấy chồng mình xao xuyến trước người phụ nữ khác). Trương Ba nghe thấy thế thì thấy sững sờ và càng trở nên bàng hoàng trước sự thay đổi của người vợ kết tóc.
Đến khi gặp cô cháu gái mà ông yêu quý nhất, phản ứng của cô bé lại càng khiến ông trở nên đau khổ đến tột cùng, cô bé đã thẳng thừng từ chối tình cảm của ông. Nó chối bỏ ông nội của mình trong thân xác của anh hàng thịt chỉ bởi lẽ nó thấy ông thay đổi quá, không còn khéo léo, yêu cây, yêu vườn như xưa mà trở thành kẻ tội đồ phá hoại hết tất cả những cây cỏ mà ông nội của nó trước đây đã dày công gây dựng. Rồi nghiêm trọng nhất là việc ông đã phá hỏng chiếc diều mà cu Tị yêu thích nhất, giờ thằng bé lại ốm nặng, điều đó khiến cái Gái buồn khổ vô cùng. Nó vì quá thương người ông trước kia, vì thương cu Tị mà đã lớn tiếng trách móc “Ông xấu lắm! Ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể!”. Những lời nói tuyệt tình ấy dường như giáng một cú thật mạnh vào lòng Trương Ba khiến ông bàng hoàng và đau đớn vô cùng, đồng thời cũng ngày càng nhận thức rõ rệt sự thay đổi của bản thân đã đem đến những tấn bi kịch kinh hoàng cho biết bao con người trong gia đình và cả ông.
Cho đến khi gặp người con dâu, Trương Ba mới chính thức hiểu rõ được bản thân mình đã thay đổi đến độ nào, thông qua đoạn thoại “mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòe mờ dần đi,… đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Những lời tâm sự ấy, đã khiến Trương Ba hoàn toàn bình tĩnh trở lại, ông đã thức tỉnh, nhận ra sự sa ngã nghiêm trọng của bản thân, đồng thời tìm cách để giải thoát cho bản thân, cũng như mở nút thắt cho tấn bi kịch của gia đình do sự sống lại kỳ dị của ông đã gây ra.
Trương Ba tìm gặp Đế Thích nói với ông bạn cờ của mình những trăn trở trong lòng, bày tỏ mong muốn được rời khỏi xác hàng thịt, ông không muốn sống cuộc sống hồn này xác kia đầy đau khổ nữa, muốn tìm lại chính mình, tìm lại một Trương Ba trong sạch, thanh cao được mọi người yêu quý, tôm trọng chứ không phải cái cảnh bị chối bỏ đầy đau lòng. Trương Ba nhấn mạnh “tôi muốn được là tôi toàn vẹn”, ông chấp nhận không được sống trên đời nữa, phải rời đi mãi mãi, xa vợ con, xa những điều ông hằng trân quý, thế nhưng đổi lại Trương Ba được trở lại là chính bản thân, không phải chịu đựng cảnh hồn và xác khác biệt, chịu cảnh bị xác thịt chi phối, rồi dần đánh mất bản ngã, trở nên sa đọa với những thói dung tục, tầm thường. Trước đề nghị của Trương Ba, Đế Thích rất lấy làm không đồng tình, Đế Thích không hiểu được những nỗi khổ đau, bất hạnh mà Trương Ba phải gánh chịu khi sống lại trong thân xác hàng thịt. Chính lẽ đó Đế Thích đã hết lòng khuyên bảo Trương Ba từ bỏ ý định, đồng thời nghĩ rằng bạn mình không thích xác hàng thịt thô lỗ, xấu xí, bèn đề nghị hồn Trương Ba trú tạm vào xác của cu Tị vừa mới chết.
Có thể nói rằng lời gợi ý này của Đế Thích là một chi tiết kịch độc đáo, mở ra những triết lý mới, cũng như là một thử thách đối với nhân cách của Trương Ba, cũng như cách thức giải quyết những bi kịch của ông. Trương Ba khi nghe lời ấy của Đế Thích, ông lại từ chối, chối bỏ cơ hội được tiếp tục sống trên đời với thân xác mới, Trương Ba quyết tâm rời đi, quyết tâm chết hẳn, đồng thời ông cầu xin Đế Thích cho cu Tị một cơ hội được sống lại trong thân xác của thằng bé. Điều ấy là minh chứng cho sự trở lại toàn vẹn và nguyên bản của một tâm hồn lương thiện, thánh khiết, thanh cao. Ông không còn coi trọng việc sống chết, được mất ở đời, Trương Ba quyết định từ bỏ cuộc đời hồn một đằng xác một nẻo ở nhân thế, để được trở lại là một Trương Ba toàn vẹn, được sống và chết là chính bản thân mình, không bị bất kỳ thế lực nào chi phối.
Trương Ba cũng quyết không để bi kịch lại một lần nữa tiếp diễn trên chính bản thân và trong gia đình ông, ông muốn đưa mọi thứ về vị trí vốn có của nó. Bên cạnh đó việc ông nhường cơ hội sống cho cu Tị còn chính là biểu hiện của tấm lòng bao dung, vị tha, tấm lòng yêu thương đứa cháu gái, thương tiếc cho cuộc đời ngắn ngủi của cu Tị, và nỗi đau của người mẹ mất con. Ở cảnh cuối của vở kịch, hình ảnh khu vườn xinh đẹp, cùng bóng dáng Trương Ba xuất hiện chập chờn, đã thể hiện một triết lý trong cuộc sống rằng, con người ta khi chết đi ở nhân thế cũng chưa phải là đã kết thúc hoàn toàn, mà trái lại họ vẫn còn sống mãi trong ký ức của những người ở lại. Trương Ba tuy đã chết phần xác thịt, thế nhưng vẫn mãi sống trong tình yêu, nỗi nhớ thương bởi tấm lòng cao thượng, sự bao dung, tâm hồn thánh khiết, sự khéo léo cùng tài chơi cờ nổi bật.
Hồn Trương Ba da hàng thịt là một vở kịch chứa đựng nhiều ý nghĩa và giá trị nhân văn tốt đẹp khi thông qua câu chuyện sống lại đầy kỳ dị trong xác anh hàng thịt của hồn Trương Ba để khẳng định chân lý về sự tồn tại thống nhất giữa linh hồn và thể xác. Mà một khi vượt ra ngoài chân lý ấy, cố gắn ghép, chắp vá một cách gượng ép, chống lại quy luật nhân sinh đều sẽ gây ra những bi kịch đau khổ, nó không chỉ là bi kịch cho một người mà là tất thảy những ai có liên quan. Bên cạnh đó Lưu Quang Vũ còn muốn đem đến bài học về việc con người luôn phải liên tục đấu tranh với bản thân, với sự thèm muốn những thứ dung tục, tầm thường, để không ngừng hoàn thiện bản thân, giữ được một tâm hồn cao đẹp, thánh khiết, để lại tiếng thơm đến muôn đời sau.
3. Phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mẫu số 3 (Chuẩn)
Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài, không chỉ viết văn, làm thơ mà ông còn đạt đến đỉnh cao ở thể loại kịch và trở thành gương mặt tiêu biểu nhất của sân khấu kịch 50 năm trở lại đây. Với sức sáng tạo dồi dào, ông đã tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, trở thành người tiên phong về những vấn đề nóng hổi của thời đại. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm thể hiện rõ tài năng nghệ thuật và tư tưởng của tác giả Lưu Quang Vũ.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” ra đời vào năm 1981 và được công diễn vào năm 1984. Đây là giai đoạn cả dân tộc vừa bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mĩ. Cơ chế bao cấp thời kì này cũng bộc lộ những trì trệ và cả dân tộc đầy khát khao chuyển mình để thay đổi nhịp sống mới. Tác phẩm kể về cuộc đời của Trương Ba - ông lão làm vườn hơn 50 tuổi chất phác, cần cù và đánh cờ rất giỏi, trở thành bạn chơi cờ của tiên Đế Thích. Sau khi Trương Ba qua đời, Đế Thích đã để cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới qua đời. Tuy nhiên, rắc rối đã xảy ra với chính bản thân Trương Ba và những người thân. Sau bao đau khổ và thấm thía từ sự mâu thuẫn giữa hai đối cực về tâm hồn và thể xác, Trương Ba đã cầu xin Đế Thích cho mình được chết để trả lại thân xác cho anh hàng thịt. So với cốt truyện dân gian nhấn mạnh vào xung đột bên ngoài và nêu lên khát vọng được sống, tác giả Lưu Quang Vũ đã chuyển hóa thành một tác phẩm chứa đựng xung đột bên ngoài lẫn bên trong và đặt ra câu hỏi: “Sống như thế nào”. Đoạn trích thuộc cảnh VII - đoạn kết của vở kịch, chứa đựng cao trào của xung đột và đặt ra vấn đề giải quyết xung đột về quyết định của Trương Ba.
Đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt chứa đựng cao trào về mâu thuẫn giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt. Khi được sống lại trong xác của anh hàng thịt, ban đầu, Trương Ba và những người thân đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc, nhưng tiếp theo ông nhận ra những rắc rối khi phải sống trong thân xác của người khác và bị người thân lên án, xa lánh. Trương Ba cảm nhận ra mình đã đánh mất chính mình với sự thay đổi theo nhu cầu của thân xác. Ông đau khổ muốn thoát khỏi vỏ ngoài và tin mình sẽ được trở lại làm chính mình.
Cuộc đối thoại được thể hiện qua tiếng nói của linh hồn và thể xác cùng vai trò của linh hồn và thể xác. Vấn đề tranh luận đầu tiên giữa hồn và xác là phần hồn có thể tách ra khỏi xác hay không. Trong khi Trương Ba mạnh mẽ, quả quyết, chủ động tách ra khỏi thân xác thì xác anh hàng thịt khẳng định linh hồn không thể tách ra khỏi thân xác. Tuy nhiên, sau đó, hồn đuối lí, chối bỏ, không dám thừa nhận việc bị ảnh hưởng bởi thân xác, còn thân xác tiếp tục khẳng định linh hồn không thể nguyên vẹn, trong sạch khi phải tồn tại nhờ thân xác. Cuộc đối thoại tiếp tục về nội dung thể xác có tiếng nói hay không. Hồn Trương Ba đã phủ nhận tiếng nói của xác thịt, còn xác hàng thịt lại đưa ra những lí lẽ khẳng định xác thịt có tiếng nói, có khả năng chi phối tâm hồn - vì “âm u, đui mù” nên càng có sức mạnh ghê gớm chiến thắng linh hồn “cao khiết” của Trương Ba.
Bài văn Phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Cao trào của cuộc đối thoại đã được đẩy lên đỉnh điểm khi hồn xếp tiếng nói của xác thịt vào những thứ thấp kém, còn xác tiếp tục khẳng định sự tồn tại của bản thân và tiếp tục củng cố lí lẽ của mình bằng việc liệt kê thêm sự hấp dẫn của những thứ thấp kém đó đối với tâm hồn. Đến cuối cùng cuộc đối thoại, Trương Ba đã trở nên đuối lí và tuyệt vọng trong câu nói: “Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở thành làm ta trở thành tàn bạo”, còn hồn đã dành chiến thắng trong cuộc tranh luận với lời khẳng định: “Chẳng có cách nào chối bỏ được tôi đâu”. Cuộc đối thoại đã chứa đựng rất nhiều sự mâu thuẫn xung đột giữa hồn và xác.
Ở phần hai của cuộc đối thoại, khi mà tiếng nói của xác thịt đã có phần lấn át, phần xác đã tiếp tục khẳng định vai trò của bản thân bằng những lí lẽ đầy sự khẳng định. Xác khẳng định mình là chiếc vỏ bọc để linh hồn trú ngụ, tồn tại: “Tôi là hoàn cảnh mà anh buộc phải quy phục”. “Hoàn cảnh” mà xác thịt nói đến chính là cái bình chứa linh hồn và xứng đáng được quý trọng. Xác tiếp tục chất vấn linh hồn bằng những câu hỏi dồn dập: “Sao lại khinh thường tôi”, “Sao lại bỏ bê thân xác”. Đồng thời, xác khẳng định: “Tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn: “Làm xong một cái gì xấu cứ việc đổ tội cho tôi để được thanh cao”, “Miễn là làm đủ mọi việc để thỏa mãn thèm khát của tôi”.
Sự khẳng định vai trò của xác hàng thịt vừa khéo léo, vừa mạnh mẽ. Tiếng nói của xác thịt được coi như hoàn cảnh nghiệt ngã mà linh hồn buộc phải trú ngụ, sự thắng thế của xác thịt chính là sự thắng thế của “chủ nghĩa vật chất”, thể hiện sự mâu thuẫn giữa vật chất và tinh thần, giữa con người bên trong và con người bên ngoài. Phải chăng đó chính là tiếng nói bản năng, khuất lấp sâu thẳm mà con người không thể chối bỏ. Đó là mâu thuẫn trong cùng một bản thể.
Như vậy, mở đầu cuộc đối thoại, nếu như hồn Trương Ba mạnh mẽ, quả quyết, chủ động thì ngay sau đó, hồn trở nên bối rối, lúng túng, luống cuống và cuối cùng rơi vào trạng thái tuyệt vọng và bần thần nhập lại xác hàng thịt. Ngược lại, xác hàng thịt ban đầu điềm đạm, lạnh lùng nhưng sau đó với trạng thái tự tin và thuyết phục, xác đã an ủi, dỗ dành, chiến thắng những lí lẽ của hồn. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác đã thể hiện quan điểm của tác giả Lưu Quang Vũ về cuộc sống và con người trong sự mâu thuẫn giữa tâm hồn và thể xác.
Xung đột của vở kịch còn được thể hiện qua thái độ thất vọng của người thân trước sự thay đổi của Trương Ba. Người vợ đã kiên quyết rời đi trước sự thay đổi của Trương Ba. Cái Gái nhất quyết không chịu nhận Trương Ba là ông của mình, ngay cả chị con dâu, người hiểu Trương Ba nhất cũng thất vọng vì thấy “thầy mỗi ngày một khác đi”. Bác Trưởng Hoạt cũng không muốn đánh cờ với Trương Ba vì thấy nước cờ của ông nhỏ nhen, ti tiện như chính con người anh hàng thịt.
Chính sự thất vọng của người thân đã buộc Trương Ba phải nhìn thẳng vào sự thật: không một ai trong gia đình chấp nhận sự tồn tại phi lí của ông. Đồng thời, bác bỏ mọi lí do để tồn tại trong nghịch lí này mà phần xác đã nêu ra.
Trong cuộc đối thoại với Đế Thích, Trương Ba đã chỉ ra bi kịch của cuộc sống nương nhờ, ông đã khẳng định rằng “Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” và bày tỏ mong muốn thoát khỏi bi kịch hiện tại. Đế Thích đã khuyên Trương Ba suy nghĩ lại vì được sống là điều đáng quý nhất, để thuyết phục Trương Ba, Đế Thích đã khuyên ông nhập hồn vào xác cu Tị vì sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ nhỏ sẽ phù hợp với tâm hồn thanh khiết của ông. Tuy nhiên Trương Ba đã quá thấm thía bi kịch không được sống là mình, ông cũng hiểu rằng nhập hồn vào xác cu Tị cũng chỉ là lấy bi kịch này thay cho bi kịch khác. Cuối cùng Trương Ba đã chọn cách ra đi để được làm mình trọn vẹn.
Như vậy, trong tác phẩm, tác giả Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành công xung động kịch để nêu lên sự đối lập giữa tâm hồn và hoàn cảnh, bên trong và bên ngoài của mỗi một con người. Nhà văn đã vận dụng ngôn ngữ đối thoại để đẩy xung đột kịch lên cao trào và bắt buộc phải có hành động giải quyết, tạo nên sức hấp dẫn của vở kịch.
4. Phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mẫu số 4 (Chuẩn)
Lưu Quang Vũ (1948-1988) là nhà thơ, nhà văn và nhà soạn kịch nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại, và đặc biệt thành công trong thể loại kịch nói. Dù có đời sáng tác không dài chỉ trong khoảng 10 năm, thế nhưng Lưu Quang Vũ đã để lại cho nền văn học nước nhà tới gần 50 vở kịch có giá trị, phản ánh rõ những thực trạng của đất nước và con người đương thời, đặc biệt là ở giai đoạn những năm 80, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhưng con người vẫn chưa kịp thích nghi còn bị chi phối bởi những điều cũ dẫn tới tình trạng mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể. Trong số nhiều vở kịch được dàn dựng của Lưu Quang Vũ thì Hồn Trương Ba da hàng thịt là vở kịch nổi tiếng và được dựng lại nhiều nhất. Tác phẩm thu hút người đọc người xem không chỉ ở cốt truyện hấp dẫn mà còn nằm ở những triết lý sống rất sâu sắc được thể hiện thông qua các nhân vật, về mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác, về lối sống thanh bạch, về mối quan hệ tình cảm giữa con người với nhau,… tất cả đã làm nên sức hấp dẫn qua nhiều năm của tác phẩm.
Bối cảnh câu chuyện xảy ra trong một tình huống dở khóc dở cười của nhân vật Trương Ba, mà sau đó nó đã diễn tiến dần trở thành bi kịch tồi tệ nhất trong cuộc đời ông cũng như đối với cả gia đình ông. Trương Ba vốn là một nông dân có cuộc đời viên mãn, sống hiền lành bên vợ con và các cháu, ông không chỉ khéo léo trong công việc vườn tược mà còn là một người có tài đánh cờ rất hay. Cũng chính nhờ cái tài đánh cờ ấy mà ông trở thành người bạn tâm giao của Đế Thích, hai người thường xuyên đấu cờ với nhau rất vui vẻ. Tuy nhiên thật không may rằng, trên Thiên Đình trong lúc Nam Tào và Bắc Đẩu xem xét sổ sinh tử đã vô tình gạch nhầm tên của Trương Ba khiến ông phải nhận cái chết oan ức. Đúng lúc ấy, Đế Thích lại đi vắng thế nên không thể cứu sống được Trương Ba, đến lúc trở về thì bạn cờ của ông đã chết được một tháng, phần hồn tuy còn nhưng xác đã hỏng cả, không thể cứu vãn.
Để cố cứu bạn mình Đế Thích bèn thương lượng với Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết. Trương Ba cuối cùng cũng sống lại, thế nhưng thay vì hạnh phúc sung sướng khi được đoàn tụ với gia đình thì ông lại lâm vào những bi kịch không hồi kết, bi kịch của việc hồn một đằng xác một nẻo! Trương Ba sống lại một cách “kỳ dị”, đồng thời phải đối diện với hai gia đình, hai người vợ, mà nói cách nào ông cũng không thể bỏ bên này đến bên kia. Đồng thời ngoài sự giằng xé thân tình, Trương Ba còn phải chịu đựng sự giằng xé giữa tâm hồn và thể, ông luôn phải tranh đấu quyết liệt với những ham muốn tầm thường của xác thịt để bảo vệ cái phần hồn thánh khiết mà ông vẫn tự hào.
Phân tích vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ đầy đủ, chi tiết
Đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt bắt đầu với cảnh Trương Ba quay cuồng đau khổ khi phải chống lại sự chi phối của cái xác, cùng với đó là cuộc đối thoại gay gắt giữa hồn Trương Ba và cái xác của hàng thịt. Trước đó chính bản thân Trương Ba sau khi về đoàn tụ với gia đình, ông đã nhận ra bản thân mình có quá nhiều sự thay đổi thông qua những lời nói của những người xung quanh, từ lời ông Trưởng Hoạt, đến cô con dâu, rồi sự đau khổ của người vợ kết tóc, cuối cùng là sự xa lánh của đứa cháu gái ông vẫn hằng yêu quý. Và điều đó càng trở nên rõ ràng thông qua cuộc đối thoại gay gắt giữa hồn Trương Ba với cái xác.
Trong khi bản thân Trương Ba luôn cố gắng để tuyệt đối hóa phần hồn, coi xác thịt chỉ là thứ “âm u đui mù” không có tiếng nói, và không có khả năng chi phối phần hồn. Thì trên thực tế, hồn Trương Ba lại đang bị chính xác thịt lấn át không chỉ trong cuộc tranh cãi bằng những lý lẽ bén nhọn, mà còn cả trong cuộc sống trong những thói quen thường ngày. Cái xác đã chỉ ra tường tận những sự thay đổi trong con người Trương Ba, từ việc ông trở nên ham thích uống rượu ăn thịt, ghiền cả món tiết canh mà trước đây ông vẫn từng ghê sợ, đến việc ông không còn thiết tha gì mấy với món cờ mà ông vẫn từng tâm đắc. Không chỉ vậy trong mối quan hệ gia đình, tình cảm cha con đã sứt mẻ chỉ bởi vì ông giáng cho thằng con trai một cái tát đến hộc cả máu mồm, việc mà trước đây người dịu dàng, thanh cao như Trương Ba chẳng tài nào làm nổi,… Ngoài ra ấn tượng nhất là việc xác thịt đã chỉ ra việc Trương Ba nổi lên khao khát nhục dục với người vợ trẻ trung của anh hàng thịt, khiến Trương Ba cảm thấy xấu hổ và tội lỗi vô cùng cực.
Cái xác đã chỉ ra từng cái từng cái một, lên án, và vạch trần Trương Ba bằng những lý lẽ và chứng cứ bén nhọn nhất, khiến ông không thể nào chối cãi. Đứng trước thực cảnh tủi nhục và khốn khổ ấy Trương Ba chỉ có thể cố hết sức chống chế bằng những lý lẽ yếu ớt, ông không chịu công nhận sự tiếng nói của cái xác, cho rằng nó không có tư tưởng, không có cảm xúc. Trương Ba đổ lỗi cho cái xác đã làm ông tha hóa, khiến ông trở nên tầm thường, làm hại ông bởi những thèm muốn khát khao của nó. Thế nhưng cái xác đã nhanh chóng phản bác lại Trương Ba thật sâu cay rằng Trương Ba đã thực sự buông thả, bản thân chiều theo ham thích của cái xác, để mình cũng được “tham dự vào chút đỉnh”. Thế nhưng là một người ưa sĩ diện, ông đã đem đổ hết những tội lỗi ấy cho cái xác, còn bản thân mình một một lòng đinh ninh rằng bản thân sống với một tâm hồn hồn “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”, để bản thân được cảm thấy thanh thản, dễ chịu bằng cách tự lừa mình dối người như thế. Nhưng đứng trước sự vạch trần đầy thách thức và có phần bỉ ổi của cái xác, những lớp phòng tuyến cuối cùng để bảo vệ cái tôi thanh bạch của Trương Ba dần sụp đổ. Ông giận dữ và tủi nhục trước những sự thực không thể chấp nhận, trước việc bản thân dần tha hóa theo lối sống dung tục, tầm thường, quên đi hết cái “chất” Trương Ba thánh khiết, cao thượng ngày xưa. Và ngay lúc này ông chỉ muốn cái xác lập tức im miệng, thôi không vạch trần ông nữa, đồng thời muốn tách ra khỏi nó ngay lập tức, để khỏi chịu phụ thuộc, khỏi bị nó chi phối, kéo dẫn ông vào những sự đổ đốn khác.
Sau màn tranh cãi nảy lửa, và phần thắng thuộc về cái xác, Trương Ba rơi vào cảnh trầm tư, với hàng vạn nỗi đau khổ trong lòng. Đang lúc ấy, người vợ của ông về đến, và nói ra ý định ra đi của mình, điều này lại tiếp tục mở ra một bi kịch khác trong câu chuyện - bi kịch tan ra của một gia đình. Người vợ bấy lâu vẫn gắn bó với Trương Ba, sau khi chứng kiến sự thay đổi quá nhiều của người chồng, không còn là người chồng trước đây mà bà yêu quý, tôn thờ nữa, nên bà muốn dứt áo ra đi, để mắt không trông thấy thì không còn đau khổ nữa, cũng để cho Trương Ba được thanh thản làm những việc mình muốn. Thêm vào đó là câu chuyện người con trai của Trương Ba muốn bán đi khu vườn, vốn là tâm can của ông để hành nghề mổ lợn, ấy thế là khu vườn nơi lưu dấu biết bao nhiêu kỷ niệm của gia đình, là nơi một tay Trương Ba săn sóc tỉ mẩn cũng sắp tiêu tán mất. Trương Ba đối diện với từng sự việc ấy chỉ biết ôm đầu đau khổ, khi ông nhìn thấy đứa cháu gái mình thương yêu nhất, ông đã như tìm được ngọn cỏ cứu mạng, thế nhưng sự lạnh lùng, chối bỏ của đứa cháu đã như cắt vào tim của Trương Ba, khiến ông đau đớn khôn nguôi. Cái Gái không chịu nhận người trước mắt là ông nội, trong mắt nó Trương Ba trong xác hàng thịt là một kẻ thô lỗ cục cằn, bàn chân to bản đã xéo nát hết cả đám sâm quý mới ươm, đôi tay giết lợn đã làm gãy tiệt cả cái chồi non mới nhú. Sự vụng về tệ hại ấy đã khiến đứa bé căm ghét đến tận cùng, đối với nó kẻ trước mắt này đang phá hoại hết tất cả những gì mà ông nó dày công gây dựng, chăm sóc cả đời. Rồi cả việc Trương Ba làm hỏng cái diều của cu Tị, thằng bé hàng xóm đang bị ốm nặng gần hấp hối, điều đó càng khiến cái Gái ấm ức và tức giận hơn. Con bé bỏ chạy, để lại Trương Ba thẫn thờ và ngơ ngác, thì người con dâu xuất hiện, cô vẫn kính trọng và thương cha chồng như xưa. Và hơn ai hết cô chính là người thấu hiểu tất cả những nỗi đau và bi kịch của mọi người trong gia đình này, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những sự đổi khác của Trương Ba sau khi từ cõi chết trở về, “mọi thứ cứ lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi chính con cũng không nhận ra thầy nữa,…” Những câu nói từ tận đáy lòng ấy đã thức tỉnh Trương Ba, để ông hoàn toàn chấp nhận sự thay đổi đáng sợ của mình, cũng từ đó nhìn rõ được căn nguyên của mọi bi kịch đó chính là sự tham lam sự sống, sự chắp vá gượng ép, khiên cưỡng khi mà hồn và xác chẳng có chút sự tương đồng nào cả. Từ đó hướng nhân vật đến cách tháo gỡ bi kịch, thoát khỏi cảnh đau khổ vì những sai lầm bấy lâu nay.
Trương Ba tìm Đế Thích và nói việc ông muốn rời khỏi xác hàng thịt, khẳng định rằng bản thân không thể tiếp tục cái cuộc đời bên trong một nẻo, bên ngoài một đằng nữa, “tôi muốn là tôi toàn vẹn”. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là Trương Ba phải chấp nhận rời đi mãi mãi không còn được sống trên cuộc đời này nữa, Đế Thích thấy vậy thì thật không cam lòng, trước hết là tiếc vì mất đi một người bạn tri kỷ, thêm nữa là bao công sức để cho Trương Ba sống lại giờ trở thành vô nghĩa. Sự ích kỷ trong lòng Đế Thích khiến ông ta dùng mọi lý lẽ để khuyên giải ông bạn của mình, thế nhưng Trương Ba dường như không muốn thay đổi ý định, bởi lẽ ông đã đủ đau khổ lắm rồi và ông chỉ muốn kết thúc hết mọi bất hạnh này bằng cách đưa mọi thứ về vị trí vốn có của nó. Đúng lúc ấy tin cu Tị chết truyền đến, Đế Thích vẫn không từ bỏ việc lay chuyển quyết định của Trương Ba, bèn thuyết phục hồn Trương Ba đến trú nhờ và xác của cu Tị. Phải nói rằng đề nghị này của Đế Thích chính là một cám dỗ và thử thách dành cho Trương Ba, khiến ông phải cân nhắc đắn đo một hồi. Thế nhưng sau khi trải qua một lần bi kịch hồn một nơi, xác một nẻo Trương Ba hiểu rõ rằng dù có thay nơi trú ngụ linh hồn, thì đến cuối cùng có lẽ bi kịch lại tiếp tục xảy ra, ông lại sẽ đi vào vết xe đổ một lần nữa. Trương Ba quyết định từ chối đề nghị của Đế Thích đồng thời cầu xin ông ta cho cu Tị một cơ hội được sống lại, còn bản thân mình chấp nhận cái chết. Chi tiết truyện đã mang đến cho người đọc những nhận thức mới rằng, dường như con người Trương Ba đang dần trở lại, với một tâm hồn thánh khiết và cao thượng, không bị cám dỗ bởi những thứ dung tục tầm thường, kể cả đó có là một cuộc đời được tại thế dài hơn nữa trong thân xác cu Tị. Đoạn kết của tác phẩm là cảnh khu vườn xanh mướt có hồn Trương Ba đang chập chờn xuất hiện, khẳng định tính nhân văn của vở kịch rằng dù không còn sống trên đời nữa thế nhưng Trương Ba vẫn sống trong ký ức của mọi người với một tâm hồn cao đẹp, thánh khiết, sự chăm chỉ, khéo léo và tài chơi cờ nổi bật. Khẳng định một triết lý nhân sinh cao đẹp rằng con người chết không phải là hết, mà vẫn tiếp tục cuộc sống theo một cách khác, ấy là sống trong trái tim những người ở lại.
Hồn Trương Ba da hàng thịt là một tác phẩm có sức hấp dẫn và sâu sắc với nhiều triết lý nhân sinh được lồng ghép. Khẳng định sự thống nhất và liên quan chặt chẽ giữa phần hồn và phần xác, hai thứ vốn phải luôn đi chung, không thể tách rời, khẳng định tất mọi sự chắp vá xiên xẹo chỉ đều đem đến sự vô lý và nhiều bi kịch. Đồng thời tác phẩm cũng cổ vũ con người luôn hướng tới việc hoàn thiện nhân cách, phẩm giá, chiến thắng những cám dỗ tệ hại, lên án lối sống trong ngoài bất nhất, không lành mạnh.
5. Phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mẫu số 5 (Chuẩn):
Những năm tháng trên ghế nhà trường được tiếp xúc với nền văn học nước nhà bằng nhiều thể loại phong phú luôn là những kí ức, dấu ấn khó phai nhất trong tâm hồn mỗi người. Em không làm sao quên được những vần thơ mặn nồng thiết tha và đầy xúc cảm của Hàn Mặc Tử, Chế Lan viên hay những câu thơ chạm đáy hồn nhân thế trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Em cũng không thể nào không nhớ bát cháo hành đầy tình người của Thị Nở trong những trang văn của Nam Cao hay nỗi xót xa, đắng cay cho số phận người con gái tài năng nhưng số phận không may mắn của nàng Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Và đến với kịch Việt Nam, Lưu Quang Vũ đã khiến em cũng không khỏi trăn trở trước những tấn bi kịch của cuộc đời con người qua vở kịch:"Hồn Trương Ba, da hàng thịt".
Trương Ba vốn là một người hiền lành, nổi tiếng với tài chơi cờ. Ông cũng rất chăm chỉ làm ăn, lại làm vườn rất giỏi và có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình của mình. Nhưng trớ trêu thay, vì sự tắc trách của Nam Tào trên thiên đình mà Trương Ba buộc phải chết, để sửa chữa lỗi lầm của mình họ đã hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt để tồn tại. Song, dường như tấn bi kịch lớn lại bắt đầu từ đây. Dù Trương Ba vốn là người có tâm hồn trong sạch, thủy chung, nhân hậu nhưng khi nhập vào xác anh hàng thịt lại khiến Trương Ba vô cùng bức bối và chịu sự chi phối rất nhiều từ cái xác thô kệch ấy.
Cuộc sống "bên trong một đằng bên ngoài một nẻo" khiến cho Trương Bạ chẳng dễ dàng gì để đối mặt với mọi người, sống cuộc sống bình thường như khi trước. Trong xác hàng thịt, Trương Ba làm mọi việc rất vụng về, khó khăn, thậm chí có phần thô lỗ, hung bạo, ngày càng trở nên xấu xa hơn. Trương Ba đang bị xác anh hàng thịt điều khiển, không kiềm chế, điều chỉnh được những cảm xúc của chính mình nữa. Trương Bạ vô cùng bực tức, giận dữ khi không thể nào thoát được khỏi cái thân xác tồi tệ kia, dù đưa ra mọi lý lẽ nhưng anh hàng thịt chỉ cười nhạo hả hê coi đó là sự hiển nhiên và đưa ra những lí do vô cùng ti tiện, ngông cuồng. Hơn ai hết, lúc này đây, Trương Ba hiểu được sự đau đớn tột cùng và bi kịch của cuộc đời mình.
Khi nói chuyện với những người thân yêu trong gia đình, ông càng thấm thía hơn những cảm nhận của họ, Trương Ba hiểu được rằng họ cũng có những cảm xúc riêng, khó khăn riêng. Một người vợ vốn bên cạnh ông bao năm luôn bao dung, nhân hậu vậy mà dường cũng không thể chịu đựng, chấp nhận được nữa. Đứa con dâu bấy lâu luôn yêu thương ba cũng bày tỏ những nỗi xót xa mà cô có thể hiểu cho cuộc sống của ông, nhưng rồi cũng phải nghẹn ngào bày tỏ: "Thầy bảo con cái bên ngoài là không đáng kể...đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa". Đứa cháu gái khi xưa vốn hết mực kính trọng người ông yêu quý của mình giờ cũng hoảng sợ, hắt hủi trước bộ dạng này của ông. Trong trí nhớ ngây thơ của đứa bé ấy là một người ông hiền hậu, khéo léo chứ không phải là một kẻ to béo, hậu đậu, thô lỗ kia. Em đã thẳng thắn từ chối, không chấp nhận một ai khác ngoài ông nội trong tiềm thức của nó: "Tôi không phải là cháu ông....ông nội tôi chết rồi". Càng nghĩ, càng đau khổ. Càng sống, càng xót xa. Dường như nỗi chán chường đến tận cùng cái thể xác không phải là mình, không là của mình đã khiến ông phải thốt lên rằng: "Không cần đến cái đời sống do mày mang lại. Không cần" bằng một sự dứt khoát vô cùng mãnh liệt trước cái xác anh hàng thịt.
Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, văn mẫu 12
Cuối cùng, để giải thoát cho chính mình, ông đã tìm đến Đế Thích. Ông thể hiện sự phản kháng của mình với cái thân xác xấu xa kia với thần Đế: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Mặc cho vị thần kia có giải thích rằng cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả, nên chấp nhận sự không toàn vẹn của bản thân mình, Trương Ba vẫn một mực khẳng định: "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác… nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết". Câu nói của Trương Ba khiến Đế Thích thấy vô cùng kì lạ bởi trong đầu ông luôn tồn tại ý nghĩa sẽ không bao giờ có điều gì toàn vẹn cả trong cuộc sống này, kể cả chốn trần gian hay nơi thiên đình. Khi thoả hiệp cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị ông vẫn kiết quyết từ chối. Hơn ai hết, có lẽ giờ đây ông hiểu được rằng, không thể nào có một cuộc sống ý nghĩa thực sự nếu sống nhờ thân xác của kẻ khác. Chấp nhận cái chết không phải là điều dễ dàng nhưng sống mà không được là mình thì càng khó khăn hơn gấp bội.
Cuộc đấu tranh giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt là cuộc đấu tranh giữa phần "con" và phần "người" trong một bản thể. Con người để có thể tồn tại đích thực với những giá trị sống bền vững và cao đẹp nhất khi và chỉ khi có sự hoà hợp giữa linh hồn và thể xác. Không thể có một tâm hồn thanh cao sống nhờ vào thân xác của một kẻ thô tục, dối trá. Vì vậy, Trương Ba lựa chọn cái chết để được sống là mình toàn vẹn, để bảo vệ cho tâm hồn đẹp đẽ của mình trước những sự tha hoá, dụng tục, thô bạo,.. để vươn tới những vẻ đẹp tinh thần là lựa chọn hợp lí cho thấy được tinh thần đấu tranh của những con người lao động lương thiện và phẩm chất cao quý.
Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã để lại cho chúng ta những bài học nhận thức đầy suy ngẫm mà vô cùng giá trị. Đó là sự tổng hòa giữa vật chất và tinh thần trong đời sống con người, cần phải dùng hoà để phát triển. Đừng bao giờ chạy theo những ham muốn vật chất tầm thường mà khiến bản thân trở nên mất giá trị và cũng đừng bao giờ vì coi trọng đến tinh thần mà bỏ bê đời sống vật chất, phải biết thích nghi với hoàn cảnh và giữ cho bản thân không bị hoàn cảnh chi phối. Đó còn là triết lý sống về hiện tượng sống nhờ, sống gửi vào kẻ khác, phê phán những kẻ giả tạo, giỏi xu nịnh để tiến thân mà không sống đúng với năng lực, khả năng của mình. Vì mưu cầu danh lợi mà bán rẻ lương tâm.
Bằng tài năng của mình, Lưu Quang Vũ đã xây dựng một vở kịch vô cùng thành công trên nhiều phương diên. Nghệ thuật ngôn từ giản dị, ngôn ngữ đối thoại khắc họa rõ tính cách của từng nhân vật, xung đột kịch hấp dẫn và gây cấn. Nội dung vô cùng sâu sắc, chứa tầng sâu giá trị triết lý, bởi vậy mà tác phẩm sống mãi với đời sống văn học, văn hoá của dân tộc qua bao năm tháng.
6. Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt, mẫu số 6:
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là con trai của nhà biên kịch Lưu Quang Thuận, quê gốc Quảng Nam, sống và làm việc trên đất Bắc. Thừa hưởng truyền thống văn chương của dòng họ, Lưu Quang Vũ sáng tác khá sớm. Ở tuổi hai mươi, khi đang là một chiến sĩ của binh chủng Phòng không - Không quân, Lưu Quang Vũ đã có nhiều bài thơ trữ tình được thế hệ trẻ yêu thích. Từ năm 1978 đến năm 1988, ông là biên tập viên của tạp chí Sân khấu. Trong giai đoạn đầu tiên của thời kì đổi mới, xã hội Việt Nam có rất nhiều vấn đề nóng bỏng và bức xúc, liên quan tới quá trình phát triển của đất nước và cuộc sống của nhân dân. Vốn là người quan tâm tới thời cuộc, Lưu Quang Vũ đã quyết định chuyển hẳn sang sáng tác kịch để có điều kiện bày tỏ, thể hiện những nhận thức và quan điểm của mình trước công luận. Chỉ trong vòng mười năm, hơn năm mươi vở kịch với những đề tài hết sức thời sự và thiết thực của Lưu Quang Vũ đã được dàn dựng, biểu diễn trên khắp cả nước, đem lại một sức sống mới cho sân khấu Việt Nam và tạo ra những tranh luận, đánh giá sôi nổi, thậm chí có những ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau. Người ta gọi đó là "hiện tượng Lưu Quang Vũ" vì hiện tượng này có thể nói là chưa từng xảy ra trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Những vở kịch như: Lời nói dối cuối cùng, Nàng Xi-ta, Nếu anh không đốt lửa, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và Chúng ta... đã khẳng định tài năng xuất sắc và nhiệt tình cháy bỏng cộng tình yêu thương con người, cuộc đời và trách nhiệm công dân rất cao của Lưu Quang Vũ. Ông mất đột ngột trong một tai nạn giao thông năm 1988. Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và văn học nghệ thuật.
Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt vốn là một câu chuyện dân gian có từ lâu đời đã được tác giả Lưu Quang Vũ xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân văn sâu sắc. Vở kịch được công diễn nhiều lần trong và ngoài nước, được dư luận đánh giá tà một trong những vở kịch làm nên tên tuổi Lưu Quang Vũ. Nội dung vở kịch tóm tắt như sau; Trương Ba là một người làm vườn có tài chơi cờ tướng. Vì sự nhầm lẫn của Nam Tào (vị quan trên Thiên đình trông coi về việc sinh tử của con người dưới trần gian) nên Trương Ba chết oan. Để sửa sai Nam Tào cùng Đế Thích (tiên cờ) làm cho Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt. Mọi chuyện rắc rối xảy ra từ đây. Trương Ba bị làm phiền liên tục, bị người thân sợ hãi, xa lánh. Bản thân Trương Ba cũng, rất "khó chịu vì phải sống trong thân xác không phải của mình". Cuối cùng ông đã quyết định trả lại thân xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết thực sự để giải thoát cho mình. Đoạn trích là đoạn kết, tập trung phản ánh tư tưởng chủ đề của vở kịch: Bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu bị tha hóa trước sự lấn át của thể xác phàm tục, thô lỗ. Vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.
Phân tích trích đoạn Hồn Trương Ba da hàng thịt
Ở đoạn này, đỉnh điểm của mâu thuẫn kịch đã được tác giả thể hiện qua sự dằn vặt, giằng xé đau đớn của hồn Trương Ba. Mở đầu là cảnh hồn Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi đứng vụt dậy, nói những câu đầy bực bội, bức xúc: Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!... Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rỗi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!
Tiếp sau đó, hồn Trương Ba tách khỏi thân xác anh hàng thịt và cuộc đối thoại giữa hồn Và xác bất đầu. Dưới lớp vỏ ngôn ngữ của những lời đối thoại là nhiều tầng nghĩa khác nhau, tuỳ thuộc vào trình độ của người xem kịch. Lưu Quang Vũ rất chú ý đến việc dùng ngôn ngữ để phản ánh tính cách và bản chất nhân vật. Xác hàng thịt lên tiếng với giọng điệu mỉa mai, chế giễu và phủ nhận những cố gắng giải thoát của hồn Trương Ba: Vở kịch, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác... Hồn Trương Ba đáp lại với thái độ vừa ngạc nhiên vừa coi thường, mày cũng biết nói kia à? Vô lí, mày không thể biết nói. Mày không có tiếng nói mà chỉ là xác thịt âm u đui mù... Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt.
Lưu Quang Vũ kế thừa tư tưởng của truyện cổ dân gian, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của linh hồn so với thể xác. Thế nhưng tác giả đã để cho cuộc tranh luận giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt không kém phần gay go, quyết liệt. Có những lúc tiếng nói của xác thịt đường như lấn át cả tiếng nói của linh hồn, đẩy linh hồn vào thế lúng túng, bị động: Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!... Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quý trọng chứ. Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn mảnh đất cây cối, những người thân... Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi... Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác... Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông hay vịn vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác... Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ... Tôi thông cảm với những "trò chơi tâm hồn của ông". Nghĩa là: Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện, Hà hà, miễn là... ông vẫn làm đủ mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của tôi. Hồn Trương Ba tuy vẫn khăng khăng phủ nhận lí lẽ của xác hàng thịt: Lí lẽ của anh thật ti tiện, nhưng rõ ràng là đã lâm vào tình thế tuyệt vọng và chỉ biết than: Trời!
Cả gia đình Trương Ba cũng bị cuốn vào bi kịch bởi những điều lộn xộn, tréo ngoe do hồn một đằng xác một nẻo gây ra. Vợ Trương Ba thì trách móc chồng: ông bây còn biết đến ai nữa! Cu Tị ốm thập tử nhất sinh, từ đêm qua tới giờ bắt đầu mê man, mẹ nó khóc đỏ con mắt. Khổ! Thằng bé ngoan là thế! Cái Gái thương bạn, ngơ ngẩn cả người... Không hiểu thằng bé có qua khỏi được không, khéo mà... Cái thân tôi thì sao trời lại không bắt đi cho rảnh! Bà muốn bỏ nhà mà đi. Bà nói như khóc: Tôi nói thật đấy... ông Trương Ba ạ, tôi đã nghĩ kĩ: Có thể tôi phải đi.. Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được... đi biệt. Để ông được thảnh thơi... với cô vợ người hàng thịt.. Còn hơn là thế này... Tôi biết, ông vẫn là người hết lòng thương yêu vợ con... Chỉ tại bây giờ... ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa...
Cái Gái, đứa cháu nội yêu quý của Trương Ba cũng tỏ thái độ gay gắt : Tôi không phải là cháu của ông! ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông! Ông dám nhận là ông nội, dám đụng vào cây cối trong vườn của ông nội tôi. Khi hồn Trương Ba cố gắng thanh minh:... sáng nào ông cũng ra cuốc xới chăm chút cây cối ngoài vườn, cháu không thấy sao: Chỉ có ông nội cháu mới biết quý cây như thế... thì cái Gái lại càng gào lên căm giận: Quý cây! Hừ, tôi phải rình lúc này, cả nhà đi vắng hết để đến nói với ông: Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn ông tôi nữa! Ông mà quý cây à? Sáng qua, tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cà cây sâm quý mới ươm! Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy?
Chị con dâu của Trương Ba là người hiểu ông, thương ông nhất. Lúc đầu, chị chấp nhận tình cảnh trớ trêu của cha chồng vì thân xác tuy là của anh hàng thịt thô kệch nhưng tâm hồn ông vẫn thuần hậu như xưa. Chị nói: Thầy vẫn dạy chúng con : Cái bên ngoài có quan trọng gì, chì có tấm lòng yêu thương và trí tuệ cao sáng của con người ta là đáng kể. Nhưng đến lúc này, chị cũng thấy vừa thương vừa sợ. Chị đau đớn, day dứt khi phải thật tình bộc bạch suy nghĩ của mình với cha chồng: ...thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa... Con càng thương thầy, nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giờ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi! Chị con dâu đã nhận xét rất đúng, rất đầy đủ về tình cảnh nan giải của Trương Ba lúc này.
Lời nói của chị con dâu chứa đựng sự thực phũ phàng có tác dụng thức tỉnh hồn Trương Ba, thúc đẩy ông tới một sự lựa chọn một hành động đau xót nhưng quyết liệt. Đoạn độc thoại thể hiện sự dằn vặt khổ sở của hồn Trương Ba khi phải đối diện với chính mình, khi tự đặt ra và trả lời những câu hỏi của lương tâm: Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta... Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? "Chẳng còn cách nào khác". Mày nói như thế hả? Nhưng có thật ta không còn cách nào khác? Không cần cái đời sống do mày mang đến. Không cần!
Để củng cố thêm quyết tâm, Trương Ba thắp nhang cầu khẩn sự giúp đỡ của vị tiên cờ Đế Thích và thổ lộ nỗi khổ tâm của mình: Ông Đế Thích ạ! Tôi không thể tiếp tục mang thân xác anh hàng thịt được nữa, không thể được.. Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Thế nhưng những lời giải thích của Đế Thích lại làm cho Trương Ba một phen bàng hoàng: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất trên trời đều thế cả nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào, thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù nào của ông đâu!
Bàng hoàng nhưng Trương Ba vẫn như đang đắm mình trong dòng suy nghĩ, dằn vặt, thoáng chút trách móc: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết.
Sự giằng xé trong tâm trạng Trương Ba được tác giả vở kịch thể hiện tự nhiên, sinh động và chân thật. Muốn thoát khỏi tình huống khó xử và khó chịu như thế này, Trương Ba chỉ còn một cách là chấp nhận cái chết vĩnh viễn. Ông muốn Đế Thích trả lại thân xác cho anh hàng thịt để phần hồn sẽ sống hòa thuận với thân xác anh ta, để vợ anh ta không còn phải sống trong cảnh góa chồng thật đáng thương. Trong khi, Đế Thích đang phân vân hỏi nếu làm như vậy thì hồn Trương Ba sẽ trú ở đâu, Trương Ba đã trả lời dứt khoát: Ở đâu cũng được chứ không ở đây nữa. Nếu ông không giúp, tôi sẽ... tôi sẽ... nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất. Mâu thuẫn kịch được đẩy lên cao hơn với chi tiết cu Tị con chị Lụa hàng xóm sắp chết. Cu Tị là bạn thân của cái Gái! cháu nội ông Trương Ba. Đế Thích nhân cơ Hội này đề nghị Trương Ba nhập hồn vào xác cu Tị Trương Ba suy nghĩ rất nhanh, hình dung rất nhanh về hậu quả của sự việc đó để rồi từ chối, bởi những rắc rối mà ông đang phải chịu đựng đã khiến ông vô cùng khổ sở, khổ sở hơn là chết.
Thương Trương Ba con người hiền lành, đôn hậu và không muốn mất người bạn cờ tri âm tri kỉ nên Đế Thích vẫn cố gắng thuyết phục, nhưng Trương Ba khăng khăng không đổi ý: Tôi đã nghĩ kĩ.. Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn! Hành động trả lại thân xác cho anh hàng thịt của Trương Ba là hành động đúng đắn, dũng cảm và hợp đạo lí. Điều đó khẳng định rằng: Một linh hồn dù tốt đẹp đến đâu nhưng phải trú ngụ trong một thể xác khác thì cũng không thể nào thấy thoải mái vì mặc cảm giả dối. Sống như thế thì không phải là sống theo đúng ý nghĩa của từ này mà chỉ là sự tồn tại đơn thuần mà thôi. Trương Ba chết nhưng tâm hồn tốt đẹp cua ông sẽ sống mãi trong tình yêu mến và nỗi tiếc nhớ của gia đình, bạn bè; làng xóm. Chết nhưng lại là vẫn sống.
Đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt tập trung cao độ tính chất triết lí và tư tưởng nhân văn của vở kịch có nguồn gốc dân gian này. Lưu Quang Vũ đã đưa vào vở kịch quan niệm đúng đắn về cách sống: Trước hết, mình hãy là mình. Cuộc sống của cá nhân chỉ thực sự. Có ý nghĩa khi biết sống vì niềm vui và hạnh phúc của mọi người vì sự tốt đẹp của cuộc đời. Tư tưởng triết lí về con người của Lưu Quang Vũ vừa biện chứng vừa lạc quan, cao thượng. Tất cả những điểu đó được thể hiện bằng tài năng sáng tạo hiếm có của tác giả khiến vở kịch có sức cuốn hút lạ thường đối với khán giả. Lưu Quang Vũ xứng đáng là nhà biên kịch xuất sắc của sân khấu Việt Nam hiện đại.
7. Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mẫu số 7:
Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ - một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh... nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại. Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1984, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan. Theo lời khuyên của "tiên cờ" Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu "sửa sai" bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Qua các cuộc đối thoại của Trương Ba, tác giả dần tạo nên một mạch truyện dẫn dắt người xem hiểu sâu hơn về Trương Ba
Có thể nói Trương Ba đã chết một cách vô lí, ai cũng biết cái chết của Trương Ba là do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào. Nhưng sự sửa sai của Nam Tào và Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba lại đẩy Trương Ba vào một nghịch cảnh vô lí hơn là linh hồn mình phải trú nhờ trong thể xác của kẻ khác. Do phải sống nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt. Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì phải sống mượn, vá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt thô phàm của anh hàng thịt mà trái lại còn bị cái xác thịt ấy điều khiển. Đáng sợ hơn, linh hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể. Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ (Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện khắc khoải). Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Hồn Trương Ba cũng càng lúc càng rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng. Ý thức được điều đó linh hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt để tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào thể xác. Xác hàng thịt biết rõ những cố gắng đó là vô ích, đã cười nhạo hồn Trương Ba, tuyên bố về sức mạnh âm u, đui mù ghê gớm của mình, ranh mãnh dồn hồn Trương Ba vào thế đuối lí và hơn nữa, ve vãn hồn Trương Ba thỏa hiệp vì, theo lí lẽ của xác thịt là "chẳng còn cách nào khác đâu", vì cả hai "đã hoà vào nhau làm một rồi". Trước những "lí lẽ ti tiện" của xác thịt, Trương Ba đã nổi giận, đã khinh bỉ, đã mắng mỏ xác thịt hèn hạ nhưng đồng thời cũng ngậm ngùi thấm thía nghịch cành mà mình đã lâm vào, đành nhập trở lại vào xác thịt trong tuyệt vọng. Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ. Một bên đại diện cho sự trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao, xứng đáng với danh nghĩa con người và một bên là sự tầm thường, dung tục. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh một vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người. Từ đó nói lên khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân. Màn đối thoại này cho thấy:
Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục đồng hoá.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả cảnh báo: khi con người phải sống trong dung tục thì tất yếu cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ thắng thế, sẽ lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người.
Bài văn Phân tích truyện Hồn Trương Ba da hàng thịt
Không phải ngẫu nhiên, tác giả không đưa anh con trai thực dụng của Trương Ba vào cuộc đối thoại của Trương Ba với những người thân. Các cuộc đối thoại với vợ con dâu và cháu gái càng làm cho Trương Ba đau khổ hơn. Ông hiểu những gì mình đã, đang và sẽ gây ra cho người thân là rất tệ hại mặc dù ông không hề muốn điều đó. Thái độ của vợ trương Ba, con đâu và cháu gái trước sự biến đổi và tha hoá của Trương Ba.
Vợ Trương Ba buồn bã, đau khổ nhưng vốn bàn tính vị tha nên định nhường Trương Ba cho cô vợ anh hàng thịt.
Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông khổ lắm, "khổ hơn xưa nhiều lắm". Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình "như sắp tan hoang ra cả" khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: "Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa...".
Trái lại, cái Gái, cháu Trương Ba thì phản ứng quyết liệt và dữ dội. Tâm hồn tuổi thơ vốn trong sạch, không chấp nhận sự tầm thường, dung tục nên không chấp nhận người ông trong thể xác anh hàng thịt thô lỗ. Cái Gái, cháu ông giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó một mực khước từ tình thân (tôi không phải là cháu ông... Ông nội tôi chết rồi). Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có "bàn tay giết lợn", bàn chân "to bè như cái xẻng" đã làm "gãy tiệt cái chồi non", "giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm" trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó, "Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy". Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!". Tuy nhiên, họ chỉ là những người dân thường, họ không giúp gì được cho tình trạng hiện tại của Trương Ba. Tình huống kịch thúc đẩy Trương Ba phải lựa chọn và sau màn độc thoại nội tâm (hồn Trương Ba thách thức xác anh hàng thịt: "có thật là không còn cách nào khác?" và phản kháng quyết liệt: "Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!"). !". Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.
Gặp lại Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cái cảnh phải sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo nữa và muốn được là mình một cách toàn vẹn "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Qua lời thoại này của nhân vật Trương Ba. Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm vào đó thông điệp: Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hoà. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng đổ lỗi cho thân xác và tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Lúc đầu Đế Thích ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì khuyên Trương Ba nên chấp nhận vì thế giới vốn không toàn vẹn, dưới đất, trên trời đều thế cả. Nhưng Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó. Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết". Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Lòng tốt hời hợt thì chẳng đem lại điều gì thực sự có ý nghĩa cho ai mà sự vô tâm còn tệ hại hơn, nó đẩy người khác vào nghịch cảnh, vào bi kịch! Đế Thích định tiếp tục sửa sai của mình và của Tây Vương Mẫu bằng một giải pháp khác, tệ hại ít hơn là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị nhưng Trương Ba đã kiên quyết từ chối, không chấp nhận cái cảnh sống giả tạo, mà theo ông là chỉ có lợi cho đám chức sắc tức lão lí trưởng và đám trương tuần, không chấp nhận cái cuộc sống mà theo ông là còn khổ hơn là cái chết. Trương Ba kêu gọi Đế Thích hay sửa sai bằng một việc làm đúng, đó là trả lại linh hồn cho bé Tị. Đế Thích cuối cùng cũng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba với lời nhận xét: "Con người hạ giới các ông thật kì lạ". Người đọc, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua hai lời thoại này. Thứ nhất, con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Thứ hai, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện. Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về thời chúng ta đang sống. Tuy vậy, chỉ cần nhấn mạnh ở đây vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách. Chất thơ của kịch Lưu Quang Vũ cũng được bộc lộ ở đây.
Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hoá thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan đồng thời truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thực.
Không chí có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, rong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ: Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán. Ngoài ra , vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi. Với tất cả những ý nghĩa đó, đoạn trích rất tiêu biểu cho phong cách viết kịch của Lưu Quang Vũ.
--------------------HẾT-----------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-truyen-hon-truong-ba-da-hang-thit-42580n.aspx
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, để nắm được nội dung tư tưởng cũng như giá trị của vở kịch, bên cạnh bài Phân tích truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, các bạn có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Phân tích đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Phân tích và nêu cảm nghĩ truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Thông điệp Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích Hồn Trương Ba- Da hàng thịt.