Các em cùng phân tích bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) của Hồ Chí Minh để thấy được tình yêu trăng, tâm hồn phóng khoáng, ung dung tự tại, chất chiến sĩ hoàn quyện với chất nghệ sĩ của Hồ Chí Minh. Những bài văn mẫu dưới đây có thể coi là những tài liệu vô cùng hữu ích hỗ trợ em trong quá trình hoàn thiện bài văn này ở nhà.
Đề bài: Các em hãy phân tích bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) của Hồ Chí Minh
3 bài văn mẫu Phân tích bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng)
1. Phân tích bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), mẫu số 1:
"Nguyên tiêu" nằm trong chùm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh viết trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc: "Nguyên Tiêu",... Sau chiến thắng Việt Bắc, thu đông 1947, sang xuân hè 1948, quân ta lại thắng lớn trên đường số Bốn. Niềm vui thắng trận tràn ngập tiền tuyến hậu phương.
Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy, bài thơ của Bác Hồ xuất hiện trên báo "Cứu quốc" như một đóa hoa xuân ngào ngạt và rực rỡ sắc hương. Xuân Thủy đã dịch khá hay bài thơ này. Nguyên tác bằng chữ Hán, viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, dịch giả đã chuyển thành thơ lục bát:
"Rằm xuân lồng lộn trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền"
Đêm nguyên tiêu trăng sáng ngời trên một không gian bao la. Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm tin dào dạt trong tâm hồn lãnh tụ đêm nguyên tiêu lịch sử.
Hai câu đầu vẽ lên cảnh đẹp tuyệt vời đêm nguyên tiêu. Trên bầu Trời, vầng trăng vừa tròn (nguyệt chính viên).Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì mùa xuân làm cho trăng thêm đẹp. Và trăng cũng làm cho cảnh vật mang vẻ đẹp hữu tình. Đất nước quê hương bao la một màu xanh bát ngát. Màu xanh lấp lánh của "xuân giang", màu xanh ngọc bích của "xuân thuỷ" tiếp nối với màu xanh thiên thanh của "xuân thiên". Ba từ "xuân" trong câu thơ thứ hai là những nét vẽ đặc sắc làm nổi bật cái "thần" của cảnh vật sông, nước và bầu Trời:
"Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên"
(Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm "Xuân")
"Xuân" trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi trẻ, là vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả màu xanh của sông nước, đất Trời vào xuân. Nó thể hiện vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của đất nước ta: trong lửa đạn vẫn dào dạt một sức sống trẻ trung, tiềm tàng. Ngoài giá trị miêu tả cảnh đẹp đêm nguyên tiêu, vần thơ còn biểu hiện tinh tế cảm xúc tự hào, niềm vui sướng mênh mông của một hồn thơ đang rung động giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử, đất nước đang anh dũng kháng chiến.
Với Bác Hồ, yêu vẻ đẹp nguyên tiêu, yêu thiên nhiên cũng là yêu đời tha thiết. Bác yêu thiên nhiên nên sông, núi, cỏ cây, hoa lá, tạo vật trong thơ Bác rất hữu tình. Có "Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa". Có "Trăng vào cửa sổ đòi thơ" trong niềm vui thắng trận. Bác yêu hoa núi, chim rừng Việt Bắc: "Xem sách, chim rừng vào cửa đậu - Phê văn hóa núi ghé nghiên soi", yêu ngọn gió, giọt mưa báo mùa thu chợt đến... Thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố tạo nên sắc trữ tình và màu sắc cổ điển.
Hai câu thơ cuối nói về dòng sông, khói sóng và con thuyền trăng:
"Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền"
Ánh trăng ngày trước (1942-1943) chiếu vào nhà ngục lạnh nơi đất khách quê người, thì đêm nguyên tiêu này (1948), trăng lại soi xuống con thuyền trong đó Bác đang "đàm quân sự" (bàn bạc việc quân). Trăng nguyên tiêu là trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm, được nhân dân đón đợi với bao hi vọng, bao tình cảm nồng hậu.
Lại nữa, trường hợp thưởng trăng không phải là trường hợp bình thường diễn ra trên sân nhà, ngõ xóm, hay "đăng lâu vọng nguyệt"... mà là thưởng trăng trên khói sóng, nơi "yên ba thâm xứ" - cõi sâu kín, bí mật trên dòng sông, giữa núi rừng chiến khu bao la!. Người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các tao nhân mặc khách ngày xưa, mà còn là con người hành động, người chiến sĩ đánh giặc, vị lãnh tụ đang "bàn bạc quân" để lãnh đạo nhân dân kháng chiến, bảo vệ non sông đất nước. Quả thật, đây là một trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt: "Yên ba thâm xứ đàm quân sự". "Yên ba" là khói sóng, một thi liệu cổ được Bác Hồ vận dụng rất sáng tạo làm cho bài thơ "Nguyên tiêu" mang phong vị Đường thi. Ba chữ "Đàm quân sự" đã khu biệt thơ Bác với thơ của người xưa, làm cho văn thơ mang màu sắc hiện đại và không khí lịch sử của thời đại.
Sau những canh dài bàn bạc việc quân căng thẳng nơi khói sóng sâu kín, Trời đã về khuya. Nửa đêm (dạ bán), Bác trở về bến, tâm hồn sảng khoái vô cùng. Con thuyền trở thành con thuyền trăng, nhẹ bơi trên sông nước mênh mông, chở đầy ánh trăng vàng:
"Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền"
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
"Nguyệt mãn thuyền" là một hình ảnh rất đẹp và trữ tình nó làm ta nhớ đến những vần thơ cổ thi hoa lệ:
- "Bạn chơi năm ngoái nào đâu tá?"
Trăng nước như xưa chín với mười"
(Triệu Hỗ - Đường thi)
- "Thuyền mấy lá đông, tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông..."
(Bạch Cư Dị)
- "Nước biếc non xanh thuyền gối bãi,
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu"
(Nguyễn Trãi)
Trở lại bài thơ Hồ Chí Minh, ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng, mang theo bao ánh trăng, hiện lên một thủ lĩnh quân sự giàu hồn thơ đang lãnh đạo quân dân ta kháng chiến để giành lại độc lập, tự do, để giữ mãi những đêm nguyên tiêu trăng đầy Trời quê hương thanh bình. Hình ảnh con thuyền trăng trong bài thơ này cho thấy tâm hồn Bác Hồ rất yêu thiên nhiên, trong kháng chiến gian khổ vẫn lạc quan yêu đời.
Qua bài thơ "Nguyên tiêu", ta có thể nói, trăng nước trong thơ Bác rất đẹp. Chính vầng trăng ấy đã thể hiện phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc mang cốt cách nghệ sĩ, nhà hiền triết phương Đông.
"Nguyên tiêu" được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, man mác phong vị Đường thi. Bài thơ có đầy đủ những yếu tố của một bài thơ cổ: một con thuyền, một vầng trăng, có sông xuân, nước xuân, Trời xuân, có khói sóng. Điệu thơ thanh nhẹ. Không gian bao la, yên tĩnh... Chỉ khác một điều, ở giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy, nhà thơ không có rượu và hoa để thường trăng, không đàm đạo thi phú từ chương, mà chỉ "đàm quân sự".
Bài thơ như một đóa hoa xuân đẹp trong vườn hoa dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức của Hồ Chí Minh.
Văn tức là người. Thơ là tấm lòng, là tiếng lòng cộng hưởng từ một người với muôn người. Thơ Bác Hồ tuy nói đến "trăng, hoa, tuyết, nguyệt.." nhưng đã phản ánh tâm tư, tình cảm, lẽ sống cao đẹp của Bác. Bác yêu nước, thương dân tha thiết nên Bác càng yêu đêm nguyên tiêu với vầng trăng xuân thơ mộng. Trong kháng chiến gian khổ, Bác đã hướng tới vầng trăng rằm tháng giêng, hướng tới bầu Trời xuân với tâm hồn trong sáng và phong thái ung dung.
Cuộc đời không thể thiếu vầng trăng. Biết yêu trăng cũng là biết sống đẹp. "Nguyên tiêu" là một bài thơ trăng tuyệt bút của nhà thơ Hồ Chí Minh. Con thuyền chở đầy ánh trăng cũng là con thuyền kháng chiến đang hướng tới chiến công và niềm vui thắng trận.
----------------------HẾT BÀI 1-------------------------
Trên đây là phần Phân tích bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) để có thêm kiến thức trả lời, làm tập làm văn, các em có thể tham khảo thêm phần Soạn bài Cảnh khuya, Rằm tháng giêng và cùng với phần Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh nữa nhé.
2. Phân tích bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), mẫu số 2:
Nguyên tiêu là bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được viết trong thời gian kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc, Thu Đông 1947 sang Xuân Hè 1948 quân ta lại thắng lớn trên đường số 4. Niềm vui thắng lợi tràn ngập tiền tuyến, hậu phương. Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy bài thơ Nguyền tiêu của Bác Hồ xuất hiện trên báo Cứu quốc như một đoá hoa xuân ngọt ngào rực rỡ sắc hương.
Kim dạ nguyền tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Mở đầu bài thơ là cảnh tuyệt vời trong đêm nguyên tiêu. Trên bầu trời vầng trăng tròn vành vạnh:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)
Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì có hơi thở của mùa xuân. Đêm rằm, trăng sáng ánh trăng lồng lộng dát vàng trên nền trời, phủ khắp chốn trần gian, ánh trăng tràn mọi nẻo... Ánh trăng làm cho cảnh vật mang vẻ đẹp hữu tình lung linh sinh sắc. Đất nước, quê hương bao la một màu xanh bát ngát, màu xanh lấp lánh của xuân giang, dòng sông như được tiếp thêm sức sống mới dưới khí trời mát dịu. Dòng sông trở nên đẹp hơn, hữu tình hơn, dòng sông xanh xuân thủy và tiếp nối với màu xanh của xuân thiên.
Mùa xuân là mùa của chồi non, sự sống. Xuân phơi phới có ở khắp mọi nơi, xuân của dòng sông, dòng nước, không gian cao rộng của bầu trời. Khí xuân tràn ngập sự sống, ba từ xuân làm nổi bật cái thần của cảnh vật, sông nước và bầu trời:
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
Xuân trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi trẻ và vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả màu xanh của sông nước, đất trời vào xuân. Khi vào xuân, con người tạo vật như bừng tỉnh, rạo rực trong cuộc sống mới. Nhà thơ Thanh Hải đã từng cảm nhận mùa xuân cua thiên nhiên và đất trời qua những tín hiệu đặc sắc:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng...
(Mùa xuân nho nhỏ)
Xuân đến, tiếng chim hót vang lừng, giọt mùa xuân long lanh do đất trời ban tặng làm cho sự sống rạo rực hơn và bất tận.
Trong câu thơ của Bác xuân còn gợi tả màu xanh của sông nước, trời đất vào xuân, sức sống mãnh liệt, trẻ trung căng tràn nhựa sống. Niềm vui sướng tự hào phơi phới của Bác đang ngây ngất say sưa giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử - đất nước đang anh dũng kháng chiến.
Với Bác, yêu trăng, yêu xuân chính là yêu cuộc đời. Trái tim mênh mông của người chan hoà với thiên nhiên, sông núi, hoa lá cỏ cây thật hữu tình. Có trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa, trăng vào cửa sổ đòi thơ trong niềm vui thắng trận. Và xem sách chim rừng vào cửa đậu - phê văn hoa núi ghé nghiêng soi. Thiên nhiên trong thơ Bác thật phong phú và chan chứa chất thơ.
Đến hai câu thơ cuối, ta thấy cảm nhận về dòng sông, về khói sóng, và con thuyền được nâng lên một mức:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Nhớ ánh trăng ngày nào khi Bác còn bị giam dưới ngục lạnh nơi đất khách quê người (1942-1943) thì đêm nay - đêm rằm tháng giêng (1948) lại bắt gặp ánh trăng nơi chiến khu Việt Bắc. Con thuyền xuôi mái giữa dòng sông trăng, tựa mạn thuyền người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đang đàm quân sự. Ánh trăng đêm này là ánh trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm được nhân dân đón đợi với bao tình cảm nồng hậu. Trăng đêm nay không phải là ánh trăng bình thường trước sân nhà, đầu ngõ. Bác thưởng trăng trên khói sóng, người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa mà còn là con người hành động, người chiến sĩ cộng sản đánh giặc. Vị lãnh tụ đang bàn bạc việc quân trên con thuyền nhẹ lướt giữa sông nước trời xuân đây là trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt, yên ba là khói sóng, thi liệu cổ của Đường thi. Vậy là câu thơ có nét cổ điển và có nét hiện đại, chất hiện đại đó chính chất thép, chất chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản: Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ củng phải biết xung phong.
Sau quãng thời gian bàn bạc việc quân, đêm đã về khuya, nửa đêm (dạ bán). Con thuyền kháng chiến trở thành con thuyền trăng trên vời sông nước mênh mông:
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Hình ảnh nguyệt mãn thuyền gợi cho chúng ta nhớ đến những vần thơ cổ thi hoa lệ:
Thuyền mấy lá đông, tây lặng ngắt
Một vầng trăng trong vắt lòng sông...
(Bạch Cư Dị)
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu
(Nguyễn Trãi)
Trở lại bài thơ Nguyên tiêu ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ ẩn hiện sau màn sương khói. Trên chiếc thuyền hình ảnh thi sĩ - chiến sĩ hiện lên thật đẹp đẽ với bàn bạc việc quân trong đêm trăng, tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, quyết chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Nguyên tiêu là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, mang phong vị Đường thi. Bài thơ có nét thơ cổ thể: con thuyền, trăng, sóng, xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng... điệu thơ thanh nhẹ. Trong khung cảnh ấy chất chiến sĩ là trung tâm. Bài thơ như một đoá hoa xuân, tinh hoa kết tụ tâm hồn trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh.
Văn là người, thơ là tấm lòng. Bài thơ này thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước, đồng thời bộc lộ tình yêu nước sâu sắc. Cốt cách thi sĩ hoà quyện chất chiến sĩ chất chứa đầy ắp trên chiếc thuyền kháng chiến đang tiến nhanh về bến bờ độc lập tự do.
3. Phân tích bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), mẫu số 3:
Bài thơ "Nguyên tiêu" là một bài thơ được tác giả Hồ Chí Minh viết bằng chữ Hán trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, khi tác giả còn đang đóng quân tại chiến khu Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc 1947 của Đảng và nhân dân ta. Tác giả xúc động viết bài thơ này để bày tỏ niềm vui của mình trước mùa xuân mới của quê hương đất nước.
Trong một không khí sôi động, vui mừng vì thắng lợi lớn của dân tộc. Bác Hồ đã viết những lời thơ vô cùng hào khí. Bài thơ lần đầu tiên xuất hiện trên tờ báo Cứu quốc của nước ta.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Mở đầu bài thơ là cảnh tuyệt vời trong đêm trăng rằm tháng giêng. Trên bầu trời trăng sáng tròn vành vạnh, khiến cho tâm hồn của tác giả bâng khuâng xúc động.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)
Trăng trong đêm rằm tháng giêng mang vẻ đẹp kiêu sa xinh tươi khác thường vì trong ánh trăng có chứa hơi thở của mùa xuân nồng nàn, với sức sống mãnh liệt. Đêm trăng gió mát trăng thanh, giữa chốn dương gian, ánh trăng vằng vặc soi sáng mọi nẻo đường...Ánh trăng làm cho cảnh núi non thiên nhiên giữa rừng lung linh huyền ảo.
Quê hương đất nước, bao la với màu xanh bát ngát, màu xanh bao phủ dòng sông, dòng sông như được tiếp truyền thêm rất nhiều sức sống mới của không khí mùa xuân mát dịu. Mùa xuân phơi phới, lan tỏa hơi xuân sang khắp nơi. Khiến cho con người và cảnh vật trở nên hữu tình.
Dòng sông trở nên hữu tình, sinh động hơn, màu xuân xanh, xuân thủy thể hiện vẻ đẹp hữu tình của cảnh vật và thiên nhiên. Trong điệp từ xuân thể hiện sự sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên cảnh vật.
Mùa xuân mọi cảnh vật đâm chồi nảy lộc, sự sống mạnh mẽ. Xuân đang thể hiện sức sống khắp nơi, trên mảnh đất quê hương, không gian bao la thể hiện sự mênh mang của thời gian nổi bật lên thần thái của cảnh sắc hữu tình.
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
Xuân tới tiếng chim càng hót líu lo, rộn vang muôn nơi, thể hiện sự sinh sôi nảy nở, ban tặng cho con người và cảnh vật thiên nhiên bất tận. Trong cảnh vật thiên nhiên làm cho con người cảm thấy mê say, đắm chìm trong sự bao la, bất tận.
Trong bài thơ của Hồ Chí Minh còn gợi tả những hình ảnh sông nước, đất trời đang thời kỳ vào xuân, sức sống trẻ trung, tràn đầy nhựa sống. Niềm vui hiện lên sức sống mùa xuân ngập tràn khiến con người say đắm.
Ánh trăng và mùa xuân là nguồn cảm hứng xuất hiện nhiều lần trong những bài thơ của Bác. Thể hiện trái tim mênh mông thiên nhiên, sông núi, cỏ cây thật hữu tình. Thể hiện sự mênh mông bao la của vũ trụ thiên nhiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Ánh trăng với tác giả như hai người bạn thủy chung gắn bó với nhau trong rất nhiều chiến dịch, nhiều sự kiện. Hình ảnh ánh trăng xuất hiện trong nhiều bài thơ của tác giả. Trong mỗi lần xuất hiện vầng trăng lại thể hiện một hình ảnh tâm thế mới.
Trong ánh trăng hôm nay đang bàn bạc việc quân việc nước, ánh trăng thể soi sáng trên sông lướt nhẹ giữa dòng sông êm ả, thể hiện sự hữu tình của bài thơ.
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Con thuyền lướt nhẹ nhàng thư thái trên dòng sông sương khói phủ mờ, thể hiện như hư ảo của không gian thời gian và cảnh vật thiên nhiên. Tác giả đã vẽ lên một bức tranh hữu tình thể hình sự thi sĩ, một chiến sĩ sau khi bàn bạc việc quân việc nước đã trở về trên dòng sông thơ mộng với tâm trạng thư thái, hy vọng về tương lai tươi đẹp, độc lập tự do.
Bài thơ "Nguyên tiêu" được tác giả làm theo thể thơ tứ tuyệt mang dư vị phong cách, thần thái của thơ Đường. Bài thơ có những nét cổ điển với những nguồn cảm hứng bất tận như ánh trăng, dòng sông, con thuyền. Vẫn thơ nhẹ nhàng thể hiện tâm trạng thanh tịnh, của tác giả sau khi bàn bạc việc dân việc nước trở về nơi cư ẩn.
Qua bài thơ tác giả Hồ Chí Minh thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, bộc lộ tình yêu của mình với dân tộc một cách sâu đậm. Thông qua bài thơ cốt cách thi sĩ của tác giả thể hiện vô cùng mạnh mẽ. Một cốt cách của một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà lãnh đạo chính trị đại tài.
-------------------HẾT--------------------
Tìm hiểu chi tiết nội dung phần Cảm nhận của em về bài thơ Rằm tháng Giêng để học tốt môn Ngữ Văn 7 hơn.
Bên cạnh nội dung đã học, các em cần chuẩn bị bài học sắp tới với phần Cảm nhận khi đọc bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh? để nắm vững những kiến thức Ngữ Văn 7 của mình.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-nguyen-tieu-ram-thang-gieng-39244n.aspx