Tử tế là tấm lòng cao đẹp, trong sáng của con người. Vậy sự tử tế được biểu hiện như thế nào trong xã hội? Em hãy tìm hiểu qua bài Nghị luận về sự tử tế do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn sau đây.
Đề bài: Nghị luận về sự tử tế
Nghị luận xã hội 200 chữ về sự tử tế
I. Dàn ý Nghị luận về sự tử tế (chuẩn nhất):
1. Mở bài:
- Giới thiệu về sự tử tế.
2. Thân bài:
a) Giải thích:
- Tử tế là đối xử tốt với mọi người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người kém may mắn hơn mình.
- Người tử tế là người văn minh, lịch sự, được giáo dục tốt.
b) Biểu hiện:
- Đối xử tốt với tất cả mọi người, không phân biệt bằng cấp, địa vị.
- Giúp đỡ người khác mà không mong cầu được báo đáp, cho đi mà không cần nhận lại.
- Là sự động viên, an ủi mọi người xung quanh khi họ buồn.
- Dẫn chứng về sự tử tế:
+ Chương trình "Việc tử tế của VTV".
+ Rất nhiều người dân đã quyên góp, ủng hộ cho đồng bào miền Trung mỗi trận bão, lũ.
+ Những hành động đẹp trong đại dịch Covid 19.
c) Ý nghĩa:
- Là sợi dây gắn kết tình cảm giữ người với người.
- Là bàn tay nâng đỡ con người thoát khỏi nghịch cảnh.
- Lan tỏa sự tích cực đến mọi người.
- Người tử tế sẽ nhận lại được niềm vui, sự hạnh phúc.
d) Phản đề:
- Kẻ xấu xa, lừa lọc người khác sẽ bị xa lánh, khinh khi, bị trừng trị thích đáng.
- Người thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của những người xung quanh cũng phải chịu cảnh sống cô độc, buồn tủi, không có ai giúp đỡ.
e) Bài học nhận thức và hành động:
- Tử tế là những hành động tốt đẹp, giúp ích cho đời.
- Học tập, rèn luyện bản thân thật tốt để trở thành người tốt.
- Biết phân biệt phải trái đúng sai, biết cho đi thế nào là đủ, là đúng.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về sự tử tế.
II. Đoạn văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ về sự tử tế
1. Viết đoạn văn nghị luận về sự tử tế hay nhất, mẫu 1 (Chuẩn)
Đại dịch Covid 19 đã mang đến bao thiệt hại, cả những mất mát, đau thương. Thế nhưng cũng trong mối "hiểm họa" ấy, chúng ta chợt nhận ra một thứ quý giá hơn tất thảy, đó là lòng tốt và sự tử tế mà con người dành cho nhau. "Sự tử tế" là tấm lòng quan tâm, sự cẩn thận, chu đáo trong lối sống và ứng xử với những người xung quanh. Người tử tế là người giàu yêu thương, họ sẵn sàng sẻ chia những khó khăn và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, chúng ta vẫn được nghe, được chứng kiến những câu chuyện thật đẹp về sự tử tế, đó là hình ảnh những cây ATM gạo trên đường phố, là hành động sẻ chia lương thực của những nhà hảo tâm dành cho những người nghèo khó, kém may mắn. Sự tử tế không chỉ mang đến những điều tốt đẹp cho người khác mà làm cho chính bản thân mỗi người trở nên vui vẻ, ý nghĩa, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên khăng khít, gắn bó. Sự tử tế không chỉ là sự sẻ chia về vật chất mà còn là sức mạnh tinh thần to lớn giúp nâng đỡ, xoa dịu những nỗi đau cho người khác. Bên cạnh những tấm gương đáng quý về sự tử tế thì trong xã hội ngày nay, chúng ta vẫn bắt gặp những con người ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết sống cho riêng mình mà vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta biết lan tỏa những yêu thương, khi chúng ta sống chân thành và đối xử với nhau bằng sự thiện lương và tử tế.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ về sự tử tế, mẫu 2 (Chuẩn)
William Wordsworth nhà thơ nổi tiếng người Anh từng nói "Phần đẹp nhất trong đời một người tốt là những hành động tử tế và yêu thương nhỏ bé, vô danh không được nhớ đến". Thật vậy, cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn bởi con người biết dành cho nhau tình yêu thương chân thành và sự tử tế đáng quý. Sự tử tế là một biểu hiện cao đẹp của tình yêu thương, đó là tận tâm, chu đáo dành cho những người xung quanh. Người sống tử tế là những người sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ những người kém may mắn hơn mình. Sự giúp đỡ ấy có thể là những giá trị vật chất, cũng có thể là những giá trị tinh thần, đó có thể là một lời động viên, an ủi hay đơn giản là một vòng tay ấm áp, một ánh mắt chân thành. Sự tử tế là hành động đẹp nhất mà con người dành cho nhau, nó có thể xoa dịu mọi nỗi đau, là bàn tay nâng đỡ con người khỏi những nghịch cảnh, thử thách. Khi biết trao đi sự tử tế, con người ta cũng sẽ nhận lại sự tử tế bởi những điều tốt đẹp có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ. Người sống tử tế sẽ nhận lại tình yêu thương, kính trọng từ những người xung quanh. Thử nghĩ xem, nếu một ngày nào đó, sự tử tế không còn, thay vào đó là sự lạnh lùng, vô cảm ngự trị thì cuộc sống sẽ đáng sợ biết bao? Khi đó con người chỉ biết sống cho riêng mình, sống bằng bản năng tầm thường. Trong cuộc sống cũng có không ít những người sống vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại. Ta từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn về sự vô cảm, đó là hành động hôi của khi người khác không may gặp tai nạn trên đường, là thờ ơ trước lời cầu cứu của người gặp nạn,...Để làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và tạo dựng những điều tốt đẹp, mỗi chúng ta cần chú ý rèn luyện đạo đức, hoàn thiện nhân cách. Hãy học cách yêu thương và trao đi yêu thương bằng những hành động tử tế vì "Cho đi là nhận lại".
3. Nghị luận về sự tử tế, mẫu 3 (Chuẩn)
Cuộc sống của chúng ta đang thay đổi từng ngày, có những điều mới mẻ xuất hiện nhưng cũng có những giá trị xưa cũ, không còn phù hợp mất đi. Thế nhưng dù xã hội có phát triển, thay đổi đến đâu thì có những điều mãi mãi không thể thay đổi, đó là tình thương là sự tử tế. "Sự tử tế" được hiểu là sự chu đáo, cẩn thận trong lời nói, hành động và trong ứng xử với những người xung quanh. Người tử tế là những người giàu tình thương, họ luôn trân trọng và có ý thức sẻ chia, giúp đỡ khi gặp những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, họ cho đi mà không cần báo đáp. Cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn nhờ sự tử tế, tình thương và sự tận tâm được trao đi có thể xoa dịu những nỗi đau, giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh vượt qua cơn nguy khốn. Ngược lại, khi trao đi sự tử tế, bản thân người trao đi cũng nhận lại sự an yên, nhẹ nhõm trong tâm hồn. Sự tử tế là sợi dây gắn kết, nó giúp con người với con người gần nhau hơn, làm cho cuộc sống trở nên tiến bộ, văn minh hơn. Việc lan tỏa sự tử tế trong xã hội hiện đại ngày nay là vô cùng cần thiết. Bởi, bên cạnh những người tử tế, giàu yêu thương thì xã hội cũng xuất hiện rất nhiều những người chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất mà trở nên ích kỉ, vô cảm, chỉ biết quan tâm đến bản thân. Chúng ta cần lên án, phê phán những người sống vụ lợi, ích kỉ, sẵn sàng giẫm đạp lên đạo đức để mang đến những lợi ích cho bản thân. Mặt khác chúng ta hãy mở lòng để thấu hiểu, yêu thương, hãy sẵn sàng cho đi yêu thương vì "sống là để cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Bài văn và dàn ý về sự tử tế hay nhất
II. Bài văn mẫu Nghị luận về sự tử tế hay nhất
1. Bài văn Nghị luận xã hội về sự tử tế hay nhất - mẫu số 1:
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người phải luôn trau dồi, rèn luyện bản thân để trở thành một công dân tốt. Sự tử tế cũng là một trong những yếu tố đánh giá nhân phẩm của con người.
Một người mang trong mình tấm lòng tử tế chính là người lịch sự, văn minh, được giáo dục tốt. Điều này thể hiện qua sự cẩn thận chu đáo trong hành động, lời nói. Hay đó có thể là sự quan tâm, yêu thương dành cho những người xung quanh. Không những vậy, người tử tế còn có tấm lòng nhân ái, "thương người như thể thương thân". Điều này được thể hiện rất rõ qua lối sống hằng ngày của họ.
"Việc tử tế" là chương trình khá nổi tiếng và có tính lan tỏa cao của Đài Truyền hình Quốc gia. Chuyên mục này tìm kiếm và ghi lại những việc làm tử tế của người dân và phát sóng trên khắp cả nước. Đó có thể là việc sửa chữa xe đạp miễn phí cho các cháu học sinh; người đàn ông cứ đến giờ tan tầm lại chạy ra ngoài đường điều tiết giao thông dù chẳng phải công an hay dân phòng; người phụ nữ đan khăn, mũ len rồi gửi đến cho các em nhỏ khó khăn,... Họ đều là những con người rất bình thường, làm việc tốt bằng cái tâm của mình. Đây cũng chính là mục đích cao cả, tốt đẹp của sự tử tế: giúp đỡ cộng đồng mà không cần báo đáp, cho đi mà không mong cầu nhận lại. Chính vì tình cảm trong sáng, không toan tính thiệt hơn này đã giúp cho họ có cuộc sống hạnh phúc, nhận được rất nhiều sự yêu mến, kính trọng, nể phục từ người khác.
Trái ngược với tấm lòng tử tế, đâu đó trong xã hội vẫn còn những người sống trên mồ hôi xương máu của người khác. Không những không giúp đỡ, họ còn đi lừa gạt, cướp bóc bằng nhiều thủ đoạn xấu xa, bỉ ổi, khiến cho lòng người hoang mang, lòng tin sụp đổ, biết bao gia đình tan nát. Những kẻ như vậy sẽ không thể đắc ý lâu, sẽ có một ngày bị pháp luật hoặc "ông trời" trừng trị.
Những người tử tế luôn tâm niệm rằng niềm vui của người khác cũng chính là niềm vui của họ. Đây là lối suy nghĩ cực kì tốt đẹp, cao cả, mang đến cho con người một cuộc đời thực sự đáng sống. Hãy cố gắng duy trì và phát triển sự tử tế của bản thân để giúp đỡ mọi người, xây dựng xã hội hạnh phúc.
2. Bài văn Nghị luận về sự tử tế siêu hay - mẫu số 2:
Một vài năm gần đây, nhất là trong và sau đại dịch, người ta nhắc nhiều đến cụm từ "sự tử tế". Dần dần, "sự tử tế" đã trở nên quen thuộc và trở thành lối sống đáng học tập, ngưỡng mộ
Tử tế không chỉ là một đức tính mà còn còn phát triển trở thành một lối sống đẹp. Ta có thể lí giải đó là việc đối xử tốt với mọi người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người kém may mắn hơn mình nếu có điều kiện. Sống tử tế chính là cách sống của con người văn minh, được giáo dục tốt, là phẩm chất đáng quý của thời đại.
Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời cơ cực, phải chịu nỗi bất hạnh, đau khổ. Việc chúng ta dùng tấm lòng tử tế để yêu thương, đùm bọc họ cũng giúp làm dịu đi phần nào nỗi buồn mà họ phải chịu đựng. Mỗi năm, vào mùa mưa bão, "khúc ruột" miền Trung thân yêu đều phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nặng nề do mưa lớn. Những con người tử tế đã không quản ngại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt để hướng về miền Trung. Họ đến thăm nom, động viên bà con, góp chút của cải trao cho mỗi người một ít, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau cơn lũ. Qua đó, có thể thấy được rằng sự tử tế chính là hành động đẹp nhất mà con người dành cho nhau, là bàn tay nâng đỡ con người thoát khỏi nghịch cảnh. Những người có tấm lòng cao cả, tốt đẹp cũng nhận về sự biết ơn và cảm kích của những người xung quanh. Từ đó, các mối quan hệ trong cộng đồng càng trở nên khăng khít, gắn bó.
Sự tử tế không phải là điều hiển nhiên dễ dàng có được. Mỗi cá nhân cần không ngừng rèn luyện bản thân thì mới có được lối sống tốt đẹp ấy. Chúng ta phải bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Thế hệ tương lai cần biết được điều gì nên làm còn điều gì không, xem xét những hành động nào là thật sự tốt, cho đi tình yêu thương như thế nào mới là đúng đắn. Tiếp theo, hãy rèn luyện ý thức của bản thân, học cách đối nhân xử thế, lối ứng xử văn minh lịch sự. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta làm đều phải xuất phát từ tấm lòng trong sáng, thiện lương. Có như vậy, sự tử tế mới đem lại được những giá trị thật sự.
"Vậy suy cho cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người". Câu nói được trích từ chương trình "Việc tử tế" của đài Truyền hình VTV đã cho ta thấy được bản chất của sự tử tế. Đó chính là tình yêu thương, lòng đồng cảm và mong muốn được chia sẻ giữa người với người.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-200-chu-ve-su-tu-te-66020n.aspx
Mỗi người chúng ta nên rèn luyện cho mình tấm lòng tử tế để tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội. Bên cạnh sự tử tế, con người vẫn dành cho nhau rất nhiều tình cảm tốt đẹp, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội 200 chữ về sự cao thượng, Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái, Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về sự chân thành, Nghị luận xã hội 200 chữ trình bày mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng hay bài nghị luận xã hội 200 chữ về tình yêu thương để có thể rèn luyện kỹ năng viết văn tốt nhất.