Đề bài: Nghị luận về câu nói: Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu
Nghị luận về câu nói: Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu
I. Dàn ý chi tiết Nghị luận về câu nói: Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu (Chuẩn)
1. Mở bài
Nêu vấn đề nghị luận: Câu nói "Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu".
2. Thân bài
a. Giải thích câu nói
- "Nói": Hành động trình bày, phát biểu, đưa ra ý kiến của bản thân về một vấn đề, sự kiện nào đó; là hành động trao đổi thông tin trong giao tiếp.
- "Những điều đã đọc": Những điều ta đã biết đến nhưng chưa hiểu hoặc hiểu chưa kĩ về nó.
-"Những điều đã hiểu": Những vấn đề ta đã tìm hiểu kĩ và hiểu biết về nó một cách sâu sắc.
→ Câu nói đã đưa đến cho chúng ta một lời khuyên giàu ý nghĩa về cách nói năng, chúng ta chỉ nên nói, nên đưa ra ý kiến về những điều mà ta đã biết, đã hiểu về nó một cách chắc chắn, sâu sắc và thấu đáo.
b. Phân tích, chứng minh, bình luận về câu nói
- "Nói những điều đã đọc", những điều mà ta chưa tìm hiểu kĩ về nó có thể có những sai sót và dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
- Chúng ta chỉ nên nói "những điều đã hiểu" bởi lẽ:
+ Những điều ta đã hiểu thì mới biết được đúng bản chất thật của nó, có những nhận xét, đánh giá đúng đắn về nó.
+ Đó là biểu hiện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người: Sự cẩn thận, chín chắn và luôn có ý thức trách nhiệm cao trong mọi việc.
+ Nhận được sự tin tưởng, yêu mến, ngưỡng mộ của những người xung quanh, từ đó góp phần làm cho cuộc giao tiếp đạt kết quả tốt nhất.
b. Đánh giá, mở rộng vấn đề
- Trong học tập người học sinh cần tìm hiểu kĩ lưỡng, thấu đáo mọi vấn đề trước khi phát biểu.
- Phê phán những người chỉ muốn thể hiện, khoe khoang mình biết nhiều điều mà không tìm hiểu chúng để làm chủ kiến thức.
- Bài học cho bản thân:
+ Nỗ lực tìm tòi, đọc để biết những vấn đề mới bởi đọc chính là cơ sở để tạo nên vốn hiểu biết sâu rộng.
+ Cần có ý thức chủ động suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu để biến những cái đã đọc thành cái đã hiểu và làm chủ được vốn kiến thức của mình.
+ Khi cần phát biểu đưa ra ý kiến, cần phân biệt rõ ràng cái đã đọc với cái đã hiểu
3. Kết bài
Khái quát ý nghĩa của câu nói và suy nghĩ, cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói: Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu (Chuẩn)
Trong cuộc sống, mỗi ngày, chúng ta tiếp nhận và học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích, tuy nhiên việc bộc lộ cũng như sử dụng chúng như thế nào trong cuộc sống cũng thật đa dạng, có người sử dụng chúng để làm giàu cho vốn hiểu biết và bộc lộ ra bằng những lời nói sự am hiểu, cũng có người dùng những thông tin mình có được để trang trí, ngụy tạo cho bản thân trong khi chỉ biết một cách mơ hồ về nó. Bàn về điều đó, có ai đó đã từng nói "Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã biết". Câu nói ấy đã gợi lên trong lòng chúng ta những suy nghĩ, những bài học có giá trị và ý nghĩa sâu sắc.
Câu nói "Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu" đã gợi lên trong chúng ta nhiều suy nghĩ. Vậy chúng ta nên hiểu câu nói này như thế nào? Trước hết, "nói" là một động từ, dùng để chỉ hành động trình bày, phát biểu, đưa ra ý kiến của bản thân về một vấn đề nào đó. "Những điều đã đọc" chính là những điều ta đã biết đến nhưng chưa hiểu còn "những điều đã hiểu" là những vấn đề ta đã tìm hiểu kĩ và hiểu biết về nó một cách sâu sắc. Như vậy, với cách cắt nghĩa trên, chúng ta có thể thấy câu nói đã đưa đến cho chúng ta một lời khuyên giàu ý nghĩa về cách nói năng, chúng ta chỉ nên nói, nên đưa ra ý kiến về những điều mà ta đã biết, đã hiểu về nó một cách chắc chắn, sâu sắc và thấu đáo.
Câu nói "Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu" là một câu nói hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc, to lớn đối với mỗi người. Trước hết, "nói những điều đã đọc", những điều mà ta chưa tìm hiểu kĩ về nó có thể có những sai sót và dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Mỗi ngày, có rất nhiều tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông như Facebook, Zalo, Instagram... song không phải bất cứ thông tin nào cũng được kiểm soát và cung cấp chính xác sự thật. Bởi vậy, nếu chỉ cẩn đọc được chúng mà không tìm hiểu kĩ để biết bản chất của vấn đề ấy như thế nào mà đã phát ngôn với mọi người thì có thể sẽ dẫn đến những nhận thức sai trái cho tất cả mọi người. Ngược lại, chúng ta chỉ nên nói "những điều đã hiểu" bởi lẽ chỉ có những điều ta đã hiểu thì mới biết được đúng bản chất thật của nó, có những nhận xét, đánh giá đúng đắn về nó và chỉ có những điều mà ta đã hiểu rõ ràng, tường tận về nó thì mới là kiến thức thực sự của mình. Thêm vào đó, chỉ nói những điều đã hiểu chính là biểu hiện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người, đó chính là sự cẩn thận, chín chắn và luôn có ý thức trách nhiệm cao trong mọi việc. Đồng thời, khi nói những điều đã hiểu, chúng ta sẽ nhận được sự tin tưởng, yêu mến, ngưỡng mộ của những người xung quanh, từ đó góp phần làm cho cuộc giao tiếp đạt kết quả tốt nhất.
Như vậy, câu nói "Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu" đã mang đến cho chúng ta những bài học ý nghĩa. Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều người luôn tìm hiểu kĩ lưỡng, thấu đáo mọi vấn đề trước khi phát biểu, đưa ra ý kiến của bản thân. Đó chính là tấm gương để chúng ta học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những người chỉ muốn thể hiện, khoe khoang mình biết nhiều điều mà không tìm hiểu chúng để làm chủ kiến thức. Những con người như thế thật đáng bị phê phán. Thêm vào đó, bản thân mỗi người chúng ta cần nỗ lực tìm tòi, học hỏi để biết những vấn đề mới bởi học chính là cơ sở để tạo nên vốn hiểu biết sâu rộng. Hơn thế nữa, mỗi người cần có ý thức chủ động suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu để biến những cái đã đọc thành cái đã hiểu và làm chủ được vốn kiến thức của mình. Đặc biệt, khi cần phát biểu đưa ra ý kiến, cần phân biệt rõ ràng cái đã đọc với cái đã hiểu, tránh những phát biểu chỉ mang tính sáo rỗng mà không có chiều sâu.
Tóm lại, câu nói "Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu" là một câu nói có ý nghĩa sâu sắc với tất cả mọi người. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, bản thân em sẽ luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để hiểu rõ mọi vấn đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra ý kiến của bản thân.
----------------------HẾT------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-cau-noi-dung-noi-nhung-dieu-da-doc-ma-hay-noi-nhung-dieu-da-hieu-48318n.aspx
Cùng với bài Nghị luận về câu nói: Đừng nói những điều đã đọc mà hãy nói những điều đã hiểu, các em có thể tìm hiểu thêm: Nghị luận về chủ đề Hãy sống là chính mình, Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi, Nghị luận về ý kiến: Cuộc sống là một đường chạy vượt rào..., Nghị luận về câu nói: Ở đời không có bước đường cùng..., Nghị luận về câu nói: Sự ham muốn vô độ về tiền bạ sẽ đẩy con người vào chỗ sa đoạ về tâm hồn.