Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên

Trong Truyện Kiều có lẽ Trao duyên là một trong những đoạn trích bộc lộ rõ nét tính cách cũng như sự thông minh khéo léo của Thúy Kiều, khi đứng trước trách nhiệm nặng nề với gia đình. Để tìm hiểu vấn đề này mời các em tham khảo bài viết Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đề bài: Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

nghi luan van hoc doan trich trao duyen

Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên
 

I. Dàn ý Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên (Chuẩn)


1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích Trao duyên.
 

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh của Thúy Kiều:
- Là con của một viên ngoại, gia cảnh sung túc, nàng lại có nhan sắc xinh đẹp và tài năng cầm kỳ thi họa có một không hai, có một mối lương duyên tốt đẹp là chàng Kim Trọng.
- Chỉ trong một đêm nhà tan cửa nát, cha và em bị bắt đi, gia sản bị niêm phong, sóng gió ập xuống trên đôi vai bé nhỏ và buộc nàng phải đỡ lấy => Số phận của Thúy Kiều thật mỏng manh và tội nghiệp.
- Thúy Kiều đã quyết tâm làm tròn chữ hiếu và phụ đi chữ tình, bán mình làm vợ lẽ cho người ta để đổi lấy vài trăm lượng bạc chuộc cha và em => Tinh thần trách nhiệm, ý thức gánh vác gia đình, lòng hiếu thuận sâu sắc.

b. Sự thông minh khôn khéo của Kiều trong cảnh trao duyên cho em gái Thúy Vân:
- Kiều hiểu rằng việc trao duyên cho em là một chuyện hết sức khó khăn và không dễ mở lời. Thế nên nàng đã rào trước đón sau rằng "Cậy em em có chịu lời/Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa".
- Đưa Thúy Vân vào thế bị động, kéo Thúy Vân ra khỏi sự vô lo vô nghĩ, đồng thời trao cho nàng một phần trách nhiệm.
- Nàng nhanh chóng kể vắn tắt cuộc tình của mình với Kim Trọng đồng thời cũng giải thích những nỗi day dứt, "Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai của mình", để nhận được sự thấu hiểu và thông cảm của em gái.
- Tinh tế bộc lộ sự thấu hiểu của mình đối với cảnh ngộ của Thúy Vân.
- Lấy cả tình máu mủ ruột già, lấy cả cái tấm lòng mong mỏi "thịt nát xương mòn", dù chết cũng cam nguyện để khiến Thúy Vân thấu hiểu và đồng ý.

c. Nỗi day dứt, tiếc nuối và chút ích kỷ trong tình yêu:
- Kiều đã trao lại cho em tất cả tín vật giữa mình và Kim Trọng như một nghi thức trao duyên, từ "chiếc vành" đến "bức tờ mây".
- Thốt ra một câu nói rất mâu thuẫn "Duyên này thì giữ vật này của chung".
→ Hóa ra Thúy Kiều không mạnh mẽ như ta tưởng tượng, bên cạnh sự thông minh khéo léo, sắc sảo thuyết phục trao duyên cho em, thì ta thấy ở nàng còn là nỗi buồn bã, đau khổ, nhiều tiếc nuối trước chuyện tình tan vỡ.

d. Nỗi đau đớn đoạn trường của Kiều sau khi đã trọn tình trọn hiếu:
- Kiều thốt lên những tiếng khóc đau đớn trước mối duyên "trâm gãy bình tan", đồng thời bộc lộ tình yêu thương tha thiết với Kim Trọng "kể làm sao xiết muôn vàn ái ân", rồi cuối cùng là lời tạ lỗi, từ biệt đầy xót xa dành cho tình lang "Trăm nghìn gửi lạy tình quân/Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi", để xem như là lời kết thúc cho mối duyên ngắn ngủi của mình với chàng Kim.
- Ý thức một cách rất rõ ràng cái số kiếp hồng nhan bạc mệnh của mình, vừa bạc như vôi trắng, lại lênh đênh, lạc lõng, mỏng manh như cánh hoa trôi theo dòng nước.

e. Nghệ thuật:

Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du cho chúng ta thấy đầy đủ những cung bậc cảm xúc, cũng như suy nghĩ của Thúy Kiều trong lúc trao duyên.


3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.


II. Bài văn mẫu Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên (Chuẩn)

Nguyễn Du (1766-1820) tuy đã sống cách đây gần thế kỷ, thế nhưng hệ tư tưởng và cách nhìn nhận về số phận cuộc đời con người và bối cảnh xã hội đương thời có nhiều tiến bộ, thấm thía và sâu sắc, khiến muôn đời phải trầm trồ nể phục. Trong số các tác phẩm của Nguyễn Du, Truyện Kiều được xếp vào hàng kiệt tác kinh điển bậc nhất của nền văn học Việt Nam, cũng như có một giá trị nhất định trên trường văn học thế giới với đề tài về số phận của con người. Sở dĩ Truyện Kiều được đánh giá cao là bởi nó chứa đựng những nội dung mang giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc, không chỉ xót thương, thông cảm cho số phận của người phụ nữ xưa, mà còn phản ánh về một chế độ xã hội thối nát lắm chuyện bất công với người phụ nữ yếu đuối. Bên cạnh đó những giá trị nghệ thuật đặc sắc trong Truyện Kiều cũng làm nên những phương diện thẩm mỹ phong phú, uyển chuyển cho một tác phẩm dài, gây ấn tượng mạnh với độc giả muôn đời. Nhân vật chính của tác phẩm là Thúy Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn, thế nhưng lại có một cuộc đời ngang trái, truân chuyên bậc nhất. "Trao duyên" là một trong những đoạn trích nổi bật thể hiện được rõ những vẻ đẹp trong tâm hồn của nhân vật cũng như những nỗi đớn đau bất hạnh đầu tiên mở đầu cho một cuộc đời hồng nhan nhiều sóng gió.

Thúy Kiều có một cuộc đời tưởng chừng như toàn vẹn hạnh phúc, khi là con gái cưng của một viên ngoại, gia cảnh sung túc, nàng lại có nhan sắc xinh đẹp và tài năng cầm kỳ thi họa có một không hai, đồng thời nhân lúc tuổi xuân thì phơi phới nàng thiếu nữ cũng tìm được cho mình một mối lương duyên tốt đẹp là chàng Kim Trọng. Tuy nhiên có lẽ rằng, trời không cho ai tất cả, hoặc họa chăng là cuộc đời Kiều sinh ra vốn đã bị tạo hóa ghen ghét đố kỵ, cùng với sự bất công của chế độ phong kiến thời bấy giờ thế nên nàng mới lần lượt rơi vào một hố đen không lối thoát suốt 15 năm trời đằng đẵng. Thúy Kiều đã từ một cô gái có cuộc sống ấm êm, thế mà chỉ trong một đêm nhà tan cửa nát, cha và em bị bắt đi, gia sản bị niêm phong, sóng gió ập xuống trên đôi vai bé nhỏ và buộc nàng phải đỡ lấy. Nhưng lúc này đây bao nhiêu sự tài sắc, thông minh vốn sẵn tính trời của Thúy Kiều cũng chẳng thể xoay chuyển nổi một chút càn khôn, để đưa gia đình về lại như trước. Lúc này đây người ta mới thấy số phận của người phụ nữ phong kiến, số phận của Thúy Kiều thật mỏng manh và tội nghiệp. Trước thực cảnh như vậy, Thúy Kiều đã trăm đường suy nghĩ, có lẽ vẻ đẹp đầu tiên của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên là đến từ tinh thần và ý thức trách nhiệm gánh vác gia đình với vai trò là con trưởng. Kiều đã muôn vàn đắn đo giữa chữ hiếu và chữ tình, giữa công ơn dạy dỗ, nuôi nấng của mẹ cha, với tình yêu hẹn thề gắn bó cùng Kim Trọng, giữa gia đình với người nàng yêu sâu sắc. Cuối cùng Thúy Kiều đã quyết tâm làm tròn chữ hiếu và phụ đi chữ tình, đó là một quyết định có thể nói là vô cùng khó khăn với một cô gái tuổi vừa cập kê, nhưng trong thứ lễ giáo mà nàng từng được học đó là một quyết định hợp lý. Chọn chữ "hiếu" rồi, nhưng làm sao để làm tròn chữ ấy thì cũng lại là một mối lo khác. Và khi nghe đến việc Kiều bán mình làm vợ lẽ cho người ta để đổi lấy vài trăm lượng bạc chuộc cha và em, ta bỗng cảm thấy thật xót xa, tiếc hận. Một cô gái nhan sắc, tài năng, tính cách đều thuộc hàng bậc nhất, vậy mà cuối cùng lại đành phải chôn vùi cả tuổi thanh xuân cùng với một người đàn ông đáng tuổi cha chú, không chỉ vậy mà còn phải chịu cảnh chung chồng. Còn gì buồn tủi, đớn đau hơn nữa, khi Kiều từ một viên ngọc quý cha mẹ hết lòng nâng niu, bỗng trở thành món hàng rẻ mạt mặc sức cho người ta ngã giá chào thưa. Thật buồn thay cho phận đàn bà lắm chông chênh! Ở đoạn trích Trao duyên, chúng ta sẽ không chỉ thấy được tấm lòng hiếu thảo của Kiều khi chấp nhận bỏ mối lương duyên với Kim Trọng để cứu gia đình, mà còn nhận ra sự thông minh khôn khéo của nàng trong cảnh trao duyên cho em gái Thúy Vân. Tự hỏi rằng Thúy Kiều có ích kỷ quá không, khi vừa muốn trọn hiếu lại càng muốn trọn tình với Kim Trọng? Thì xin được trả lời rằng Thúy Kiều quả thực có ích kỷ, nhưng có lẽ so với cái hy sinh của nàng thì Kiều đáng có được sự ích kỷ ấy. Kiều thừa hiểu rằng việc trao duyên cho em là một chuyện hết sức khó khăn và không dễ mở lời. Thế nên nàng đã rào trước đón sau rằng:

"Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

Rõ ràng Kiều làm vậy là đã đưa Thúy Vân vào thế bị động ngay cả khi nàng còn chưa hiểu rõ sự tình, nhưng có lẽ cũng hiểu được tầm quan trọng của sự việc. Kéo Thúy Vân ra khỏi sự vô lo vô nghĩ, đồng thời trao cho nàng một phần trách nhiệm, dẫn đến việc Vân khó có thể từ chối khi chính chị gái mình đã dùng một ngữ điệu khẩn khoản, vừa "cậy" vừa "lạy" như thế. Thế rồi nàng nhanh chóng kể vắn tắt cuộc tình của mình với Kim Trọng đồng thời cũng giải thích những nỗi day dứt, "Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai của mình", để nhận được sự thấu hiểu và thông cảm của em gái. Đó chính là cơ sở để Thúy Kiều có thể nhờ em chắp nốt mối duyên thừa với Kim Trọng, để cho nàng được trọn nghĩa mà an tâm ra đi. Nhưng Kiều không chỉ ép duyên Thúy Vân một cách cứng nhắc, dồn Vân vào thế, mà nàng cũng rất tinh tế bộc lộ sự thấu hiểu của mình đối với cảnh ngộ của Thúy Vân.

"Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

Kiều biết Thúy Vân còn trẻ tuổi, lại không yêu Kim Trọng, giờ đây buộc phải giúp mình làm trọn nghĩa kết tóc quả thực là điều bất công, bởi lẽ sau này cuộc đời Thúy Vân có lẽ cũng không có được hạnh phúc thật sự. Nàng không được quyền chọn lựa, mà phải chắp mối duyên thừa của chị một cách miễn cưỡng. Đồng thời, câu thơ "ngày xuân em hãy còn dài" cũng bộc lộ những nỗi xót xa chôn giấu trong lòng Kiều, ngày xuân của Thúy Vân còn dài, của mình chẳng lẽ lại không, thế mà dường như sau ngày hôm nay Kiều sẽ chẳng còn biết gì đến xuân sắc, đến hạnh phúc được nữa, khi nàng đang phải bước vào một con đường mà đã định sẵn là nhiều đau khổ. Cuối cùng để thuyết phục Thúy Vân thêm lần nữa, Kiều đã lấy cả tình máu mủ ruột già, lấy cả cái tấm lòng mong mỏi "thịt nát xương mòn", dù chết cũng cam nguyện để khiến Thúy Vân thấu hiểu và đồng ý.

Sau khi nhận được cái gật đầu của Thúy Vân, Kiều đã trao lại cho em tất cả tín vật giữa mình và Kim Trọng như một nghi thức trao duyên, từ "chiếc vành" đến "bức tờ mây". Tuy nhiên nàng rõ ràng đã dứt khoát trao duyên nhưng lại vẫn thốt ra một câu nói rất mâu thuẫn "Duyên này thì giữ vật này của chung". Hóa ra Thúy Kiều không mạnh mẽ như ta tưởng tượng, bên cạnh sự thông minh khéo léo, sắc sảo thuyết phục trao duyên cho em, thì ta thấy ở nàng còn là nỗi buồn bã, đau khổ, nhiều tiếc nuối trước chuyện tình tan vỡ. Kiều dù để Thúy Vân gả cho Kim Trọng thế nhưng lại vẫn muốn hai vợ chồng em phải nhớ đến kẻ xấu số là mình, vẫn muốn những vật kỷ niệm là cùng chung sở hữu ba người. Tức là trong mối duyên của Thúy Vân thì Thúy Kiều vẫn muốn mình còn có được một chút tồn tại. Mặc dầu đó là tâm tính ích kỷ, nhưng có lẽ phàm là người, ai trong hoàn cảnh của Kiều cũng sẽ ích kỷ và tư tâm như vậy mà thôi. Kiều không đáng trách.

Sau kết thúc phần trao duyên, Thúy Kiều quay trở lại với những nỗi đau đớn của mình, chữ hiếu đã gần như trọn,chỉ còn chữ tình dở dang, Thúy Kiều không gắng gượng nữa nàng bộc lộ hẳn nỗi đau đớn, vật vã trước tình cảnh của mình bằng những câu thơ đoạn trường, day dứt.

"Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

Kiều thốt lên những tiếng khóc đau đớn trước mối duyên "trâm gãy bình tan", đồng thời bộc lộ tình yêu thương tha thiết với Kim Trọng "kể làm sao xiết muôn vàn ái ân", rồi cuối cùng là lời tạ lỗi, từ biệt đầy xót xa dành cho tình lang "Trăm nghìn gửi lạy tình quân/Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi", để xem như là lời kết thúc cho mối duyên ngắn ngủi của mình với chàng Kim. Đồng thời Thúy Kiều lúc này cũng ý thức một cách rất rõ ràng cái số kiếp hồng nhan bạc mệnh của mình, vừa bạc như vôi trắng, lại lênh đênh, lạc lõng, mỏng manh như cánh hoa trôi theo dòng nước. Hai câu thơ cuối là tiếng khóc đoạn trường, đau đớn đến tột cùng của người con gái bất hạnh trước nghịch cảnh của cuộc đời mà có lẽ lời thơ tựa như rỏ máu, ngập tràn nước mắt tựa như chính cuộc đời Kiều vậy.

Xét về nghệ thuật đoạn trích Trao duyên của Truyện Kiều nổi bật nhất là nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật, bằng những vần thơ tài tình Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy đầy đủ những cung bậc cảm xúc, cũng như suy nghĩ của Thúy Kiều trong lúc trao duyên. Không chỉ là sự suy tính cẩn thận chu toàn sao cho trọn tình, trọng nghĩa, mà còn cả tâm lý ích kỷ trong tình yêu, rồi cả những đớn đau tột cùng của Kiều khi tình yêu tan vỡ, đồng thời còn là cả những dự cảm không lành về cuộc đời của mình. Thể rất rõ chân dung của người phụ nữ tài hoa bạc mệnh nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, mang đến cho độc giả sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc mà không phải tác giả nào cũng làm được như thế.

Đoạn trích Trao duyên là một trong những đoạn trích hay và đặc sắc nhất của Truyện Kiều mà ở đây bức chân dung chân thực nhất về Thúy Kiều đã được bày tỏ. Kiều không chỉ mang trong mình những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý như tấm lòng hiếu thảo, trọn tình trọn nghĩa, hay sự thông minh, khéo léo hiếm có mà bên cạnh đó còn bộc lộ những mặt rất "con người" khi tác giả gợi tả cả sự ích kỷ, tiếc nuối, không cam lòng trong tình yêu với Kim Trọng của nàng. Đồng thời bộc lộ rõ nét tâm trạng đau đớn đoạn trường của Kiều trước những sóng gió ập tới giai đoạn đầu đời.

---------------------HẾT---------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-van-hoc-doan-trich-trao-duyen-58358n.aspx
Trên đây là bài Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên, để tìm hiểu rõ hơn về đoạn trích này mời các em tham khảo các bài viết Phân tích Trao duyên, Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ Trao duyên, Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, Cảm nhận về đoạn Trao duyên.

Tác giả: Ngọc Trinh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên
Phân tích đoạn trích Trao duyên
Cảm nhận của em về 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao duyên
Bình giảng đoạn Trao duyên trích trong Truyện Kiều
Cảm nhận về đoạn Trao duyên
Từ khoá liên quan:

Nghi luan van hoc doan trich Trao duyen

, nghi luan van hoc ve doan trich trao duyen, nghi luan ve doan trich trao duyen cua nguyen du,

SOFT LIÊN QUAN
  • Nghị luận về vấn đề tự học

    Văn nghị luận xã hội về tự học

    Nghị luận về vấn đề tự học là một trong số những vấn đề nghị luận được nhiều người quân tâm hiện nay đặc biệt là các em học sinh. Tài liệu nghị luận về vấn đề tự học giúp các em học sinh có thể tham khảo cũng như nắm bắt ...

Tin Mới