Bếp lửa là một trong những bài thơ hay nhất của Bằng Việt. Qua bài viết Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa, các em sẽ hiểu được ý nghĩa của hình ảnh bếp lửa với nhà thơ, đó không chỉ là ngọn nguồn đã khơi gợi cảm xúc trong nhà thơ mà còn gợi lên những kỉ niệm về tuổi thơ cực nhọc, những suy tư suy ngẫm sâu sắc của chính nhà thơ về người bà yêu quý của mình.
Đề bài: Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa
Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa (Chuẩn)
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu về tác giả Bằng Việt, tác phẩm "Bếp lửa" và hình ảnh bếp lửa.
2. Thân đoạn:
a. Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc:
- Hình ảnh bếp lửa là hình ảnh quen thuộc với người dân Việt Nam và với nhà thơ cũng vậy.
- Hình ảnh bếp lửa hiện lên trong tâm trí nhà thơ gắn liền với hình ảnh của người bà, khơi gợi những sự xúc động về tình cảm bà cháu cũng như những kỉ niệm tuổi thơ
- Điệp từ "một bếp lửa" lặp lại: khẳng định ý nghĩa của bếp lửa đối với nhà thơ.
b. Hình ảnh bếp lửa gắn với những kỉ niệm tuổi thơ gian khó:
- Hình ảnh bếp lửa đối với nhà thơ là những kỉ niệm về những ngày tháng đói khổ bên bà.
+ Đó là những ngày tháng đói khổ, cực nhọc, "đói mòn đói mỏi"
+ Cụm từ "đói mòn đói mỏi": thể hiện cái đói khủng khiếp của đất nước ta.
- Bà và bếp lửa gắn liền với tuổi thơ của cháu, bà thay cha mẹ nuôi lớn cháu, dạy dỗ cháu nên người.
c. Những suy ngẫm về bà:
- Bà là người nhóm lên ngọn lửa và truyền nó cho thế hệ sau:
+ Điệp từ "nhóm" lặp lại: để khẳng định ý nghĩa của công việc bà làm.
+ Bếp lửa của bà không chỉ được nhóm lên bằng những nguyên liệu thông thường mà còn được "nhóm" lên bằng tình yêu thương.
+ Bếp lửa của bà chứa đựng sự yêu thương, sự sẻ chia, những "tâm tình tuổi nhỏ" và cả những ước mơ tương lai của cháu.
+ Hình ảnh bếp lửa đó là hành trang, chỗ dựa vững chắc cho cháu trên bước đường tương lai.
d. Đánh giá chung:
- Hình ảnh bếp lửa là hình ảnh sáng tạo độc đáo của nhà thơ Bằng Việt:
+ Nó gợi lên tình cảm bà cháu thắm thiết của nhà thơ
+ Gợi lên cả tuổi thơ gian khổ cực nhọc của tác giả.
+ Giúp ta hiểu được những suy ngẫm rất hay về người bà của thi nhân.
- Nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ gần gũi, giản dị, mộc mạc.
+ Hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi và ý nghĩa.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định ý nghĩa của hình ảnh bếp lửa.\
II. Những Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa hay nhất
1. Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa, mẫu 1 (Chuẩn)
Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài thơ "Bếp lửa" là một trong những sáng tác hay nhất của ông. Hình ảnh bếp lửa trong tác phẩm đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc. Hình ảnh ấy không chỉ là ngọn nguồn khơi gợi những cảm xúc của nhà thơ mà nó còn gợi lên những kỉ niệm gắn bó của tuổi thơ gian khó và những suy ngẫm về người bà của chính tác giả. Hình ảnh bếp lửa là hình ảnh quen thuộc nhất với làng quê Việt Nam. Và với nhà thơ Bằng Việt cũng vậy, bếp lửa hiện lên cùng hình ảnh của người bà, chứa đựng bao nhiêu là yêu thương ấp ủ, khơi lên trong lòng tác giả những cảm xúc, nỗi mong nhớ về người bà của mình. Bởi chính bếp lửa này và đôi bàn tay bà đã nuôi lớn, giúp cháu trưởng thành. Điệp từ "một bếp lửa" lặp lại liên tiếp như để khẳng định ý nghĩa của hình ảnh bếp lửa đối với nhà thơ. Không chỉ khơi lên nguồn cảm xúc trong tâm hồn nhà thơ, hình ảnh bếp lửa còn gợi lên cả những kỉ niệm về tuổi thơ gian khó của Bằng Việt. Những kỉ niệm tuổi thơ là cái đói nghèo vây quanh "đói mòn đói mỏi", là cái chết vây quanh chực chờ. Thế nhưng, bà vẫn tần tảo, chịu thương chịu khó bên bếp lửa, chắt chiu mọi thứ để giúp cháu vượt qua thời kỳ đen tối đó. Hình ảnh bà lụi cụi nhóm bếp đã ân sâu vào tâm trí cháu. Bà thay cha thay mẹ nuôi cháu lớn, trao cho cháu yêu thương, dạy bảo cháu cách để nên người "Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học". Tất cả tuổi thơ của Bằng Việt đều là hình ảnh của bà và bếp lửa. Nó in đậm sâu trong tâm trí nhà thơ để đến khi đi xa, đến một đất nước khác, ông vẫn không thể nào quên được. Đứng ở một nơi xa xôi, xa bà, xa bếp lửa ngày xưa, thi nhân mới có dịp suy ngẫm sâu sắc về bà. Điệp từ "nhóm" được lặp lại ở mỗi đầu câu vừa tả thực lại vừa có ý nghĩa ẩn dụ. Bếp lửa của bà không chỉ được nhóm bằng thứ nguyên liệu tự nhiên mà nó còn được nhóm lên bởi tình yêu thương vô bờ bến, niềm tin và sự sẻ chia của bà. Bà "nhóm" bếp không chỉ để nấu cơm, nấu sắn mà còn "nhóm" yêu thương, ước mơ cho người cháu của mình. Bằng những lời thơ giàu sức gợi, ngôn từ gần gũi, giản dị, nhà thơ Bằng Việt đã sáng tạo thành công hình ảnh bếp lửa gắn bó với những kỉ niệm về bà. Hình ảnh đó là biểu tượng đầy xúc động về tuổi thơ gian khó cũng như về tình cảm bà cháu thắm thiết, sâu nặng.
2. Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa, mẫu 2 (Chuẩn)
Có những chi tiết nhỏ tạo nên thành công cho tác phẩm và hình ảnh bếp lửa trong bài thơ "Bếp lửa" của nhà thơ Bằng Việt là một chi tiết như thế. Mở đầu bài thơ là những cảm xúc chân thành của nhà thơ khi nhớ về hình ảnh bếp lửa thuở xưa "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm". Bếp lửa là hình ảnh gắn bó, thân thuộc với mọi người dân Việt Nam và với nhà thơ Bằng Việt cũng vậy. Bếp lửa đã làm hiện lên trong tâm hồn nhà thơ bao nhiêu là cảm xúc, về tuổi thơ, về người bà của mình. Điệp từ "một bếp lửa" được lặp lại ở hai câu đầu của bài thơ như một lời điệp khúc tha thiết, nhắc nhở người cháu về những kỉ niệm về bà, về những ngày xưa. Người cháu lớn lên dưới đôi bàn tay tần tảo của bà trong suốt những năm tháng đen tối, u ám nhất của dân tộc Việt Nam. Bà là người thay cha thay mẹ đùm bọc, yêu thương cháu. Để tới khi cháu lớn khôn, trưởng thành, bà trở thành người giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ sau. Bếp lửa bà nhóm lên không chỉ bằng những nguyên liệu của tự nhiên mà còn bằng cả những tình yêu thương, sẻ chia, sự tần tảo sớm hôm của bà. Điệp từ "nhóm" lặp lại ở mỗi đầu câu thơ vừa có nghĩa tả thực lại vừa có ý nghĩa ẩn dụ. Hình ảnh bếp lửa bà nhóm lên mỗi sớm mai không chỉ để nấu những nồi xôi thơm, nồi "khoai sắn ngọt bùi" mà còn nhóm lên cả những yêu thương, sẻ chia, ước mơ "tâm tình tuổi nhỏ" của cháu nữa. Ngọn lửa của bà chứa bao yêu thương, nồng thắm. Bà "nhóm" lên ngọn lửa và truyền lại ngọn lửa cháy bỏng ấy cho những thế hệ sau. Hình ảnh bếp lửa của bà sẽ là hành trang, là điểm tựa để cháy vươn xa hơn trên bước đường tương lai. Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Bằng Việt là một hình ảnh rất sáng tạo và ý nghĩa được tạo nên từ những ngôn từ bình dị, những hình ảnh đẹp, giàu sức gợi và ý nghĩa. Hình ảnh bếp lửa đưa người đọc trở về những ngày tháng tuổi thơ của tác giả, trở về với những kỉ niệm đẹp của người cháu bên bà.
3. Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa, mẫu 3 (Chuẩn)
"Bếp lửa" là bài thơ rất hay về tình cảm bà cháu của nhà thơ Bằng Việt. Và hình ảnh xuyên suốt tác phẩm, có ý nghĩa lớn lao và sâu sắc là hình ảnh bếp lửa. Hình ảnh đó đã cho chúng ta thấy được ngọn nguồn khơi gợi xúc cảm của nhà thơ, tái hiện cho chúng ta một tuổi thơ cực nhọc, gian khó và cuối cùng cho ta thấy được những suy ngẫm rất sâu sắc về người bà của chính tác giả. Bài thơ được mở đầu bằng chính hình ảnh bếp lửa "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm". Bếp lửa được người bà của Bằng Việt thắp sáng mỗi khi sớm mai. Đó là hình ảnh quen thuộc trong tâm trí nhà thơ và cũng là hình ảnh không thể quên của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Bếp lửa đã khơi gợi lên trong lòng nhà thơ nhiều cảm xúc về tuổi thơ, về người bà của mình. Hơn thế, hình ảnh bếp lửa mỗi sớm mai "chờn vờn sương sớm" ấy còn làm gợi lên trong sâu thẳm tâm hồn của nhà thơ những kỉ niệm về tuổi thơ. Đó là một tuổi thơ gian khó vô cùng khi cả đất nước ta đang phải chịu cùng một lúc hai ách thống trị khiến cho đất nước ta rơi vào cảnh "đói mòn đói mỏi". Bà là người đã thầm lặng hi sinh, tần tảo sớm hôm để nuôi sống nhà thơ qua quãng thời gian đó. Những kỉ niệm về bà với tình yêu thương trong những năm tháng gian khổ in đậm trong tâm hồn thi nhân. Tất cả tuổi thơ của nhà thơ đều là bà cùng hình ảnh về bếp lửa. Chính những điều đó đã nuôi sống nhà thơ, để nhà thơ ngày hôm nay được đến học tập ở một đất nước xa xôi. Người bà của Bằng Việt đã giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa từ ngày đó đến tận bây giờ. Bếp lửa của bà không chỉ được nhóm bằng những nguyên liệu tự nhiên mà nó còn được "nhóm" lên bằng tình yêu thương, sự sẻ chia của bà. Bếp lửa là nơi bà "nhóm" và truyền lại ngọn lửa cho những thế hệ sau. Nhóm lên ngọn lửa, bà còn nhóm lên tất cả yêu thương, sẻ chia "tâm tình tuổi nhỏ", nhóm lên ước mơ về tương lai cho đứa cháu nhỏ của mình. Đó là những suy ngẫm rất chân thật và sâu lắng của chính nhà thơ với bà của mình. Có thể nói, hình ảnh bếp lửa là một hình ảnh đẹp, gắn liền với bà của nhà thờ, gắn liền với tình cảm bà cháu thắm thiết.
----------------HẾT----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/doan-van-phan-tich-hinh-anh-bep-lua-trong-bai-bep-lua-69645n.aspx
Để tìm hiểu thêm về tác phẩm Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt cũng như ý nghĩa của hình ảnh bếp lửa đối với nhà thơ, mời các bạn tìm đọc thêm các bài viết khác của chúng tôi như: Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa, Ý nghĩa nhan đề bài thơ Bếp lửa, Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện Bếp lửa, Phân tích khổ 4 bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.