Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa

Có thể nói rằng “Bếp lửa” của Bằng Việt chính là một trong những bài thơ hay nhất về tình bà cháu. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa là đề văn giúp em khám phá được một khía cạnh của bài thơ này, hãy cùng tìm hiểu nhé.

Đề bài: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
   1. Bài mẫu số 1.
   2. Bài mẫu số 2.
   3. Bài mẫu số 3.
   4. Bài mẫu số 4.
   5. Bài mẫu số 5.

viet doan van neu cam nhan ve hinh anh nguoi ba trong bai tho bep lua

Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt hay nhất


I. Dàn ý Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở đoạn

Giới thiệu tác giả Bằng Việt, bài thơ Bếp lửa, hình ảnh người bà trong bài thơ.

2. Thân đoạn

- Bà là người đã chăm sóc, dạy dỗ cháu suốt năm tháng tuổi thơ:
+ Bàn tay bà "ấp iu" kiên nhẫn, chi chút với công việc nhóm lửa.
+ Tuổi thơ nhiều gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn; cháu sống trong sự cưu mang, dạy dỗ của bà.

- Bà luôn vững lòng, trở thành hậu phương vững chắc cho cả gia đình:
+ Tình bà ấm áp, là chỗ dựa tinh thần: bà bảo cháu nghe, dạy cháu làm, chăm cháu học.
+ Bà chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, dù thế nào cũng không để tiền tuyến phải lo toan.

- Bà tần tảo sớm khuya, nhen nhóm lên ngọn lửa niềm tin, tình yêu thương: Bà là người nhóm lửa, cũng là người giữ lửa cho ngọn lửa luôn ấm nóng, tỏa sáng trong gia đình.

- Đánh giá chung: Hình ảnh người bà luôn gắn liền với bếp lửa, trở thành đại diện cho người phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp tảo tần, nhẫn nại, yêu thương.

3. Kết đoạn

Nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ.


II. Những đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa hay nhất


1. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa của HSG, mẫu 1 (Chuẩn)

Bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt là lời của người cháu ở nơi xa nhớ về bà và những ngày tháng tuổi thơ bên bà. Người bà hiện lên trong bài thơ là người bà giàu yêu thương, đôi tay bà "ấp iu" kiên nhẫn, khéo léo và chi chút để thắp lên bếp lửa nồng đượm. Bà cùng cháu trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy khó khăn, nhọc nhằn, thiếu thốn "Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa". Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gia đình chỉ còn lại bà và cháu nương tựa nhau do cha mẹ đi công tác. Sự hiện diện của bếp lửa chính là nhân chứng cho sự cưu mang, dạy dỗ, chăm sóc của bà dành cho cháu suốt tám năm cháu sống cùng bà. Tình bà ấm áp như bếp lửa, cuộc đời bà khó nhọc là vậy nhưng bà vẫn luôn dành cho cháu những điều tốt đẹp nhất: "Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học". Bà là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất của cháu, bà cưu mang đùm bọc đầy chi chút, để đến khi người cháu ở nơi xa nghe thấy tiếng chim tu hú quen thuộc của những cánh đồng quê mỗi mùa hè gợi nên tình cảnh vắng vẻ của bà nơi quê nhà. Cuộc đời bà gắn liền với bếp lửa, ngọn lửa, bà là người nhóm lửa, giữ, lửa và truyền lửa, ngọn lửa bà nhóm là ngọn lửa của tình yêu thương, của niềm tin, hy vọng. Suốt mấy chục năm, bà vẫn luôn tần tảo, hy sinh và chăm lo cho mọi người trong gia đình, bếp lửa bà nhóm lên mỗi sớm mai còn nhóm cả những tâm tình tuổi nhỏ. Bếp lửa bà nhen không chỉ là từ hòn than, que củi mà còn nhen bởi ngọn lửa trong trái tim bà, đó là ngọn lửa của sức sống, lòng yêu thương và niềm tin. Người bà trong bếp lửa của Bằng Việt không chỉ là đại diện cho người bà, người mẹ Việt Nam với những đức tính cao đẹp, sự hy sinh cao cả mà còn là người truyền lửa, nhen nhóm trong thế hệ sau tình yêu con người, tình yêu đất nước.


2. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa siêu hay, mẫu 2 (Chuẩn)

Bếp lửa là bài thơ cảm động mà tác giả Bằng Việt viết về người bà của mình. Hình ảnh người bà hiện lên trong trang thơ thật gần gũi, bình dị nhưng cũng thật đẹp. Từ hình ảnh bếp lửa thân thương, ấm áp "bếp lửa chờn vờn sương sớm", những kỉ niệm về bà và những năm tháng tuổi thơ bên bà như con sóng cuộn trào trong dòng hồi ức của người cháu. Từ "ấp iu" gợi đến hình ảnh bàn tay bà kiên nhẫn, khéo léo, chắt chiu nhóm bếp mỗi sáng sớm. Hình ảnh bếp lửa ấy đã gợi lại cả một tuổi thơ có bà bên cháu, tuổi thơ ấy nhọc nhằn, thiếu thốn và khó khăn, có nạn đói, có chiến tranh. Gia đình cha và mẹ đi công tác không về, chỉ còn cháu ở với bà, bà cưu mang dạy dỗ, bà là chỗ dựa chở che cho cháu, là hậu phương vững chắc cho cha mẹ yên tâm công tác. "Tám năm ròng cùng bà nhóm lửa" rồi "khói hun nhèm mắt cháu", nhờ có bà mà cháu có ý thức tự lập, sớm biết lo toan và biết thương bà. Bà chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ, bà bảo cháu nghe, bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học, tình thương của bà ấm áp như hơi ấm bếp lửa. Bài thơ còn là những suy ngẫm của cháu về cuộc đời bà, cả cuộc đời bà gắn liền với bếp lửa, ngọn lửa, bà chính là người nhóm lửa, người giữ ngọn lửa yêu thương luôn ấm nóng. Suốt "Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ" bà vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa, đó chính là sự tần tảo, đức hy sinh vì con vì cháu của bà, mỗi bếp lửa bà nhóm lên đều là bếp lửa yêu thương, mang tới niềm vui sưởi ấm, san sẻ và "Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ". Dù là người cháu trong bài thơ hay là bất kì ai cũng khó để quên ngọn lửa thiêng liêng bà nhóm, ngọn lửa của bà cho cháu hiểu thêm dân tộc mình, trở thành điều kì diệu nâng bước cháu trên suốt cuộc đời. Bà trong "Bếp lửa" của Bằng Việt chính là người phụ nữ Việt Nam muôn thuở tần tảo, nhẫn nại và yêu thương, bà gắn với bếp lửa, bếp lửa là tình bà ấm nóng, là tay bà chăm chút, là gian khổ và tình yêu của bà, bà là người truyền lửa - ngọn lửa của niềm tin, sự sống cho các thế hệ sau.


3. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa ngắn gọn, mẫu 3 (Chuẩn)

Đọc bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt, chúng ta không khỏi cảm động trước tình cảm thương yêu, kính trọng của người cháu dành cho bà. Người bà hiện lên với dáng vẻ thân thương, ấm áp bên "bếp lửa ấp iu nồng đượm". Bà chính là người tần tảo nhóm bếp mỗi sớm mai, từ "ấp iu" gợi hình ảnh bàn tay bà đầy khéo léo, kiên nhẫn với công việc nhóm lửa. Một mình bà phải gồng gánh mọi lo toan trong hoàn cảnh nạn đói lại chiến tranh, nhưng bà vẫn cưu mang và dạy dỗ cháu nên người. Tuổi thơ của cháu được bà thay cha, thay mẹ tần tảo chăm lo, bà đùm bọc chi chút bà bảo, bà dạy, bà chăm, từng thứ từng việc từng điều hay lẽ phải, dạy cháu biết ăn biết mặc, biết học hành và tự lập, và còn biết yêu nước "Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học". Dù nhà đã bị giặc đốt cháy tàn cháy rụi nhưng để cho cha mẹ nơi tiền tuyến yên tâm công tác bà vẫn dặn cháu "Cứ bảo nhà vẫn được bình yên". Bà nhóm lên bếp lửa, nhóm bằng chính ngọn lửa niềm tin trong lòng bà "Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn", cuộc đời bà đã lận đận nắng mưa suốt mấy chục năm, cho đến giờ vẫn vậy, thói quen của bà vẫn là nhóm bếp lửa, vẫn là sự tần tảo sớm hôm, chăm lo chi chút cho mọi người trong gia đình. Bếp của bà nhóm lên niềm yêu thương, có khoai sắn ngọt bùi, có xôi gạo thơm ngon và cả những tâm tình tuổi nhỏ. Bằng việc kết hợp giữa miêu tả, biểu cảm, tự sự và bình luận, bài thơ bếp lửa đã gợi lên hình ảnh người bà thật đẹp đẽ, cuộc đời bà thật giản dị mà cao quý.

 

4. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa, mẫu 4 (Chuẩn)

4.1. Gợi ý dàn ý Cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa:

4.1.1. Mở đoạn:
- Giới thiệu khái quát về hình ảnh người bà trong bài thơ "Bếp lửa".
4.1.2. Thân đoạn:
- Người bà hiện lên trong nỗi nhớ của người cháu:
+ Người vất vả, tần tảo sớm hôm: "biết mấy nắng mưa".
+ Bà hay kể chuyện, bà nuôi dạy cháu nên người.
+ Bà không cho cháu kể chuyện nhà bị cháy với bố -> Không muốn bố lo lắng, yên tâm công tác.
=> Bà là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam anh dũng, kiên cường, đầy ắp tình yêu thương và tinh thần quật cường, không ngại gian khổ hi sinh. 
- Những suy ngẫm, chiêm nghiệm của cháu về cuộc đời bà:
+ Bà luôn luôn là người thắp lửa, giữ cho ngọn lửa luôn cháy "ấp iu nồng đượm". Đây chính là ngọn lửa của niềm tin hi vọng, của khát vọng sống, hướng đến tương lai tươi sáng.
+ Tuy phải trải qua quá nhiều khó khăn, nắng mưa lận đận nhưng bà luôn giữ một tinh thần lạc quan, vững vàng, là hậu phương để con cháu có thể dựa vào.
- Tuy cháu phải tạm xa quê hương nhưng vẫn luôn nhớ thương, biết ơn người bà đáng kính của mình.
- Nghệ thuật: 
+ Lời thơ bộc lộ cảm xúc trực tiếp, rõ ràng.
+ Có sự kết hợp của nhiều phương thức biểu đạt như: tự sự, miêu tả, biểu cảm,... giúp cho bức chân dung về người bà được hiện lên sáng rõ. 
4.1.3. Kết đoạn
- Khái quát lại về hình ảnh người bà trong bài thơ

4.2. Đoạn văn mẫu nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa hay nhất:

Trong rất nhiều tác phẩm viết về tình cảm bà cháu, có một bài thơ khiến ta không khỏi rưng rưng mỗi lần đọc lại. Đó chính là "Bếp lửa" của Bằng Việt. Bài thơ đã cho ta thấy hình tượng một người bà tần tảo, giàu đức hi sinh và yêu thương cháu. Đầu tiên, bà hiện lên trong nỗi nhớ của người cháu "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Ngay từ câu thơ đó, ta đã biết được bà là một người phụ nữ có cuộc đời đầy vất vả qua cụm từ "biết mấy nắng mưa". Bà chính là người nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu trưởng thành. Trong những ngày tháng bên bà, cháu được nghe "kể chuyện những ngày ở Huế", "Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học". Bà chính là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng cháu trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Đến khi giặc đốt làng, ngôi nhà của hai bà cháu cũng cháy thành tro. Thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn mạnh mẽ, kiên cường cùng mọi người dựng lại túp lều tranh. Bà còn ngăn cháu không được kể chuyện với bố ở chiến khu, không muốn bố phải bận lòng chuyện gia đình. Từ những biểu hiện trên, người đọc dễ dàng thấy được người bà trong tác phẩm chính là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam anh dũng, kiên cường, không ngại khó khăn gian khổ, luôn là hậu phương vững chắc của những người lính trên chiến trường. Không những thế, bà còn là người thắp lửa, giữ lửa. Đó là ngọn lửa để nuôi lớn cháu với bao "khoai sắn ngọt bùi", nồi xôi gạo mới", thắp lên những "tâm tình" của đứa cháu nhỏ. Không những vậy, ngọn lửa ấy còn là niềm tin, khát vọng sống mãnh liệt luôn được bà ấp iu, gìn giữ để truyền cho người cháu. Chính vì những lẽ ấy, người cháu đã khôn lớn trưởng thành. Dù có đi xa nhưng vẫn luôn biết ơn, nhớ thương người bà đáng kính của mình. Để vẽ lại bức chân dung của bà, tác giả Bằng Việt đã sử dụng kết hợp rất nhiều phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm. Thông qua đó, ta thấy người bà tần tảo, vất vả, chịu thương chịu khó nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu nên người. 


5. Đoạn văn cảm nhận hình ảnh người bà trong Bếp lửa siêu hay ngắn gọn - mẫu số 5:

Trong suốt những năm tháng thơ ấu, tác giả Bằng Việt đã lớn lên bên bà, được bà chăm sóc. Người phụ nữ ấy chính là nguồn cảm hứng lớn cho các sáng tác của ông, nổi tiếng nhất là bài "Bếp lửa". Chân dung người bà trong tác phẩm này được hiện lên qua nỗi nhớ cùng sự hồi tưởng của người cháu. Bà là người phụ nữ tần tảo, từng phải trải qua bao "nắng mưa", sương gió của cuộc đời. Ông đã tổng kết sự chăm sóc, nuôi dưỡng của bà trong tám năm bằng hai câu thơ "Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học". Chỉ hai câu thơ ngắn gọn cũng đủ để khái quát được tình yêu thương của bà và lòng biết ơn của đứa cháu bé bỏng. Chính trong những ngày tháng đó, tác giả đã được bà truyền lại ngọn lửa của niềm tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng, của khát vọng sống cao đẹp, mãnh liệt. Không những thế, năm giặc đốt làng "cháy tàn cháy rụi", người phụ nữ ấy vẫn mạnh mẽ, kiên cường đối mặt. Bà không muốn cháu kể với bố ở chiến khu mà chỉ cùng mọi người dựng lại túp lều tranh. Dù có quá nhiều mất mát nhưng bà vẫn giữ một tinh thần lạc quan, là hậu phương vững chắc để con cháu có thể dựa vào. Bằng lời thơ giàu chất trữ tình, kết hợp giữa tự sự, miêu tả và đặc biệt là việc trực tiếp bộc lộ cảm xúc qua các từ "thương", "nhớ", Bằng Việt đã phác họa cho người đọc bức chân dung một người bà tần tảo, giàu đức hi sinh và rất yêu thương cháu. Chính vì thế mà sau này, dù có học tập ở xứ người, tác giả vẫn không khi nào nguôi nỗi nhớ bà. Mỗi lần nhìn thấy khói từ tàu hỏa hay mái nhà ai bay lên thì hình ảnh người bà ngồi bên bếp lửa lại ùa về đầy mãnh liệt.

-----------------HẾT-----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-neu-cam-nhan-ve-hinh-anh-nguoi-ba-trong-bai-tho-bep-lua-69597n.aspx
Người bà trong bài thơ "Bếp lửa" chính là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ, kiên cường, yêu thương con cháu, giàu đức hi sinh. Bên cạnh các bài văn cảm nhận, còn có những bài văn phân tích về bài thơ Bếp lửa các em có thể tham khảo như: Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa, Phân tích 2 khổ cuối bài thơ Bếp lửa,  Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa,...những bài văn này sẽ góp phần giúp các em phân tích từng lớp nội dung và ý nghĩa cũng như nghệ thuật của bài thơ,

Tác giả: Trần Thuỳ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Đoạn văn cảm nhận những suy ngẫm của người cháu về bà và bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa
Phân tích hình ảnh người bà và ngọn lửa qua đoạn thơ: "Rồi sớm rồi chiều... thiêng liêng - bếp lửa"
Đoạn văn cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa
Phân tích hình tượng người bà trong bài Bếp lửa
Đoạn văn phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa
Từ khoá liên quan:

viet doan van neu cam nhan ve hinh anh nguoi ba trong bai tho bep lua

, viet doan van dien dich khoang 15 cau neu cam nhan cua em ve hinh anh nguoi ba, viet doan van 5 den 7 cau neu suy nghi cua em ve hinh anh nguoi ba trong cuoc song,

SOFT LIÊN QUAN
  • Cảm nghĩ về người bà

    Kể về Bà ngoại, bà nội

    Những bài viết Cảm nghĩ về người bà là một trong số những bài thể hiện được cảm xúc cũng như những suy nghĩ của mình về người bà, các bạn hãy cùng tham khảo chi tiết dưới đây để có thể hòa thiện bài văn Cảm nghĩ về người bà dễ dàng và hay nhất nhé.

Tin Mới