Những cảm xúc sâu sắc về bếp lửa, về tình bà cháu đã được nhà thơ Bằng Việt đúc kết và gửi gắm qua đoạn kết bài thơ, vậy em cùng nêu những cảm nhận về bài thơ Bếp lửa, đặc biệt là Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa để cảm nhận trọn vẹn những cảm xúc thiêng liêng này.
Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa
Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa
I. Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa (Chuẩn)
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả Bằng Việt cùng bài thơ "Bếp lửa"
- Giới thiệu vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ "Bếp lửa"
2. Thân bài
a. Khái quát về mạch cảm xúc của bài thơ để thấy được vị trí của khổ thơ cuối
Là lời tự bạch của tác giả
b. Khổ thơ thể hiện rõ nỗi nhớ về bà và bếp lửa luôn thường trực trong tâm hồn tác giả
- Nỗi nhớ về bà và bếp lửa được gợi ra từ những đổi thay của cuộc sống thực tại
+ Dòng thơ đầu với dấu phẩy ngăn cách ở giữa → Gợi sự trôi chảy và thay đổi của thời gian.
+ Điệp từ "trăm", "có" cùng biện pháp liệt kê nhấn mạnh sự thay đổi của cuộc sống mới...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa tại đây.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa (Chuẩn)
Tình cảm gia đình luôn là tình cảm hết sức thiêng liêng cao đẹp trong tâm tưởng của mỗi một con người Việt Nam. Viết về đề tài này, nhà thơ Bằng Việt đã có những vần thơ rất hay thông qua tác phẩm "Bếp lửa". Qua bài thơ, chúng ta thấy được vẻ đẹp của tình bà cháu qua dòng hồi tưởng về quá khứ được sống trong sự bao bọc, chở che của người bà. Và sự đùm bọc, yêu thương đó đã trở thành hành trang đi theo suốt cuộc đời tác giả. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua khổ thơ cuối của bài thơ:
"Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?"
Bài thơ "Bếp lửa" được kiến tạo theo mạch cảm xúc hồi tưởng từ cảm xúc đến hiện tại. Sau khi nhớ về những kỉ niệm bên bà và bếp lửa năm lên bốn tuổi, tám tuổi và những năm kháng chiến, tác giả Bằng Việt đã quay trở về thực tại để gửi gắm nỗi nhớ mong luôn khắc khoải, thường trực trong tâm trí về người bà cùng những tháng năm được sống trong sự chở che, đùm bọc, thương yêu.
Khổ thơ cuối được mở đầu bằng những câu thơ miêu tả sự đổi khác của cuộc sống thực tại. Ở dòng thơ đầu tiên, với dấu phẩy được ngăn cách ở giữa, chia tách câu thơ làm đôi: "Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu" đã gợi sự đổi thay về thời gian cũng như không gian. Đó là sự vận động từ quá khứ, hồi ức đến hiện tại, đồng thời không gian căn bếp thân thuộc trong tâm tưởng cũng được thay thế bằng những khoảng trời rộng lớn của thế giới bên ngoài. Điệp từ "trăm", "có" kết hợp với thủ pháp liệt kê đã nhấn mạnh hơn nữa những thay đổi đó. Cuộc sống hiện tại giờ đây nhộn nhịp hơn với "ngọn khói trăm tàu","lửa trăm nhà", "niềm vui trăm ngả". Tác giả Nguyễn Duy cũng đã từng miêu tả cuộc sống mới sau khi đất nước giành được độc lập qua những chi tiết "ánh điện", "cửa gương", "đèn điện", "phòng buyn - đinh" trong bài thơ "Ánh trăng". Như vậy, sự thay đổi của cuộc sống con người luôn là một vận động mang tính quy luật và tất yếu. Nhưng trong tâm hồn người cháu vẫn luôn khắc khoải, thường trực nỗi nhớ về người bà: "Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?". Câu hỏi tu từ đã tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng bởi ở khổ thơ đầu của bài thơ, tác giả cũng nhắc đến hình ảnh người bà và bếp lửa với ý nghĩa là nơi bắt đầu nỗi nhớ:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!"
Như vậy, nơi bắt đầu nỗi nhớ chính là hình ảnh quen thuộc, ấm áp của tình bà cháu, và kết thúc bài thơ, hình ảnh đó tiếp tục xuất hiện và được nhấn mạnh hơn nữa thông qua câu hỏi tu từ, cho thấy nỗi nhớ về người bà tần tảo sớm hôm luôn khắc khoải và thường trực trong tâm hồn của tác giả dẫu cho thời gian không ngừng chảy trôi và nhịp sống đã đổi khác.
Nỗi nhớ của tác giả về những năm tháng tuổi thơ được sống trong tình yêu thương của người bà không chỉ tái hiện câu chuyện cảm động về tình cảm bà cháu thiêng liêng, cao quý mà còn thể hiện vẻ đẹp của lối sống "uống nước nhớ nguồn". Dẫu cuộc sống đổi thay theo hướng hiện đại nhưng người cháu vẫn luôn "chẳng lúc nào quên nhắc nhở" bản thân trân trọng những giá trị, những kỉ niệm thuộc về quá khứ. Nếu như sự "giật mình" thức tỉnh của nhà thơ Nguyễn Duy về lối sống ân nghĩa thủy chung được gợi nên từ "vầng trăng tình nghĩa" thì tác giả Bằng Việt lại không ngừng tự nhắc nhở bản thân nhớ về những gì đã qua. Dù cuộc sống đổi khác nhưng quá khứ vẫn luôn sống động trong tâm hồn tác giả.
Như vậy, thông qua nỗi nhớ thường trực, khắc khoải của người cháu, chúng ta có thể thấy được tình cảm sâu nặng đối với cội nguồn. Đồng thời, nỗi nhớ đó đã góp phần tô đậm hơn nữa tình cảm bà cháu thiêng liêng, cao quý. Tất cả đã được làm nổi bật thông qua hệ thống hình ảnh thơ hết sức bình dị, gần gũi nhưng vẫn giàu sức gợi, tạo nên dòng cảm xúc chân thành, tha thiết nhưng vẫn ẩn chứa những bài học triết lí về đạo lí "uống nước nhớ nguồn"và trân trọng quá khứ.
-----------------HẾT-------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-dep-kho-tho-cuoi-trong-bai-tho-bep-lua-47892n.aspx
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa, để cảm nhận sâu sắc nhất về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình bà cháu thiêng liêng, đẹp đẽ, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa, Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa, Bình giảng ba khổ thơ đầu bài Bếp lửa của Bằng Việt.