Trong cuộc sống, sẽ có những lúc chúng ta khiến người khác bị tổn thương. Dưới đây là đoạn văn về chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn, Ngữ văn 10, Cánh Diều, học kì II. Các em cùng theo dõi và tham khảo bài viết nhé!
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) triển khai ý từ câu chủ đề sau đây: Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn.
Bài văn mẫu Đoạn văn chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn ngắn gọn, hay nhất
I. Dàn ý chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận và nêu câu chủ đề.
2. Thân đoạn:
- Nêu một số biểu hiện của sự vô tâm:
+ Không quan tâm, để ý đến cảm xúc của người khác.
+ Có những lời nói thiếu chuẩn mực, lớn tiếng với mọi người; xúc phạm, châm chọc người khác.
+ Dửng dưng trước nỗi đau của ai đó.
+ Cảm thấy phiền phức trước sự quan tâm, yêu thương của bố mẹ, gia đình.
- Nguyên nhân dẫn đến sự vô tâm:
+ Do bản thân ích kỉ, mong muốn được hưởng thụ nên thiếu đi sự đồng cảm, thấu hiểu với người khác.
+ Có suy nghĩ lệch lạc, không đúng đắn, cho rằng mọi chuyện là bình thường, không phải việc của mình nên không quan tâm.
+ Cuộc sống bận rộn, gánh nặng mưu sinh.
- Hậu quả của việc vô tâm:
+ Khiến người thân và những người xung quanh cảm thấy chạnh lòng, tổn thương.
+ Thể hiện bản thân là một người ích kỉ, thờ ơ, vô cảm.
+ Các mối quan hệ dần trở nên xa cách.
- Đề xuất một số giải pháp:
+ Quan tâm nhiều hơn đến mọi người.
+ Có lối hành xử, thái độ, lời nói đúng mực, thể hiện sự tôn trọng với người khác.
+ Sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu đối với hoàn cảnh của những người xung quanh.
- Phê phán những người luôn vô tâm với người khác.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.
II. Đoạn văn chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn tham khảo:
1. Đoạn văn chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn - mẫu số 1:
"Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn" - đó là câu văn mà tôi luôn yêu thích và khắc cốt ghi tâm. Câu nói ấy đã nhắc nhở và khuyên răn tôi cần phải yêu thương, thấu hiểu và đồng cảm hơn đối với mọi người, đặc biệt là người thân. Bởi họ chính là những người luôn bên cạnh, thương yêu tôi vô điều kiện. Tôi biết rằng, có những lúc mải chơi hoặc cuốn vào công việc, học hành bận rộn mà tôi quên mất bố mẹ, người thân cũng cần được quan tâm, giúp đỡ. Nhiều khi, tôi tự trách mình vì đã dửng dưng, hờ hững trước những lời chia sẻ, than phiền của mẹ hay thái độ cáu kỉnh mỗi lần bố mẹ săn sóc. Tôi chắc rằng, chúng ta đã ít nhất một lần như vậy. Vì thế đừng để người thân bị tổn thương chỉ vì sự thờ ơ, vô tâm của mình bạn nhé!
Dàn ý và đoạn văn mẫu chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn
2. Đoạn văn chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn - mẫu số 2:
"Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn" - đó là những gì tôi rút ra được sau những lần khiến gia đình, người thân thất vọng, buồn chán. Do bản tính ích kỉ, mong muốn được hưởng thụ nên tôi dần thiếu đi sự đồng cảm, thấu hiểu với mọi người. Có những lúc thấy người thân buồn tủi, đau ốm, tôi chỉ hỏi qua loa, coi đó là bình thường, không phải việc của mình nên không cần bận tâm. Dần dần, mối quan hệ giữa tôi với các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách. Nhận ra được điều này, tôi luôn cố gắng thay đổi, sửa chữa từng ngày. Tôi tích cực trò chuyện, quan tâm nhiều hơn đến mọi người. Đồng thời, học cách lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu đối với những người xung quanh. Tôi nghĩ rằng, không ít người cũng như tôi, đã từng khiến người thân tổn thương vì sự vô tâm, lạnh lùng của mình. Các bạn hãy thay đổi trước khi quá muộn nhé!
3. Đoạn văn chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn - mẫu số 3:
"Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn" - đây là câu nói thức tỉnh những ai đang chìm sâu vào lối sống thờ ơ, vô cảm với mọi người. Marxim Gorki đã từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương". Tình thương giống như ngọn lửa sưởi ấm con người, giúp mỗi người vượt qua được những nỗi đau, mặc cảm trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều này. Họ chọn lối sống khép mình, dửng dưng trước sự đau khổ, mất mát của người khác. Chính điều này đã khiến cho những mối quan hệ trở nên xa cách, không còn gắn bó với nhau. Đặc biệt, đây còn là điều tối kị giữa những người thân trong gia đình. Chỉ khi chúng ta thực sự yêu thương, thấu hiểu và học cách chia sẻ với mọi người, ta mới có thể nhận lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
4. Đoạn văn chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn - mẫu số 4:
Trong thời đại ngày nay, con người ngày càng thờ ơ, vô cảm, bởi vậy, chúng ta cần ghi nhớ câu nói "Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn". Cuộc sống bận rộn khiến con người phải quay cuồng trong gánh nặng mưu sinh. Họ không có thời gian để quan tâm chính mình cũng như người thân trong gia đình. Đôi khi, chỉ vì quá mệt mỏi, áp lực với công việc nên mọi người dễ cáu gắt trước những lời quan tâm, chia sẻ, than phiền của người khác. Từ đó, dễ gây tổn thương đến người xung quanh và bị cho là vô tâm, ích kỉ. Để cải thiện điều này, chúng ta hãy mở lòng đón nhận, lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn đến mọi người, đặc biệt là những người thân yêu. Hãy giúp đỡ, yêu thương họ khi còn có thể bởi họ chính là người luôn bên cạnh, yêu thương ta vô điều kiện!
5. Đoạn văn chủ đề Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn - mẫu số 5:
Trong cuộc sống, mỗi người cần tự nhắc nhở bản thân mình rằng: "Đừng để người thân bị tổn thương vì sự vô tâm của bạn.". Tôi cho rằng, đây là câu nói đặc biệt cần thiết và hữu ích ở thời đại ngày nay. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chúng ta trở về nhà với một thái độ mệt mỏi, bực dọc. Ta sẵn sàng to tiếng, quát tháo, cáu kỉnh với tất cả mọi người chỉ để thỏa mãn cơn giận, cảm xúc của bản thân mà không biết rằng những thành viên trong gia đình cũng cần được sẻ chia, tôn trọng. Chỉ vì bản tính ích kỉ, có những người thậm chí còn không hề quan tâm đến nỗi đau của người khác. Khi thấy bố mẹ, ông bà ốm đau, họ chẳng buồn hỏi han, chăm sóc. Dần dần, sự kết nối trong gia đình ngày càng mờ nhạt, cách xa. Mỗi người chúng ta hãy học cách thay đổi trước khi quá muộn. Để tránh làm tổn thương người thân, trước hết, mỗi người cần phải học cách kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Tiếp đến, có lối hành xử, thái độ, lời nói đúng mực, thể hiện sự tôn trọng với người khác. Có như vậy, chúng ta mới không làm người thân cảm thấy buồn phiền, tủi thân.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/doan-van-chu-de-dung-de-nguoi-than-bi-ton-thuong-vi-su-vo-tam-cua-ban-74701n.aspx
Chúng ta không tránh khỏi những lúc làm tổn thương người khác nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự ý thức và thay đổi của mỗi người. Học cách thấu hiểu, đồng cảm với người khác cũng là một cách để mỗi người rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách của chính mình. Bên cạnh bài viết trên, em có thể đọc và tham khảo thêm văn mẫu lớp 10 khác:
- Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học
- Phân tích đánh giá nội dung và hình thức một tác phẩm văn xuôi trong Ngữ văn 10