Đề bài: Chứng minh nhận định: Nam quốc sơn hà là bài ca yêu nước hùng tráng chống xâm lăng...
Phần 1: Dàn ý chứng minh nhận định: Nam quốc sơn hà là bài ca yêu nước hùng tráng chống xâm lăng
Phần 2: Bài văn mẫu Chứng minh nhận định: Nam quốc sơn hà là bài ca yêu nước hùng tráng chống xâm lăng
Bài làm:
Nền văn học trung đại Việt Nam có sự phát triển đa dạng và phong phú của nhiều thể loại thơ bao gồm cả chữ Hán và Nôm như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cứ, song thất lục bát, lục bát,... Ở thể thơ thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng nhất phải kể đến bài thơ Nam quốc sơn hà, tác phẩm chỉ gồm 28 chữ này, được ngợi ca như là một khúc ca yêu nước, hùng tráng chống quân xâm lược, đồng thời mang nặng ý nghĩa lịch sử như là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt ta sau hơn một ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Nam quốc sơn hà vẫn là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi về tác giả cũng như thời gian sáng tác. Tương truyền rằng bài thơ ra đời vào khoảng năm 1077, khi nhà Tống ấp ủ âm mưu thôn tính nước ta, sai Quách Qùy dẫn quân tiến đánh, được lệnh của vua Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt mang theo quân lính chặn giặc tại tuyến sông Như Nguyệt. Đang lúc nửa đêm thanh vắng, bỗng nghe thấy có tiếng ngâm bài thơ Nam quốc sơn hà phát ra từ đền thờ hai thần sông Như Nguyệt là Trương Hống và Trương Hát. Có lẽ vì vậy mà người ta vẫn gọi Nam quốc sơn hà là bài thơ của thần, dành để cổ vũ cho sức mạnh của quân đội ta chống lại kẻ thù. Ngày nay có nhiều bản chép cho rằng tác giả là Lý Thường Kiệt, có lẽ cũng vì ông đã phổ biến chúng trong khắp quân đội, nên mới có cớ sự là thế.
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư"
(Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời)
Hai câu thơ đầu đã khẳng định một cách chắc chắn và dõng dạc chủ quyền của nước ta, rõ ràng rằng sông nước Nam, núi nước Nam thì phải do vua Nam cai trị, phải do dân tộc Đại Việt cùng sinh sống, phát triển, chứ đầu thể là một dân tộc ngoại bang nào khác. Ở đây tác giả dùng từ "Nam" để phân biệt rạch ròi, đồng thời cũng chỉ rõ sự đối lập của Đại Việt ta với quân Tống ở phương Bắc. Càng khẳng định rằng Nam, Bắc hai miền khác nhau, nơi của ai người đó trị vì sao có thể lẫn lộn, phân tranh? Câu thơ đầu thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tinh thần tự cường một cách sâu sắc của quân dân ta.
Đến câu thơ thứ hai tác giả càng nhấn mạnh chủ quyền của đất nước dựa vào một niềm tin mà người đương thời rất coi trọng và tin tưởng ấy là "thiên ý". Người viết khẳng định một cách rất hiển nhiên rằng ranh giới Nam, Bắc đã được "định phận tại thiên thư", có trời đất chứng giám, không dám nói sai một lời, kẻ nào đi ngược lại với điều ấy thức là đã trái với "thiên ý" trái với đạo trời.
"Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?"
(Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm?)
Câu thơ thứ ba chính là lời lên án mạnh mẽ và quyết liệt hành động trái với lẽ trời, không biết xấu hổ mà ngang nhiên xâm lược nước ta. Giẫm đạp lên chủ quyền, bờ cõi của Đại Việt, tàn sát dân tộc Đại Việt, làm trái với "thiên ý", đó là một âm mưu tàn ác và vô cùng đê hèn. Giọng thơ hùng hồn, đanh thép, ẩn chứa ngọn lửa căm thù đang bốc cháy ngùn ngụt, vừa lên án những hành động bất nhân, bất nghĩa của quân Tống, cũng vừa một lần nữa khẳng định lại lòng tự tôn dân tộc của quân dân ta, há đâu dễ im hơi lặng tiếng để kẻ thù chà đạp cho cam. Đó là dấu hiệu của sự phản kháng, là điềm báo cho sự nổi dậy một cách mạnh mẽ quyết liệt, thay trời hành đạo, đòi lại lẽ công bằng, đòi lại chủ quyền dân tộc, quét bay thứ âm mưu đớn hèn của bè lũ vua quan nhà Tống.
"Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
(Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)
Trong câu thơ cuối cùng phần dịch thơ có vẻ chưa diễn tả được hết ý cũng như âm điệu của bản thơ gốc, thế nhưng nó cũng phần nào giúp chúng ta nắm được ý chính. Câu thơ chính là lời khẳng định, lời tuyên bố hùng hồn, cũng là lời dự đoán chắc chắn kết quả của cuộc xâm lược do nhà Tống chủ mưu. Chẳng lẽ nào một dân tộc độc lập tự cường, lại để cho kẻ thù chà đạp lên lòng tự tôn dân tộc, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất, đó chính là đứng lên cầm lấy ngọn cờ chính nghĩa, vâng theo "thiên ý" để đuổi sạch những kẻ bất nhân, phi nghĩa ra khỏi bờ cõi của dân tộc. Chúng (quân Tống) nhất định phải nhận lấy trái đắng thất bại, bởi ngày từ thuở ban đầu chúng đã gieo một cái nhân ác trên đất nước ta. Đồng thời câu thơ cũng thể hiện niềm tin vào sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh dân tộc, sự đoàn kết quân dân, tinh thần yêu nước vững bền của nhân dân ta, hết lòng tin tưởng về một kết thúc có hậu, một chiến thắng vẻ vang ngay trước mắt.
Bằng những luận điểm trên, Nam quốc sơn hà được xưng là bài thơ "Thần", bài ca yêu nước hùng tráng của nhân dân và đồng thời cũng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên có giá trị lịch sử vững bền cho đến tận ngày hôm nay. Bài thơ dường như đã rót thêm vào huyết quản quân dân ta một luồng sinh khí mới, một niềm tin vững chắc về chủ quyền đất nước, càng thêm bồi đắp cho lòng tự tôn dân tộc vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mỗi người dân Đại Việt ta thuở ấy.
https://thuthuat.taimienphi.vn/chung-minh-nhan-dinh-nam-quoc-son-ha-la-bai-ca-yeu-nuoc-hung-trang-chong-xam-lang-47510n.aspx
Nam Quốc sơn hà được coi là bản "Tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của đất nước, dân tộc Việt Nam. Cùng tìm hiểu về nội dung và giá trị của bài thơ, bên cạnh bài Chứng minh nhận định: Nam quốc sơn hà là bài ca yêu nước hùng tráng chống xâm lăng, các bạn hãy cùng tham khảo: Tinh thần yêu nước trong bài thơ Nam quốc sơn hà, Nam quốc sơn hà - bản tuyên ngôn độc đầu tiên, Cảm nhận khi đọc bài thơ Nam quốc sơn hà.