Cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Bài cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão sẽ giúp các bạn hiểu hơn về tình yêu nước, ý thức trách nhiệm sâu sắc của “kẻ làm trai” trước vận mệnh của đất nước. Các bạn hãy cùng tham khảo bài cảm nhận phân tích tỏ lòng dưới đây để bổ sung thêm những kiến thức thú vị và rèn luyện kĩ năng viết bài của mình nhé!

Đề bài: Sau khi học xong Thuật hoài (Tỏ lòng), anh/chị có cảm tưởng  về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão như thế nào. Hãy viết bài văn ngắn trình bày cảm tưởng, suy nghĩ của mình về bài thơ.

Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2

cam tuong cua anh chi ve bai tho to long cua pham ngu lao

Bài văn mẫu Cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
 

1. Cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, mẫu số 1:

 
Tỏ lòng là bài thơ nói về chí làm trai theo quan niệm Nho giáo xưa. Bài thơ đã xây dựng nên một hình tượng đẹp về người anh hùng thời loạn: một tráng sĩ hiên ngang tay cắp ngang ngọn giáo, đánh đông dẹp bắc để lập công danh. Bài thơ khiến ta nhớ đến bài ca dao:
 
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng
 
Đó là tiêu chuẩn lí tưởng của người đàn ông trong bất cứ thời đại nào. Trong thời loạn, chí khí ấy lại càng cần thiết. Phạm Ngũ Lão đã hình tượng hoá quan niệm của Nho gia về đáng nam nhi. Đây là một quan niệm dúng đắn và cao đẹp. Là con người, dù là đàn ông hay đàn bà, dù là già hay trẻ đều phải có trách nhiệm với đất nước, với quê hương, với cộng đồng, huống chi là người tráng sĩ sinh ra trong thời loạn. Họ phải biết mang sức lực, tài trí của mình ra giúp dân, giúp nước, bảo vệ sự ổn định của xã hội. Với những bậc quân tử xưa, đền nợ nước, báo ơn vua là lí tưởng và mục đích sống của họ. Như Nguyễn Công Trứ từng nói:
 
Đã sinh ra ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
 
Nếu họ không thực hiện được con đường công danh ấy, họ sẽ cảm thấy hổ thẹn với mọi người. Cả cuộc đời người quân tử chỉ có một lí tưởng duy nhất để theo đuổi đó là lập công danh. Con đường mà Nho giáo đã vạch sẵn cho tất cả các đấng nam nhi là "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Tư tưởng này đã trở thành một động lực thôi thúc các nhà Nho phát huy tài trí của mình ra giúp nước. Nhà Nho tiến bộ của thế kỉ XX - Phan Bội Châu- cũng đã từng thể hiện một cách hùng hồn và đầy nhiệt huyết cái chí khí ấy của người anh hùng thời loạn:
 
Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển rời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thủa há không ai?
 
cam nghi ve bai tho to long
Bài văn Cảm tưởng về bài thơ Tỏ lòng hay nhất
 
Tư tưởng ấy đã làm nên một hình tượng đẹp thể hiện khát vọng cứu nước trong văn học Việt Nam:
 
Muốn vượt biển đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi
 
Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, đất nước ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Một đất nước nhỏ bé luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược nên ý thức giữ nước đã trở thành ý thức có tính chất bản năng của mỗi người dân. Vì thế mà hình tượng đẹp nhất về người anh hùng bao giờ cũng là người anh hùng thời loạn. Trong đó hình tượng người tráng sĩ trong Tỏ lòng là một hình tượng có vẻ đẹp lí tưởng, bởi thời kì lịch sử ấy, nhà Trần với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông đã viết lên những trang sử vô cùng chói lọi trong thiên sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.. Sau người tráng sĩ ấy còn biết bao hình tượng đẹp nữa, trong đó không thể không kể đến những anh bộ đội cụ Hồ, những anh vệ quốc quân trong kháng chiến chống Pháp, những anh giải phóng quân - chàng Thạch Sanh của thế kỉ XX - trong kháng chiến chống Mĩ...
 
Người anh hùng với lí tưởng cao đẹp đã từng đánh đông dẹp bắc, từng làm nên cái khí thế "nuốt sao Ngưu" dũng mãnh ấy, khi nhìn lại sự nghiệp của mình vẫn mang những niềm trăn trở day dứt:
 
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu
 
Đây là cái thẹn của một nhân cách cao đẹp. Như thế vẫn chưa thoả mộng công danh, người quân tử không có điểm dừng trong sự nghiệp công danh của mình. Phạm Ngũ Lão với Tỏ lòng đã thể hiện một nhân cách cao đẹp của người tướng lĩnh, con người suốt cuộc đời khao khát lập công, khao khát mang sức lực và tài trí của mình ra giúp nước. Bài thơ là niềm tự hào của mỗi chúng ta về truyền thống đạo đức, truyền thống yêu nước của cha ông ta.
 

2. Cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, mẫu số 2: 

Phạm Ngũ Lão là một danh tướng đời Trần nổi tiếng văn võ song toàn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, Phạm Ngũ Lão dưới trướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng tạo nên hào khí Đông A của thời đại. Tuy nhiên nhắc đến Phạm Ngũ Lão, người ta không chỉ nhớ đến ông là một võ tướng mà còn biết đến ông như một nhà thơ. Trong đó, Thuật Hoài (Tỏ lòng) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Phạm Ngũ Lão. 
 
Bài thơ Thuật hoài được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Qua bài thơ, Phạm Ngũ Lão đã nói lên khát vọng của tuổi trẻ trong xã hội phong kiến đương thời, nỗi lòng mong muốn được cống hiện cho đất nước, chủ nghĩa anh hùng yêu nước và khí thế của quân dân nhà Trần lúc bấy giờ.
 
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
 
Trong hai câu thơ đầu, tác giả đã tập trung diễn tả vẻ đẹp của người tráng sĩ Đông A:
 
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
 
Bằng cách miêu tả trực tiếp, Phạm Ngũ Lão đã xây dựng lên con người mang vẻ đẹp của thời đại: gân guốc, mãnh liệt, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi - chiến binh đang xả thân vì đất nước.
 
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” theo dịch nghĩa tức là “cầm ngang ngọn giáo giữ gìn non sông đã mấy thu”. So với bản dịch thơ “Múa giáo non sông trải mấy thu” thì bản dịch thơ chưa lột tả hết vẻ kiêu hùng trong tư thế của người lính đứng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Dáng vẻ cầm ngang ngọn giáo tạo tư thế vững chãi, hiên ngang như một bức tượng đồng, uy nghi vững chãi. Còn “múa giáo” lại mang lại vẻ rộn ràng, chuyển động. Ý thơ “cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông” phác họa lên hình ảnh người tráng sĩ sánh ngang cùng vũ trụ, nổi lên trên giang sơn, sông núi, sừng sững vững chãi suốt mấy mươi năm. Có thể nói, câu thơ đầu tiên đã khắc họa thành công bức tượng đài người tráng sĩ bảo vệ đất nước, một vẻ đẹp hiên ngang tiêu biểu cho hào khí thời Trần.
 
cam nghi cua anh chi ve bai tho to long
 
Trình bày cảm tưởng sau khi học xong bài thơ Tỏ lòng
 
Tiếp theo, câu thơ thứ hai “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”, ở đây tác giả sử dụng thành ngữ "khí thôn ngưu đẩu" để thể hiện khí thế chiến đấu không gì có thể ngăn cản được của quân dân nhà Trần. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật thậm xưng để đem sức mạnh của quân dân ta sáng ngang, thậm chí vượt qua được cả sức mạnh của vũ trụ, át cả ngôi sao sáng trên trời. Câu thơ có sử dụng biện pháp thậm xưng để làm nổi bật được vẻ đẹp của người dũng sĩ nhà Trần, nâng tầm vẻ đẹp đó sánh ngang cùng với vũ trụ.
 
Xuất thân là một danh tướng dày dạn kinh nghiệm, sau trở thành một danh tướng khi còn rất trẻ. Phạm Ngũ Lão cũng như bao chàng tráng sĩ khác, mang trong mình lí tưởng cao đẹp, bảo vệ đất nước, "trung quân ái quốc" và khát khao được ghi tên mình vào sử sách "lưu danh hậu thế". Chí làm trai của Phạm Ngũ Lão cũng là tư tưởng lớn ta dễ bắt gặp trong thơ văn cổ, như bài Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ có nói: “Làm trai đứng ở trong trời đất? Phải có danh gì với núi sông". Bởi vì khát vọng lớn lao ấy nên khi chưa trả hết nợ công danh thì sẽ tự lấy làm hổ thẹn: 
 
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Dịch thơ: 
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
 
Vũ Hầu tức là Khổng Minh, một vị quân sự tài ba thời Tam Quốc nhiều phen lập được chiến công lớn khiến sử sách ngàn đời sau còn vang danh. 
Phạm Ngũ Lão đã nhìn vào những đấng anh hùng, kiệt tướng lớn trong lịch sử, soi mình vào đó để phấn đấu. Lấy chữ "thẹn" làm động lực để tiếp tục tiến lên, nhìn gương người đi trước mà noi theo. Câu thơ thể hiện niềm khát vọng của tác giả nói riêng và những chàng trai thời bấy giờ nói chung, đó chính là khát vọng được cống hiến, được góp phần bảo vệ non sông gấm vóc. Chính khát vọng này đã  tạo nên hào khí Đông A lẫy lừng trong lịch sử. 
 
Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão tuy chỉ có bốn câu thơ ngắn gọn nhưng hàm súc, lời thơ đanh thép, sử dụng hình ảnh độc đáo. Bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh người tráng sĩ hiên ngang, đồng thời nêu cao tinh thần đem sức mình dâng hiến, bảo vệ tổ quốc. Thuật Hoài không chỉ là “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão nói riêng mà còn là tinh thần, ý chí đại diện cho cả một dân tộc, cả thời đại nhà Trần nói chung. Chính những tráng sĩ, những danh tướng như Phạm Ngũ Lão đã làm nên những chiến công hiển hách, chiến thắng quân Nguyên Mông bảo vệ tổ quốc. Trải qua nhiều thế kỷ, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ Thuật Hoài, ta vẫn có thể thấy được những âm vang, hào hùng của cả một thời đại trong lịch sử.
 
-------------------HẾT-------------------
 

Trên đây là 2 bài văn trình bày Cảm tưởng về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, các em có thể tham khảo để làm cho bài văn của mỉnh thêm phong phú, sâu sắc. Bên cạnh bài văn mẫu trên, các em có thể tự củng cố kiến thức bài học qua việc tìm đọc thêm những tài liệu liên quan như: Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng, Cảm nhận về hào khí Đông A thời Trần qua bài Tỏ lòng,Phân tích bài Tỏ lòng để làm sáng tỏ nhận định: Tỏ lòng khắc hoạ vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng..., Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần.

 

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-tuong-cua-anh-chi-ve-bai-tho-to-long-cua-pham-ngu-lao-41924n.aspx

Tác giả: Đỗ Bá Hưng     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Sơ đồ tư duy bài thơ Tỏ lòng
Dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng
Dàn ý phân tích bài Tỏ lòng để làm sáng tỏ nhận định: Tỏ lòng khắc hoạ vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng...
Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài Tỏ lòng
Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng
Từ khoá liên quan:

Cam tuong cua anh chi ve bai tho To long cua Pham Ngu Lao

, cam nhan ve bai tho to long, cam nghi ve bai tho to long,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bài văn mẫu lớp 12

    Tuyển tập văn mẫu lớp 12

    Những bài văn mẫu lớp 12 dành cho những sỹ tử đang chuẩn bị vượt vũ môn. Đối với các em học sinh lớp 12 bên cạnh áp lực thi cử cuối năm, vượt qua các bài kiểm tra thì học sinh còn phải trải qua hai kỳ thi quan trọng và Tốt nghiệp và Đại học. Mặc dù trong những năm trở lại đây hình thức thi đã có nhiều thay đổi tích cực, song khối lượng kiến thức nhìn chung vẫn còn nặng, đòi hỏi người học cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt tay vào kỳ thi chính thức.

Tin Mới