Cách vay tiền ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh đang được nhiều người lựa chọn hiện nay khi đang có nhu cầu thành lập công ty, kinh doanh. Vậy hãy cùng xem điều kiện và thủ tục của gói vay này để chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện vay vốn nhé.
Từ lâu, vay vốn ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh là giải pháp bù đắp tài chính giá rẻ mà các hộ kinh doanh, tiểu thương sử dụng khi thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về thủ tục, hồ sơ vay, nhiều cá nhân, chủ hộ kinh doanh cảm thấy khó khăn trong việc tiếp cận khoản vay này.
Vay tiền ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh: Khái niệm, thủ tục, cách vay
Để đơn giản hóa quá trình tìm kiếm, đăng ký, chuẩn bị hồ sơ vay, gia tăng khả năng xét duyệt khoản vay của chủ kinh doanh cá thể tại các ngân hàng, Taimienphi.vn đã biên tập bài viết hướng dẫn cách vay tiền bằng giấy phép kinh doanh. Đọc chi tiết nội dung bài viết, các bạn sẽ nhanh chóng tìm được khoản vay phù hợp với lãi suất vay, thời gian vay phù hợp với mục đích, nhu cầu sử dụng vốn vay của mình và hoàn thành hồ sơ vay trong thời gian ngắn.
Cách vay tiền ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh
1. Vay theo giấy phép kinh doanh là gì?
Vay tiền ngân hàng qua giấy phép kinh doanh là hình thức vay tiền mà các ngân hàng sử dụng để hỗ trợ nguồn vốn cho khách hàng (hộ kinh doanh cá thể, cá nhân), giúp họ có đủ nguồn vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất,...
Thông thường, với khoản vay bằng giấy phép kinh doanh, người đi vay sẽ cần phải sở hữu giấy phép kinh doanh và có thế chấp tài sản thế chấp của các nhân hoặc người bảo lãnh đứng tên tham gia vay (Một số ngân hàng không yêu cầu tài sản thế chấp sẽ chấp nhận cho vay với hạn mức cho vay thấp, lãi suất cao).
Hiện tại, gói vay theo giấy phép kinh doanh đang được triển khai ở các ngân hàng uy tín tại Việt Nam như BIDV, MBBank, Vietinbank, Sacombank, VPBank,...
* Những lợi ích khi vay tiền qua giấy phép kinh doanh
- Điều kiện, thủ tục vay đơn giản, gọn nhẹ, thời gian thẩm định hồ sơ, xét duyệt hồ sơ vay nhanh chóng
- Hạn mức vay cao tùy theo gói sản phẩm vay tại các ngân hàng; tính lãi theo phương thức dư nợ giảm dần; vay vốn lưu động hoặc trả góp với thời gian linh hoạt (tối đa 12 tháng - 60 tháng) theo khả năng của khách hàng
- Thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối, có thể trả nợ trước hạn theo yêu cầu.
Sau khi tìm hiểu khái niệm vay tiền ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh, để có thể hiểu sâu và dễ dàng so sánh, phân biệt hình thức cho vay qua giấy phép kinh doanh với các hình thức cho vay khác, các bạn có thể tham khảo bài viết Vay tiền theo lương - Những ngân hàng nào cho vay, thủ tục vay mà Taimienphi.vn biên tập trước đó.
Khái niệm, lợi ích khi vay tiền ngân hàng qua giấy phép kinh doanh
2. Lãi suất vay bằng giấy phép kinh doanh? Top các ngân hàng cho vay bằng giấy phép kinh doanh lãi suất thấp
Theo khảo sát của Taimienphi.vn, thông thường, lãi suất vay bằng giấy phép kinh doanh tại các ngân hàng dao động từ 7% - 12%/năm, hạn mức cho vay dao động từ 70% - 100% giá trị đảm bảo. Trong trường hợp người vay không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay qua giấy phép kinh doanh sẽ dao động từ 0.8% - 1%/tháng tùy theo mặt hàng kinh doanh và thời gian vay (trung bình khoảng 12 tháng - 60 tháng).
Cụ thể danh sách các ngân hàng cho vay bằng giấy phép kinh doanh với lãi suất thấp là:
- Vay vốn bằng giấy phép kinh doanh Vietcombank: Cung cấp 2 gói vay với lãi suất hấp dẫn là gói vay kinh doanh trung hạn: số tiền vay tối đa 5 tỷ đồng, thời gian vay tối đa 60 tháng và gói vay kinh doanh tài lộc: cho vay tối đa 85% phương án kinh doanh, thời gian vay ngắn hạn, tối đa 12 tháng.
- Vay theo giấy phép kinh doanh BIDV: Lãi suất vay cạnh tranh, hỗ trợ cho vay 100% phương án kinh doanh, thời gian vay dài hạn lên tới 5 năm
- Vay theo giấy phép kinh doanh VPBank: Vay không cần tài sản thế chấp, hạn mức cho vay lên tới 200 triệu đồng, thời gian vay tối đa 60 tháng.
- Vay giấy phép kinh doanh Sacombank: Số tiền vay, thời gian vay không giới hạn, đáp ứng các nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng, mở rộng nhà xưởng,..., của người đi vay.
- Vay tiền bằng giấy phép kinh doanh ngân hàng UOB: Vay tín chấp không tài sản đảm bảo, lãi suất vay 1.3%/tháng, số tiền vay từ 50 triệu đến 1.6 tỷ VNĐ căn cứ theo hiệu quả kinh doanh trên các kênh offline + online của người đi vay trong năm gần nhất.
- Vay vốn bằng giấy phép kinh doanh ngân hàng AgriBank: Vay thế chấp tài sản đảm bảo, lãi suất vay trung bình 11,5 - 12%/năm, thời gian vay dài hạn (tối đa 7 năm). Các bạn có thể xem điều kiện vay tại bài viết điều kiện vay vốn Agribank này nhé.
- Ngoài ra, một số ngân hàng hàng cũng đang triển khai các cho vay qua giấy phép đăng ký kinh doanh uy tín, lãi suất thấp mà bạn có thể tham khảo là TPBank, Techcombank, MBbank, PG Bank, OCB, MSB, SHB,... Bên cạnh đó, bạn đọc cũng nên tìm hiểu nội dung bài viết nên vay tiền ngân hàng nào để có lãi suất thấp để nhanh chóng cập nhật, nắm bắt các khoản vay tại các ngân hàng và tìm ra các giải pháp vay tốt nhất cho mình.
3. Điều kiện vay qua giấy phép kinh doanh tại các ngân hàng
So với các gói vay vốn khác (vay mua nhà, vay mua ô tô, vay tiêu dùng,...), quá trình chuẩn bị hồ sơ vay, điều kiện vay tiền ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh có phần đơn giản, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, không phải hồ sơ vay vốn nào cũng được ngân hàng chấp thuận vay và giải ngân. Do đó, để có thể vay tiền theo giấy phép kinh doanh, các bạn cần thỏa mãn được các điều kiện dưới đây:
- Là đại diện hộ kinh doanh hoặc được người đại diện hộ kinh doanh ủy quyền đi vay, độ tuổi từ 20 - 60 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Sở hữu đầy đủ giấy tờ chứng minh hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình: Giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng từ, sổ sách ghi chép về hoạt động kinh doanh, có địa điểm sản xuất, giấy phép khác chứng minh hoạt động kinh doanh (chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATTP, phòng chống cháy nổ,...)
- Tham gia sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực như sản xuất nông sản, sản phẩm, buôn bán, kinh doanh tạp hóa, cửa hàng bán lẻ, hiệu thuốc, quán ăn, ... Hoạt động ổn định, liên tục từ 12 tháng trở lên.
- Có phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh rõ ràng; mục đích vay vốn phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh,...
- Không có nợ xấu tại các ngân hàng
Điều kiện vay tiền bằng giấy phép kinh doanh tại các ngân hàng
4. Thủ tục vay ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh
Thông thường, để được xét duyệt và chấp thuận vay vốn bằng giấy phép kinh doanh tại các ngân hàng, bạn cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục chứa đầy đủ các loại giấy tờ sau:
- CMND hoặc thẻ CCCD, hộ khẩu thường trú hoặc KT3 của người đăng ký kinh doanh hộ cá thể.
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, biên lai thuê cửa hàng/kiot (nếu có), giấy tờ chứng minh hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình,...
- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn và trả nợ (theo mẫu của ngân hàng)
- Giấy tờ hoặc biên lai nộp thuế đối với nhà nước;
- Giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay và các giấy tờ khác (nếu có)
- Hồ sơ tài sản bảo đảm: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đảm bảo.
5. Quy trình, cách vay tiền ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh
Để có một khoản vay theo giấy phép kinh doanh, sau khi đã tìm được loại khoản vay phù hợp và đủ điều kiện vay, bạn cần thực hiện yêu cầu vay theo các hướng dẫn cách vay tiền ngân hàng qua giấy phép kinh doanh. Chi tiết như sau:
Bước 1: Gửi yêu cầu đăng ký vay
Ở bước này, bạn có thể gửi yêu cầu vay trực tiếp qua hệ thống website của ngân hàng hoặc liên hệ phòng cho vay tại chi nhánh ngân hàng vay ở địa phương sinh sống để được tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ vay
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, bạn cần nộp hồ sơ vay tại phòng cho vay ngân hàng và chờ ngân hàng thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay.
Bước 3: Chờ thẩm định hồ sơ vay
Với hồ sơ vay của bạn, ngân hàng sẽ có thể đồng ý vay, giải ngân hoặc từ chối cho vay.
Trong trường hợp ngân hàng từ chối cho vay, bạn cần hỏi rõ nguyên nhân và tìm phương án, giải pháp khắc phục.
Bước 4: Chờ giải ngân khoản vay
Sau khi ký hợp đồng vay, tùy theo yêu cầu của bạn mà ngân hàng có thể giải ngân khoản vay vào tài khoản người vay hoặc giải ngân bằng tiền mặt tại chi nhánh ngân hàng.
Hướng dẫn cách vay tiền qua giấy phép kinh doanh tại các ngân hàng
6. Một vài câu hỏi thường gặp khi vay tiền qua giấy phép kinh doanh
6.1.Hộ kinh doanh có được vay vốn ngân hàng
Trả lời "Có". Như đã phân tích ở trên, các gói vay theo giấy phép kinh doanh chủ yếu dành cho các hộ kinh doanh cá thể, cá nhân buôn bán.
6.2. Vay bằng giấy phép kinh doanh được vay tối đa bao nhiêu tiền
Tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng vốn vay, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quy định về gói vay của từng ngân hàng mà số tiền vay qua giấy phép kinh doanh của bạn cũng khác nhau. Thông thường, số tiền vay qua giấy phép kinh doanh sẽ dao động tối đa từ 200 triệu - 1.6 tỷ tùy ngân hàng.
6.3. Hồ sơ vay qua giấy phép kinh doanh của tôi bị từ chối.
Khi hồ sơ vay qua giấy phép kinh doanh của bạn từ chối, bạn có thể hỏi nhân viên tư vấn cho vay ngân hàng nguyên nhân bị từ chối khoản vay. Trong một số trường hợp, lý do từ chối vay của bạn có thể khắc phục và bạn có thể tiếp tục vay tiền. Với các nguyên nhân như hiệu quả kinh doanh kém, thiếu tài sản thế chấp,..., không thể khắc phục, bạn có thể suy nghĩ đến các nguồn vay vốn khác như vay từ bnạ bè, người thân, vay từ các tổ chức phi lợi nhuận,... Mỗi cách vay vốn sẽ có những ưu, nhược điểm riêng, và bạn cần tính toán, cân nhắc kỹ trước khi vay.
Lưu ý: Khi vay, bạn cũng cần để ý đến các chính sách, điều khoản, tìm hiểu gia hạn nợ là gì để giúp việc vay vốn hiệu quả, tránh phát sinh chi phí trong quá trình vay.- Xem thêm: Gia hạn nợ là gì
https://thuthuat.taimienphi.vn/cach-vay-tien-ngan-hang-bang-giay-phep-kinh-doanh-60027n.aspx
Trên đây, Taimienphi.vn đã chia sẻ cho bạn chi tiết khái niệm, lãi suất vay, danh sách các ngân hàng cho vay qua giấy phép kinh doanh với lãi suất thấp. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ nắm được tổng quan điều kiện, thủ tục và cách vay tiền ngân hàng bằng giấy phép kinh doanh và nhanh chóng tiếp cận các khoản vay, hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chúc các bạn thành công.