Giáo viên cần sửa tật xấu của học sinh tiểu học như thế nào?
1. Sửa tật mất trật tự, nói chuyện riêng, làm việc riêng
Nói chuyện riêng trong giờ, làm việc riêng hay gây mất trật tự là những tật xấu học sinh thường xuyên mắc phải, đặc biệt là đối với các em học sinh Tiểu học - vốn là lứa tuổi hồn nhiên, nghịch ngợm, tò mò, khó có thể ngồi yên tập trung vào một việc gì đó trong thời gian dài và có nhu cầu được giao tiếp. Bởi vậy, bên cạnh việc nắm bắt được tâm lí của lứa tuổi này, các thầy cô giáo cũng cần kiên nhẫn tìm ra các nguyên nhân khiến trẻ không tập trung vào bài giảng của mình và linh hoạt sử dụng các biện pháp nhằm khắc phục những lỗi đó của trẻ, có thể tham khảo một số cách sau:
- Xây dựng bài giảng trực quan, sinh động để thu hút trẻ: Trước khi phê bình hay đổ lỗi một phía cho trẻ, giáo viên cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại cách truyền đạt và bài giảng của mình xem đã đủ hấp dẫn, đủ sức lôi cuốn, thuyết phục trẻ hay không. Ở học sinh Tiểu học, bộ não đã phát triển hơn so với lứa tuổi mầm non, do đó, tư duy và trí tưởng tượng của các em cần được phát triển mạnh trong giai đoạn này. Chính vì vậy, thầy cô cần thiết kế các bài học sao cho thật sinh động, biến các kiến thức lý thuyết khô khan thành những bài giảng có lồng ghép các hình ảnh nhiều màu sắc, âm thanh vui nhộn,... chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của trẻ.
- Tạo sự tương tác giữa giáo viên - học sinh: Lứa tuổi Tiểu học, khả năng ngôn ngữ của trẻ cần đặc biệt được trau dồi, trẻ ở độ tuổi này cũng rất nhạy cảm và có nhu cầu được giao tiếp, do vậy giáo viên cũng cần đặc biệt lưu ý điều này và tạo cơ hội để các con có thể giao tiếp với nhau hoặc giao tiếp với giáo viên về bài học chứ không chỉ nói những lời vô nghĩa.
+ Giáo viên không nên thao thao bất tuyệt đứng trên bục giảng giảng bài mà còn cần xuống dưới lớp tương tác trực tiếp với các em học sinh.
+ Tổ chức các trò chơi nhỏ có liên quan đến nội dung bài học hoặc tổ chức các hoạt động nhóm để các em bàn luận với nhau, tất nhiên cần dưới sự hướng dẫn và giám sát của giáo viên.
+ Khi thấy các em không tập trung hay có dấu hiệu uể oải, mệt mỏi, chán nản, có thể dừng lại vài phút để kể một câu chuyện cười ngắn hoặc hỏi một câu đố vui.
+ Đặt những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo sự tò mò, suy nghĩ cho các em.
- Khi phát hiện học sinh mất trật tự, có thể kể một câu chuyện tương tự để răn đe hoặc yêu cầu đích danh em đó nhắc lại bài học hoặc trả lời một câu hỏi gì đó.
- Tuyệt đối không "công chúng hóa" lỗi của trẻ hoặc sử dụng các biện pháp bạo lực như đánh mắng, phạt đứng góc lớp hoặc đuổi ra khỏi lớp, một số trường hợp khác giáo viên còn sử dụng cách ném phấn vào trẻ đang nói chuyện riêng/ làm việc riêng... Những biện pháp cứng rắn quá mức như vậy càng gây thêm ức chế cho trẻ hoặc có thể làm tổn thương trẻ. Chính bởi vậy, để sửa tật xấu của học sinh Tiểu học mà lỗi đầu tiên là nói chuyện riêng, làm việc riêng, mất trật tự của trẻ, giáo viên cần kiên nhẫn, linh hoạt, "mềm nắn, rắn buông", không nên quá chú trọng vào việc phê bình lỗi của các con mà cần tập trung vào việc giúp các con nhận biết mình sai ở chỗ nào và cách sửa lỗi sai đó.
2. Sửa tật nói leo
Bên cạnh tật nói chuyện riêng, làm việc riêng, thì nói leo cũng là một tật xấu phổ biến trong lớp học. Nói leo có nghĩa là nói chen, chêm xen vào câu chuyện của người khác khi chưa được hỏi đến, trong trường hợp này học sinh nói chen vào lời giảng của giáo viên khi không được giáo viên hỏi. Nếu bạn là một giáo viên, hẳn trong tình huống này bạn đều rất khó chịu và không hài lòng, tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng đối tượng giao tiếp của bạn dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ đang cần được uốn nắn, vậy bạn sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào để vừa giúp các con nhận ra được lỗi sai vừa giúp các con tự nhận thức để lần sau không mắc phải nữa? Sau đây là một số hướng giải quyết:
- Hướng giải quyết thứ nhất: Gọi cụ thể học sinh nói leo đó đứng lên và hỏi nhẹ nhàng: "Tại sao khi cô đặt câu hỏi, con không giơ tay phát biểu mà khi cô đang giảng bài, con lại ngồi dưới nói leo?". Lắng nghe học sinh đó trình bày lí do hoặc giải thích để các con hiểu nói leo là hành vi rất xấu, nó giống như khi con đang rất say sưa nói về một điều gì đó mình đặc biệt thích cho mọi người nghe, tự nhiên có ai đó chêm xen vào lời con nói khiến mọi người không nghe được những thông tin con đang rất muốn trình bày. Vậy tâm trạng con lúc đó sẽ như thế nào? Khi giáo viên cho trẻ đặt mình vào tình huống giả định như vậy, sẽ thấy được cách giải quyết của các con, từ đó giáo viên có thể nắm bắt được học sinh của mình đã nhận thức ra vấn đề hay chưa để có hướng điều chỉnh tiếp theo.
- Hướng giải quyết thứ hai: Khi giáo viên nói đến một vấn đề nào đó trúng vào phần kiến thức mà trẻ biết, ý tưởng hoặc kiến thức đó có thể xuất hiện bất chợt trong đầu chúng và cũng nhanh chóng quên mất, trẻ có thể sợ nếu đợi đến lúc cô gọi đến mình sẽ quên mất câu trả lời/ ý tưởng của mình. Bởi vậy, giáo viên có thể gợi ý cho trẻ bằng cách yêu cầu các con ghi nhanh, ngắn gọn ý tưởng/ câu trả lời của mình vào giấy, sau đó khi được hỏi, sẽ giơ tay phát biểu trình bày trước cô và cả lớp. Có thể khuyến khích trẻ phát biểu bằng cách đề nghị nếu ai trả lời tốt sẽ được khen thưởng...
3. Sửa tật thụ động, lười phát biểu ý kiến
Trẻ ở độ tuổi Tiểu học hầu hết đều có nhu cầu giao tiếp nhưng có thể do nguyên nhân nào đó mà không muốn bày tỏ quan điểm của bản thân trước cả lớp, vậy để khắc phục tình trạng này, giáo viên cần:
- Lên ý tưởng, kế hoạch bài giảng cho thật chỉn chu, sinh động, đủ sức hấp dẫn và thu hút người học.
- Cần tạo không khí thoải mái, dễ chịu cho người học.
- Linh hoạt quan sát các học sinh, chú ý đến việc gọi những em học sinh ít/ không bao giờ giơ tay phát biểu ý kiến lên trả lời câu hỏi/ trình bày quan điểm của mình.
- Chân thành lắng nghe ý kiến của các con và khuyến khích các con đưa ra ý kiến của bản thân, tuyệt đối không chê bai hay tỏ thái độ tiêu cực trước ý kiến của các con dù đó là câu trả lời ngô nghê, chưa đúng.
- Áp dụng hình thức khen thưởng đối với những ý tưởng/ ý kiến hay để các con hứng thú và tự tin hơn khi phát biểu ý kiến.
4. Sửa tật ngáp, ngủ gật trong lớp
Ngáp hay ngủ gật trong lớp là thói xấu phổ biến của học sinh, đặc biệt đối với các em học sinh Tiểu học bởi hiện nay lượng kiến thức mà các em cần tiếp nhận mỗi ngày là rất lớn khiến cho nhiều em không ngủ đủ giấc. Bởi vậy các thầy cô giáo cũng cần nỗ lực hết sức mình trong việc sáng tạo ra những bài giảng hay, sinh động để thu hút học trò của mình. Nếu gặp trường hợp cụ thể một em học sinh trong lúc bạn giảng bài ngủ gật, bạn cần làm gì?
- Cách 1: Cho phép em đó ra ngoài rửa mặt cho tỉnh táo rồi quay trở lại lớp học tiếp (nhưng phương pháp này ít có tác dụng).
- Cách 2: Gọi em học sinh đứng lên nhắc lại bài học/ những điều thầy cô vừa nói, tìm hiểu nguyên nhân tại sao em đó lại buồn ngủ. Nếu do bài học nhàm chán, là giáo viên, bạn cần nhìn nhận lại cách giảng dạy của bản thân và có hướng thay đổi cho phù hợp. Nếu là do áp lực học hành hoặc nguyên nhân xuất phát từ chính em học sinh đó (thức khuya xem phim, đọc truyện, chơi game,...), bạn cần liên hệ với cha mẹ, gia đình để có hướng điều chỉnh.
- Cách 3: Dừng lại bài giảng, yêu cầu em đó đứng lên hát một bài hoặc kể một câu chuyện vui ngắn cho cả lớp cùng nghe...
https://thuthuat.taimienphi.vn/cach-sua-tat-xau-cua-hoc-sinh-tieu-hoc-danh-cho-giao-vien-53029n.aspx
5. Sửa tật gây lộn, đánh nhau
Học sinh Tiểu học đang ở độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm, chưa phân biệt được đúng sai, bởi vậy, các em rất dễ có những hành vi không kiểm soát được và dễ gây ra chuyện đánh lộn lẫn nhau. Vậy là một người giáo viên, bạn cần có sự quan sát tinh tế, quan trọng nhất là sự lắng nghe, tôn trọng và gần gũi với học sinh. Khi phải giải quyết tình huống hai em học sinh đánh nhau:
- Trước hết, cần xử lí vết thương (nếu có), để hai em bình tĩnh rồi yêu cầu các em trình bày.
- Lắng nghe một cách chân thành, tập trung để tìm hiểu nguyên nhân, rồi phân tích cách hành xử không đúng của từng em, đưa ra cách hành xử khác tích cực hơn cho các em khi gặp tình huống tương tự.
- Đề nghị các em có lỗi nhận lỗi và xin lỗi bạn; có thể yêu cầu các em bắt tay giảng hòa...
Trong bài viết trên đây, chúng tôi đã chỉ ra một số tật xấu và chia sẻ vài cách sửa tật xấu của học sinh Tiểu học để các thầy cô giáo tham khảo. Là một người giáo viên, dù gặp phải tình huống như thế nào, bạn cũng cần bình tĩnh, linh hoạt để chỉ ra cũng như khắc phục các tật xấu đó cho các em. Trên đây chỉ là một số hướng giải quyết mà chúng tôi nhận thấy hợp lí cho từng tật xấu cụ thể của các em, ngoài ra còn rất nhiều cách giải quyết khác, mong độc giả cùng đóng góp và chia sẻ!
Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài viết khác cũng khá hữu ích mà chúng tôi đã tổng hợp được bên cạnh bài viết gợi ý Cách sửa tật xấu của học sinh Tiểu học như: Cách giới thiệu vào bài mới hay nhất dành cho giáo viên Tiểu học, Cách mở đầu tiết học cuốn hút trẻ mầm non hay nhất, Cách khắc phục tật nói leo và mất trật tự của học sinh Tiểu học, Trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non hay nhất.