Bức tranh Tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận

Các em hãy cùng chúng tôi phân tích bài thơ Tràng giang để khám phá bức tranh tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận được bộc lộ trong bài thơ, qua đó thấy được đặc trưng trong sáng tác của Huy Cận giai đoạn trước cách mạng.
Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý chi tiết
2. Bài văn mẫu

buc tranh trang giang va noi niem cua huy can

Bài văn mẫu Bức tranh Tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận
 

Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao

I. Dàn ý Bức tranh Tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận


1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả tác phẩm

Huy Cận (1919 - 2005), quê ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Là một trong những thi sĩ có công đưa phong trào này lên tới đỉnh cao. Ở độ chín nhất, phong cách thơ Huy Cận có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển nhất là cổ điển Đường thi với yếu tố thơ Mới, cụ thể hơn là sự hòa hợp giữa nỗi sầu vũ trụ và thế nhân từng chan chứa trong thơ Đường với nỗi cô đơn của cái "tôi" cá nhân, cá thể trong thơ Mới tạo nên nỗi sầu vạn kỉ. Bài thơ Tràng giang sáng tác năm 1939, in trong tập Lửa thiêng là bài thơ tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám được xếp vào hàng kiệt tác.

2. Thân bài

- Bức tranh thiên nhiên về trời rộng sông dài

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng."
Đó là bức tranh sông nước buồn vắng

- Câu thơ mở đầu đã mở ra một không gian sóng nước mênh mông: tràng giang, điệp điệp
- Trên bức tranh sông nước ấy hiện lên một hình ảnh quen thuộc: con thuyền, mái nước
- Sự xuất hiện của con thuyền trong thơ văn xưa nay thường chỉ sự lênh đênh trôi dạt. Con thuyền ở đây lênh đênh giữa dòng nước rộng lớn mênh mang còn chỉ sự cô đơn, lẻ loi. Con thuyền ấy lại đang ở trạng thái "xuôi mái", nghĩa là còn có thêm tính chất thụ động, phó mặc cho dòng nước đẩy đưa...
- Nhà thơ tiếp tục những nét vẽ về thuyền và nước nhưng lại đặt trong sự chia lìa.
- Hình ảnh cành củi khô nhỏ bé được tác giả đặt vào một thế tương phản mạnh mẽ, lạc giữa mấy dòng nước mênh mang vô tận đã càng nhấn mạnh sự vô định, lạc lõng, bơ vơ hết sức tội nghiệp.
- Bức tranh cồn bãi hoang vắng

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."

- Trên nền không gian dòng sông dài rộng không cùng và cổ kính lâu đời, nổi bật lên hìn ảnh của cồn bãi
- Từ láy "lơ thơ" được đảo lên đầu câu nhấn mạnh sự thưa thớt, khiến cồn cát vốn đã nhỏ càng trở nên trống trải giữa mênh mang sông nước.
- Từ láy "đìu hiu" gợi ra hình ảnh của ngọn gió lạnh vắng, hiu hắt.
- Câu thơ thứ hai nhà thơ cảm nhận bằng cả thih giác và thính giác
+ Âm thanh của tiếng chợ chiều dù là dấu hiệu của sự sống con người nhưng lại vào lúc đã vãn, gợi ra sự tàn tạ, chứa chất nỗi buồn.
+ Âm thanh ấy lại vẳng đến từ một không gian rất xa, càng trở nên nhỏ nhoi và buồn vắng, gọi cảm giác đây là chốn bị bỏ quên trên trái đất này.
- Đến hai câu thơ cuối, cái nhìn của Huy Cận còn bao quát một phạm vi không gian từ cao đến thấp, từ gần đến xa
- Hai cặp tiểu đối "nắng xuống - trời lên", "sông dài - trời rộng" đã tạo nên một bức tranh không gian ba chiều rất đặc sắc
- Xuất thần nhất là cụm từ "sâu chót vót".
- Giữa không gian vũ trụ mênh mang không cùng, nổi bật lên hình ảnh "bến cô liêu" nhỏ bé, lạc lõng đến tội nghiệp.

"Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

- Những hình ảnh quen thuộc: những cánh bèo mặt nước, những bãi bờ với những cây cỏ tiếp nối bên tràng giang đến tận chân trời. Hình ảnh của thân phận con người: bèo dạt về đâu (lạc loài, trôi nổi). Cảm giác cô đơn khiến nhà thơ muốn tìm đến một sự gần gũi, một sự kết nối, rồi để thấm thía một sự đơn độc trọn vẹn. Hai từ "không" trong hai câu thơ như hai cái lắc đầu buồn bã. Chỉ có con người đơn độc giữa không gian vô tình, vô cảm.

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

- Một không gian quen thuộc, đúng là hình ảnh trong một bức tranh cổ: một rặng núi xa, những đám mây bạc từ mặt đất chầm chậm dâng cao.
- Giữa bầu trời có một cánh chim nhỏ nghiêng xuống, tạo nên một bức tranh lạ. Đây không còn là bức tranh cổ: chỉ có một cánh chim đơn độc, không phải một đàn chim vẫn bay trong những bức tranh chiều quen thuộc. Đặc biệt cảm giác của nhà thơ: chim nghiêng cánh nhỏ - bóng chiều sa. Bóng chiều như đổ sập xuống theo cánh chim nhỏ.
- Nhà thơ còn cảm nhận lòng quê dợn dợn. Dùng điệp từ dợn dợn để nói về sóng trên tràng giang mà nói về tâm trạng của chính mình : một cảm giác ngất ngây choáng váng.
- Cuối cùng đọng lại từ tràng giang là: nhớ nhà


3. Kết bài

Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển, nhất là yếu tố Đường thi với yếu tố thơ mới. Hình ảnh sinh động, cảm giác tinh vi phong phú, nhiều sáng tạo bất ngờ Bức tranh Tràng Giang hiện lên với tất cả sự đối lập, tương phản giữa thiên nhiên, không gian vũ trụ mênh mông với sự sống nhỏ bé đơn chiếc, lạc lõng, mong manh...( không gian với 2 sắc thái rõ nét: mênh mông vô biên và hoang sơ hiu quạnh). Thể hiện nỗi cô đơn, nỗi sầu vô tận của kẻ lữ thứ- cái "Tôi" bơ vơ trước thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, bao la, mênh mông rợn ngợp.

 

II. Bài văn mẫu Bức tranh Tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận

Huy Cận (1919 - 2005), tên khai sinh là Cù Huy Cận, là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Ông sáng tác rất nhiều bài thơ về cảnh thiên nhiên con người sông nước trong đó tiêu biểu là bài thơ "Tràng giang" được ông sáng tác vào năm 1939 đăng lần đầu tiên trên báo "Ngày nay", sau đó in vào tập "Lửa thiêng". Bài thơ bộc lộ nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha

Ngay từ thi đề, nhà thơ đã khéo gợi lên vẻ đẹp cổ điển lại hiện đại cho bài thơ. "Tràng giang" là một cách nói chệch đầy sáng tạo của Huy Cận. Hai âm "ang" đi liền nhau đã gợi lên trong người đọc cảm giác về con sông, không chỉ dài vô cùng mà còn rộng mênh mông, bát ngát. Hai chữ "tràng giang" mang sắc thái cổ điển trang nhã, gợi liên tưởng về dòng Trường giang trong thơ Đường thi, một dòng sông của muôn thuở vĩnh hằng, dòng sông của tâm tưởng.

Ngay từ khổ thơ đầu, người đọc đã bắt gặp những con sóng lòng đầy ưu tư, sầu não như thế

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng."

Hai từ láy nguyên "điệp điệp", "song song" ở cuối hai câu thơ mang đậm sắc thái cổ kính của Đường thi. Nó gợi lên hình ảnh những con sóng lồng lên nhau và dòng nước cuốn trơi đi xa. Trên dòng dông hình ảnh con thuyền lững lờ xuôi mái nước song song. Dòng sông rộng lớn là thế sao lòng người đầy ắp nỗi buồn. Thuyền và nước luôn gắn liền với nhau thuyền đi được là nhờ nước xô đi thế mà trong thơ Huy Cận lại thấy thuyền và nước chia lìa, bị xa cách nghe đầy xót xa gợi trong lòng nhà thơ buồn trăm ngả, "Trăm" là số nhiều chỉ nỗi buồn dài vô hạn. Hình ảnh "củi khô" chỉ sự cô đơn nhỏ bé, "lạc" mang nỗi buồn vô định trôi nổi, lênh đênh trước cảnh thiên nhiên rộng lớn gợi cho người đọc thấy được cảnh cô đơn trống vắng.

Nỗi lòng ấy được gợi mở nhiều hơn qua hình ảnh quạnh vắng của không gian lạnh lẽo:

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."

Hai từ láy "lơ thơ" và "đìu hiu" được tác giả khéo sắp xếp trên cùng một dòng thơ đã vẽ nên một quang cảnh vắng lặng. "Lơ thơ" gợi sự ít ỏi, bé nhỏ "đìu hiu" lại gợi sự quạnh quẽ. Giữa khung cảnh "cồn nhỏ", gió thì "đìu hiu", một khung cảnh lạnh lẽo, tiêu điều ấy, con người trở nên đơn côi, rợn ngộp đến độ thốt lên "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều". Chỉ một câu thơ mà mang nhiều sắc thái, vừa gợi "đâu đó", âm thanh xa xôi, không rõ rệt, có thể là câu hỏi "đâu" như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút sự hoạt động, âm thanh sự sống của con người. Đó cũng có thể là "đâu có", một sự phủ định hoàn toàn, chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt cái tịch liêu của thiên nhiên.

"Nắng xuống, trời lên" gợi sự chuyển động, mở rộng về không gian, và gợi cả sự chia lìa: bởi nắng và trời mà lại tách bạch khỏi nhau. "sâu chót vót" là cảnh diễn đạt mới mẻ, đầy sáng tạo của Huy Cận, mang một nét đẹp hiện đại. Đôi mắt nhà thơ không chỉ dừng ở bên ngoài của trời, của nắng, mà như xuyên thấu và cả vũ trụ, cả không gian bao la, vô tận. Cõi thiên nhiên ấy quả là mênh mông với "sông dài, trời rộng", còn những gì thuộc về con người thì lại bé nhỏ, cô đơn biết bao: "bến cô liêu".

Vẻ đẹp cổ điển của khổ thơ hiện ra qua các thi liệu quen thuộc trong Đường thi như: sông, trời, nắng, cuộc sông còn người thì buồn tẻ, chán chường với "vãn chợ chiều", mọi thứ đã tan rã, chia lìa.

Nhà thơ lại nhìn về dòng sông, nhìn cảnh xung quanh mong mỏi có chút gì quen thuộc mang lại hơi ấm cho tâm hồn đang chìm vào giá lạnh, về cô đơn. Nhưng trước mắt nhà thơ lại hiện ra những hình ảnh càng quạnh quẽ, đìu hiu:

"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cần gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

Hình ảnh bèo trôi dạt gợi sự bấp bênh, trôi nổi không biết đi đâu về đâu vô định hướng giữa dòng sông. Ở đây tác giả không chỉ một hay hai cái bèo mà "hàng nối hàng". Hình ảnh gợi cho người đọc đau xót, cô đơn trước thiên nhiên mênh mông rộng lớn. Bên cạnh hàng nối hàng cánh bèo là "bờ xanh tiếp bãi vàng" như mở ra một không gian bao la vô cùng, vô tận, thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, dường không có con người, không có chút sinh hoạt của con người, không có sự giao hoà, nối kết:

"Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật."

Tác giả đưa ra cấu trúc phủ định. "...không...không" để phủ định hoàn toàn những kết nối của con người. Trước mắt nhà thơ giờ đây không có chút gì gợi niềm thân mật để kéo mình ra khỏi nỗi cô đơn đang bao trùm, vây kín, chỉ có một thiên nhiên mênh mông, mênh mông. Cầu hay chuyến đò ngang, phương tiện giao kết của con người, dường như đã bị cõi thiên nhiên nhấn chìm, trôi đi nơi nào.

Hết nhìn xung quanh, nhìn ra xa và nhà thơ lại tiếp tục nhìn ra bầu trời:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Câu thơ giúp người đọc hình dung ra những núi mây trắng xóa được ánh nắng chiếu vào nhìn như được dát bạc. Động từ "đùn" sử dụng rất tài tình những đám mây như có nội lực bên trong từng lớp mây cứ đùn ra đùn mãi.

Và nét hiện đại càng bộc lộ rõ hơn qua dấu hai chấm thần tình trong câu thơ sau. Dấu hai chấm này gợi mối quan hệ giữa chim và bóng chiều: Chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều, cùng sa xuống mặt tràng giang, hay chính bóng chiều sa, đè nặng lên cánh chim nhỏ làm nghiêng lệch cả đi. Câu thơ tả không gian nhưng gợi được thời gian bởi nó sử dụng "cánh chim" và "bóng chiều", vốn là những hình tượng thẩm mỹ để tả hoàng hôn trong thơ ca cổ điển.

Hai câu thơ cuối chúng ta bắt gặp nét tâm trạng hiện đại của nhà thơ:

"Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Từ láy "dờn dợn" kết hợp với cụm từ "vời con nước" cho thấy nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn của "lòng quê". Nỗi niềm đó là nỗi niềm nhớ quê hương khi đang đứng giữa quê hương, nhưng quê hương đã không còn. Đây là nét tâm trạng chung của nhà thơ mới lúc bây giờ, một nỗi lòng đau xót trước cảnh mất nước.

Cả bài thơ vừa mang nét cổ diển vừa mang nét hiện đại, ngôn ngữ nhẹ nhàng sâu lắng hình ảnh sáng tạo quen thuộc: sông, nước, thuyền...đã tạo lên bức tranh nhiên nhiên rộng lớn nhưng lòng người lại nặng trĩu nỗi buồn, nỗi nhớ. Bài thơ còn thể hiện niềm khát khao hòa hợp giữa những con người và tình yêu quê hương đất nước kín đáo của nhà thơ.

-----------------HẾT------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/buc-tranh-trang-giang-va-noi-niem-cua-huy-can-42228n.aspx
Qua Tràng giang, nhà thơ Huy Cận không chỉ đơn thuần tái hiện bức tranh sông nước khi chiều về mà còn là bức tranh tâm cảnh, nơi nhà thơ kín đáo bộc lộ những suy nghĩ, tâm sự của bản thân. Để có những cảm nhận chi tiết về nội dung cũng như nghệ thuật của bài thơ, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang, Bình giảng bài thơ Tràng giang, Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang, Cảm nhận về bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Tác giả: Phí Quỳnh Anh     (3.3★- 7 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích Tràng giang để làm rõ lòng yêu tạo vật thiên nhiên trong tâm trạng cô đơn thẳm sâu và trong sáng của Huy Cận
Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận
Cảm nhận về bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Dàn ý bình giảng bốn câu kết trong bài thơ Tràng giang
Bình giảng khổ thơ thứ hai bài Tràng giang
Từ khoá liên quan:

buc tranh trang giang va noi niem cua huy can

, dan y buc tranh thien nhien va buc tranh tam trang trong trang giang, buc tranh thien nhien va buc tranh tam trang trong trang giang,

SOFT LIÊN QUAN
  • Sơ đồ tư duy Tràng giang

    Sơ đồ tư duy Ngữ văn lớp 11

    Với cách tóm tắt các ý chính ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch trong Sơ đồ tư duy Tràng giang dưới đây, người viết đã cho chúng ta cái nhìn khái quát và toàn diện nội dung, nghệ thuật của bài thơ, các em cùng đón đọc sơ đồ để hiểu hơn về tác phẩm này.

Tin Mới