Các em có thể tham khảo một số dàn ý và đoạn văn mẫu cho đề Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn hoặc năm chữ Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I dưới đây để rèn luyện kĩ năng viết đoạn của mình.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn hoặc năm chữ Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
I. Đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm
1. Dàn ý: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm.
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
b. Thân đoạn:
- Cảm xúc về nội dung:
+ Hình ảnh người lính ra trận.
+ Sự hi sinh của người lính.
+ Sự hóa thân của người lính vào đất trời.
- Cảm xúc về nghệ thuật:
+ Ngôn từ tinh tế, cách gieo vần, ngắt nhịp thơ, biện pháp nghệ thuật so sánh.
c. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
2. Đoạn văn mẫu: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm.
Trong bài thơ "Đồng dao mùa xuân" của Nguyễn Khoa Điềm, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ đã đem đến cho em nhiều cảm xúc. Mở đầu bài thơ, hình ảnh người lính đi vào núi xanh trong những năm tháng kháng chiến khói lửa của dân tộc khiến em vô cùng cảm phục. Thế nhưng, anh đã hi sinh trên chiến trận mà chẳng thể chờ đến ngày đất nước hòa bình: "Một ngày hòa bình/ Anh không về nữa". Khổ thơ chỉ có hai dòng nhưng gợi bao nỗi xót thương trước sự thật nghiệt ngã của cuộc chiến: người lính ra đi không ngày trở về. Ngày anh đi là chàng trai trẻ, "chưa một lần yêu", chưa từng biết đến mùi vị cà phê như thế nào. Anh vẫn còn mê thả diều trên cánh đồng quê hương bát ngát. Vậy mà, chiến tranh tàn khốc đã cướp đi mạng sống của anh: "Một lần bom nổ/ Khói đen rừng chiều/ Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo". Câu thơ: "Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo" cho em cảm nhận về sự hi sinh đau đớn nhưng cái chết của anh đã trở thành ngọn lửa bất diệt, soi sáng ý chí, tinh thần cho những người đồng đội mang theo để chiến đấu. Tuy anh không còn nhưng những kỉ niệm về chiếc "Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Làn da sốt rét/ Cái cười hiền lành" vẫn luôn hằn sâu trong trí nhớ của đồng đội. Ngày đất nước toàn thắng, biết bao con người đã trở về với gia đình, quê hương. Chỉ còn anh vẫn gửi gắm tuổi trẻ nhiệt huyết nơi núi rừng Trường Sơn sâu thẳm với dáng ngồi lặng lẽ "dưới cội mai vàng", dưới "màu hoa đại ngàn" cùng đôi mắt trong như "suối biếc", đôi vai chất đầy hình hài của núi non. Bao nhiêu mùa xuân đi qua là bấy nhiêu chiều dài thương nhớ. Bằng ngôn từ tinh tế, cách gieo vần chân, cách ngắt nhịp 2/2 , biện pháp nghệ thuật so sánh "Mắt như suối biếc", nhà thơ đã khiến hình ảnh người lính in sâu vào lòng mỗi người dân nước Việt. Những người lính sống mãi trong sự yêu mến, biết ơn và trân trọng của nhân dân bởi họ là người làm nên mùa xuân cho đất nước, cho dân tộc.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn hoặc năm chữ, ngắn gọn, Ngữ văn 7 KNTT
II. Đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Gặp lá cơm nếp của Thanh Thảo.
1. Dàn ý: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Gặp lá cơm nếp của Thanh Thảo.
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
b. Thân đoạn:
- Cảm xúc về nội dung: Bài thơ là nỗi nhớ của người lính dành cho mẹ già trong khoảnh khắc bắt gặp lá cơm nếp, từ đó thể hiện tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng.
+ Hoàn cảnh người con bộc lộ tình cảm với mẹ: trên đường hành quân người lính bắt gặp lá cơm nếp.
+ Hình ảnh của người mẹ hiện lên trong tâm trí của người con.
+ Tâm tư, tình cảm của người con đối với mẹ già và đất nước.
- Cảm xúc về nghệ thuật:
+ Thể thơ năm chữ ngắn gọn.
+ Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị.
+ Ngôn từ tinh tế.
c. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
2. Đoạn văn mẫu: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Gặp lá cơm nếp của Thanh Thảo.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, biết bao bài thơ hay đã ra đời để ghi dấu giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là tác phẩm "Gặp lá cơm nếp". Bài thơ của Thanh Thảo đã để lại trong em nỗi xúc động về tình cảm của người lính dành cho mẹ già và tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, người con trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình: "Xa nhà đã mấy năm/ Thèm bát xôi mùa gặt/ Khói bay ngang tầm mắt/ Mùi xôi sao lạ lùng.". Người con xa nhà đã mấy năm, lá cơm nếp trong khoảnh khắc đã làm sống lại một vùng kí ức tươi đẹp về bát xôi mùa gặt. Chính hương vị của lá cơm nếp đã gợi cho con nhớ làn "khói bay ngang tầm mắt", "mùi xôi sao lạ lùng". Hình ảnh bát xôi mùa gặt còn là hình ảnh gắn liền với bóng dáng người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó: "Mẹ ở đâu, chiều nay/ Nhặt lá về đun bếp/ Phải mẹ thổi cơm nếp/ Mà thơm suốt đường con". Câu hỏi "Mẹ ở đâu, chiều nay" khiến em vô cùng xúc động trước tình cảm thiêng liêng của người con dành cho mẹ. Con thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của mẹ già nhưng lại không thể đỡ đần, phụ giúp. Suốt chặng đường hành quân, thứ con nhớ nhất vẫn là mùi cơm nếp do tay mẹ nấu. Đó là mùi vị của quê hương, là bóng dáng của mẹ, là hiện thân của đất nước. Con san sẻ, chia đều nỗi nhớ thương cho mẹ già và đất nước. Mẹ vừa là động lực thôi thúc con chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vừa là ngọn nguồn nuôi dưỡng, soi sáng tâm hồn con. Chính vì vậy, "Cây nhỏ rừng Trường Sơn/ Hiểu lòng nên thơm mãi". Bằng ngôn từ tinh tế và đặc sắc, hình ảnh thơ gần gũi, bình dị, thể thơ năm chữ ngắn gọn, súc tích, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ thương mẹ. Tình yêu gia đình hòa vào tình yêu đất nước trở thành một điểm nhấn, một dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.
.....................................................HẾT.................................................
Bài thơ Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm) và Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo) là những bài thơ hay nói về tình cảm gia đình gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Bài viết do Taimienphi.vn cung cấp sẽ là nguồn văn mẫu lớp 7 tham khảo không thể thiếu của các em trong quá trình chuẩn bị bài học và viết đoạn của mình.
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-ghi-lai-cam-xuc-ve-bai-tho-bon-hoac-nam-chu-ngan-gon-ngu-van-7-kntt-71675n.aspx
Tham khảo thêm nhiều bài văn khác:
- Nói và nghe: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc, Ngữ văn 7 KNTT
- Nói và nghe: Trình bày suy nghĩ về hình ảnh người lính