Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống, một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại, Ngữ văn 8 Kết nối tri thức với cuộc sống

Xã hội phát triển ngày một tân tiến. Thế nhưng trong xã hội loài người vẫn tồn tại những thói hư tật xấu. Hãy cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này qua phần Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống, một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại, Ngữ văn 8, Kết nối tri thức trên Taimienphi.vn nhé.

Đề bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại).

viet bai van nghi luan ve mot van de doi song mot thoi xau cua con nguoi trong xa hoi hien dai ngu van 8 ket noi tri thuc voi cuoc song

A. Dàn ý chung bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại):

I. Mở bài:

- Nêu vấn đề cần nghị luận (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại).

II. Thân bài:

- Làm rõ vấn đề nghị luận.

- Trình bày ý kiến phê phán, nêu lí lẽ và bằng chứng để chứng minh sự phê phán là có cơ sở.

- Nêu ý kiến không đồng tình (giả định) với ý kiến của người viết và tranh luận với ý kiến đó (nếu có).

- Đề xuất giải pháp khắc phục (nếu có)

III. Kết bài:

- Khẳng định ý kiến phê phán, rút ra bài học.

B. Bài văn mẫu nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại):

* Gợi ý bài văn mẫu Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

I. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại) - mẫu số 1:

Đề tài: Sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân.

1. Dàn ý chi tiết:

1.1. Mở bài:

- Giới thiệu về vấn đề nghị luận: Sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân.

- Bày tỏ quan điểm cá nhân: Phê phán.

1.2. Thân bài:

a, Làm rõ vấn đề:

- Sự tùy tiện khi tham gia giao thông:

+ Người dân tự ý di chuyển, không tuân thủ theo luật lệ được Nhà nước đề ra.

+ Chỉ chú ý xem có cảnh sát giao thông không để tùy tiện đi theo ý mình.

+ Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, đi dàn hàng hai hàng ba, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông,...

- Nguyên do dẫn đến vấn đề:

+ Ý thức người dân chưa cao.

+ Sự bắt chước, thấy người khác làm được thì mình cũng làm.

+ Thiếu hiểu biết về luật lệ.

b, Trình bày ý kiến phê phán:

- Thực trạng của người dân khi tham gia giao thông:

+ Học sinh chưa đủ tuổi đã điều khiển xe máy, mô tô tới trường.

+ Một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức, lấn chiếm lòng đường, gây ùn tắc nghiêm trọng.

+ Người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện.

+ Người tham gia giao thông chở hàng hóa cồng kềnh quá mức quy định, gây nguy hiểm cho người khác.

+ Người qua đường không đúng vạch quy định.

+ Người dân không chấp hành luật lệ: vượt đèn đỏ, lạng vách, đánh võng, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm,...

- Hậu quả mà vấn đề gây ra:

+ Gây ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khỏe của con người.

+ Gây tổn hại về vật chất cũng như tinh thần.

+ Ảnh hưởng đến an toàn, trật tự xã hội.

c, Đề xuất giải pháp khắc phục:

- Mỗi cá nhân tự giác nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của bản thân.

- Tích cực tuyên truyền, giáo dục cho người dân về quy định khi tham gia giao thông.

- Nghiêm khắc trừng phạt những trường hợp cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

1.3. Kết bài:

- Khái quát lại những luận điểm, ý kiến đã nêu.

- Bài học nhận thức và hành động.

2. Bài văn mẫu:

Xã hội phát triển ngày một nhanh chóng. Điều này cũng kéo theo nhiều mặt trái trong thói quen của con người. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay chính là sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân.

Có thể hiểu, sự tùy tiện khi tham gia giao thông chính là việc người dân tự ý điều khiển phương tiện mà không tuân thủ theo luật lệ mà Nhà nước ban hành. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, đi dàn hàng hai hàng ba, không đội mũ bảo hiểm, uống bia rượu khi lái xe,... Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này chủ yếu do ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao. Họ thiếu hiểu biết về luật lệ, hoặc biết nhưng không tuân theo. Rồi người này nhìn người kia, cứ vậy nghĩ rằng người khác làm được thì mình cũng làm.

Nhìn vào thực tế, ta thấy khá nhiều hành vi thể hiện sự tùy tiện này. Nào là học sinh chưa đủ tuổi đã điều khiển xe gắn máy, xe mô tô đi học. Hay như việc lấn chiếm lòng đường, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong giờ cao điểm. Số khác lại sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện, chở đồ cồng kềnh quá mức cho phép, lạng lách, đánh võng, chở quá số người,... Từ đó, gây nên bao tai nạn thương tâm không đáng có.

Điều này đã dẫn đến vô số hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đầu tiên, nó gây ảnh hưởng về cả mặt thể chất lẫn tinh thần của con người. Người gây tai nạn bị xử phạt, nạn nhân bị tổn hại về sinh mạng, sức khỏe, tài chính. Những gia đình có người gặp nạn cũng phải chịu tổn thương rất lớn. Đồng thời, việc tùy tiện trong tham gia giao thông cũng khiến an toàn, trật tự xã hội bị đảo lộn. Từ đó, làm trì trệ sự phát triển của nước nhà.

Để có thể khắc phục tình trạng kể trên, con người cần hành động nhanh chóng, dứt khoát. Mỗi cá nhân hãy tự mình nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của bản thân. Gia đình, nhà trường cũng như các cấp chính quyền cũng nên tích cực tuyên truyền, giáo dục cho người dân về quy định, lưu ý khi tham gia giao thông. Đặc biệt, cần nghiêm khắc xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Có như vậy, xã hội mới lấy lại được sự bình yên, tiếp tục công cuộc phát triển trong tương lai.

Tóm lại, sự tùy ý khi tham gia giao thông của một số người dân có thể mang lại rất nhiều mặt tiêu cực cho đời sống con người. Là công dân của thế giới, chúng ta hãy cố gắng, nỗ lực rèn luyện bản thân. Đồng thời, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng. Từ đó, xây dựng và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh và tiến bộ hơn.

viet bai van nghi luan ve mot van de doi song mot thoi xau cua con nguoi trong xa hoi hien dai ngu van 8 ket noi tri thuc voi cuoc song 2

II. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại) - mẫu số 2:

Đề tài: Thói kiêu ngạo, thích chơi trội của một bộ phận thanh thiếu niên.

1. Dàn ý chi tiết:

1.1. Mở bài:

- Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận: Thói kiêu ngạo, thích chơi trội của một bộ phận thanh thiếu niên.

- Bày tỏ quan điểm cá nhân: Phản đối, phê phán.

1.2. Thân bài:

a, Làm rõ vấn đề:

- Thói kiêu ngạo:

+ Quá tự cao về bản thân.

+ Luôn nghĩ bản thân là trung tâm.

- Thích chơi trội:

+ Lúc nào cũng muốn bản thân hơn người khác.

+ Không hài lòng khi thấy người khác hơn mình.

- Nguyên nhân:

+ Thói hư vinh, thích sự hào nhoáng.

+ Chạy đua để bằng hoặc hơn người khác.

+ Sự thiếu hiểu biết, thiếu khiêm tốn.

b, Nêu ý kiến phê phán, phản đối:

- Thói kiêu ngạo, thích chơi trội làm giảm khả năng phát triển của con người:

+ Không có chí tiến thủ.

+ Chỉ quan tâm đến những thứ bề ngoài hào nhoáng mà không tập trung phát triển tri thức, sức khỏe,...

+ Làm giảm khả năng sáng tạo, khiến con người bị ỷ lại, phụ thuộc vào những thứ hào quang đã cũ.

- Thói kiêu ngạo, thích chơi trội gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, đất nước:

+ Thế hệ trẻ là tương lai đất nước -> Mang vai trò quyết định đối với vận mệnh quốc gia.

+ Thế hệ trẻ không chú trọng phát triển bản thân sẽ tạo ra lỗ hổng lớn trong hệ thống nhà nước.

c, Ý kiến trái chiều:

- Một số ý kiến cho rằng đây là cách giới trẻ thể hiện sự tự tin, thể hiện cái tôi cá nhân trong thời đại mới.

- Phản bác:

+ Sự tự tin khác với thói kiêu ngạo, thích chơi trội.

+ Cái tôi cá nhân cần được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, nếu không sẽ biến thành tự cao, gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cả cá nhân và cộng đồng.

+ Sự khiêm tốn, tinh thần cầu tiến mới là thứ giới trẻ thực sự cần trong thời đại mới.

1.3. Kết bài:

- Khái quát lại những luận điểm đã nêu.

- Bài học nhận thức và hành động.

2. Bài văn mẫu:

Xã hội phát triển, đời sống của con người cũng trở nên ngày một đầy đủ hơn. Tuy vậy, điều này dẫn tới không ít mặt trái, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến con người. Một trong số đó chính là thói kiêu ngạo, thích chơi trội. Nguy hiểm hơn nữa, nó lại diễn ra ở một bộ phận thanh thiếu niên - những mầm non tương lai của thế giới.

Trước tiên, ta cần hiểu rõ thói kiêu ngạo, thích chơi trội là gì. Kiêu ngạo là một dạng thái độ của con người khi quá tự tin về bản thân. Những người này quả thực có tài, có kinh tế hoặc một yếu tố bất kì nổi trội để họ hãnh diện. Nhưng đôi khi, điều này trở nên thái quá, thậm chí dẫn đến việc coi thường, hạ thấp người khác. Còn thích chơi trội có thể được hiểu là thái độ lúc nào cũng muốn bản thân hơn người khác. Ví dụ khi thấy bạn có chiếc ô tô điều khiển từ xa đẹp, mình cũng phải có cái đẹp hơn, hoặc ít nhất là tương tự như vậy. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chính là do thói hư vinh, đua đòi của con người, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ. Họ được tiếp xúc nhiều với cái mới, được sống trong sự đủ đầy về vật chất nên luôn thích sự hào nhoáng. Đồng thời, cũng do sự thiếu hiểu biết, thiếu khiêm tốn.

Vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân con người. Đối với các bạn trẻ, thói kiêu ngạo, thích chơi trội sẽ làm giảm khả năng phát triển của họ. Họ chỉ chăm chăm vào chạy đua với người khác mà quên mất phải tự trau dồi bản thân. Việc chỉ quan tâm đến những thứ hào nhoáng bên ngoài sẽ khiến họ mất đi sự cầu tiến, giảm khả năng sáng tạo. Từ đó, trở nên ỷ lại, quá phụ thuộc vào vật chất.

Không chỉ vậy, thói kiêu ngạo, thích chơi trội của một bộ phận thanh thiếu niên còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển xã hội. Chúng ta đều biết giới trẻ chính là những trụ cột tương lai của đất nước. Vậy nếu những "trụ cột" ấy lại chỉ hào nhoáng bên ngoài mà không có các yếu tố cốt lõi bên trong, liệu họ sẽ làm cách nào để kiến thiết, gây dựng quốc gia? Nếu không có kiến thức, kĩ năng và thái độ phù hợp, người trẻ sẽ đưa đất nước đi lên kiểu gì? Đó quả là vấn đề vô cùng nan giải của cả một thế hệ.

Có ý kiến cho rằng việc kiêu ngạo, thích chơi trội là các giới trẻ thể hiện cái tôi cá nhân của mình trong thời đại mới. Đúng, mỗi người cần có cái "chất", sự tự tin riêng, nhất là ở giai đoạn thế giới đang không ngừng tiến bộ, hộ nhập. Tuy nhiên tự tin khác với kiêu ngạo. Việc thể hiện cái tôi cá nhân cần phải đúng lúc, đúng chỗ nếu không sẽ trở nên phản tác dụng. Đối với thời đại ngày nay, sự khiêm tốn, tinh thần cầu tiến mới là điều quan trọng mà người trẻ cần không ngừng trau dồi, rèn luyện.

Tựu chung lại, thói kiêu ngạo, thích chơi trội sẽ mang lại rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung. Vậy nên mỗi người cần biết tự rèn luyện, trau dồi bản thân cả về kiến thức, kĩ năng và thái độ. Từ đó, trở thành một công dân có ích, góp phần xây dựng đất nước ngày càng tiến bộ, giàu đẹp hơn.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi viết bài văn nghị luận về một thói xấu của con người trong xã hội, em có thể đưa vào các dẫn chứng thực tế để bài làm thêm tính thuyết phục nhé. Mời các em tham khảo thêm những mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội, một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại; Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa.

 

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-bai-van-nghi-luan-ve-mot-van-de-doi-song-mot-thoi-xau-cua-con-nguoi-trong-xa-hoi-hien-dai-76986n.aspx
 

Tác giả: Thuỳ Dương     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Bài luận thuyết phục từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm không phù hợp với chuẩn mực chung
Dàn ý nghị luận về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong xã hội
Nghị luận về tác hại của việc nói dối
Nghị luận xã hội về đức tính khiêm tốn
Nghị luận về một vấn đề xã hội (Con người với cuộc sống xung quanh)
Từ khoá liên quan:

Viet bai van nghi luan ve van den doi song mot thoi xau cua con nguoi trong xa hoi hien dai

, bai van nghi luan ve van den doi song mot thoi xau cua con nguoi trong xa hoi ngu van 8 ket noi tri thuc, bai van nghi luan ve van den doi song mot thoi xau cua con nguoi trong xa hoi ngan gon,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới