Đề bài: Trình bày suy nghĩ về câu nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi
Trình bày suy nghĩ về câu nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
I. Dàn ý Trình bày suy nghĩ về câu nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
1. Mở bài
- Giới thiệu về câu nói của Bác
- Đây là một chân lý về tình yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
2. Thân bài
* Khẳng định và giải thích câu nói trên:
+ Đây là một chân lý từ xưa, luôn tồn tại qua mọi thời đại.
+ Thể hiện tình cảm thiêng liêng, một tư tưởng sắt đá cùng tinh thần đoàn kết, yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc.
* Bàn luận:
- Tinh thần đoàn kết là sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù:
+ Dân tộc ta từ xưa luôn bị nhòm ngó bởi các thế lực thù địch (giặc phương Bắc, các nước phương Tây, ...)
+ Nhưng chúng ta luôn chiến thắng bởi do tinh thần đoàn kết dân tộc...(Còn lại)
>>Dàn ý Trình bày suy nghĩ về câu nói Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một đầy đủ tại đây.
II. Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về câu nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
Mỗi một quốc gia trên thế giới đều phải trải qua những cuộc chiến gìn giữ đất nước, chủ quyền dân tộc. Nhiều dân tộc chiến thắng, giữ gìn được nền độc lập của mình nhưng có đất nước lại bị đô hộ, bị đồng hóa. Việt Nam chúng ta cũng vậy. Chúng ta đã phải trải qua bao cuộc đấu tranh mới giữ gìn được đất nước tươi đẹp này. Để làm được điều đó, không chỉ có sự hy sinh, dũng cảm mà còn có tình yêu nước thắm thiết cùng với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc ta. Đúng như Hồ Chí Minh đã khẳng định điều đó trong thông điệp "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi".
Câu nói mộc mạc chứa chan nhiệt huyết tràn đầy của Hồ Chí Minh như còn vang vọng đâu đây trong mỗi chúng ta. Phải, dân tộc ta là một thể thống nhất, đất nước ta nối liền một dải không thể cắt rời, đó là chân lý, vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Chân lý ấy đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay, trải qua thăng trầm của bốn ngàn năm dựng xây mà bảo vệ Tổ quốc. Lời của Bác cũng như để khẳng định một tình cảm thiêng liêng, một ý chí sắt đá, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn non sông Việt Nam vậy.
Dân tộc ta trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi chúng ta không thể nào quên hình ảnh của mẹ u Cơ đẻ ra bọc trứng trăm con. Bọc trứng ấy là dân tộc ta, dân tộc ta vốn là một thể thống nhất, vậy nên Hồ Chí Minh mới khẳng định "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Phải đất nước ta là nhà, tất cả dân tộc ta là anh em của nhau. Mượn hình ảnh của thiên nhiên "sông, núi" cùng từ nghĩ so sánh "cạn, mòn", Bác muốn khẳng định với cả nước ta, với toàn bộ thế giới rằng, không gì có thể chia cắt được đất nước Việt Nam cũng như không gì có thể dập tắt ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước quyết tâm bảo vệ non sông của con người Việt Nam được.
Dân tộc ta từ thuở còn Hùng Vương dựng nước đến nay đã trải qua bao thăng trầm, bao cuộc xâm lăng của ngoại xâm, nhưng với lòng yêu nước cùng truyền thống đánh giặc chống xâm lăng, dân tộc ta đã dập tắt hết thảy những hi vọng của bọn cướp nước. Thực tế đã chứng minh, từ thời Bà Trưng Bà Triệu, đến thời kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, chúng ta đều dùng tinh thần ấy đánh bay mọi âm mưu của kẻ thù.
Lời khẳng định chắc nịch của Hồ Chí Minh như muốn nói lên tinh thần đoàn kết của dân tộc sẽ là sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù. Và lịch sử đấu tranh của dân tộc ta đã cho ta thấy rõ điều đó. Hơn một ngàn năm bị đô hộ bởi những kẻ thù phương Bắc, chúng ta đã nổi dậy bằng chiến thắng của Ngô Quyền và đặc biệt là ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Có được những chiến thắng đó phải chăng chính nhờ tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc ta? Những kế như "vườn không nhà trống" được thực thi rất nhiều lần trong những trận chiến chống kẻ thù, để tạo nên thành công của những kế hoạch này thì chắc chắn không thể thiếu được tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Cũng như vậy, trong trận chiến Bạch Đằng giang nức tiếng muôn đời, nếu như không có tinh thần đoàn kết của toàn dân cả nước, liệu chúng ta có được chiến thắng vang dội như vậy hay không?
Hay gần đây, chúng ta phải liên tiếp đối đầu với hai kẻ thù lớn của thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những tưởng một đất nước nhỏ bé, tiềm lực có hạn sẽ nhanh chóng rời vào tay những kẻ giàu có đầy tham vọng kia, nhưng không, chúng ta đã chiến thắng cả hai cường quốc lớn mạnh đó để ghi dấu tên mình vào trang vàng lịch sử nhân loại. Phải, để làm được điều đó, chúng ta phải nhắc tới tình đoàn kết cùng ý chí sắt đá của cả đất nước Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", chính thế chúng ta mới tạo nên được con đường mòn Hồ Chí Minh để chi viện cho miền Nam chống Mỹ. Rồi thì hàng vạn những người lính miền Bắc đã cùng nhau tiến vào miền Nam, nhân dân miền Bắc chi sức người sức của giúp nhân dân miền Nam cũng như cả nước ta được hưởng nền độc lập. Dân tộc ta là một, đất nước ta cũng là một dải thống nhất, chẳng ai có thể đạp đổ được chân lý muôn đời ấy được.
Tinh thần đoàn kết cùng ý chí sắt đá quyết tâm bảo vệ chủ quyền của dân tộc là một trong những sức mạnh to lớn để dân tộc Việt Nam ta có thể đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đúng như lời Bác Hồ đã khẳng định "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn , song chân lý ấy không bao giờ thay đổi", chúng ta là một khối thống nhất, đó là một chân lý muôn đời.
Câu nói của Bác không chỉ nói lên tinh thần đoàn kết của nhân dân ta mà nó còn nói đến lòng yêu nước sâu sắc của con người Việt Nam cùng với quyết tâm bảo vệ toàn vẹn non sông này. Bác Hồ vẫn luôn nói với chúng ta rằng: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước", vâng, lòng yêu nước ấy luôn sục sôi bên trong mỗi người dân Việt, chỉ cần một tác nhân nhỏ cũng thổi bùng ngọn lửa yêu nước bất diệt ấy. Trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc, chúng ta luôn dành được những chiến thắng quan trọng nhất, giữ vững được nền độc lập suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử hào hùng. Một trong những trận đại chiến đó là cuộc chiến của vua Lê Lợi cùng quân sư Nguyễn Trãi. Hai con người tài giỏi ấy đã tạo nên một trong những chiến thắng vang dội trước quân đội nhà Minh - Trung Quốc để viết lên một bản hùng ca, tuyên ngôn độc lập khẳng định chủ quyền của dân tộc Đại Việt ta:
"Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương"
Không chỉ vậy, có ai có thể quên được trận Ngọc Hồi - Đống Đa của Quang Trung Nguyễn Huệ, rồi chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu trước thực dân Pháp? Tất cả những chiến thắng đó được làm nên bởi tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, cũng bởi quyết tâm chiến đấu tới cùng bảo vệ non sông của nhân dân ta.
Để bảo vệ non sông, dân tộc ta đã phải đương đầu với biết bao kẻ thù lớn mạnh, thế nhưng nhờ tinh thần yêu nước, ý chí sắt đá, lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược tàn bạo để giữ gìn nền chủ quyền toàn vẹn ấy đến hôm nay.
Thế nhưng, bước vào giai đoạn hôm nay, chủ quyền đất nước chúng ta đang bị đe dọa chủ quyền trước sự ngạo mạn của Trung Quốc. Chúng coi thường hết thảy mọi đạo luật quốc tế, ngang nhiên đặt giàn khoan HD981 tại hải phận của nước ta, đánh chiếm các đảo thuộc chủ quyền của ta, rồi công kích, đánh phá các tàu cá của ngư dân ta tại ngư trường của Việt Nam. Tất cả những hành động ngạo mạn ấy đang đe dọa tới toàn thể an ninh của đất nước, đe dọa tới sự toàn vẹn chủ quyền của dân tộc. Giờ đây, chúng ta càng thấm thía hơn chân lý mà Bác Hồ đã khuyên dạy, cả nước ta đang sục sôi tinh thần yêu nước, đoàn kết chống lại kẻ thù để bảo vệ non sông. Hàng trăm người lính chiến sĩ đã tình nguyện bám đảo, làm việc, sinh sống trên các đảo thuộc hải phận của Việt Nam để giữ gìn chủ quyền. Những người ngư dân tăng cường ra khơi đánh bắt xa bờ ở những ngư trường lớn của nước ta. Nhà nước, Chính phủ cũng giúp sức trang bị phương tiện, kỹ thuật giúp các ngư dân thực hiện nhiệm vụ bám biển của mình. Và trong không khí sục sôi ấy, hình ảnh của sáu mươi tư chiến sĩ đảo Gạc Ma đã hy sinh anh dũng bảo vệ biển đảo quê hương lại hiện ra rõ hơn bao giờ hết để nhắc chúng ta về sự anh hùng, về tinh thần yêu nước cũng như quyết tâm sắt đá bảo vệ quê hương của họ, dù phải hy sinh tính mạng của mình.
Chân lý của Hồ Chí Minh là một chân lý đúng đắn ở mọi thời đại. Bất cứ lúc nào cũng ta cũng phải thấm thía và ghi nhớ thật sâu sắc lời dạy đó của người. Mỗi người dân Việt Nam chúng ta phải giữ gìn, phát huy cũng như chung tay bảo vệ chủ quyền của đất nước bằng tình yêu, lòng đoàn kết của mình. Tuy vậy, chúng ta càng phải cẩn trọng hơn trước những âm mưu thù địch của kẻ thù, âm mưu kích động lòng dân để làm tan rã tinh thần đoàn kết của dân tộc. Chúng ta phải luôn tôn trọng luật pháp, tuân thủ luật pháp Việt Nam và quốc tế thì mới có thể giữ gìn đất nước lâu bền được.
Lời dạy của Bác Hồ về tinh thần yêu nước, đoàn kết, quyết tâm chống mọi kẻ thù bảo vệ đất nước luôn vang vọng trong tâm hồn mỗi con người Việt. Lời Bác dạy - một chân lý sẽ tồn tại muôn đời dù có ra sao, chỉ cần tinh thần yêu nước, đoàn kết cùng sự quyết tâm, chúng ta sẽ giữ gìn được Tổ quốc của mình và thực hiện lời dạy của Người: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
--------------------HẾT--------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/trinh-bay-suy-nghi-ve-cau-noi-nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot-46251n.aspx
Câu nói Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi thể hiện ý chí và niềm tin của con người Việt Nam về nền độc lập, thống nhất của đất nước Việt Nam. Để củng cố kĩ năng viết bài nghị luận xã hội, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Suy nghĩ về câu nói: Lao động là vinh quang, Suy nghĩ về câu nói: Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa, Suy nghĩ về câu nói: Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được..., Suy nghĩ về câu nói: Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người...