Ngô Tử Văn là nhân vật khẳng khái, chính nghĩa, căm ghét điều gian tà trong truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Qua việc Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn các em không chỉ có dịp tìm hiểu chi tiết về tính cách, hành động chính nghĩa của Ngô Tử Văn mà còn củng cố thêm kĩ năng viết văn thuyết minh của mình.
Đề bài: Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn
Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn
I. Dàn ý Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn
1. Mở bài
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" - câu chuyện kể về người con trai Ngô Tử Văn với nhiều phẩm chất tốt đẹp; đại diện cho cái thiện, dám đứng lên chống lại cái ác.
2. Thân bài
* Lai lịch, tính cách:
|- Lai lịch nhân vật Ngô Tử Văn: tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang.
- Tính cách: Cương trực, nóng nảy, luôn bất bình trước cái ác.
→ Nguyễn Dữ đã giúp người đọc hình dung đến một con người có thật, mọi người sẽ tin vào tính xác thực của câu chuyện; đồng thời hướng đến hành đồng chính nghĩa của nhân vật Ngô Tử Văn.
* Hành động của nhân vật Ngô Tử Văn
- Nhân vật Ngô Tử Văn được xây dựng là nhân vật có tính cách cương trực, luôn bất bình trước cái ác và cái xấu, hành động của Ngô Tử Văn trong câu chuyện là hành động đốt đền.
- Nguyên nhân: Do Ngô Tử Văn bất bình với tướng giặc họ Thôi, không giúp đỡ dân lành mà còn tác yêu, tác quái trong đền.
- Quá trình đốt đền:
+ Hành động đốt đền là hành động theo tín ngưỡng dân gian là tội báng bổ thần thánh, việc làm không ai dám làm. Nhưng Ngô Tử Văn dám làm.
+ Trước khi đốt, Ngô Tử Văn đã tắm rửa sạch sẽ, khấn vái thần linh, trời đất. Vì vậy hành động đốt đền này xuất phát từ sự cương trực, nghiêm túc, không xúc phạm đến thần linh.
+ Ý nghĩa việc đốt đền: Dám đứng lên chống lại cái ác, ca ngợi hành động chính nghĩa.
* Sự kiện sau khi đốt đền|
- Ngô Tử Văn về nhà cảm thấy khó chịu trong người, cơ thể run lên từng đợt. Sau đó, Ngô Tử Văn đã có màn đối thoại với tướng giặc họ Thôi, thổ công và Diêm Vương.
- Đối với tướng giặc: Họ Thôi giả làm cư sĩ đến doạ Tử Văn, đòi xây lại đền. Tử Văn không đáp lại, ngồi ung dung.
→ Ngô Tử Văn là người can đảm, không bị khuất phục.
- Đối với thổ công: Thổ công đã kể lại toàn bộ câu chuyện, dặn dò cách đối phó với tên tướng giặc.
→ Ngô Tử Văn bản lĩnh, đã làm những điều người thường hay thần thánh cũng không dám làm. Ngô Tử Văn đã chống lại những thói xấu, những điều phi lý.
- Đối với Diêm Vương: Khi bị tướng giặc có những lời vu cáo xảo quyệt, lời quát mắng của Diêm Vương nhưng không hề sợ hãi, nao núng. Luôn bình tĩnh đưa ra những bằng chứng thuyết phục để làm rõ hành động của mình là đúng đắn.
→ Cuối cùng Ngô Tử Văn đã được xử thắng kiện, được giao giữ chức phán sử đền Tản Viên. Đây là kết quả xứng đáng cho hành động của Ngô Tử Văn; cái tốt luôn chiến thắng trước cái xấu.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc họa rõ nét nhân vật qua hành động, lời nói. Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật thành công qua những xung đột kịch tính. Sử dụng các chi tiết kì ảo, hoang đường.
3. Kết bài
Cảm nghĩ về nhân vật Ngô Tử Văn
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn
"Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" - tác phẩm tiêu biểu trong "Truyền kì mạn lục" thể hiện tiêu biểu cho quan điểm, vấn đề nhân sinh quan của nhà văn Nguyễn Dữ. Chuyện kể về Ngô Tử Văn, một con người có tính tình cương trực, dám đứng lên chống lại những điều xấu xa, mong muốn mang lại sự công bằng trong xã hội.
Ngô Tử Văn tên thật là Soạn, người ở huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Ngô Tử Văn vốn nổi tiếng là người có tính khảng khái, cương trực, không bao giờ chịu cúi đầu trước cái ác, sự xấu xa. "Chàng vốn kháng khái, nóng nảy, thấy gian tà thì không thể chịu được".
Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn với hình ảnh vô cùng táo bạo qua hành động "không giống ai" và còn được xem là xúc phạm đến thần linh chính là đốt đền. Ngôi đền được mang tiếng là linh thiêng, là nơi ngày ngày người dân đến hương khói để cầu mong sự bình an, hạnh phúc nhưng lại có tên tướng họ Thôi đến tác quái. "Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách họ Thôi, tử trận gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian, có người dốc hết của cải, gia sản khánh kiệt cũng không đủ để cầu cúng".
Ngô Tử Văn vốn tính nóng nảy, trước sự việc không thể chấp nhận được này đã quyết định làm một việc khiến không ít người lo sợ chính là đốt đền, huỷ bỏ đi nơi trú ngụ của tướng giặc họ Thôi.
Chỉ mới nghe tên đốt đền thôi cũng đủ làm nhiều người hoảng sợ. Tuy nhiên, điều này lại không mang tính xúc phạm thần linh do hành động đốt đền của Ngô Tử Văn xuất phát từ tinh thần chính nghĩa, dám đứng lên chống lại cái ác, phá bỏ đi nguy hại cho chính người dân. Trước khi châm lửa đốt, người đọc thấy rõ hành động tắm rửa sạch sẽ, khấn vái trời đất rồi mới đốt. Chính từ hành động này cũng cho thấy Ngô Tử Văn không hề khinh rẻ, phỉ báng thần thánh mà còn một phần nào đó mong trời đất, thần linh chứng giám cho hành động của mình, trừ gian diệt ác.
"Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng Tử Văn vung tay, không cần gì cả" Xuất phát là kẻ sĩ nhưng hành động của Tử Văn rất giống với những bậc anh hùng ngày xưa. Dù là một con người nhỏ bé, nhưng vẫn dám đứng lên, hành động mà không lo sợ bất cứ điều gì. Ngô Tử Văn nóng nảy đấy nhưng đó không phải là hành động ngông cuồng, khởi phát mà nó bắt nguồn từ tinh thần nhân nghĩa, hành động để mang đến cuộc sống bình yên hơn cho người dân.
Tinh thần dám đứng lên tiêu diệt cái ác, cái xấu không chỉ được thể hiện qua hành động đốt đền mà còn được Nguyễn Dữ khắc hoạ thông qua cuộc nói chuyện với tướng giặc họ Thôi, đối mặt với Diêm Vương trước những lời vu khống của giặc.
Khi đốt đền về đến nhà, Ngô Tử Văn cảm thấy trong người không khoẻ "chàng thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run". Trong chính lúc này chàng gặp được tướng giặc, giả dạng dưới lớp cư sĩ. Dưới những lời đe doạ, chỉ trích hành động của mình, đòi xây lại đền, "Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên". Sự hững hờ của Ngô Tử Văn trước những lời nói của tướng giặc càng khẳng định thêm ý chí đấu tranh chống lại cái ác đến cùng. Sự nguy hiểm của tính mạng, sự uy quyền của kẻ thù không làm chàng sợ hãi, tin vào hành động mà mình đã làm. Qua đó, nhà văn Nguyễn Dữ cũng thể hiện niềm tin của mình về sự chính nghĩa, bản lĩnh của con người trong những tình huống khó khăn, không hề nao núng trước bất kì sự cám dỗ nào.
Hành động nơi địa phủ của Ngô Tử Văn càng làm rõ hơn tính tình cương trực, ngay thẳng của chàng. Đứng trước Diêm Vương - người có quyền sinh sát trên đời nhưng không hề run sợ: "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo rõ chỗ, không nên bắt chết một cách oan uổng". Đối mặt với những lời vu khống từ tướng giặc họ Thôi, Ngô Tử Văn cũng luôn bình tĩnh, khảng khái, đấu tranh đến cùng. Chàng vẫn luôn tin tưởng vào quyết định của mình, dù đã bị bắt đi xuống âm ti địa phủ nhưng chẳng hề sợ hãi.
Ngô Tử Văn không chỉ giúp mình mà còn giúp người. Bị tướng giặc vu oan nhưng luôn tin vào sự thật, tin vào chính nghĩa. "Xin đem giấy đến đền Tản Viên để hỏi hư thực, không có sự thực như thế, tôi lại chịu thêm cái tội nói càn". Ngô Tử Văn chống lại sự phi nghĩa đến cùng, đòi lại sự công bằng.
Chức phán sự ở đền Tản Viên chính là phần thưởng xứng đáng với những công lao của chàng. Hình ảnh chàng Ngô Tử Văn khảng khái, luôn luôn bênh vực cho kẻ yếu cũng là hình ảnh tiêu biểu mà nhà văn Nguyễn Dữ muốn hướng tới. Cái xấu, cái ác luôn thất bại trước hành động tốt đẹp. Đó cũng là bài học về nhân quả, người tốt sẽ gặp lành, kẻ xấu sẽ bị trừng trị.
Bằng những chi tiết kì ảo, hoang đường, tác phẩm được tô thêm phần huyền bí. Nhân vật được xây dựng thành công qua sự xung đột, hành động, lời nói. Nhân vật Ngô Tử Văn đã được xây dựng với bao phẩm chất đáng quý, thể hiện rõ cho khát vọng của tác giả, mong ước về một xã hội tốt đẹp, chính sẽ luôn thắng tà.
https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-ve-nhan-vat-ngo-tu-van-57107n.aspx
Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên không chỉ đơn thuần là kết tinh tài năng và tấm lòng của nhà văn Nguyễn Dữ mà còn đại diện cho chính nghĩa, khát khao về công lí của nhà văn cũng là của nhân dân Việt Nam trong xã hội phong kiến đương thời. Bên cạnh bài Thuyết minh về nhân vật Ngô Tử Văn, các em có thể khám phá những cái hay, nét đặc sắc của tác phẩm qua bài: Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Thuyết minh Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ, Phân tích ý nghĩa của đoạn kết trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên và lời bình cuối truyện.