Đề bài: Thuyết minh về cải lương - nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nam Bộ, Việt Nam
Bài văn mẫu Thuyết minh về cải lương - nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nam Bộ, Việt Nam
Bài mẫu: Thuyết minh về cải lương - nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nam Bộ, Việt Nam
Nhắc tới Nam Bộ, Việt Nam, người ta hẳn sẽ nhớ ngay tới những con sông dài, những con kênh chằng chịt, những vườn cây trái trĩu quả, những phiên chợ nổi tấp nập kẻ bán người mua, những con người miền Nam thật thà, chất phác, giản dị vô cùng trong chiếc áo bà ba nâu. Và chắc hẳn, nếu ai đã từng tới thăm nơi đây, sẽ không thể nào quên được những làn điệu dân ca, vọng cổ và đặc biệt là làn điệu cải lương - nghệ thuật sân khấu truyền thống của người dân Nam Bộ.
Nếu như miền Bắc có những làn điệu dân ca quan họ trĩu nặng tình yêu, miền Trung có những câu hò nghe tha thiết, thì ở miền Nam, người ta lại có thể rạo rực trong lòng khi nghe tới những câu cải lương thấm đẫm tình đất và người.Nói tới cải lương, hẳn không ai còn xa lạ. Cải lương là một làn điệu dân ca của người Nam Bộ. Nó là một loại hình kịch hát được hình thành trên cơ sở của nhạc đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long. Cải lương hiểu theo nghĩa từ Hán Việt có nghĩa là "sửa đổi để cho tốt hơn". Chính dựa trên những nguyên tắc và cơ sở từ lối hát truyền thống trước, đã hình thành nên một làn điệu dân ca mới, một sân khấu truyền thống mới in đậm hơn dấu ấn của người Nam Bộ.
Cải lương nổi tiếng là thế nhưng lịch sử và nguồn gốc ra đời của nó vẫn còn là đề tài tranh luận của nhiều học giả nổi tiếng.Có người cho rằng, cải lương xuất phát, manh nha từ những năm đầu thế kỉ hai mươi, từ những năm 1916 hoặc 1918. Thế nhưng cái tên chính thức "cải lương" thì lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1920 trong gánh hát Tân Thịnh với câu liên đối:
"Cải cách hát theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh"
Cứ thế, cải lương ra đời và phát triển một cách hưng thịnh trong những năm đầu của thế kỉ hai mươi và lưu truyền tới tận bây giờ. Cải lương đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ trong từng câu hát, từng điệu hò đối đáp nhau. Nó đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ.
Nghệ thuật sân khấu truyền thống - cải lương nổi tiếng đến như vậy nhưng đặc điểm của cải lương là gì thì ít ai có thể hiểu rõ.Chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu đó Nam Bộ đôi ba câu cải lương vọng lên.Nhưng để hiểu được ý nghĩa của từng câu chữ, cũng như cách dùng từ, dựng sân khấu, đề tài thì chúng ta khó có thể nắm bắt được hết.Trong cải lương, cái bắt đầu khởi sự của cải lương là những vở kịch nói mang hơi hướng của những câu hát bội và sân khấu của hát bội miền Nam. Thế nhưng dần dần, từ những vở kịch đầu tiên mang bố cục từ những tích cổ, những câu chuyện xưa, cải lương đã có cho riêng mình một sân khấu đặc trưng với các phần mở màn, hạ màn và tiến triển theo hành động của kịch. Chính những điều này đã kích thích sự phát triển của sân khấu kịch cải lương từ những ngày đầu mới chớm.
Nếu như tuồng, hát bội, kịch nói, ... thường được dựng lên từ đề tài quen thuộc như những câu chuyện cổ tích, những sự tích được lưu truyền trong dân gian thì cải lương lại mở ra một lớp đề tài với cốt truyện rộng hơn. Những đề tài trong sân khấu cải lương được dựng lên từ những câu chuyện đời sống quen thuộc của người dân Nam Bộ, thêm vào đó là những câu chuyện mang màu sắc xã hội.Đề tài để dựng lên một vở cải lương không hề khan hiếm cũng không hề kén chọn.Người ta có thể dùng bất cứ nội dung đề tài nào để dựng lên một câu chuyện cải lương với những câu hát da diết, thầm đẫm tình cảm trong đó. Chúng ta có thể thấy những vở cải lương rất nổi tiếng như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, ... Ngoài ra, những câu chuyện tạo nên vở cải lương cũng có thể là các truyện nổi tiếng ở nước ngoài. Tóm lại, cải lương có thể dung nạp bất kì nội dung nào để tạo nên một vở kịch cải lương đặc sắc nhưng không thể thiếu trong đó là cái chất riêng của người Nam Bộ, cái hồn riêng của nghệ thuật sân khấu truyền thống được thổi vào đó qua từng câu chữ, từng tiếng hát.
Sân khấu cải lương cũng như các loại hình tuồng chèo, ... được coi là một loại hình sân khấu ca kịch. Dựa theo những khuôn nhạc đã có sẵn, từng vào từng vở diễn mà người sáng tác đã viết nên những lời bài hát phù hợp với từng câu chuyện diễn biến trong đó. Sân khấu cải lương quy tụ hầu như tất cả các loại hình dân ca của miền Nam Việt Nam. Nó sử dụng vốn ca từ phong phú của dân ca Nam Bộ, từ những câu hò, những điệu lý như lý con sáo, lý giao duyên, lý ngựa ô, ... đều được sử dụng và vận dụng trong cải lương hết sức sáng tạo và nhuần nhuyễn. Có lẽ vì thế, người ta yêu thích cải lương bởi sự ngẫu hứng, sự tinh tế, nồng nàn, da diết qua từng câu hát quen thuộc, từ những sân khấu được dàn dựng chi tiết.
Không chỉ độc đáo trong cách bố cục hay lựa chọn đề tài, cải lương còn làm người ta ngạc nhiên khi có thể dung nạp và làm hòa hợp cả hai dàn nhạc cổ và tân. Nếu như với các loại hình dân ca khác, người ta chỉ có thể sử dụng các loại nhạc cụ cổ điển để tạo nên âm thanh cho vở diễn thì đến với cải lương, nó lại có thể hòa hợp được cả hai loại hình nhạc cụ này.Nói đến nhạc trong các vở diễn cải lương, nó đóng một vai trò hết sức quan trọng.Nó là công cụ giúp làm đẹp cho giọng hát của diễn viên, khiến cho diễn viên có thể dùng nó để tô điểm cho không chỉ giọng hát của mình mà còn thể hiện cả diễn biến tâm lý của nhân vật được thể hiện nữa.Nét riêng trong dàn nhạc của cải lương như đã nói ở trên là sự hòa trộn tham gia của hai dàn nhạc.Chúng không những không lấn át nhau, không kệch cỡm mà lại có sự giao thoa, bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một bản phối hoàn hảo cho loại hình cải lương này.Trong đó, dàn nhạc cổ điển giữ vai trò chủ đạo trong những vở diễn cải lương. Nó luôn luôn giữ linh hồn trong từng câu hát và bổ sung vào đó là những nhạc cụ hiện đại cũng rất đa dạng, đầy màu sắc.
Loại hình cải lương cũng có lối diễn khác so với các loại hình khác của dân ca Nam Bộ. Nếu như các điệu hò, điệu lý của Nam Bộ chỉ chuộng về giọng hát, không chuộng cử chỉ hành động thì cải lương lại khác. Nó không chỉ yêu cầu diễn viên phải có một giọng hát tốt, với các quãng sâu và rộng, nó còn yêu cầu diễn viên phải có được sự dẻo dai trong các cử động, cử chỉ. Nói chung, cải lương đã mở ra một lối mới trong dân ca miền Nam, với cách diễn như kịch nói nhưng lại sử dụng hình thức lời ca. Nghệ thuật cải lương hình thành từ lâu, nhưng trước kia, nó chỉ được dàn dựng để phục vụ khi có nhu cầu từ những quán hát hay từ những quan chức chính quyền. Ngày nay, cải lương đã trở thành một nét văn hóa truyền thống mà đi đến bất cứ đâu ở Nam Bộ, ta cũng có thể nghe thấy những câu hát cải lương vọng lên da diết thân thương. Với chiều dài và bề dài lịch sử, cải lương đã sớm trở thành biểu tượng văn hóa của Nam Bộ, Việt Nam.
Cải lương đã làm nên tên tuổi của mình trong lòng những khán giả yêu mến nó bởi không ít những vở diễn thành công. Trong số đó, không thể kể tên các vở cải lương nổi tiếng, để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng khán giả như vở Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt (Trần Hữu Trang), Kiều Nguyệt Nga (Ngọc Cung), Đời cô Lựu (Trần Hữu Trang), ... cùng với đó là các nghệ sĩ nổi tiếng đã thể hiện thành công cải lương trên màn ảnh như nghệ sĩ Kim Cương, nghệ sĩ Út Bạch Lan, nghệ sĩ Thanh Sang, Ngọc Giàu, ... Chính những vở cải lương và những nghệ sĩ tâm huyết này đã mang khán giả không chỉ ở riêng Nam Bộ mà còn là khán giả cả nước cũng như nước ngoài đã trở nên gần gũi hơn, yêu mến hơn và quý trọng hơn loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này.
Trong nửa đầu của thế kỉ trước, đã có những lúc sân khấu cải lương trở lên vị trí độc tôn, trên mọi loại hình ca nhạc khác.Ngày nay, công chúng vẫn luôn yêu mến loại hình này tuy đã không còn được phổ biến rộng rãi như trước nữa.Nhưng cải lương vẫn đang được các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là người dân Nam Bộ lưu truyền và gìn giữu qua bao năm tháng. Cùng với đó, những người nghệ sĩ tâm huyết với cải lương như Bạch Tuyết, Út Bạch Lan, ... vẫn tổ chức những đêm nhạc cải lương để phục vụ đông đảo người dân yêu mến loại hình này. Những nghệ sĩ trẻ cũng đang chung tay hành động, bảo vệ và phát triển cải lương. Họ đã đem cải lương ra cả hải ngoại để phục vụ cho bà con Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài và tuyên truyền để phát huy hơn nữa nghệ thuật sân khấu truyền thống này của Việt Nam.Cùng với sự phát triển của sân khấu điện ảnh, của những gameshow truyền hình, cải lương ngày nay không còn có được vị thế huy hoàng như trước kia. Thế nhưng không vì thế, sự yêu mến đối với bộ môn này bị mất đi trong lòng những người yêu văn hóa. Cải lương cũng đã trải qua những thăng trầm, thử thách khắc nghiệt của lịch sử, nhưng nó vẫn đang ở lại cùng người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Và nó sẽ còn được giữ gìn, phát huy và trường tồn cùng dòng lịch sử của Việt Nam và xứng danh là nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nam Bộ.
Cùng xem thêm các bài văn mẫu thuyết minh
https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-ve-cai-luong-nghe-thuat-san-khau-truyen-thong-nam-bo-viet-nam-42009n.aspx
- Thuyết minh về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật
- Thuyết minh về thể thơ lục bát
- Thuyết minh về mũ bảo hiểm