Nhân vật người bố và "tôi" trong đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Ngữ văn 7, Kết nối tri thức với cuộc sống đã để lại trong em ấn tượng như thế nào? Tham khảo bài soạn dưới đây để có những định hướng khi đọc - hiểu văn bản này.
Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Ngữ văn lớp 7 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Top Bài soạn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" ngắn gọn
I. Trước khi đọc
1. Kể tên một số loài hoa em biết. Em có thể "nhận ra" các loài hoa ấy bằng những cách nào?
- Một số loài hoa mà em biết: hoa cúc, hoa đào, hoa lan, hoa mai, hoa hướng dương,...
- Em có thể nhận ra các loài hoa ấy qua màu sắc, hương thơm, hình dáng cánh hoa.
2. Theo em, nhan đề "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ gợi điều gì thú vị?
- Mở cửa sổ là hành động muốn khám phá thế giới thiên nhiên.
- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ nghĩa là thay vì cảm nhận thiên nhiên bằng mắt, thông qua quan sát thì nhân vật cảm nhận bằng các giác quan khác.
=> Nhan đề "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" gợi lên một khung cảnh thơ mộng, con người hòa mình vào thiên nhiên.
II. Đọc văn bản
1. Theo dõi: Những chi tiết trong lời kể về bố của nhân vật "tôi".
- "Bố trồng nhiều hoa. Buổi chiều ra đồng về, bố thường dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới."
- "Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay. Bố lại lấy hộp lon gò thành cái vòi sen nữa."
- "Bố hay bảo tôi nhắm mắt lại sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một".
2. Theo dõi: Lời nói, cử chỉ, hành động của các nhân vật.
- Lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật "tôi":
+ Lời nói: "Phen này con sẽ đoán được hết các loại hoa của bố mất thôi!", "Không! Con không có hé mắt. Con biết chỗ cây hoàng lan mà!"
+ Cử chỉ, hành động: "nhắm mắt sờ những bông hoa rồi tập đoán", "có thể chạm vào bất cứ loại cây nào và nói đúng tên của nó", "có thể vừa nhắm mắt vừa đi không chạm vào vật gì".
=> Nhân vật tôi có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế khi cảm nhận cảnh vật xung quanh.
- Nhân vật "bố":
+ Lời nói: "Đố con hoa gì?", "Bố thấy con hé mắt!", "Thật không?"
+ Cử chỉ, hành động: Dẫn con chạm vào từng bông hoa một, bố cười khà khà khen "tôi" tiến bộ. Những lúc rảnh rỗi, bố đứng trong vườn đố "tôi" ra tìm bố. Bố hay giấu cục kẹo để "tôi" đi tìm, hay đố "tôi" nhắm mắt đoán xem bố đứng cách đó bao xa.
=> Người bố yêu thương, chăm sóc con, có tâm hồn và vốn sống phong phú.
3. Suy luận: Vì sao nhân vật "tôi" có thể giúp bố cứu được bạn Tí?
Nhân vật "tôi" có thể giúp bố cứu được bạn Tí vì: nhân vật "tôi" có thể "nhắm mắt" cảm nhận thế giới xung quanh, có thể nghe được chính xác âm thanh và phán đoán được khoảng cách của bạn Tí.
4. Suy luận: Vì sao nhân vật "tôi" thích gọi tên bạn Tí và bố?
- Nhân vật "tôi" thích gọi tên bạn Tí vì khi đọc lên âm thanh ấy du dương như một bài hát.
- Muốn gọi tên bố vì tin lời dạy của bố "Bố nói, mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu".
5. Theo dõi: Cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật "tôi" khi nghe bố giảng giải về những món quà.
Nhân vật tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc khi nghe bố giảng giải về những món quà và hiểu ra khu vườn bố trồng và cả bố nữa chính là món quà bất tận.
6. Theo dõi: Điều bí mật nhân vật "tôi" muốn chia sẻ là gì?
Nhân vật "tôi" muốn chia sẻ bí mật con mắt thần "nằm ở mũi":
+ Ngay cả khi nhắm mắt, nhân vật "tôi" vẫn hiểu khu vườn nói gì, vẫn có thể nghe được tiếng bước chân trong khu vườn và đoán được người đó là ai, khoảng cách xa bao nhiêu.
+ Nhân vật "tôi" có thể nhìn thấy bông hồng trong đêm tối.
+ Đêm đã đắp chăn kín người nhưng vẫn có thể đi dạo mà không sợ bị lạc trong bất kì khu vườn nào vì những bông hoa là người đưa đường.
III. Sau khi đọc
1. Nhân vật "tôi" đã được bố dạy cho cách "nhìn" đặc biệt như thế nào để nhận ra những bông hoa trong vườn?
Nhân vật "tôi" đã được bố dạy cho cách nhận ra những bông hoa qua cảm giác của bàn tay và qua mùi hương "Bố hay bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một", "Bố lại nghĩ ra trò chơi khác. Thay vì chạm vào hoa, bây giờ tôi chỉ ngửi rồi gọi tên nó".
2. Nhân vật người bố chủ yếu được miêu tả qua lời kể của nhân vật nào? Việc lựa chọn người kể chuyện như vậy có tác dụng gì?
- Nhân vật người bố chủ yếu được miêu tả qua lời kể của nhân vật "tôi".
- Việc lựa chọn người kể chuyện như vậy giúp người đọc thấy được tính cách của nhân vật người bố và cảm nhận được tình cảm yêu thương, kính trong của nhân vật "tôi" dành cho bố.
Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần) ngắn nhất, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
3. Nêu cảm nhận về tính cách của nhân vật người bố. Chỉ ra một số chi tiết giúp em có những cảm nhận đó.
- Bố là người yêu cái đẹp, thích trồng và chăm sóc hoa "Bố trồng nhiều hoa".
- Người bố là người kiên nhẫn, bố dạy "tôi" cách "nhìn" đặc biệt về những bông hoa trong vườn "Bố hay bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một", "Bố nghĩ ra trò chơi khác. Thay vì chạm vào hoa, bây giờ tôi chỉ ngửi và gọi tên nó".
- Bố là người sống tình cảm, suy nghĩ sâu sắc "Không phải đâu, bố không cưỡng lại được trước "món quà". Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó", "Một nụ hôn cũng là một món quà sang trọng. Một giấc ngủ của tôi cũng chính là một món quà, cả con người tôi đều là món quà của bố".
=> Theo em, người bố trong truyện có một tâm hồn phong phú, rất yêu thương con cái, luôn quan tâm, chăm sóc con, là người có trái tim nhân hậu.
4. Vì sao nhân vật "tôi" có thể biết chính xác tiếng kêu cứu của bạn Tí vang lên từ đâu? Chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách nào của nhân vật "tôi".
Nhân vật "tôi" có thể biết chính xác tiếng kêu cứu của bạn Tí vì nhờ luyện tập mà "tôi" có thể nhận biết được âm thanh và khoảng cách khi nhắm mắt.
=> Nhân vật tôi là người có sự kiên nhẫn, chịu khó, ham học hỏi, yêu thương mọi người xung quanh.
5. Liệt kê những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật "tôi" về bố và bạn Tí. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách nào của nhân vật "tôi"?
- Những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật "tôi" về bố:
+ "Bố giả vờ nghi ngờ".
+ "Bố tôi bơi giỏi lắm".
+ "Tôi tin bố".
+ Bố là món quà "bự" nhất của tôi.
- Những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật "tôi" về bạn Tí:
+ Gần gũi thân thiết, coi Tí là người bạn thân nhất "Nó là bạn thân của tôi mà".
+ Thấy tên bạn đẹp, muốn gọi tên bạn để được nghe âm thanh ấy vang lên "Tôi thấy tên nó đẹp hơn mọi tên, khi đọc lên, âm thanh cứ du dương như một bài hát".
+ Nó trèo cây giỏi lắm.
=> "Tôi" là người nhạy cảm, tinh tế và biết yêu thương mọi người.
6. Khi "vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", nhân vật "tôi" đã phát hiện được những "bí mật" gì? Theo em, những "bí mật" ấy mang lại điều gì cho cuộc sống hằng ngày của nhân vật?
- Khi "vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", nhân vật "tôi" đã phát hiện những bí mật:
+ Hiểu khu vườn nói gì, hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì.
+ "Tôi" có thể nghe được tiếng bước chân trong vườn và biết chính xác bước chân đó cách xa mình bao nhiêu mét.
+ Thấy nguyên cả khu vườn. Thấy bông hồng trong đêm tối. Đêm nằm đắp kín chăn vẫn có thể đi dạo và không sợ lạc lối trong bất kì khu vườn nào.
+ Những bông hoa chỉ lối cho bạn một lối đi an toàn và thơm ngát, những bông hoa chính là người "đưa đường".
=> Những "bí mật" ấy đã đem đến cho nhân vật "tôi" cuộc sống phong phú, niềm vui, niềm hạnh phúc và sự giàu có trong tâm hồn.
7. Em có đồng tình với những điều nhân vật người bố nói về các "món quà" không? Vì sao?
Em đồng tình với những điều nhân vật người bố nói về các "món quà": Vì món quà dù lớn hay nhỏ cũng chứa chan tình cảm của người tặng. Khi chúng ta yêu quý những món quà cũng chính là trân trọng tình cảm của người khác đối với mình. Chỉ khi đó thì người cho và người nhận quà đều có được niềm vui.
IV. Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về một "món quà" em đặc biệt yêu thích.
Món quà em yêu thích nhất chính là cây đàn piano bố tặng em vào ngày sinh nhật mười tuổi. Cây đàn piano rất đẹp, vừa vặn với người em. Hộp đàn trắng muốt có khảm hình trăng non và các vì sao. Những phím đàn nhỏ nhắn đen trắng đan xen như một dải ngân hà huyền diệu. Tiếng đàn vang lên nghe thật du dương. Cây đàn đã bước đầu chắp cánh cho ước mơ của em với nghệ thuật. Giờ đây, em đã có thể đàn được nhiều bản nhạc khác nhau. Em rất yêu quý và trân trọng cây đàn, đó vừa là một món quà sinh nhật tuyệt vời, vừa là nơi bắt đầu những mơ ước.
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-vua-nham-mat-vua-mo-cua-so-nguyen-ngoc-thuan-ngu-van-lop-7-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-70992n.aspx
Văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã giúp ta hiểu được ý nghĩa sâu sắc của các "món quà" trong cuốc sống hằng ngày. Để chuẩn bị cho bài học tiếp theo, mời em tham khảo các nội dung bài soạn văn mẫu lớp 7 như:
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 64, Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống
- Soạn bài Người thầy đầu tiên (trích, Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp), Ngữ văn lớp 7, Kết nối tri thức với cuộc sống