Tham khảo dàn ý và bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Ngữ văn 7, Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I để có những chuẩn bị tốt nhất cho bài viết, đồng thời nắm chắc kiến thức trọng tâm của văn bản.
Phân tích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Phân tích tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
1. Mở bài:
Giới thiệu tác giả và đoạn trích.
2. Thân bài:
2.1. Chủ đề và nội dung chính của truyện:
- Chủ đề: tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.
- Nội dung chính: kể về những câu chuyện xoay quanh người bố và nhân vật "tôi". Bố dạy "tôi" cách gọi tên loài hoa thông qua việc nhắm mắt rồi chạm tay hoặc ngửi mùi hương. Bố còn dạy "tôi" bài học ý nghĩa về vẻ đẹp của các món quà. Cuối cùng, lời chỉ bảo từ bố đã giúp "tôi" hiểu ra nhiều điều.
2.2. Phân tích giá trị của tác phẩm:
a. Nội dung:
* Tình yêu thiên nhiên:
- Nhân vật người bố: thích trồng hoa -> truyền cảm hứng, tình yêu thiên nhiên tới người con thông qua những dạy bảo.
- Nhân vật "tôi":
+ Đoán đúng tên các loài hoa khi nhắm mắt rồi chạm tay hay ngửi hương.
+ Coi khu vườn là món quà bất tận của bản thân, mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, vườn hoa là món quà lớn.
+ Nhận ra những bông hoa chính là người đưa đường cho mình trong khu vườn rộng lớn.
* Lòng yêu thương con người sâu sắc:
- Nhân vật người bố:
+ Dành tình thương bao la, vô bờ tới nhân vật "tôi": chỉ bảo cho "tôi" các bài học ý nghĩa, luôn động viên, an ủi khi con gặp khó khăn.
+ Luôn quan tâm tới mọi người xung quanh: cứu thằng Tí ở ngoài bờ sông.
- Nhân vật "tôi": luôn lắng nghe những lời dạy bảo của bố, coi bố là món quà "bự".
* Tình yêu cuộc sống được thể hiện qua:
- Nhân vật bố và "tôi": trân trọng vẻ đẹp của những món quà trong cuộc sống, thích lắng nghe âm thanh tuyệt diệu của những cái tên.
b. Nghệ thuật:
- Sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" -> giúp bộc lộ những tâm tư, cảm xúc của nhân vật; làm câu chuyện trở nên chân thực.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: khắc họa nhân vật thông qua lời nói, hành động, suy nghĩ.
- Sử dụng các hình ảnh thân thuộc, bình dị.
c. Đánh giá:
- Về nội dung: Qua đoạn trích, tác giả nhắn nhủ bài học về tình yêu thương thiên nhiên, con người và cuộc sống tươi đẹp.
- Về nghệ thuật: Ca ngợi ngòi bút sáng tạo của tác giả trong việc thể hiện thành công chủ đề tác phẩm.
3. Kết bài: Khẳng định giá trị tác phẩm.
Phân tích tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Các sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần thường mang tới cho bạn đọc một thế giới trong trẻo, hồn nhiên, tươi sáng. Trong đó, truyện "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" được coi là một tác phẩm tiêu biểu. Truyện đã thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.
Những câu chuyện thú vị xoay quanh bố và nhân vật "tôi" được khắc họa thật tài tình trong tác phẩm. Người bố dạy "tôi" cách gọi tên loài hoa thông qua việc nhắm mắt rồi chạm tay hoặc ngửi mùi hương. Bố còn dạy "tôi" bài học ý nghĩa về vẻ đẹp của các món quà. Từng lời chỉ bảo sâu sắc ở bố đã giúp "tôi" hiểu ra nhiều điều. Từ đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần như muốn khẳng định giá trị to lớn mà tình yêu thương đem lại.
Trước hết, điểm nổi bật ở đoạn trích "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" đến từ tình yêu thiên nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét qua hai nhân vật là người bố và "tôi". Bố - một người thích trồng hoa. Sau giờ làm vất vả ở đồng ruộng, bố không đi nghỉ ngơi mà chăm chỉ ra vườn tưới hoa. Bố dạy "tôi" cách gọi tên từng loài hoa bằng cách nhắm mắt rồi đưa tay ra chạm hoặc ngửi hương thơm. Tình yêu hoa cỏ, cây cối ở bố đã truyền cảm hứng tích cực tới nhân vật "tôi". Vì thế, người con cũng mang trong mình niềm yêu thích tự nhiên. Sau bao ngày cố gắng rèn luyện, "tôi" đã có thể đoán đúng tên các loài hoa ngay khi nhắm mắt. "Tôi" còn coi khu vườn ngoài kia là món quà bất tận của bản thân và "mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn". Với tấm lòng trân trọng, nâng niu vẻ đẹp thiên nhiên, "tôi" cũng nhận ra những bông hoa chính là "người đưa đường" cho mình trong khu vườn rộng lớn.
Bên cạnh tình yêu thiên nhiên, tác giả còn gửi gắm bài học ý nghĩa về lòng yêu thương. Đó là tình thương bao la, vô bờ mà bố dành cho "tôi". Bố tận tình chỉ bảo, dạy dỗ "tôi" về mọi thứ xung quanh. Khi "tôi" đứng trước khó khăn, bố luôn nhẹ nhàng động viên, an ủi "Tôi luôn nói sai. Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng.". Không chỉ dành tình cảm thương yêu tới các thành viên của gia đình, bố còn luôn quan tâm, để ý tới mọi người. Khoảnh khắc biết có ai đó gặp nạn ngoài bờ sông, bố vội vàng tới mức "quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra". Bố không chút chần chừ mà lao mình xuống dòng nước, kịp thời cứu sống thằng Tí - bạn của "tôi". Lớn lên từ những bảo ban ở bố, "tôi" cũng rèn luyện cho mình tấm lòng nhân ái, biết yêu thương. "Tôi" luôn kính trọng, biết ơn bố, coi bố là món quà "bự" nhất của mình.
Cuối cùng, qua đoạn trích, nhà văn cũng không quên gửi lời nhắn nhủ mỗi người hãy biết yêu cuộc sống. Yêu cuộc sống có thể bắt đầu từ điều giản đơn nhất: trân trọng vẻ đẹp của từng món quà. Người bố trong tác phẩm luôn biết nâng niu những món quà dù lớn hay nhỏ. Bố nhận thấy mỗi món quà đều chất chứa một ý nghĩa riêng biệt. Hay yêu cuộc sống còn là sự thích thú khi lắng nghe âm thanh tuyệt diệu của mỗi cái tên. Nhân vật "tôi" thường gọi tên bạn mình nhiều lần chỉ vì âm thanh ấy quá tuyệt diệu. "Tôi" cũng ghi nhớ lời dạy ở bố "mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu.".
Có thể thấy, những đặc sắc về mặt nghệ thuật là một yếu tố quan trọng góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Đầu tiên, tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi", lựa chọn điểm nhìn từ người con đã làm câu chuyện của bố và "tôi" trở nên vô cùng sinh động, chân thực. Điều đó cũng giúp nhân vật dễ dàng bộc lộ tâm tư, cảm xúc. Bên cạnh đó, tác giả còn thành công trong việc xây dựng nhân vật thông qua lời nói, hành động, cảm xúc. Mỗi nhân vật đều hiện lên chân thực với nét tính cách riêng biệt. Ngoài ra, việc sử dụng các hình ảnh thân thuộc, bình dị cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc.
Bằng ngòi bút sáng tạo độc đáo, lời văn nhẹ nhàng, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã nhắn nhủ tới chúng ta bài học về cội nguồn yêu thương. Mỗi người hãy biết bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.
Đoạn trích "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" sẽ mãi in sâu trong lòng bạn đọc bởi chính những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp. Tình yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống của các nhân vật là lời nhắc nhở chúng ta về việc sống bao dung, nhân ái hơn. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã mang đến một tác phẩm đặc sắc như vậy.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Bài phân tích trên đây đã cung cấp cho em những kiến thức quan trọng về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Em có thể luyện tập viết và xem nhiều văn mẫu lớp 7 như:
- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ: thể loại, tóm tắt, bố cục, nội dung, nghệ thuật
- Phân tích đoạn trích Người thầy đầu tiên
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-vua-nham-mat-vua-mo-cua-so-72162n.aspx
Chúc em đạt nhiều kết quả cao trong học tập.