Bài thơ Ông đồ đã cho chúng ta những cảm nhận về tình cảnh của nghệ nhân viết chữ khi Nho học lụi tàn. Nhằm giúp các em có thể nắm được nội dung tác phẩm, Taimienphi.vn đã soạn bài Ông đồ (Vũ Đình Liên), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều dưới đây. Mời các em cùng đón đọc.
Soạn bài Ông đồ (Vũ Đình Liên), Ngữ văn lớp 7 - Cánh Diều
Soạn văn 7 Cánh diều, bài Ông Đồ
I. Chuẩn bị
1.1. Tác giả
- Vũ Đình Liên (1913 - 1996), sinh ra tại Hà Nội nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
- Là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới.
- Một số tác phẩm tiêu biểu: "Ông đồ", " Lòng ta là những hàng thành quách cũ", "Lũy tre xanh", "Người đàn bà điên ga Lưu Xá",...
1.2. Tác phẩm
- Bài thơ "Ông đồ" sáng tác năm 1936.
- Nội dung bài thơ: Thể hiện niềm cảm thương trước sự phai tàn của nghệ thuật thư pháp.
II. Đọc hiểu
2.1. Trong khi đọc
1. Xác định vần và nhịp của bài thơ.
- Gieo vần chân (già - qua, đâu - sầu, đấy - giấy, hay - bay).
- Nhịp thơ: 2/3, 3/2 tùy từng câu.
2. Cảnh và người trong hai khổ thơ đầu của bài thơ hiện lên như thế nào?
- Cảnh: Cảnh vật hiện lên rực rỡ, nhộn nhịp với hoa đào nở, phố đông người.
- Người: Ông đồ hiện lên với sự tài hoa "Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay".
Soạn bài Ông đồ (Vũ Đình Liên), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều
3. Trong khổ 2, tài năng viết chữ của ông đồ được thể hiện ở chi tiết nào?
Tài năng viết chữ của ông đồ được thể hiện ở những chi tiết: "Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa, rồng bay".
4. Từ "Nhưng" ở dòng 9 có vai trò gì?
Từ "Nhưng" ở dòng 9 mở ra sự đối lập giữa hai thời kì của ông đồ: thời kì hoàng kim và khi thất thế.
5. Các hình ảnh ở khổ thơ cuối có gì khác so với khổ thơ đầu?
- Khổ thơ đầu: Các hình ảnh xuất hiện gợi không khí tưng bừng, rộn rã với hoa đào, với ông đồ và mực tàu, giấy đỏ, với đường phố đông đúc, tấp nập.
- Khổ thơ cuối: Các hình ảnh xuất hiện gợi cảm giác trống vắng, hoa đào vẫn nở báo hiệu Tết về nhưng không có sự xuất hiện của ông đồ xưa, không có không khí thuê viết câu đối Tết rộn rã mà không gian trở nên vắng vẻ, man mác buồn.
=> Hình ảnh ở hai khổ thơ đầu và khổ thơ cuối có sự tương phản do thiếu đi sự xuất hiện của ông đồ và người mua chữ, xin chữ tấp nập.
2.2. Sau khi đọc
1. Bài thơ "Ông đồ" viết về ai và về việc gì? Ai là người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ? Đó là cảm xúc, suy nghĩ gì?
- Bài thơ "Ông đồ" viết về: ông đồ và sự thất thế phai tàn của nền Nho học.
- Bài thơ thể hiện cảm xúc xót xa, hoài niệm của tác giả trước sự lụi tàn của một thế hệ, một tài năng, một nét đẹp xưa cũ.
2. Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự nào? Cách trình bày ấy có tác dụng gì?
- Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự thời gian từ xưa đến nay.
- Tác dụng: Nổi bật lên sự phai tàn của nền Nho học.
3. Chỉ ra và phân tích sự khác nhau của hình ảnh ông đồ ở các khổ thơ 1, 2 so với các khổ thơ 3, 4. Sự khác nhau ấy nói lên điều gì?
- Khổ 1 và 2:
+ Ông đồ là hình ảnh trung tâm trên đường phố ngày Tết, xuất hiện với "mực tàu", "giấy đỏ".
+ Ông đồ được người thuê viết "tấm tắc ngợi khen" và hiện lên với sự tài hoa "Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay".
- Khổ 3 và 4:
+ Ông đồ bị gạt bên lề đời sống "Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay".
+ Không còn ai thuê viết.
=> Sự khác nhau trong hình ảnh ông đồ ở khổ thơ 1, 2 và 3, 4 khiến người đọc cảm nhận được sự thất thế của ông đồ cũng như của nền Nho học.
4. Trong bài thơ, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của những biện pháp đó.
Các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài:
- Biện pháp tu từ so sánh: "Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay".
=> Tác dụng: Gợi lên tài năng viết chữ của ông đồ.
- Biện pháp tu từ nhân hóa: "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu".
=> Tác dụng: Khiến giấy, mực cũng trở nên giống con người, biết buồn, biết sầu cho thân phận ông đồ. Thể hiện cảm xúc xót xa của tác giả khi ông đồ bị gạt bên lề cuộc đời.
- Câu hỏi tu từ: "Người thuê viết nay đâu?", "Hồn ở đâu bây giờ?"
=> Tác dụng: Bộc lộ cảm xúc buồn thương, tiếc nuối của nhà thơ khi hoài niệm một thời xa xưa.
5. Theo em, những dòng thơ sau tả cảnh hay tả tình? Vì sao?
- Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
- Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.
- Những câu thơ "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu" và "Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay" không chỉ là những câu thơ tả cảnh mà còn tả tình.
- Vì: giấy, mực vô tri cũng được nhân hóa có cảm xúc giống như con người cộng hưởng với hình ảnh lá vàng và mưa bụi ngoài trời đã thể hiện cảm xúc buồn man mác trước sự thất thế của ông đồ.
6. Qua bài thơ "Ông đồ", em hiểu gì về tục "xin chữ" mỗi dịp Tết đến, xuân về? Nếu vẽ minh họa cho bài thơ, em sẽ vẽ hình ảnh nào?
- Tục "xin chữ" là một phong tục truyền thống đã có từ lâu đời, mỗi dịp Tết đến, xuân về để cầu mong may mắn, bình an.
- Nếu vẽ minh họa cho bài thơ, em sẽ vẽ hình ảnh ông đồ ngồi viết những nét chữ rồng múa phượng bay, xung quanh là những người xin chữ gợi không khí tưng bừng, rộn rã.
Bài thơ đã bộc lộ niềm tiếc thương chân thành của tác giả trước những con người tài hoa và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chắc hẳn khi đọc văn bản, em cũng có những cảm xúc tương tự như nhà thơ. Mong rằng các em sẽ ngày càng yêu thích và say mê môn Ngữ văn!
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-ong-do-vu-dinh-lien-ngu-van-lop-7-canh-dieu-70933n.aspx
Và còn rất nhiều bài mẫu soạn văn mẫu lớp 7 khác, các em cùng tham khảo:
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt bài 2, Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều
- Soạn bài Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều