Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều gồm phần Chuẩn bị và Đọc hiểu với nhiều câu hỏi khác nhau. Các em cùng tham khảo để có thể làm soạn văn tốt nhất, đồng thời có thể hiểu hơn về nội dung bài học này để chuẩn bị bài tốt nhất khi học.
Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi), Ngữ văn lớp 7 - Cánh Diều
Tác phẩm Người đàn ông cô độc giữa rừng sách Cánh Diều lớp 7
I. Chuẩn bị
1.1. Tác giả Đoàn Giỏi
- Đoàn Giỏi (1925 - 1989) quê ở Tiền Giang.
- Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, ông có những bút danh khác như: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.
- Tác phẩm của Đoàn Giỏi thường viết về thiên nhiên và con người Nam Bộ.
- Một số tác phẩm tiêu biểu: "Cá bống mú" (1956), "Đất rừng phương Nam" (1957), "Cuộc truy tầm kho vũ khí" (1962),...
1.2. Tác phẩm "Đất rừng phương Nam"
- Tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" sáng tác năm 1957 viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An.
- Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ Việt Nam những năm 1945 sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.
II. Đọc hiểu
2.1. Trong khi đọc
1. Tiếng kêu và hình ảnh của con vượn bạc má trong phần (1) tạo nên cảm giác về một bối cảnh như thế nào?
Tiếng kêu và hình ảnh con vượn bạc má trong phần (1) tạo nên cảm giác về không gian hoang sơ, trống vắng giữa núi rừng mênh mông và sự cô đơn.
2. Những chi tiết về nhà cửa, cách ăn mặc và tiếp khách,... gợi lên ấn tượng gì về chú Võ Tòng?
- Nhà cửa chú Võ Tòng:
+ Ghế ngồi là gộc cây "Tía nuôi tôi và chú Võ Tòng ngồi trên hai gộc cây".
+ Chỗ giữa lều đặt một cái bếp cà ràng, trên đó bắc chiếc nồi đất đậy vung "Trước mặt hai người, chỗ giữa lều, có đặt một cái bếp cà ràng lửa cháy riu riu, trên cà ràng bắc một chiếc nồi đất đậy vung kín mít".
- Cách tiếp khách:
+ Chuẩn bị thức ăn và tiếp đãi khách hết lòng bằng những gì mình có: "Chai rượu đã vơi và một đĩa khô nướng còn bày trên nền đất ngay dưới chân chủ và khách, bên cạnh là hai chiếc nỏ gác chéo lên nhau", "Chú Võ Tòng nhặt trong lửa ra một thỏi khô nướng to nhất đặt vào tay tôi".
+ Cách nói chuyện gần gũi, thân thiện: "Ngồi xuống đây, chú em!", "Nay bậy một miếng khô nai đi, chú em. Cho đỡ buồn miệng mà!".
- Cách ăn mặc: "Chú cởi trần, mặc chiếc quần ka ki còn mới, nhưng coi bộ đã lâu không giặt (chiếc quần lính Pháp có những sáu túi). Bên hông, chú đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt, đúng như lời má nuôi tôi đã tả. Lại còn thắt cái xanh-tuya-rông nữa chứ!".
=> Từ những chi tiết về nhà cửa, cách ăn mặc và tiếp khách ta thấy được chú Võ Tòng có một cuộc sống đơn sơ, bình dị giữa núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Chú là người đàn ông thật thà, chất phác, có sự từng trải nhưng cũng rất cô đơn.
Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi)
3. Chỉ ra dấu hiệu về sự chuyển đổi ngôi kể.
Sự chuyển đổi từ ngôi kể thứ nhất sang ngôi kể thứ 3. Ở phần (3), người kể chuyện không xưng "tôi" và gọi nhân vật là "gã", không gọi là "chú" như ở các phần (1), (2), (4), (5).
4. Chuyện Võ Tòng giết hổ hé mở điều gì về tính cách, cuộc đời nhân vật?
Chuyện Võ Tòng giết hổ cho thấy sự dũng cảm, gan dạ của nhân vật, hé lộ một cuộc đời éo le, cô độc của Võ Tòng.
5. Liên hệ hành vi chống trả tên địa chủ ngang ngược với việc đánh hổ của Võ Tòng.
6. Chú ý cách uống rượu và lời nói của chú Võ Tòng với tía nuôi của nhân vật "tôi".
- Cách uống rượu từ tốn, gần gũi: Rót rượu ra bát uống rồi trao bát sang cho tía nuôi "Chú Võ Tòng rót rượu ra bát, uống một ngụm, trao bát sang cho tía nuôi tôi và nói".
- Lời nói của chú Võ Tòng với tía nuôi "tôi": Chú Võ Tòng so sánh việc dùng dao găm với nỏ và dùng súng. Chú cho rằng mấy người nhát gan mới cầm súng vì ở xa cũng bắn được, chú bắn súng dở, động tới thì kêu ầm ỹ. Dùng dao và nỏ thì tách một cái không ai hay biết.
=> Chú Võ Tòng là người thân thiết, gần gũi, trọng tình nghĩa, dũng cảm và gan dạ.
7. Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai và lời đáp của chú Võ Tòng thể hiện điều gì?
- Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai "Xin đa tạ chú! Đa tạ chú!" thể hiện sự trang trọng, sự biết ơn chân thành.
- "Có gì đâu anh Hai. Vì nghĩa chung mà!" thể hiện sự gần gũi, yêu mến, trọng tình nghĩa.
2.2. Sau khi đọc
1. Văn bản "Người đàn ông cô độc giữa rừng kể về việc gì? Đoạn trích có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhan đề văn bản gợi cho em những suy nghĩ gì?
- Văn bản "Người đàn ông cô độc giữa rừng" kể lại câu chuyện tía nuôi đưa An đến thăm nhà chú Võ Tòng trong rừng sâu. Cũng tại nơi đây, An thấy được sự gần gũi, nồng hậu, gan dạ, trọng tình nghĩa và cuộc sống cô độc của chú.
- Đoạn trích xuất hiện những nhân vật: chú Võ Tòng, An và tía nuôi.
- Nhân vật chính là chú Võ Tòng - con người gan dạ, dũng cảm, gần gũi và chất phác. Chú Võ Tòng sống cô độc giữa rừng trong một căn nhà với những đồ dùng đơn sơ. Cuộc đời éo le của chú Võ Tòng được thể hiện qua lời kể của những người dân xung quanh.
- Nhan đề "Người đàn ông cô độc giữa rừng" gợi cho em cảm nhận:
+ Hình tượng chính được khắc họa trong đoạn trích là một người đàn ông.
+ "cô độc" gợi lên sự cách ly trong mối quan hệ xã hội và thiếu tiếp xúc với người khác dù cho đó là gia đình, bạn bè, người thân.
+ "rừng" gợi lên không gian rộng lớn, hoang sơ và mênh mông, cách biệt với không gian sống của con người.
=> Nhan đề gợi cảm nhận về một người đàn ông có hoàn cảnh cô độc và éo le.
2. Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em.
- Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được thể hiện qua những phương diện:
+ Trang phục: "Chú cởi trần, mặc chiếc quần ka ki còn mới, nhưng coi bộ đã lâu không giặt (chiếc quần lính Pháp có những sáu túi). Bên hông, chú đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt, đúng như lời má nuôi tôi đã tả. Lại còn thắt cái xanh-tuya-rông nữa chứ!".
+ Ngoại hình: Trên người có những chữ bùa xanh lè "Còn những chữ bùa xanh lè xăm rằn rực trên người gã", trở nên "kì hình dị tướng", trên mặt có "một hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ".
+ Không gian sống: Ghế ngồi là gộc cây, giữa lều đặt một cái bếp cà ràng.
+ Thái độ khi tiếp khách: Thân mật, gần gũi với An "Ngồi xuống đây, chú em!", "Nay bậy một miếng khô nai đi, chú em. Cho đỡ buồn miệng mà!", với tía nuôi An thể hiện sự tôn trọng, thân mật nhưng vẫn giữ lễ độ gọi "Anh Hai".
+ Hành động: Quyết liệt, không hề nao núng khi chống trả tên địa chủ ngang ngược và sự dũng cảm, nhanh nhẹn khi đánh hổ. Hay giúp đỡ mọi người.
=> Nhân vật Võ Tòng có tính cách: hiền lành, thật thà chất phác, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, gan dạ và dũng cảm.
- Miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em: Theo em, nhân vật Võ Tòng người có ngoại hình đặc biệt, trên mặt có một hàng seo dài từ thái dương xuống cổ, trên người có những vằn bùa chữ màu xanh, chú sống một mình, cô độc giữa không gian núi rừng mênh mông. Chú Võ Tòng là người gan dạ, dũng cảm và thân thiện.
3. Nêu tác dụng của việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc họa nhân vật Võ Tòng.
- Ngôi kể thứ nhất: Đoạn trích sử dụng ngôi kể thứ nhất khiến cho nhân vật bộc lộ thái độ, cảm xúc suy nghĩ một cách trực tiếp hơn về câu chuyện.
- Ngôi kể thứ ba: Làm cho người kể chuyện có thể kể câu chuyện một cách linh hoạt, tự do, giúp người đọc có cái nhìn khách quan hơn về nhân vật, câu chuyện được nhắc tới.
=> Việc kết hợp giữa ngôi kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba khiến nhân vật Võ Tòng được khắc họa một cách đa chiều và toàn diện. Qua những điểm nhìn khác nhau, nhân vật Võ Tòng được nhìn nhận khách quan, chân thật hơn cả về cuộc đời và tính cách nhân vật.
4. Hãy nêu ra một số yếu tố (ngôn ngữ, phong cảnh, tính cách con người, nếp sinh hoạt,... ) trong văn bản để thấy truyện của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ.
Một số yếu tố cho thấy truyện của Đoàn Giỏi mang đậm sắc thái Nam Bộ:
- Ngôn ngữ: tía, má, anh Hai, nhà việc, khám, qua,...
- Phong cảnh: sông nước và núi rừng Nam Bộ.
- Tính cách: Hiền lành, thật thà, chất phác, gần gũi, gan dạ, dũng cảm.
- Nếp sống: Nếp sống của con người nơi đây tự do phóng khoáng, hào sảng, ân nghĩa.
5. Qua văn bản, em hiểu thêm được gì về con người và thiên nhiên của vùng đất phương Nam? Hãy nêu một chi tiết mà em thích nhất và lí giải vì sao.
- Qua văn bản, em nhận thấy thiên nhiên vùng đất phương Nam hùng vĩ, hoang sơ, tươi đẹp; con người nơi đây hồn hậu, chất phác, dũng cảm, gan dạ.
- Em thích nhất chi tiết chú Võ Tòng đáp lại lời nói của An ở cuối văn bản "Ờ, thế nào cũng có chứ! Chú nuôi đầy rừng, muốn con cỡ nào chú bắt cho đúng cỡ ấy! - Chú Võ Tòng vẫy vẫy tay, cười lớn một thôi dài". Câu nói có chút bông đùa của chú Võ Tòng thể hiện sự, thể hiện được sự phóng khoáng, gần gũi, hào sảng trong suy nghĩ của con người nơi đất rừng phương Nam.
6. Viết một đoạn văn (khoảng 6 - 8 dòng) nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản "Người đàn ông cô độc giữa rừng".
Văn bản "Người đàn ông cô độc giữa rừng" trích tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của tác giả Đoàn Giỏi đã khắc họa những nét đẹp trong thiên nhiên và con người Nam Bộ. Thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, sinh động được gợi lên dưới ngòi bút của nhà văn với sự xuất hiện của những loài vật: hổ, vượn bạc má và tiếng hót của những chú chim vào buổi sớm mai. Nổi bật giữa nền thiên nhiên tươi đẹp ấy là hình ảnh con người, tiêu biểu là nhân vật chú Võ Tòng - con người thân thiện, chất phác, hiền lành nhưng cũng rất gan dạ, dũng cảm. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và việc thay đổi ngôi kể linh hoạt làm câu chuyện về cuộc đời chú Võ Tòng hiện lên một cách đa diện, người đọc có thể cảm nhận khách quan hơn, khiến người độc không khỏi rung động và xao xuyến.
Ngoài soạn bài Người đàn ông cô độc giữ rừng của Đoàn Giỏi, Taimienphi.vn còn tổng hợp các bài văn mẫu soạn bài khác. Các em cùng tham khảo.
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-nguoi-dan-ong-co-doc-giua-rung-doan-gioi-ngu-van-lop-7-canh-dieu-70925n.aspx
Các bài soạn văn mẫu lớp 7 khác:
- Soạn bài Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt bài 1, Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều