Soạn bài Chí Phèo
I. Chuẩn bị - Soạn bài Chí Phèo
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần chuẩn bị:
1. Thế nào là định kiến xã hội? Các định kiến xã hội có thể ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng như thế nào?
- Định kiến xã hội là những thái độ, quan điểm giống nhau về một vấn đề nào đó của nhiều người. Tuy nhiên định kiến thường mang nghĩa tiêu cực, một chiều vì nó thường áp đặt quy chuẩn của đa số mọi người lên cả xã hội.
- Các định kiến xã hội sẽ khiến cho cá nhân bị phán xét, không tự do thể hiện cá tính, cái tôi của mình vì sợ khác biệt với số đông. Nói rộng ra, định kiến xã hội sẽ kìm hãm sự phát triển của cả cộng đồng và toàn xã hội.
2. Có thể bạn đã từng nghe thấy người ta gọi tính cách hay cách ứng xử của một ai đó là "Chí Phèo". Cách gọi ấy đã hàm ẩn sự đánh giá như thế nào đối với tính cách hay cách ứng xử này?
- Gọi người khác là "Chí Phèo" khi họ có tính cách hay ăn vạ, không phân biệt phải trái đúng sai, nhất là khi uống rượu say xỉn. Cách nói này để hiện thái độ chán ghét, bất lực, không muốn đôi co của người nói với người nghe.
II. Đọc hiểu - Soạn bài Chí Phèo
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc hiểu:
1. Chú ý sự luân phiên của các điểm nhìn (điểm nhìn của người kể chuyện và của nhân vật, điểm nhìn bên ngoài và bên trong).
- Điểm nhìn của người kể chuyện: Mở đầu câu chuyện, kể lại thái độ của người dân làng Vũ Đại khi nghe tiếng chửi của Chí.
- Điểm nhìn bên trong: những ý nghĩ, những câu chửi của Chí.
- Các điểm nhìn được xen kẽ linh hoạt, luân phiên nhau rất hài hòa, tạo cảm giác thú vị cho người đọc.
2. Vì sao Chí Phèo lại khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về làng?
Chí Phèo khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về vì ngoại hình quá sức khác biệt so với lúc trước khi vào tù và những hành động to gan lớn mật:
- Ngoại hình:
+ "Trông đặc như thằng săng đá".
+ "Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!".
+ Ngực "đầu những nét chạm trổ rồng, phường với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay trông cũng thế".
Ngoại hình trông đầy bất hảo, lưu manh.
- Hành động:
+ Uống rượu đến say khướt.
+ "Xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi".
+ Điệu bộ hung hăng.
+ Đánh nhau với Lí Cường.
+ Tự lấy mảnh chai cào vào mặt, lăn lộn dưới đất để ăn vạ.
Hành động táo tợn, ghê gớm, không sợ bất cứ điều gì
3. Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình?
Người kể chuyện không chỉ hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến từ điểm nhìn của mình mà có cả điểm nhìn bên ngoài tác phẩm như suy nghĩ của dân làng: "Phen này cha con thằng bá Kiến...".
4. Chú ý những chi tiết miêu tả cách "ứng phó" của bá Kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình.
- Đối với Chí Phèo:
+ Khẽ lay và gọi chí rất nhẹ nhàng: "Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?"
+ Đổi giọng thân mật mời Chí vào nhà chơi.
+ Đỡ Chí đứng dậy, ngọt nhạt khuyên lơi.
- Đối với người nhà mình:
+ Quát mấy bà vợ vào nhà.
+ Nháy mắt với lí Cường rồi giả vờ quát.
- Đối với dân làng: Dịu giọng với người dân, đuổi họ về.
- Hành động, cách xử xự của bá Kiến thật khôn khéo, không để người ngoài chê trách mình và lấy được lòng Chí, lợi dụng hắn làm tay sai.
5. Sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo bắt đầu từ những cảm giác, ấn tượng gì?
- Cảm giác: "bâng khuâng", "miệng đắng, lòng mơ hồ buồn", người "bủn rủn", "chân tay không buồn nhấc", ruột gan nôn nao. Bắt đầu cảm thấy sợ hơi rượu.
- Ấn tượng về thế giới bên ngoài: "Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá", tiếng "cười nói", tiếng "Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá". Bắt đầu cảm nhận được những âm thanh quen thuộc mà giờ hắn mới nghe thấy.
- Chí nhớ lại mong ước nhỏ bé của mình trong quá khứ.
6. Điều gì ám ảnh Chí Phèo nhất khi nghĩ về cuộc đời mình?
Tuổi già, đói rét, ốm đau, cô độc là những điều Chí Phèo lo sợ khi nghĩ về cuộc đời mình. Hắn đã "ngoài bốn mươi tuổi đầu", "đã tới cái dốc bên kia của đời", vậy mà Chí vẫn không có gia đình, không có ai ở bên chăm sóc. Thế nên, điều Chí Phèo ám ảnh hắn nhất chính là sự cô độc.
7. Lòng trắc ẩn của thị nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua ý nghĩ và hành động nào?
- Ý nghĩ:
+ Thị thấy hắn đáng thương: "Còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình".
+ "Mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc".
- Hành động: Nấu cháo hành mang đến cho Chí .
8. Người kể chuyện đặt điểm nhìn ở đâu khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của thị Nở?
Khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của Thị Nở, người kể đã đặt điểm nhìn vào bên trong nhân vật. Từ đó bộc lộ được sự thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật.
9. Lời và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ như thế nào đối với Chí Phèo?
Từ lời và điểm nhìn, người kể chuyện đã thể hiện thái độ đánh giá rất khách quan đối với Chí Phèo. Người kể không chỉ nhìn Chí Phèo như một "con quỷ" của làng Vũ Đại, một kẻ luôn chỉ biết rạch mặt ăn vạ, uống rượu chửi bới mà còn nhìn Chí qua quá khứ đã từng là một chàng nông dân lương thiện, hiền lành, chất phác. Từ đó, trao cho người đọc những góc nhìn khác và đánh giá khác đi về nhân vật. Chí Phèo thực chất chính là nạn nhân của những kẻ ỷ quyền ỷ thế ức hiếp dân lành, của nhà tù phong kiến đầy bất công khi xưa.
10. Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo có thỏa đáng không?
- Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo:
+ Tủi thân vì mình không có chồng.
+ Ghen tức với thị Nở: dở hơi, ngoài ba mươi mà vẫn còn đi lấy chồng.
+ Có định kiến với Chí Phèo là thằng không cha không mẹ, làm nghề rạch mặt ăn vạ.
- Lí do không thỏa đáng bởi sự ngăn cấm không xuất phát từ tình yêu thương cháu mà xuất phát từ sự toan tính, ghen tức, đại diện cho những định kiến xã hội đương thời.
11. Tại sao tâm trí của Chí Phèo lúc này lại bị ám ảnh bởi hơi cháo hành?
Bát cháo hành chính là minh chứng cho sự quan tâm mà thị Nở dành cho Chí Phèo. Đó là lần đầu hắn cảm nhận được tình yêu thương, lần đầu được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà. Nhưng giây phút trong lòng hắn khơi dậy ước muốn làm người lương thiện, thị Nở lại quay ngoắt thái độ. Điều này kéo Chí Phèo quay trở lại hiện thực, trở lại với cái lốt "con quỷ" chuyên rạch mặt ăn vạ. Thế nhưng hình ảnh bát cháo cùng mùi hương cháo hành vẫn quanh quẩn, gợi nhắc Chí về mối tình ngắn ngủi đã qua.
12. Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến có phải hoàn toàn do hắn đã say như nhận xét trước đó của người kể chuyện hay không?
Chi tiết Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến không hoàn toàn là do hắn đã say. Sự cự tuyệt của thị Nở đã kéo Chí về với hiện thực nghiệt ngã - nơi hắn hoàn toàn bị tước đi quyền làm người. Và kẻ đã gây ra điều đó, kẻ đã đẩy hắn vào tù, lợi dụng đồng thời biến hắn thành tay sai chính là bá Kiến. Nhưng Chí Phèo cũng biết bản thân sẽ không thể nào trở lại làm người lương thiện. Vậy nên hắn đã chọn cách "đồng quy vu tận" để chấm dứt mối ân oán kéo dài suốt bao năm qua.
13. Đây có phải là những lời của một kẻ say không?
Những lời Chí Phèo nói không phải lời của một kẻ say. Khi đó, anh ta đã được tình yêu của thị Nở thức tỉnh. Chí "kiêu ngạo", "dõng dạc" mà tuyên bố bản thân muốn trở thành người lương thiện. Men rượu có thể làm cho Chí say, nhưng đầu óc, tâm trí của anh ta lúc này hoàn toàn tỉnh táo.
14. Người kể chuyện có đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại không?
Ở đoạn cuối, người kể chuyện không hề đưa ra bất kì bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc đã xảy ra ở làng Vũ Đại. Thay vào đó, người kể lại sử dụng lời của những người dân trong làng. Nào là "kẻ mừng ra mặt", "người nói xa xôi", "mừng nhất là họ kì hào ở trong làng", "Đội Tảo", "những người biết điều thì hay ngờ vực",... Tất cả đã tạo nên một góc nhìn khách quan và đa chiều nhất về sự việc.
15. Ý nghĩa của hình ảnh cái lò gạch cũ là gì?
Hình ảnh cái lò gạch cũ đã từng xuất hiện ở đầu đoạn trích khi nhắc về xuất thân của Chí Phèo: "là đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi bên chiếc lò gạch bỏ không". Việc chi tiết này xuất hiện một lần nữa ở cuối tác phẩm đã tạo nên kết cấu đầu - cuối tương ứng. Đồng thời, khiến độc giả liên tưởng đến việc thị Nở mang thai và sẽ lại có thêm một Chí Phèo khác ra đời, bị bỏ rơi ở chốn cũ như chính cha nó khi xưa. Ngoài ra, hình ảnh cái lò gạch còn tượng trưng cho chế độ phong kiến mục nát, bất công trong thời điểm bấy giờ.
Soạn bài Chí Phèo - Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
III. Sau khi đọc - Soạn bài Chí Phèo
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
- Tóm tắt cốt truyện "Chí Phèo" theo trình tự thời gian cuộc đời nhân vật:
Chí Phèo là đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bên chiếc lò gạch cũ, được một anh đi thả ống lươn bắt gặp và nhặt về cho người làng nuôi. Khi còn nhỏ, Chí đã đi ở cho nhiều nhà, đến lúc trưởng thành thì làm canh điền cho lí Kiến. Thời gian ấy, Chí vẫn còn là một người nông dân chất phác, thật thà, lương thiện với ước mơ về gia đình nhỏ cho riêng mình. Tuy nhiên, bà ba nhà bá Kiến lại hay gọi anh ta vào bóp chân, lợi dụng chàng thanh niên trẻ để thỏa mãn bản thân. Điều này khiến bá Kiến nổi cơn ghen, lấy cớ tống Chí Phèo vào tù. Sau khoảng bảy, tám năm trong tù, Chí trở lại làng Vũ Đại với diện mạo và tính cách hoàn toàn khác. Lần này, hắn lại bị bá Kiến lợi dụng, trở thành tay sai giúp lão đi đòi nợ, chống lại các phe đối địch trong làng. Một lần say rượu, Chí Phèo đã ăn nằm với thị Nở. Được người đàn bà ấy chăm sóc, sự lương thiện ẩn sâu trong Chí như thức tỉnh. Tuy nhiên, bà cô thị Nở biết chuyện lại hết sức ngăn cấm, bắt hai người chia tay. Điều này khiến cho Chí Phèo đau khổ vô cùng. Hắn liên tục uống rượu, vác dao đi muốn chém bà cô. Nhưng cuối cùng hắn lại đến nhà cụ bá, đòi được làm người lương thiện. Hắn giết chết bá Kiến, đồng thời tự kết liễu bản thân. Người làng Vũ Đại bàn tán xôn xao về sự việc này. Thị Nở sau khi ăn nằm với Chí cũng nghĩ nhỡ đâu mình có bầu, rồi lại nghĩ đến cái lò gạch cũ.
- Việc phá vỡ trình tự thời gian cuộc đời nhân vật trong mạch trần thuật của tác phẩm đã giúp người đọc có thêm nhiều góc nhìn về nhân vật, hiểu rõ những hoàn cảnh éo le mà nhân vật phải trải qua. Từ đó, đồng cảm và thấu hiểu hơn cho số phận con người thời bấy giờ.
Câu hỏi 2 trang 35 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:
* Phân loại điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu:
- Điểm nhìn người kể chuyện: "Hắn vừa đi vừa chửi. ... hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại"; "Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? ... cũng không ai biết...".
- Điểm nhìn của nhân vật:
+ Chí Phèo: "Tức thật! Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!"; "Mẹ kiếp, thế thì có phí rượu không? Thế thì nó có khổ hắn không?".
+ Dân làng Vũ Đại: "Chắc nó trừ mình ra".
- Điểm nhìn bên ngoài: "Hắn vừa đi vừa chửi ... Không ai lên tiếng cả";
- Điểm nhìn bên trong: "Tức thật! ... Hắn nghiến răng mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo".
* Nhận xét về tương quan và sự dịch chuyển giữa các điểm nhìn:
- Điểm nhìn linh hoạt, biến chuyển không ngừng.
- Các điểm nhìn không những không làm lu mờ mà còn hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
- Đem đến cái nhìn đa chiều cho người đọc về hoàn cảnh cô độc của nhân vật chính.
* Những nét đặc sắc trong cách mở đầu câu chuyện của Nam Cao:
- Mở đầu không theo trình tự thời gian mà vào thẳng chi tiết giữa truyện.
- Tạo bối cảnh đặc biệt, khơi gợi sự tò mò trong lòng độc giả về nhân vật, cốt truyện.
Câu hỏi 3 trang 35 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:
* Diễn biến tâm trạng Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp thị Nở:
- Chí Phèo thấy buồn:
+ Sau khi tỉnh, hắn "bâng khuâng", "lòng mơ hồ buồn".
+ Chí Phèo bắt đầu thấy "sợ rượu" "như những người ốm sợ cơm".
+ Chí nghe thấy những âm thanh "quen thuộc hôm nào chả có" ở bên ngoài, nhưng buồn vì tận hôm nay hắn mới nghe được.
+ Hắn nhớ lại thuở xa xôi, khi hắn ước ao có một gia đình nhỏ "chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm".
+ Chí Phèo "thấy hắn già mà vẫn còn cô độc", ý thức về tuổi tác, sức khỏe của bản thân: "chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc ... cơ thể đã hư hỏng nhiều".
+ Chí Phèo chìm trong suy nghĩ của mình về "tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc" đến mức "khóc được mất".
- Chí Phèo ngạc nhiên, cảm động khi thấy thị Nở và nồi cháo hành:
+ "Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt".
+ "Vừa vui vừa buồn".
+ Thấy tình yêu làm cho thị Nở có duyên.
+ Thấy ăn năn, "hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa".
+ Nhớ lại hình ảnh của bà ba nhà lí Kiến cùng quá khứ đau khổ.
+ Hắn vừa ăn vừa cười, "thấy lòng thành trẻ con", "muốn làm nũng với thị như với mẹ".
- Nhân tính trỗi dậy:
+ "Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao".
+ Nói với thị Nở: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui".
* Nhân tố mang tính quyết định đối với quá trình hồi sinh nhân tính của nhân vật chính là bát cháo hành của thị Nở. Bát cháo tuy đơn sơ, không phải "cao lương mĩ vị" gì nhưng chính là tình yêu thương giữa người với người được lan tỏa. Thứ tình người ấy Chí Phèo chưa từng được cảm nhận. Tất cả những gì trước nay hắn có chỉ là sự xa lánh, hắt hủi, lợi dụng, giả dối,... Vậy nên khi nhận được bát cháo hành nóng hổi, nhân tính trong Chí đã được khơi dậy mạnh mẽ.
Câu hỏi 4 trang 35 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:
- Phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống:
+ Khi nghe thị "trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô", Chí Phèo "bỗng nhiên ngẩn người", "cứ ngồi ngẩn mặt, không nói gì". Hắn "hình như hiểu" tình cảnh của mình.
+ Khi thị Nở bỏ đi, Chí "sửng sốt, đứng lên gọi lại", "đuổi theo thị, nắm lấy tay".
+ Không giữ được thị Nở, Chí "nhặt một hòn gạch, toan đập vỡ đầu" nhưng rồi lại suy nghĩ "hình như hắn chưa thật say", "đập đầu ở đây chỉ thiệt".
+ Hung dữ nghĩ muốn đến đâm chết bà cô thị Nở.
+ Liên tục uống rượu nhưng "càng uống lại càng tỉnh ra", lại còn "thoang thoảng thấy hơi cháo hành".
+ Uống đến say mềm người ra rồi cầm dao đi.
+ Thay vì đi đến nhà thị Nở, Chí lại đi đến nhà bá Kiến, đòi làm người lương thiện. Sau đó, hắn đâm chết bá Kiến rồi tự cắt cổ.
- Trong phần này, người kể chuyện có đưa ra những phán đoán đáng tin cậy. Dựa vào hành động, tâm lí của Chí, có thể khẳng định lúc đó hắn rất tỉnh táo, thông suốt chứ không phải đơn thuần là một kẻ say. Từ đó, độc giả thấy Chí Phèo ý thức được rõ ràng kẻ đã đẩy hắn vào bước đường cùng, biến hắn thành "con quỷ", tước đi quyền làm người lương thiện của hắn.
Câu hỏi 5 trang 35 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:
Qua hệ thống điểm nhìn và lời kể, có thể thấy thái độ của người kể chuyện với Chí Phèo và thị Nở như sau:
- Tuy miêu tả hai nhân vật của mình xấu xí, thô kệch, bị hắt hủi nhưng người kể không hề thể hiện sự khinh miệt, kì thị.
- Người kể đặt mình vào vị trí của nhân vật để nói lên những suy tư thầm kín trong lòng họ: khát khao hạnh phúc, ước mơ về một gia đình nhỏ đầm ấm, mong muốn làm người lương thiện,...
- Người kể chuyện đã nhìn nhân vật một cách vô cùng khách quan, công bằng, đánh giá nhân vật một cách chân thực. Từ đó, thể hiện sự trân trọng, xót thương, đồng cảm đối với những "đứa con tinh thần" của mình.
Câu hỏi 6 trang 35 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:
- Điểm nhìn và giọng điệu trần thuật ở đoạn kết:
+ Đặt điểm nhìn bên ngoài từ con mắt, ý kiến, quan điểm và lời bàn tán của những người dân làng Vũ Đại. Mang đến nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc khác nhau.
+ Giọng điệu trần thuật gần gũi, tự nhiên, sử dụng nhiều khẩu ngữ, thể hiện rõ được những biến chuyển trong tâm hồn, suy nghĩ của Chí Phèo.
- Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo:
+ Đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nhân tính, sự lương thiện trong một con người đã bị tha hóa cả về phần hồn lẫn phần xác.
+ Hành động phản kháng dứt khoát, mãnh liệt của những người dân nghèo bị áp bức, bóc lột dã man.
+ Lời tố cáo xã hội bất công đã đẩy con người đến bờ vực tuyệt vọng, không có chỗ cho những người lương thiện.
+ Thể hiện quan điểm của tác giả về hiện thực tình trạng xung đột giai cấp ở vùng nông thôn Việt Nam: chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp quyết liệt.
Câu hỏi 7 trang 35 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:
Đoạn kết ở hai tác phẩm tuy trái ngược nhau nhưng đều mang lại những thông điệp vô cùng nhân văn, sâu sắc. Với "Vợ nhặt", đó là niềm tin vào tương lai tương sáng, vào đường lối lãnh đạo sáng suốt của Cách mạng. Còn đối với "Chí Phèo", đó là niềm tin vào bản chất thiện lương của con người. Cho dù người ta có bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính, có bị đày đọa đến đâu thì trong họ vẫn luôn có sự lương thiện, có phần "người" cao quý
Câu hỏi 8 trang 35 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:
Những nét đáng chú ý trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao ở truyện ngắn "Chí Phèo":
- Người kể chuyện:
+ Ngôi thứ 3 - người kể toàn tri. Nắm bắt được một cách khái quát hành động, suy nghĩ, tâm tư, cảm xúc của tất cả các nhân vật.
+ Mang đến trình tự kể linh hoạt, không cố định quá khứ - hiện tại - tương lai. Đem đến những góc nhìn độc đáo, thú vị về hoàn cảnh éo le của nhân vật. Đồng thời, làm nổi bật quá trình tìm lại nhân cách, phần "người" trong nhân vật.
- Điểm nhìn:
+ Sử dụng nhiều điểm nhìn một cách linh hoạt, luân phiên mà vô cùng nhịp nhàng.
+ Đem đến nhiều góc nhìn mới, giúp độc giả hiểu rõ hơn về bản chất của nhân vật.
- Lời trần thuật:
+ Lối kể chuyện tự nhiên, linh hoạt nhưng vẫn rất nhất quán, chặt chẽ.
+ Kết hợp giữa kể và hồi tưởng, liên tưởng một cách khéo léo, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
* Kết nối đọc - viết: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về chi tiết bát cháo hành của thị Nở trong truyện ngắn "Chí Phèo".
Trong truyện ngắn "Chí Phèo", nhà văn Nam Cao đã đưa vào một chi tiết vô cùng đắt giá. Đó chính là bát cháo hành của thị Nở. Sau một thời gian dài sống trong sự ghẻ lạnh, thờ ơ, kì thị của người dân làng Vũ Đại, lần đầu tiên Chí cảm nhận được tình yêu thương. Bát cháo giản đơn ấy khiến Chí Phèo đi từ ngạc nhiên đến xúc động. Đây không chỉ giúp Chí thoát khỏi trận ốm mà còn là liều thuốc kéo anh ta ra khỏi cơn say dài đằng đẵng suốt bao năm qua. Hơi cháo hành thơm nức khiến Chí Phèo tỉnh táo, sung sướng đón nhận sự quan tâm của một người đàn bà. Và cũng chính bát cháo kia đã đánh thức phần "người" ẩn giấu trong hình hài "con quỷ" của làng Vũ Đại. Từ đó, khơi dậy sự lương thiện bị ẩn giấu từ lâu trong Chí Phèo.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-chi-pheo-ngu-van-11-ket-noi-tri-thuc-76784n.aspx
"Chí Phèo" là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Truyện đã mang đến vô số thông điệp ý nghĩa, giúp ta hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Mời các em ghé xem những bài soạn khác trên Taimienphi.vn như: Soạn bài Vợ nhặt, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức; Soạn bài Cải ơi!, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, Soạn bài Nhớ đồng, Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức