Khổ 3, 4,5 của bài thơ Ông đồ nói về giai đoạn chữ Nho không còn được xã hội trọng dụng, ông đồ trở nên lạc lõng, đáng thương giữa cuộc đời. Tìm hiểu chi tiết về hình ảnh ồng đồ khi thất thế cũng như những tình cảm của nhà thơ Vũ Đình Liên, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Ông đồ, các em có thể tham khảo bài Phân tích khổ 3, 4 và 5 của bài thơ Ông đồ để thấy rõ nét chân dung ông Đồ trong giai đoạn thất thế.
Đề bài: Phân tích khổ 3, 4 và 5 của bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên
Phân tích khổ 3, 4 và 5 của bài thơ Ông đồ
I. Dàn ý Phân tích khổ 3, 4 và 5 của bài thơ Ông đồ
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Vũ Đình Liên và 3 khổ thơ trong bài thơ "Ông đồ"
2. Thân bài
a. Khổ thơ thứ 3: Bức tranh thực tại đầy xót xa của nét đẹp văn hóa mai một
- Thời thế xoay chuyển, vị thế của Nho học và các nhà Nho cũng không còn như cũ
- Xuân sang, hoa đào vẫn nở nhưng người xin chữ đã dần thưa vắng.
- Khung cảnh tấp nập khi xưa đã không còn, không khí hiện tại vắng lặng đến nao lòng.
- "Người thuê viết nay đâu" là câu hỏi tu từ, cũng là tiếng thở dài đầy đau xót của nhà thơ.
- Sự vắng lặng bao trùm cảnh vật, thấm vào cả giấy mực
- Nhà thơ đã sử dụng khéo léo những hình ảnh mang tính biểu tượng. Những sự vật vốn vô tri vô giác, trước thực tại hoang tàn cũng mang nặng tâm trạng "buồn", "sầu".
b. Khổ thơ thứ 4: Hình ảnh ông đồ lạc lõng giữa hiện thực
- Hiện tại ông đồ rơi vào hoàn cảnh vô cùng đáng thương.
- Không ai nguyện ý dừng chân, hình ảnh của ông đồ đã trở nên nhạt nhòa đến mức vô hình.
- Sự cô đơn của ông đồ hòa vào cả thiên nhiên, cảnh vật.
- Hình ảnh "Lá vàng rơi trên giấy" là hình ảnh chân thực nhưng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, gợi lên không gian vắng lặng đồng thời "lá vàng" cũng biểu tượng cho mùa thu, sự úa tàn, khô héo.
=> Gợi liên tưởng tới nền nho học đang lụi tàn
c. Khổ thơ thứ 5: Nỗi xót thương của nhà thơ
- Hoa đào vẫn nở rộ, nhưng nho học đã hết thời, ông đồ cũng không thấy nữa
- Câu hỏi tu từ cuối cùng vang lên bày tỏ tấm lòng xót thương vô hạn cho giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những người đã hết lòng giữ gìn nét đẹp ấy.
d. Đánh giá nghệ thuật:
Thể thơ ngũ ngôn gieo vần chân khéo léo, lời thơ bình dị, kết cấu
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ và liên hệ
II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 3, 4 và 5 của bài thơ Ông đồ
Vũ Đình Liên là nhà thơ thuộc thế hệ những cây bút mở đầu cho phong trào thơ mới. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, số lượng tác phẩm ông để lại không nhiều. Nhưng mỗi tác phẩm đều vô cùng giá trị. Tiêu biểu là bài thơ "Ông đồ". Bài thơ thể hiện nỗi niềm hoài cổ, xót thương cho một nét đẹp truyền thống đang dần mai một của dân tộc. Nội dung ấy ấy được thể hiện đặc biệt rõ nét qua khổ thơ 3, 4 và 5 của bài thơ.
"Nhưng mỗi năm mỗi khác
...
Hồn ở đâu bây giờ?"
"Ông đồ" được sáng tác khi Nho học thấy sủng, nhiều nhà nho sa cơ lỡ vận. Tinh hoa nho giáo xưa kia nay đã trở thành tàn tích. Hai khổ thơ đầu, nhà thơ hoài niệm về khung cảnh huy hoàng, nhộn nhịp trong quá khứ của nét đẹp xin chữ đầu năm. Đến ba khổ thơ này, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh ông đồ thời nay, bức tranh về thực tại nhiều xót xa, cay đắng:
"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu"
Thời thế xoay chuyển, xã hội đổi thay, vị thế của nho học và các nhà nho cũng không còn giữ được. Người còn nhưng cảnh mất. Xuân sang, hoa đào vẫn nở nhưng thời gian lặng lẽ trôi đi, người xin chữ đã dần thưa vắng. Khung cảnh tấp nập khi xưa đã không còn, sự trân trọng cùng những lời ngợi khen cũng phai mờ theo năm tháng. Cái còn lại chỉ là không khí vắng lặng đến nao lòng. Xót xa đến nỗi nhà thơ phải thốt lên "Người thuê viết nay đâu". Đó là câu hỏi tu từ, cũng là tiếng thở dài đầy đau xót của nhà thơ.
Nỗi xót xa ấy bao trùm cảnh vật, thấm vào cả giấy mực. "Giấy đỏ" gợi nhắc trong câu thơ là loại giấy mà ông đồ thường dùng để viết chữ Nho. "Mực" là chất liệu viết chữ, đựng trong nghiên. Nhà thơ đã sử dụng khéo léo những hình ảnh mang tính biểu tượng. Giấy vốn đỏ thắm rực rỡ là vậy, nay cũng trở nên nhạt nhòa, ảm đạm. Mực khi xưa sóng sánh bay lượn theo từng nét chữ, nay lại lẳng lặng lắng đọng. Những sự vật vốn vô tri vô giác, trước thực tại hoang tàn cũng mang nặng tâm trạng "buồn", "sầu". Nỗi niềm đồng cảm, xót thương kín đáo mà vô cùng bi ai.
Hình ảnh ông đồ hiện lên thật cô đơn:
"Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay"
Những con người từng ở vị trí cả xã hội tôn kính khi xưa vẫn ở đó, vẫn tiếp tục công việc của mình, không hề đổi thay. Nhưng thời thế biến chuyển, ông đồ rơi vào hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Con người vẫn tĩnh tại, nhưng lòng người đã không còn vẹn nguyên. Dòng người tấp nập ngược xuôi lại không ai nguyện ý dừng chân ngoái lại, vô tình đến đau lòng. Hình ảnh của ông đồ đã trở nên nhạt nhòa đến mức vô hình "ngồi đó" nhưng "không ai hay", cô độc, lạc lõng cùng cực.
Khung cảnh ông đồ ngồi chờ người đến xin chữ được tái hiện dưới ngòi bút của Vũ Đình Liên vô cùng vắng vẻ, quạnh hiu. Sự cô đơn của ông đồ hòa vào cả thiên nhiên, cảnh vật.
"Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay"
Hình ảnh "Lá vàng rơi trên giấy" là hình ảnh chân thực nhưng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Nó gợi lên không gian vắng lặng đến mức chiếc lá vàng rơi, lưu lại trên trang giấy đỏ cũng không ai hay.
Đồng thời "lá vàng" cũng biểu tượng cho mùa thu, sự úa tàn, khô héo. Mùa xuân lại tàn tạ, thiếu sức sống. Phải chăng đó chính là sự liên tưởng tới nền nho học đang lụi tàn. Nhà thơ không thể ngăn lại dòng nước mắt xót xa, lạnh lẽo như mưa bụi ngoài trời.
Khép lại bài thơ, Vũ Đình Liên bày tỏ niềm xót thương vô hạn đối với ông đồ, với nét đẹp văn hóa đã mai một của dân tộc:
"Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ"
Bên trên người còn cảnh mất, đến đây cả cảnh lẫn người đều không còn. Hoa đào vẫn nở rộ, nhưng nho học đã hết thời, ông đồ cũng không thấy nữa. Ông đồ đã hoàn toàn biến mất trong bức tranh. Là do lòng người đổi thay, là do thời gian xóa nhòa hay nét đẹp truyền thống không được giữ gìn đã mất?
Câu hỏi tu từ cuối cùng vang lên bày tỏ tấm lòng xót thương vô hạn cho giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những người đã hết lòng giữ gìn nét đẹp ấy.
Có thể nói, Vũ Đình Liên đã tạo dựng cho ba khổ thơ giá trị nội dung lẫn nghệ thuật vô cùng thành công. Thể thơ ngũ ngôn gieo vần chân khéo léo, lời thơ bình dị mà cô đọng, sâu lắng. Đặc biệt kết cấu đầu cuối tương ứng tạo sự liên kết thống nhất, chặt chẽ. Tất cả phối hợp với nhau tạo nên cho đoạn thơ nghệ thuật đặc sắc. Để rồi qua đó gửi gắm nỗi hoài niệm xót thương của nhà thơ với ông đồ, niềm tiếc nuối cho sự mai một của nền văn hóa dân tộc. Đồng thời thể hiện phong cách nghệ thuật của Vũ Đình Liên.
3 khổ thơ đã góp phần sâu sắc thể hiện giá trị của bài thơ, gợi nhắc cho người đọc về một thời quá khứ huy hoàng của nền Nho học xưa kia. Nó cũng nhắc nhở chúng ta biết trân trọng, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
------------------HẾT---------------------
Để đảm bảo sự liền mạch trong việc tìm hiểu về hình ảnh ông Đồ trong bài thơ Ông Đồ từ thời còn được coi trọng đến khi chữ Nho thất thế, bên cạnh bài Phân tích khổ 3, 4 và 5 của bài thơ Ông đồ, các em có thể tìm đọc thêm: Cảm nhận khổ thơ 1 2 bài thơ Ông đồcủa Vũ Đình Liên, Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ Ông đồ,Phân tích bài thơ Ông đồcủa Vũ Đình Liên, Phân tích giá trị biểu cảm của hai câu thơ sau trong bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên: Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-3-4-va-5-cua-bai-tho-ong-do-57080n.aspx